Câu chuyện “Lời nói có phép lạ”
“Lời nói có phép lạ” là một câu chuyện vô cùng ý nghĩa của nhà văn Valentina Oseyeva, nhắc nhở chúng ta hãy biết ăn nói lễ độ với người khác.
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
– Ca dao Việt Nam –
Một cụ già tóc trắng như cước ngồi trên chiếc ghế dài ngoài vườn hoa. Cụ hỏi bé Pavlik vừa đi tới:
– Hình như cậu đang có điều gì buồn bực?
– Chỉ tại con Lenka. Nó không bao giờ muốn cho cháu chiếc bút chì của nó. Cả bà và anh cháu nữa. Cả nhà chẳng ai thương cháu cả. Khi anh cháu làm chiếc thuyền, anh ấy không bao giờ cho cháu làm chung.
Cháu bảo: “Em sẽ bẻ bơi chèo đi rồi em nhảy xuống đi một mình”.
– Tôi sẽ có cách giúp cậu.
– Làm thế nào hở cụ?
Cụ già ghé tai cậu bé thì thầm, rồi nói to:
– Đó là lời nói có phép lạ.
– Cháu về ngay bây giờ sẽ áp dụng ngay.
Lenka đang ngồi vẽ, vừa thấy Pavlik về, nó vội quơ cả nắm bút chì màu giữ chặt trong ta.
Pavlik đến gần em, lấy giọng hết sức dịu dàng:
– Cho anh một chiếc bút chì nào.
Em gái Lenka trò mắt ngạc nhiên. Nó xòe ngay bàn tay ra bảo:
– Anh muốn lấy chiếc nào, em cho đấy.
Pavlik mở cửu nhà bếp đến bên bà âu yếm nói bằng giọng ngọt ngào:
– Bà ơi, bà cho cháu một mẩu bánh nhé!
Lời nói của Pavlik đúng là có phép lạ. Nó làm sáng lên đôi mắt và nụ cười của bà.
Khi anh trai khoe sẽ đi thuyền, Pavlik đặt tay lên vai anh đề nghị:
– Cho em đi cùng với nhé!
Anh nhìn Pavlik ngần ngại thì cả nhà cùng ủng hộ cậu bé. Lenka năn nỉ:
– Anh cho Pavlik đi với!
– Được rồi. Nhưng phải ngoan đấy.
Pavlik sung sướng nhảy tót ra phố tìm cụ già. Nhưng cụ không còn ngồi ở vườn hoa nữa.
Câu chuyện “Lời nói có phép lạ”
– Valentina Oseyeva –
An Giang lược dịch từ Tạp chí Sputnik
Nguồn: Giáo dục công dân lớp 6, trang 33 – 34, NXB Giáo dục 1989
Valentina Oseyeva và câu chuyện “Lời nói có phép lạ”
Nhà văn Valentina Oseyeva (1902 – 1969). Những câu chuyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi của bà thường được kể một cách đơn giản, dễ hiểu và chứa đựng những bài học đạo đức cao đẹp, giúp chúng ta hiểu được những điều tốt xấu trong cuộc sống.
Ở Việt Nam, chúng ta thường biết tới bà qua câu chuyện “Cô chủ không biết quý tình bạn” với cái tên phiên âm tiếng Việt khó hiểu là Va-lăng-tanh Ô-xê-ê-va.
Để hiểu hơn về nhà văn Valentina Oseyeva, các bạn có thể tìm đọc thêm trong phần giới thiệu tác giả của câu chuyện “Cô chủ không biết quý tình bạn”.
Giống như câu chuyện “Lời nói có phép lạ”, tục ngữ Việt Nam có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” ngụ ý nhắc nhở chúng ta phải biết học những phép lịch sự, nói năng lễ độ, bao dung và rộng lượng trong cuộc sống. Mỗi dân tộc đều có những câu chuyện với những bài học đạo đức sâu sắc. Bạn có thể đọc thêm “Hòn đá có phép nhiệm màu” của người dân đất nước Litva sẽ thấy rõ hơn điều đó, truyện có ý nhắc nhở vợ chồng phải biết yêu thương và nhường nhịn nhau thì cửa nhà mới luôn yên ấm.