Truyện cổ tích Cậu bé Tí Hon
Cậu bé Tí Hon là một trong những truyện cổ Grimm rất phổ biến ở các nước phương Tây, kể về những cuộc phiêu lưu thú vị của chú bé Tí Hon thông minh.
Xưa có một bác nông dân nghèo. Buổi tối bác thường ngồi bên bếp lửa, nói với bác gái đang xe chỉ:
– Vợ chồng mình hiếm hoi [1] thật là buồn. Nhà mình tẻ ngắt, còn các nhà láng giềng [2] thì thật vui vẻ nhộn nhịp.
Bác gái thở dài đáp:
– Giá được đứa con dù bé bằng ngón tay cái, tôi cũng thỏa lòng, chắc vợ chồng mình cũng sẽ yêu quý nó lắm nhỉ.
Được ít lâu, người vợ thụ thai [3] và bảy tháng sau sinh được một thằng bé đầy đủ mặt mũi, chân tay, nhưng chỉ vừa bằng ngón tay cái.
Hai vợ chồng nói:
– Thật đúng như lời ước nguyện [4]. Vợ chồng mình sẽ yêu quý nó lắm nhỉ.
Vì cậu bé chỉ nhỏ bằng ngón tay cái nên họ đặt tên là Tí Hon. Tuy hai vợ chồng cho con ăn uống đầy đủ, con vẫn không nhỉnh lên chút nào cả, cứ nguyên như lúc đẻ ra. Được cái mặt mũi sáng sủa, có vẻ thông minh. Chẳng bao lâu cậu bé đã khôn ngoan, khéo léo, làm gì cũng được.
Một hôm, người bố sửa soạn vào rừng đốn củi, miệng lẩm bẩm: “Giá ta có người đánh xe [5] hộ có thích không.”
Cậu bé Tí Hon bèn thưa rằng:
– Bố ạ, con đánh xe được, bố cứ tin ở con, thế nào xe cũng tới rừng đúng lúc.
Bố cười, nói:
– Con đánh xe thế nào được! Con bé quá, không cầm nổi cương đâu.
– Không sao, bố ạ. Nếu mẹ con thắng ngựa cho con, con sẽ ngồi vào tai nó. Con thét một tiếng là nhất định nó phải đi.
Bố nói:
– Được, để thử xem.
Mẹ thắng ngựa và đặt chú bé Tí Hon vào tai ngựa. Chú thét: “Tắc tắc!” cho ngựa chạy. Thế là ngựa chạy, như có người đánh xe thật, và xe cứ đúng đường chạy vào rừng.
Khi xe rẽ ở một chỗ ngoặt, Tí Hon thét: “Tắc!” thì có hai người lạ mặt chạy đến. Một người nói:
– Trời ơi, không thấy người đánh xe mà xe cứ đi, lại nghe thấy tiếng người đánh xe. Quái lạ nhỉ!
Người kia nói:
– Ừ, cũng lạ thật. Ta thử đi theo xem xe ở chỗ nào nào.
Xe chạy thẳng một mạch vào rừng rồi dừng lại đúng chỗ có củi đã đẵn. Cậu bé Tí Hon thấy bố liền gọi:
– Bố ơi, bố thấy chưa, con đã đưa xe đến đây, bố cho con xuống đi.
Bố chạy đến, tay trái nắm cương ngựa, tay phải nhấc con ra khỏi tai ngựa, rồi đặt con xuống. Tí Hon vui vẻ ngồi lên một cọng rơm.
Trông thấy Tí Hon, hai người lạ mặt sửng sốt không nói nên lời. Một người kéo bạn ra một chỗ bảo:
– Này, nếu ta đem thằng nhóc này đi trò [6] ở tỉnh to thì phát tài [7] đấy. Ta mua nó đi.
Hai người liền đến bảo bác nông dân:
– Ông bán cho chúng tôi thằng bé này, chúng tôi sẽ chăm sóc nó cẩn thận.
Người bố đáp:
– Không, nó là khúc ruột cắt đôi của tôi. Bạc vàng trên cả thế gian này đối với tôi cũng không bằng được.
