Truyện cổ tích Cứu vật, vật trả ơn – Cứu nhân, nhân trả oán
Cứu vật, vật trả ơn – Cứu nhân, nhân trả oán là câu chuyện cổ tích Việt Nam, lên án những kẻ bất nghĩa, bụng còn nguy hiểm hơn cả những con vật nguy hiểm.
1. Anh chàng đi câu và con rắn
Ngày xưa, có một anh chàng nghèo khó, không nghề nghiệp, nhưng được cái có tính hiền từ, lương thiện, rộng thương mọi người. Khốn khó hơn nữa, vợ anh lại chết sớm, bỏ lại anh ta một mình không biết làm cách nào để nuôi thân.
Có dạo anh ta ngửa tay đi ăn xin, nhưng việc làm này cũng chỉ đủ sống qua ngày, mà lại thấy hèn hạ nữa. Anh ta xoay qua nghề làm thuê, nhưng bản chất vụng về, không ai chịu thuê mướn anh cả. Bất đắc dĩ, anh dành dụm được ba mươi đồng tiền, mua được một cái cần câu và xoay sang nghề câu cá. Suốt ngày, anh ngồi nơi bờ sông thả câu, nhưng có bữa không bắt được con cá nào, đành phải nhịn đói.
Một hôm, anh vừa móc mồi buông câu thì thấy phao chìm xuống, anh giật lên té ra không phải cá mà là một con rắn nước. Lấy làm bực mình, anh gỡ con rắn ra rồi ném trả xuống sông. Lần thứ hai, anh giật lên, cần câu nặng trĩu, thì lại chính là con rắn nước lúc nãy. Anh than thở:
– Rắn ơi! Ta nghèo lắm. Ta chỉ có ba mươi đồng mua sắm cái cần câu này, ngươi đừng hại ta, làm hết cả mồi ta lấy gì kiếm ăn.
Anh chàng lại ném con rắn xuống nước.
Lần thứ ba, lại cũng con rắn đó mắc vào lưỡi câu. Lần này anh ta giận lắm, không thả rắn xuống nước nữa mà định bắt rắn đem về giết thịt. Khi anh ta đi qua cửa đền bà thần Khai Khẩu, tự nhiên con rắn nước nói:
– Đừng giết tôi! Tôi là con vua Thủy phủ, vì muốn kết bạn với anh nên tôi mới cắn câu nhiều lần như thế. Hãy cho tôi theo anh để giúp anh vượt qua cảnh nghèo khó.
Anh chàng câu cá vốn sẵn tính nhân từ, nghe nói bỗng cảm tình, cho rắn theo mình, ngày đêm ở bên nhau như một người bạn thân. Từ đó, anh câu được rất nhiều cá, thứ ăn, thứ bán, cuộc sống rất dễ chịu.
Một hôm, rắn lội xuống sông tìm mồi, qua một lúc trở về nói:
– Trong ba ngày nữa, sẽ có trận bão lụt rất lớn xưa nay chưa từng có, nếu không đề phòng sẽ bị chết trôi.
Anh ta nghe lời rắn, chặt cây đóng một chiếc bè bằng nứa để đề phòng tai nạn. Anh lại loan báo cho mọi người xung quanh biết, nhưng không một ai nghe. Quả nhiên, ba ngày sau, gió bão nổi lên ầm ầm, trời mưa như trút nước, người, vật, đồ đạc và mùa màng nước dâng lên, trôi ra biển cả. Mãi cho đến lúc cơn bão tạnh, anh chàng mới chống bè tìm về chỗ cũ.
2. Người ân nhân trong trận bão lụt lớn
Trên đường đi, anh thấy một ổ kiến đang lênh đênh trên mặt nước, anh định lấy sào đẩy ra xa, nhưng con rắn bảo:
– Hãy cứu chúng.
Anh ta nói:
– Cứu làm gì bầy kiến, chúng sẽ bò khắp bè thêm khổ.
Rắn bảo:
– Không! Anh hãy nghe tôi, rồi chúng sẽ trả ơn anh.
Tuy không thiết tha đến việc kiến đền ơn, nhưng anh ta vì có lương tâm nên nghe lời rắn, vớt ổ kiến bỏ lên bè.
Đi được một đoạn, anh ta lại gặp một con chuột đang lội bì bõm, sắp chết đuối. Rắn nói:
– Hãy mau vớt lấy nó.
Anh đáp:
– Con chuột thì cứ để nó chết chứ cứu làm gì?
Rắn nói:
– Không! Anh hãy nghe tôi đi. Rồi nó sẽ trả ơn anh.
