Câu chuyện Sự tích cây sáo ôi
Sự tích cây sáo ôi là truyện cổ tích Mường, kể về chàng Khun Lồ và nàng U Tiệm, qua đó giải thích về nguồn gốc của cây sáo ôi – một nhạc cụ của người Mường.
(Lưu ý: BBT Thế giới cổ tích thấy câu chuyện này có một số tình tiết chưa được phù hợp đối với các bạn nhỏ từ lứa tuổi tiểu học trở xuống, phụ huynh nên cân nhắc trước khi đọc cho các con nghe).
1. Chàng Khun Lồ và nàng U Tiệm
Ngày xửa ngày xưa, khi trời còn rất thấp, thấp đến nỗi từ những nóc nhà cao nhất có thể nhìn thấy cổng nhà trời. Ở một làng kia, có một chàng trai săn bắn tài, làm nương giỏi, con gái trong làng ai cũng ước ao có được người chồng như chàng, nhưng chàng lại chẳng để ý đến ai cả. Chàng trai ấy tên là Khun Lồ. Khun Lồ mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ chàng rất thương chàng. Chàng đã đến tuổi trưởng thành, bà thường khuyên con lấy vợ để gia đình thêm vui, nhưng chàng chỉ cười không nói nói.
Một hôm nghe mẹ hát:
– Nhà không có con dâu sớm tối
Lúa chín ngoài nương không ai đi hái
Bắn được con tòi, con mang ngoài rẫy
Chẳng có ai nấu bát canh ngon…
Thương mẹ, Khun Lồ thú thật là từ lâu đã yêu một người. Người đó có con mắt như trăng mười lăm, nhìn mãi không chán. Nước da như mặt trời buổi sáng, nhúng vào chàm chàm không nỡ nhuốm xanh. Váy nàng thêu, nàng dệt đẹp hơn áng cỏ non. Rượu nàng ủ thơm ngon, uống một ngụm là say, nhớ mãi.
Nghe nói, mẹ chàng đoán ra ngay là nàng U Tiệm. U Tiệm nết na nhu mì, khéo chân khéo tay, trong bản Mường chẳng có ai sánh kịp. Mẹ chàng rất vui mừng. Nhưng khi sực nhớ ra U Tiệm là con nhà lang thì bà rất lo sợ. Dòng họ U Tiệm phép tắc rất nghiêm, con nhà dân mà lấy con nhà lang thì trai sẽ bị phạt vạ hàng trăm trâu trăm bò, lại bị đuổi đi xứ khác; gái thì bị úp rổ vào mặt và bị đuổi ra khỏi nhà.
Bà nói với con:
– Thôi con ạ, nhà ta nghèo, ta nên kết bạn với người nghèo thì hơn.
Khun Lồ an ủi mẹ:
– Mẹ không lo, con cọp nó bị đuổi rừng này nó còn rừng khác để ở, huống gì là con người. Lấy được nàng rồi, nếu họ đuổi khỏi Mường này ta đi Mường khác, đuổi Mường thấp ta lên Mường cao. Ở đâu có đất có nước, ở đó sẽ có cơm có gạo.
Thấy con quả quyết, bà không nỡ nói thêm, chỉ lẳng lặng thở dài.
U Tiệm cũng nghĩ như Khun Lồ, đã nhiều lần nàng nói với Khun Lồ: Bạc nén, trâu bò nàng không màng, cha mẹ từ bỏ nàng không sợ. Nàng chỉ sợ không lấy được chàng mà thôi.
Một hôm, hai người hẹn nhau ra nương cầu trời đất và các vị thần Khe, thần Núi giúp cho họ nên vợ nên chồng. Khi U Tiệm đã về rồi, Khun Lồ cất tiếng hát vang cả rừng xanh:
– Bụng đã thương em
Tay không biết mệt.
Tha hồ phát rẫy trồng bông
Tháng chín lấy cánh kiến nhuộm hồng
Nên vợ nên chồng
Nước chàm càng xanh đậm.
Em ra khe tắm
Đàn bướm lượn quanh váy tưởng hoa.
2. U Tiệm lấy con nhà trời
Tiếng hát chưa dứt, bỗng từ dưới làng vọng lên tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã. Không hiểu chuyện gì xảy ra. Khun Lồ chạy một mạch về nhà. Đến con suối đầu làng, hỏi thăm mới biết đó là con trai nhà trời kéo quân lính xuống hỏi nàng U Tiệm làm vợ. Cha mẹ nàng đã bằng lòng gả, hiện đang giết trâu mổ lợn làm tiệc cưới.