Nghe thấy hai người hỏi mua, Chú bé Tí Hon níu quần áo bố trèo lên vai, nói thầm:
– Bố ơi, bố cứ bán con đi, thế nào rồi con cũng về lại về nhà được.
Nghe con nói vậy, người bố thấy cũng yên lòng, liền bán Tí Hon lấy một món tiền thật to.
Hai người kia hỏi Tí Hon:
– Cậu muốn ngồi đâu?
– Khó gì đâu, cứ để cháu lên vành mũ, cháu sẽ đi đi lại lại trên ấy xem phong cảnh, cháu không ngã đâu mà ngại.
Một người đặt nó lên vành mũ.
Sau khi Tí Hon đã chào bố mẹ, họ đem cậu đi, đi mãi. Đến xâm xẩm tối, Tí Hon nói:
– Cho cháu xuống đất một lát với, cháu cần lắm.
Người mang nó trên mũ nói:
– Cứ việc ở trên ấy, không có gì phiền đến bác đâu. Chim thỉnh thoảng ỉa trên ấy đấy mà!
Cậu bé Ti Hon nói:
– Không mà, cháu cũng biết cư xử thế nào cho phải. Bác cho cháu xuống mau đi.
Người ấy cất mũ, nhấc Tí Hon xuống ruộng gần vệ đường. Cậu bé nhanh chân lẩn ngay vào giữa những cục đất, rúc vào một cái hang chuột. Rồi lên tiếng chế hai người kia:
– Thôi chào hai bác, hai bác về với nhau nhé.
Hai người lấy gậy chọc vào hang chuột để bắt cậu bé lại, nhưng không được, vì Tí Hon bò vào sâu quá.
Trời đất đã tối hẳn, hai người bực mình, đành phải bỏ về tay không.
Khi họ đã đi rồi, Tí Hon chui ở hang ra. Cậu bé nghĩ bụng: “Đêm tối mà cứ chuệnh choạng ngoài đồng thì nguy, vỡ đầu gẫy cẳng như chơi.” May sao Tí Hon vấp phải một cái vỏ sên. Cậu chui vào và nói:
– Lạy chúa! Đêm nay con có chỗ ngủ yên.
Vừa chợp mắt, thì nó nghe thấy có tiếng hai người đi qua. Một người nói:
– Làm thế nào mà ăn trộm được vàng bạc của lão cha xứ [8] giàu xụ nhỉ?
Chú bé Tí Hon nói xen vào:
– Để cháu bày mưu cho.
Một tên trộm hốt hoảng nói:
– Cái gì thế ? Tao vừa nghe thấy tiếng người nói.
Chúng đứng lại, lắng tai nghe. Tí Hon lại nói:
– Các bác cứ đem cháu đi theo, cháu sẽ giúp cho.
– Nhưng mày ở chỗ nào cơ?
– Các bác cứ tìm ở dưới đất, chỗ nào có tiếng nói ấy.
Bọn trộm tìm mãi mới thấy Tí Hon. Chúng nhấc cậu lên và hỏi:
– Mày liệu giúp chúng tao được việc gì hở thằng nhãi?
– Cháu sẽ luồn qua chấn song cửa sổ nhà cha xứ. Các bác muốn lấy gì cháu chuyển ra cho chứ sao.
– Được. Để xem tài mày ra sao.
Khi kẻ trộm đến nhà cha xứ. Chú bé Tí Hon chui vào buồng, rồi thản nhiên hỏi rõ to:
– Các bác có muốn khoắng [9] sạch buồng này không?
Bọn trộm sợ hãi bảo nó:
– Nói khẽ chứ, người ta thức dậy bây giờ!
Nhưng Tí Hon tảng lờ như không nghe thấy, lại hỏi to:
– Các bác muốn lấy gì? Khoắng sạch nhé?
Bà cụ làm bếp ngủ ở buồng bên cạnh nghe thấy, ngồi nhổm dậy, lắng tai nghe. Bọn kẻ trộm hốt hoảng toan lẩn ra nhưng lại trấn tĩnh [10], cho là cậu bé Tí Hon trêu mình thôi. Chúng quay trở lại khẽ bảo:
– Thôi nào, đừng đùa nữa. Có gì thì chuyển ra đi nào!
