Thần Lửa A Nhi
Thần Lửa A Nhi là một trong những vị thần lớn nhất và lâu đời nhất của Ấn Độ. Truyện giải thích các hiện tượng thiên tai do lửa và sự tích chim đầu rìu.
Ấn Độ có rất nhiều truyện thần thoại ca ngợi các lực lượng thiên nhiên và các hiện tượng vũ trụ, suy tôn thành những vị thần có quyền lực cao như: thần Mặt Trời, thần Mặt Trăng, thần Biển Cả, thần Đất, thần Mua, thần Lửa, v.v… Đây là một truyện rút ra từ kho tàng thần thoại phong phú của Ấn Độ.
Thần Lửa A Nhi (Agni) là một trong những vị thần lớn nhất và lâu đời nhất của Ấn Độ. Thần rất cao lớn, da thịt đỏ au, có bảy cánh tay màu sắc như cầu vồng, lưỡi dài và lanh lẹ lạ thường.
Chính thần đã tung lên trời quả cầu lửa sưởi ấm chúng ta, nung chín cây, lúa, đỗ, ngày ngày soi sáng cho chúng ta làm ăn. Chính thần thắp các vì sao lên, nếu không đêm tối sẽ sâu thẳm và rùng rợn biết bao. Thần có phép phân thân[1] nên thần ở khắp mọi nhà, vào bếp nấu thức ăn, đốt đèn rọi trang sách. Không có thần ở trong nhà, con người sẽ đói, rét, sợ sệt, sống không khác gì loài cầm thú.
Thần có tính nóng vội, lại phải ở khắp nơi, không coi xuể công việc, nên đôi lúc vô tình gây thiệt hại cho sinh linh[2] và hoa cỏ.
Một hôm thần Lửa A Nhi giúp người đốt cỏ dại ở ven rừng. Mải lo đi giúp nơi khác nữa, thần không về dập lửa kịp thời, nên lửa cháy vào rừng, lan rộng ra nhanh chóng, trong rừng có năm mẹ con chim Đầu Rìu. Mẹ chịu kêu than: con mình chưa biết bay, phen này mẹ con chắc bị thiêu sống.
Bỗng chim nghĩ được một kế cứu con:
– Các con ơi, đằng kia có cái hang chuột. Các con hãy vào đấy, mẹ sẽ khỏa cát lên lấp tạm, khi lửa tắt mẹ sẽ đến đón các con.
– Nhưng mẹ ơi – một con chim thưa – con chuột to lắm, nó sẽ ăn thịt chúng con mất.
– Không đâu, bé yêu ạ. Con chuột ở cái hang này đã bị diều hâu bắt rồi, chính mẹ trông thấy.
– Còn có những con chuột khác, mẹ ạ – một chim con nữa nói – Bị chuột ăn thì đau đơn và nhục nhã quá, mẹ ơi, thà chết thiêu còn hơn.
– Bị thiêu nóng lắm, các con ạ. Chỉ có một cách là mẹ xòe hai cánh ra ấp các con dưới bụng, che lửa cho các con. Mẹ sẽ chết cháy còn các con may chăng sống sót.
– Không, không mẹ ơi! Không đời nào! – bốn chú chim con đồng thanh kêu lên. Rồi chú khôn nhất nói: “Nếu mẹ chết thì chúng con cũng sẽ chết đói, chết khát thôi. Và họ Đầu Rìu nahf ta sẽ tuyệt giống, tuyệt nòi. Mẹ còn trẻ lắm. Thoát nạn này, mẹ sinh một lũ em. Mẹ hãy bay đi, bay nhanh đi, lửa đến rồi. Chúng con van mẹ”.
– Mẹ trốn một mình sao đành chứ?
– Trốn đi, trốn đi mẹ ơi! – Bốn chú chim con lại đồng thanh kêu lớn – Bay nhanh đi, nếu không chúng con đâm đầu vào lửa cho mà xem.
Mấy con chim con vỗ lạch bạch những đôi cánh chưa có lông rắp[3] xông vào lửa. Chim mẹ hoảng quá, đành phải bay đi.
Bấy giờ bốn anh em chụm đầu vào nhau kêu cầu thần Lửa.
– Thần Lửa A Nhi quảng đọa[4] ôi! Chúng con hiện nay mất mẹ, lát nữa sẽ mất xác? Rồi mẹ chúng con sẽ vì xót xa mà chết héo chết khô. Chỉ có ngài là cứu được chúng con hỡi thần A Nhi nhân hậu[5].
Bỗng có tiếng vang vọng từ xa:
– Các con đừng lo sợ. Tai họa sắp qua rồi. Và mẹ các con sẽ về với các con.
Đó là tiếng của Thần Lửa. Thần đã trở về và kịp nghe tiếng kêu thảm thiết của mấy chú chim con. Thần dập tắt ngay ngọn lửa hung dữ, liền đó chim đầu rìu mẹ cũng bay về.
Cảm tạ thần A Nhi nhân hậu, năm mẹ con nhuộm đỏ chùm lông mũ của mình, ngụ ý thờ Thần Lửa trên đầu.
Câu chuyện Thần Lửa A Nhi – Thần thoại Ấn Độ
Huỳnh Lý kể
Nguồn: SGK Văn lớp 6, tập 1 (1989)
– TheGioiCoTich.Vn –
Chú thích trong truyện Thần Lửa A Nhi
- Phép phân thân: theo sự tin tưởng của người xưa, đây là phép lạ, có thể phân chia thân mình ra để cùng một lúc có mặt và hoạt động ở nhiều nơi khác nhau.
- Sinh linh (từ cũ): nhân dân, dân chúng.
- Rắp: sắp sửa.
- Quảng đại: rộng lớn, chỉ đức tính rộng rãi, độ lương.
- Nhân hâu: có lòng thương người (nhân) và ăn ở tốt, rộng rãi với mọi người (hậu).