Nghe tin ấy, Khun Lồ bàng hoàng cả người. Chàng vội vàng chạy đến nhà người yêu, quyết giành lại cho được nàng U Tiệm. Nhưng quân lính nhà trời đã dùng lưỡi mác chặn chàng lại. Thế là mối tình giữa hai người đứt đoạn, không kịp nói với nhau một lời, không kịp nhìn nhau lần cuối.
Thấm thoát đã mấy mùa trăng tròn rồi lại khuyết, hai người chỉ biết nhớ thương nhau. Khun Lồ thường lên những ngọn núi cao nhất, nhìn lên các toà ngang dãy dọc nhà trời để mong nhìn thấy hình bóng người yêu. Còn U Tiệm thì từ ngày bị bắt lên trời suốt ngày ủ rũ. Chồng nàng đành để nàng ở một nhà riêng thật yên tĩnh. Được ở một nơi vắng vẻ, ngày nào cũng vậy, cứ chiều chiều là nàng lại mở cửa ngó xuống trần gian.
Một đêm trăng sáng, đang ngồi bên cửa sổ tưởng nhớ người yêu. Bỗng U Tiệm nghe vọng lên tiếng hát quen thuộc của Khun Lồ từ chỗ nàng và chàng thường ngồi tình tự với nhau. Tự nhiên nàng ứa lệ, nhưng nàng cố nén cảm xúc, lau nước mắt ngó xuống trần gian tìm chàng. Bỗng tim nàng đập liên hồi, khi thấy chàng đang đứng trên đỉnh núi mà ngước mắt lên nhìn trời. U Tiệm bèn lấy chiếc khăn thêu buộc vào ngọn cây và vít cho ngọn cây hạ xuống. Khun Lồ trông thấy khăn của người yêu vụt chạy tới, vừa lúc đó U Tiệm buông dây lưng xuống. Khun Lồ bám lấy đu lên gặp nàng.
Khun Lồ than thở:
– Ta tưởng ông trời công bằng sẽ giúp chúng ta nên vợ nên chồng, không ngờ ông trời lại là kẻ dùng quyền thế cướp mất vợ của ta.
U Tiệm cũng nói
– Ông trời ác, nhưng ông trời chỉ cướp được phần xác của em thôi, còn phần hồn vía em thì ông trời không cướp được đâu. Hồn vía em vẫn là của chàng. Chàng đi ra rẫy thì hồn em đi theo, lúa của chàng bông sẽ to như đuôi trâu mộng. Chàng đặt bẫy thì vía em đi theo, bẫy của chàng sẽ được nhiều thú nhiều chim làm canh cho mẹ ăn.
Câu nói của người yêu có sức mạnh kỳ lạ. Mẹ thấy Khun Lồ ngày càng làm việc giỏi, càng thương con xót xa trăm phần. Còn Khun Lồ thì cứ đêm đêm theo lối cũ bám lấy dây lưng do U Tiệm dòng xuống mà lên tình tự với nàng.
Nhưng câu chuyện lâu ngày khó bề giữ kín. Người chồng của U Tiệm sinh nghi. Hắn nghĩ: người có ngoại tình con mắt hay long lanh và hay cười một mình. Thế rồi hắn để ý và rình. Rồi một đêm hắn bắt được quả tang Khun Lồ. Hắn tự tay chém đầu chàng và sai lính đâm vào đầu chàng. U Tiệm thấy người yêu bị giết, đau đớn quá nàng chỉ thét lên một tiếng rồi chết ngất đi không hồi tỉnh nữa.
3. Sự tích cây sáo ôi
Khun Lồ bị giết, máu chảy xuống trần gian nhuộm đỏ khắp núi đồi, nhuộm đỏ cả rừng trúc trước cửa. Mẹ già thương con khóc vật vã suốt ngày đêm. Trai gái trong làng trước cảnh đó cũng ra rừng trúc khóc thảm thiết. Bỗng một đêm, trăng mờ mây toả, người ta nghe ngoài rừng trúc có tiếng vi vu, lúc khoan nhặt, lúc trầm lúc bổng, rung cảm lòng người một cách kỳ lạ. Gái dừng tay dệt vải, trai nghỉ việc đan lát, ông già bà cả thôi không trò chuyện. Họ lắng nghe một lúc rồi kéo nhau ra rừng trúc để tìm nghe cái tiếng kỳ lạ ấy. Đến nơi, họ thấy cây trúc thẳng tắp, ngọn chọc lên nền trời, giữa thây cây có bốn lỗ thủng, khi gió lùa vào thì bốn lỗ thủng đó vang lên tiếng nhạc réo rắt du dương.