Tí Hon lại kêu thật to:
– Cháu chuyển tất cả nhé, giơ tay ra mà đón lấy.
Lần này bà già nghe thấy rõ mồn một, bước xuống giường lò mò ra cửa. Kẻ trộm vội chạy bán sống bán chết [11] như có ma đuổi. Bà già không thấy gì, đi thắp nến. Khi bà trở lại, Tí Hon đã trốn vào đống cỏ. Bà lục soát mọi chỗ không thấy gì, tưởng mình mê ngủ, lại lên giường nằm.
Cậu bé Tí Hon nằm co tròn trong đám cỏ khô, định ngủ đến sáng mai rồi về nhà. Nhưng định thế này lại hóa ra thế khác. Chà, ở đời thật lắm gian nan! [12]
Trời mới tảng sáng, bà già đã dậy cho súc vật ăn. Trước tiên bà vào kho, lấy một ôm cỏ, đúng ngay chỗ Tí Hon ngủ. Tí Hon ngủ say quá, nên mãi đến khi đã vào mõm bò rồi mới thức giấc. Cậu bé hốt hoảng kêu lên:
– Trời ơi, tôi đã ở trong cối bác nện dạ rồi.
Nhưng sau Tí Hon biết ngay là đã vào mõm bò rồi. Cậu bé cố trách cho khỏi bị nghiến, thì bị nuốt trôi vào dạ dày. Cậu nghĩ bụng: “Gian nhà này không có cửa sổ, chẳng thấy mặt trời đèn đóm gì cả”. Ở đây nó thấy khó chịu lắm, khổ nhất là cỏ cứ tuôn mãi vào, chỗ ở càng ngày càng thêm chật hẹp. Tí Hon sợ quá, kêu to:
– Đừng tuồn cỏ tươi vào nữa! Đừng tuồn cỏ tươi vào nữa!
Lúc đó, bà già đang vắt sữa bò, không trông thấy mà lại nghe thấy tiếng nói y như đêm qua . Bà sợ quá, đang ngồi ghế, ngã lăn ra đánh đổ hết sữa.
Bà vội đi tìm cha xứ, mách:
– Quái lạ, bò nhà biết nói, cha ạ.
Cha xứ hỏi:
– Bà nói cái gì thế?!
Rồi cha xuống chuồng bò xem thật hư [13] thế nào. Cha mới bước vào, đã nghe tiếng chú bé Tí Hon kêu to:
– Đừng tuồn cỏ tươi vào nữa! Đừng tuồn cỏ tươi vào nữa!
Cha xứ cũng đâm hoảng, cho là bò bị quỷ ám. Cha sai giết bò. Người ta làm thịt bò xong, quẳng ra đống phân cái dạ dày có chứa Tí Hon.
Cậu bé loay hoay mãi mới thò được cái đầu ra, lại gặp ngay sự chẳng lành: một con chó sói đói bụng qua đấy, nuốt chửng cả dạ dày có lẫn Tí Hon. Nhưng lần này, cậu bé bình tĩnh hơn, nghĩ bụng: “Có lẽ sói này bảo được.” Rồi từ trong bụng sói, Tí Hon nói to:
– Cậu sói ơi, tôi muốn mách cậu một miếng ăn ngon tuyệt ngon.
Sói hỏi:
– Ở đâu thế?
Tí Hon bảo cho sói biết nhà bố mình ở đâu và nói:
– Cậu cứ chui qua cổng vào bếp thì cậu sẽ tha hồn chén bánh ngọt, mỡ, xúc xích, đủ thứ.
Sói không đợi cậu bé Tí Hon phải nói hai lần. Đêm đến, sói vội chui qua cổng vào bếp chén thả cửa [14]. Sói ăn no phình bụng rồi, muốn ra không được, vì qua đường cũ không lọt nữa. Tí Hon đã tính trước đến nước đó. Thế là trong bụng sói, cậu bé kêu la inh ỏi lên. Sói nói
– Mày có im đi không người ta thức dậy bây giờ.
