Câu chuyện “Đẽo cày giữa đường”
“Đẽo cày giữa đường” là truyện ngụ ngôn nổi tiếng của Việt Nam, nhắc nhở chúng ta phải có chính kiến, đừng nghe theo ý kiến của thiên hạ.
Xưa có một người thợ mộc bỏ ra ba trăm quan tiền về mua gỗ để làm cái nghề đẽo cày mà bán. Cửa hàng anh ta mở bên đường. Ai qua đó cũng ghé vào coi.
Người này thì nói: “Phải đẽo cho cao, cho to, thì mới dễ cày“. Anh ta cho là phải, đẽo cày vừa to vừa cao.
Người khác lại nói: “Có đẽo nhỏ hơn, thấp hơn thì mới dễ cày“. Anh ta cho là phải, lại đẽo cày vừa nhỏ, vừa thấp.
Sau lại có người bảo: “Nay ở trên ngàn, hiện có người đang phá hoang bao nhiêu đồng ruộng và cày tính bằng voi cả. Nếu đẽo cày cho thật cao, thật to gấp đôi gấp ba thế này để voi cày được, bày ra hàng bán thì chắc là bán được nhiều lắm, mà rồi lãi vô vàn“.
Người thợ mộc nghe nói, liền đẽo ngay một lúc bao nhiêu cày to gấp năm, gấp bảy thứ thường bày ra bán. Nhưng qua bao nhiêu ngày tháng, chẳng thấy ai đến mua cho một cái nào, cũng chẳng thấy ai nói voi đi cày ruộng cả. Thành có bao nhiêu gỗ hỏng bỏ hết và bao nhiêu vốn liếng đi đời nhà ma sạch. Người thợ mộc bây giờ mới biết dễ nghe người là dại. Nhưng quá muộn rồi, không sao chữa được nữa!
Bởi truyện này mới có câu tục ngữ rằng: “Đẽo cày giữa đường” để nói những người hay để tai nghe làm theo thiên hạ đến nỗi mất cả cơ nghiệp.
Một câu chuyện “Đẽo cày giữa đường” khác
Lại còn truyện “Đẽo cày giữa đường” nữa, nhưng người thợ trong truyện này trái ngược hẳn với người thợ trong truyện trước.
Truyện rằng: Xưa có người thợ, một hôm, đem gỗ ra giữa đường để đẽo cày.
Thoạt vừa đem gỗ ra, đã có người đi qua hỏi: “Bác làm cái gì đấy?”
Người thợ không ngoảnh ra nhìn, đáp: “À tôi đẽo cái cày“.
Một chốc, mới đẽo được ít nhát, có người đi qua, hỏi: “Bác làm cái gì đấy?”
Người thợ không ngửng đầu lên, đáp: “À tôi đẽo cái chày“.
Chốc nữa, đẽo được một phần ba, có người đi qua hỏi: “Bác làm cái gì đấy?”
Người thợ đầu vẫn cúi, đáp: “À, tôi đẽo chiếc đũa“.
Chốc nữa, đẽo được nửa chừng có người đi qua, hỏi: “Bác làm cái gì đấy?”
Người thợ không ngừng tay, đáp: “À, tôi đẽo cái chìa vôi“.
Lại chốc nữa, đẽo được ba phần, có người đi qua hỏi: “Bác làm cái gì đấy?”
Người thợ hơi phát khùng, vừa làm vừa đáp: “À, tôi đẽo cái tăm xỉa răng“.
Lại chốc nữa, đẽo đã gần xong, có chị đàn bà đi qua cũng lon ton lại hỏi: “Bác làm gì đấy?”
Người thợ vừa nhìn, vừa nhoẻn miệng đáp: “À tôi đẽo cái “vừa đo” “.
Từ đó tịt, kẻ qua người lại, không thấy ai hỏi làm gì nữa, mà người thợ được ngồi yên, làm chu tất xong cái cày.
Câu chuyện “Đẽo cày giữa đường”
Truyện cổ nước Nam – Nguyễn Văn Ngọc
Những câu chuyện ngụ ngôn ý nghĩa
Truyện ngụ ngôn là những câu chuyện dân gian, sử dụng các biện pháp ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con người để chỉ đến một vấn đề triết lý, luân lý mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc hoặc lên án về một thực tế, về những tật xấu của con người.
Ngoài câu chuyện “Đẽo cày giữa đường” kể trên, Thế giới cổ tích đã sưu tầm và chọn lọc ra những câu chuyện ngụ ngôn hay nhất, mang tính giáo dục sâu sắc không chỉ dành riêng cho các bạn nhỏ, mà còn là những bài học vô cùng ý nghĩa đối với tất cả chúng ta.