Thấy lạ, mỗi chàng trai tìm lấy một ống trúc, khoét mấy lỗ tròn, rồi ghé miệng vào thổi. Từ những ống trúc ấy cũng vang lên tiếng nhạc, tiếng nhạc réo rắt như thương như nhớ, như giận như hờn. Các chàng trai làng cứ thổi mãi, thổi mãi. Nghe thấy tiếng sáo kỳ lạ ấy, ông trời sợ quá vội kéo màn trời lên, kéo mãi đến khi xa mãi trần gian không còn nghe thấy tiếng sáo nữa mới thôi.
Từ đó, ban đêm Mường dưới khắp nơi vang lên tiếng nhạc. Họ đặt tên cho cái ống trúc kỳ diệu ấy là cây sáo ôi, chiếc sáo ca ngợi tình yêu chung thủy của chàng Khun Lồ và nàng U Tiệm. Chiếc sáo nói lên những nỗi oán hờn của đôi bạn đối với kẻ đã chia rẽ tình yêu, đến cả trời cao kia cũng phải sợ.
Câu chuyện Sự tích cây sáo ôi – Truyện cổ tích dân tộc Mường
– TheGioiCoTich.Vn –
Dị bản truyện Sự tích cây sáo ôi
Ngoài câu chuyện về chàng Khun Lồ và nàng U Tiệm kể trên, còn có rất nhiều dị bản khác của người Mường kể về sự tích của cây sáo ôi ngày nay, một trong số đó là chuyện kể về về vua Dần – một nhân vật thần thoại trong trường ca sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” đã làm nên cây sáo ôi từ trước khi xảy ra nạn hồng thủy.
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, Đức Vua Dần là người cai quản vùng Mường Vang, lấy nàng Ngần, nàng Ngà về làm vợ. Trong một lần vua Dần làm 2 người vợ phật ý nên cả 2 nàng bỏ về nhà mẹ đẻ. ít lâu sau, Vua Dần đi đón vợ về nhưng cả 2 nàng Ngần, Ngà đều không chịu về.
Trên đường trở về nhà, đi qua bụi nứa tép, sẵn có dao trên người, vua Dần chặt một cây nứa ngồi làm sáo để thổi. Tiếng tha thiết, réo rắt của cây nứa như thấu hiểu tâm trạng sâu lắng của người chồng dành cho vợ. Và từ đó, người ta gọi cây sáo đó là sáo ôi.
Tiếng sáo ôi phát ra một âm thanh rất đặc biệt, nghe thật dịu dàng, sâu lắng và dễ thương, tiếng sáo ấy làm cho người nghe có một cảm giác du dương, xa vắng, gợi lại quá khứ và man mát buồn thương. Trải qua nhiều thế kỷ, sáo ôi vẫn được tồn tại trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Mường.
Giới thiệu về cây sáo ôi
Trong hệ thống nhạc cụ bằng hơi của người Mường, nổi bật nhất là cây sáo ôi, chúng thường được sử dụng ở nhiều hoàn cảnh khác nhau như: lễ hội, lễ cưới, ngày Tết, v.v…
Sáo ôi được làm bằng cây nứa trong rừng, có đường kính gần 2,5 cm và chiều dài khoảng từ 60 cm cho đến 70 cm. Đây là loại sáo dọc có 4 lỗ, 2 lỗ có khoảng cách thưa, 2 lỗ cách nhau gần hơn, được tạo nên từ một ống nứa tép.
Nếu như sáo trúc thổi ngang, âm thanh vang xa, mạnh mẽ thì trái lại, sáo ôi thổi dọc, âm thanh êm ái, nhẹ nhàng hơn nhiều. Tựa như tình yêu của những chàng trai người Mường, tuy mãnh liệt nhưng lại hết sức nhẹ nhàng, tinh tế. Tiếng sáo chỉ cất lên ở ngoài cổng, hy vọng đến tai cô gái trong nhà.