Tí Hon đáp:
– Úi chà, cậu đã chén thích rồi, tôi cũng phải tiêu khiển [15] chứ.
Nói xong cậu bé lại hét ầm lên.
Bố mẹ nó nghe tiếng, thức dậy, chạy xuống bếp ngó qua kẽ vách thì thấy sói. Ông chạy đi lấy rìu, bà lấy hái.
Lúc vào, chồng bảo vợ:
– Bà đứng sau tôi, nếu tôi choảng một cái mà nó chưa chết ngay, thi bà đâm vào bụng nó nhé.
Chú bé Tí Hon nghe tiếng bố, reo lên:
– Bố ơi, con ở trong bụng sói đấy!
Bố mừng quýnh, nói:
– Lạy chúa! Đứa con vàng con bạc của tôi đã lại về đây rồi.
Rồi bác bảo vợ vứt hái đi, để con khỏi bị thương. Ðoạn [16] ông giơ rìu lên, giáng xuống sói cho chết, rồi lôi cậu bé Tí Hon ra. Bác nói:
– Ở nhà bố mẹ lo cho con quá, con ạ.
– Thưa bố, con đã đi đây đó nhiều, may mà nay con lại được thở không khí trong lành.
– Thế con đã đi những đâu?
– Bố ạ, con đã ở trong hang chuột, trong dạ dày bò, trong bụng chó sói. Bây giờ con muốn ở nhà với bố mẹ.
Bố mẹ ôm con hôn mà rằng:
– Từ nay, dù được bao nhiêu tiền, bố mẹ cũng chẳng bán con nữa đâu.
Rồi bố mẹ cho Tí Hon ăn uống và may quần áo mới cho cậu bé, vì quần áo cũ đi nhiều rách hết.
Câu chuyện Cậu bé Tí Hon [Truyện cổ Grimm] – Hữu Ngọc dịch
Nguồn: Văn học 7, tập 1, trang 54, NXB Giáo dục – 2001
Chú giải trong câu chuyện Chú bé Tí Hon
[1] Hiếm hoi: không có con[2] Láng giềng: hàng xóm.
[3] Thụ thai: có mang
[4] Ước nguyện: mong muốn thiết tha.
[5] Người đánh xe: người cầm cương điều khiển ngựa kéo xe.
[6] Làm trò: biểu diễn trước đám đông.
[7] Phát tài: kiếm được nhiều tiền.
[8] Cha xứ: người cai quản các tín đồ Thiên chúa giáo trong một giáo khu.
[9] Khoắng: khua bằng tay (hay đũa, thìa, …) vào một thứ đồ dùng để đựng (hòm, vại, cốc, …). Ở đây có nghĩa là vơ vét, lấy cắp cho hết.
[10] Trấn tĩnh: lấy lại thái độ bình tĩnh đã mất, bình tĩnh trở lại.
[11] Bán sống bán chết: nửa sống nửa chết; ở đây có nghĩa là chạy ba chân bốn cẳng.
[12] Gian nan: khó khăn vất vả.
[13] Thực hư: đúng sai.
[14] Chén thả cửa: ăn tha hồ.
[15] Tiêu khiển: giải trí, khuây khỏa.
[16] Đoạn: rồi, sau đó.
Thử thách trong truyện cổ tích Cậu bé Tí Hon
- Dựa vào lời Tí Hon trả lời bố ở cuối truyện, hãy nêu lên Tí Hon đã trải qu mấy chặng đường phiêu lưu từ lúc chia tay với bố cho tới khi được về nhà.
- Nguyên nhân nào khiên Tí Hon quyết định đi theo hai người lạ mặt?
- Tại sao Tí Hon không quay về nhà ngay mà lại đề nghị được giúp đỡ mấy tên kẻ trộm? Trong chặng phiêu lưu này, Tí Hon tỏ rõ là cậu bé thông minh ở chi tiết nào?
- Ở chặng phiêu lưu thứ ba trong bụng sói, tại sao Tí Hon lại chủ động gợi ý cho sói vào bếp nhà mình đánh chén thả cửa?