Cái trống của Sóc [Truyện cổ tích về loài vật]

Truyện cổ tích Cái trống của Sóc

Cái trống của Sóc là truyện cổ tích về loài vật, khuyên chúng ta không nên ỷ mạnh hiếp yếu, đồng thời ca ngợi cách vận dụng trí thông minh trong cuộc sống.

Ngoài ra, câu chuyện còn có ý giải thích cho các bạn nhỏ biết được nguồn gốc của bộ lông lốm đốm trên mình loài báo và chiếc mai cứng chắc của loài rùa ngày nay.

Truyện được đưa vào giảng dạy trong sách Tập đọc lớp 2 phổ thông, NXB Giáo dục – 1977.

Sóc có một cái trống rất to, rất đẹp. Nhưng không vì thế mà Sóc giữ trống chơi một mình. Vào những đêm sáng trăng, Sóc mang trống ra đánh. Mọi vật trong rừng chạy đến, cùng nhảy múa, ca hát theo tiếng trống nhịp nhàng. Nhưng Báo vừa ích kỷ, vừa tham lam, đã dùng sức mạnh cướp trống của Sóc chơi một mình. Thật là tức. Báo vừa mạnh, vừa hung. Làm thế nào để lấy lại trống cho Sóc bây giờ! Thế là mọi con vật trong rừng họp nhau lại bàn bạc.

Voi là người đầu tiên xung phong đi đòi trống. Nhưng Voi không thắng nổi Báo. Gấu lên đường, nhưng cũng phải về không.

Trăng rằm đẹp quá, nhưng mọi vật đều buồn thỉu buồn thiu. Thấy thế, Rùa bèn xin đi lấy trống. Sóc can ngay:

– Ôi! Bạn Rùa, sao bạn liều thế? Voi và Gấu đâu có phải là kém, đã không lấy lại trống được mà còn suýt bỏ mạng. Bạn liều như thế không nên đâu.

– Đừng lo cho tôi. Tôi đã có cách. Thế nào tôi cũng đem được trống về.

Nói xong, Rùa ra đi.

Vừa trông thấy Rùa, Báo thét lên:

– À! Con Rùa ngu xuẩn. Mày định đến đây đòi trống cho Sóc đấy à? Khôn hồn thì xéo ngay đi!

– Không phải đâu. – Rùa bình tĩnh trả lời – Tôi nghe người ta nói cái trống của ông Báo còn nhỏ lắm nên tôi đến xem có thật như thế không?

– Cái trống này mà không to à?

Rùa lắc đầu tỏ vẻ không tin:

– Nó không to đâu. Nếu ông Báo chui vào nằm gọn được trong trống thì trống mới thật là to.

– Được, ta sẽ cho mi xem ta có nằm gọn được trong trống không. Mi hãy giương to mắt ra mà nhìn.

Nói xong, Báo lách qua mặt trống chui vào trong tang.

– To gì mà to! Vẫn còn thò hai chân sau kìa.

Báo cố thu mình bỏ luôn hai chân sau vào.

– Còn cái đuôi vẫn thò ra đấy.

Báo lại cố hết sức cong người cho đuôi vào.

Rùa chỉ chờ có thế. Lập tức, Rùa chạy lại, bịt mặt trống và đóng bồi thêm mấy chiếc đinh thật chắc. Xong, Rùa ung dung lăn trống về.

Thấy Rùa lăn trống về, mọi con vật đều nhao nhao lên:

– Hoan hô Rùa!

– Rùa thật đáng thưởng!

– Còn Báo đâu?

Rùa trả lời:

– Báo ở trong trống đấy.

– À, mở trống ra! Phải cho nó một trận đòn nên thân để nó chừa cái thói ăn cướp ấy đi.

Mặt trống được tháo ra. Báo vừa sợ, vừa nhục, vừa đi giật lùi, vừa kêu khóc xin tha tội. Chẳng may, Báo bước lùi vào đống lửa. Lưng Báo cháy khét lẹt. Từ đấy, trên mình Báo cứ lốm đốm những mảng lông cháy đen.

Còn Rùa được thưởng một bộ áo giáp thật cứng, thật chắc. Từ đó Rùa chẳng bao giờ đánh mất chiếc mai đẹp ấy cả.

Câu chuyện Cái trống của Sóc – Truyện cổ tích về loài vật
Nguồn: Tập đọc lớp 2 phổ thông, trang 107,
NXB Giáo dục – 1977
– TheGioiCoTich.Vn –

Chú thích trong câu chuyện

  1. Tang trống: vỏ gỗ của cái trống.
  2. Áo giáp: áo bằng sắt hoặc bằng mây đan, thời xưa, mặc lúc ra trận để tránh tên hoặc gươm, giáo đâm trúng vào người.
  3. Mai rùa: (có nơi gọi là mu rùa) phần cứng ở lưng rùa.
  4. Báo: (có nơi gọi là beo) là loài thú giống cọp nhưng nhỏ hơn cọp, lông có những đốm nhỏ màu sẫm.
Cái trống của Sóc [Truyện cổ tích về loài vật]
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới

Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé

Ngoài câu chuyện Cái trống của Sóc kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.Vn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *