Câu chuyện “Cảm ơn anh hà mã”
“Cảm ơn anh hà mã” là câu chuyện ý nghĩa, giáo dục các bạn nhỏ phải luôn nói chuyện lịch sự, lễ phép đối với người lớn, và biết cảm ơn khi được họ giúp đỡ.
Dê rủ cún vào rừng chơi, khi quay về thì bị lạc đường. Gặp cô hươu, dê hỏi:
– Cô kia, về làng đi lối nào?
– Không biết. – Hươu lắc đầu, bỏ đi.
Đi tiếp tới một con sông, thấy anh hà mã, dê nói to:
– Bọn tôi muốn về làng, hãy đưa bọn tôi qua sông!
Hà mã phật ý [1], định bỏ đi. Thấy vậy, cún nói:
– Chào anh hà mã, anh giúp bọn em qua sông được không ạ?
– Được chứ! Em ngoan quá! – Hà mã vui vẻ nói.
– Cảm ơn anh! – Cún đáp rồi quay sang nói nhỏ với dê:
– Cậu quên lời cô dặn rồi à? Muốn ai đó giúp, phải hỏi một cách lịch sự [2], còn khi họ giúp mình, phải nói “cảm ơn”!
Dê con hơi xấu hổ. Sang bên kia sông, dê nói với hà mã:
– Cảm ơn anh đã giúp. Em biết mình sai rồi. Em xin lỗi ạ!
Hà mã mỉm cười:
– Em biết lỗi là tốt rồi. Giờ các em cứ đi theo đường này là về làng thôi.
Câu chuyện “Cảm ơn anh hà mã”
Theo Cùng con rèn thói quen tốt
Nguồn: Tiếng Việt 2, Tập 2, trang 84-85, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”,
NXB Giáo dục Việt Nam – 2021
Chú thích
- Phật ý: không hài lòng.
- Lịch sự (nghĩa trong bài): lễ phép.
Thử thách trong câu chuyện “Cảm ơn anh hà mã”
- Hươu đã làm gì khi nghe dê hỏi?
- Ý nào sau đây đúng với thái độ của hà mã khi cún nhờ đưa qua sông?
- Bực mình bỏ đi.
- Bực mình nhưng đồng ý đưa qua sông.
- Vui vẻ đồng ý đưa qua sông.
- Vì sao dê con thấy xấu hổ?
- Bạn học được điều gì từ câu chuyện này?
Những câu chuyện ngụ ngôn ý nghĩa
Truyện ngụ ngôn là những câu chuyện dân gian, sử dụng các biện pháp ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con người để chỉ đến một vấn đề triết lý, luân lý mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc hoặc lên án về một thực tế, về những tật xấu của con người.
Ngoài câu chuyện “Cảm ơn anh hà mã” kể trên, Thế giới cổ tích đã sưu tầm và chọn lọc ra những câu chuyện ngụ ngôn hay nhất, mang tính giáo dục sâu sắc không chỉ dành riêng cho các bạn nhỏ, mà còn là những bài học vô cùng ý nghĩa đối với tất cả chúng ta.