Nghe lời rắn, anh ta lại vớt con chuột lên bè.
Đến một chỗ khác, chàng lại gặp một con trăn đang nằm cuộn tròn trên một ngọn cây giữa dòng nước đợi chết. Rắn cũng giục anh giúp con trăn thoát nạn. Anh chàng lẩm bẩm:
– Con trăn là loài vật hung dữ, cứu nó làm gì?
Rắn nói:
– Không! Anh nên nghe lời tôi. Rồi nó sẽ trả ơn anh.
Nghe lời rắn, anh ta lại giúp cho trăn lên bờ.
Sau cùng, chàng gặp một người đàn ông đang bám vào một khúc gỗ trôi giữa dòng nước. Anh ta không đợi rắn bảo ghé bè lại để cứu. Rắn cản lại:
– Anh đừng vớt hắn lên làm gì. Hắn sẽ làm hại anh đấy.
Anh ta đáp:
– Người ta thường nói: “Cứu một người dân gian bằng một ngàn người âm phủ”. Sao lại quý mạng con vật hơn con người.
Rồi mặc kệ con rắn ngăn cản, anh ta vớt người sắp chết đuối đó lên bè, cho ăn uống tử tế.
3. Cứu nhân – nhân trả oán
Sau mấy ngày rút nước, anh ta thả tất cả những con vật lên bờ, con người nọ vì nhà cửa tiêu tan, nên anh cho ở lại với mình cùng câu cá nuôi nhau, coi như anh em ruột.
Được một thời gian ngắn, con rắn muốn trở về Thủy phủ, lại rủ anh chàng đi theo để biết giang sơn của cha mình. Anh bằng lòng đi chơi. Dọc đường, rắn bảo bạn:
– Cha tôi là vua Thủy phủ, không thiếu gì châu báu, anh là bạn của tôi, thế nào cũng được trọng đãi. Nếu cha tôi có cho gì anh đừng nhận, chỉ xin cho một chiếc đàn thất huyền mà thôi. Chiếc đàn ấy rất màu nhiệm, có thể phá tan được quân giặc.
Đúng như lời của rắn nói, vua Thủy phủ thấy bạn của con mình đến chơi, rất quý trọng, định cho nhiều báu vật, nhưng anh ta chỉ xin mỗi một cây đàn. Vua Thủy phủ thuận tình, trao chiếc đàn cho anh và đưa tiễn lên cõi đất. Anh trở về rất quý trọng cây đàn, nhưng một hôm, có việc phải đi xa, anh cất chiếc đàn nơi bồ lúa, dặn người bạn chớ nên lục lạo ở nơi đó. Người bạn ngờ là anh cất giấu của cải nên đợi anh đi xa rồi lập tức bới bồ lúa lấy cây đàn ra. Hắn cũng đã được nghe anh nói về sự màu nhiệm của chiếc đàn này nên vội vàng mang vào cung vua để lập công danh.
Bấy giờ gặp lúc quân đội nhà vua bị quân nước láng giềng đến quấy phá, hắn tâu với vua xin cho đi dẹp loạn. Nhờ có chiếc đàn thần, hắn đã làm cho quân địch tan tác, phải rút về nước. Dẹp yên được giặc, nhà vua khen ngợi và phong hắn làm đại tướng, ban bổng lộc rất hậu. Được giàu sang, hắn không nghĩ gì đến ơn người đã cứu mạng mình nữa. Nhà vua lại toan gả công chúa cho hắn thì bỗng dưng công chúa bị mắc một căn bệnh không nói được nên lễ hôn nhân đình lại để tìm thầy thuốc chữa bệnh.
Nhắc lại anh chàng câu cá, lúc trở về nhà không thấy người bạn đâu, lại mất luôn cây đàn thì vội vàng đi tìm. Vào đến kinh đô, anh gặp được người bạn mình đã cứu giúp. Hắn bây giờ ngồi trên kiệu sơn, có quân lính theo hầu hạ, quần áo toàn là nhung gấm rất sang trọng. Anh chàng câu cá đón kiệu lại, cất tiếng hỏi thăm bạn cũ. Nhưng người kia vừa gặp ân nhân của mình vội hét lính bắt trói và để khỏi lộ chuyện. Hắn vu cho anh chàng câu cá là giặc, sai nhốt vào ngục tối, không cho ăn chờ ngày đưa ra pháp trường xử trảm.
4. Cứu vật – vật trả ơn
Nằm trong ngục tối, anh câu cá than thở, oán hận con người phản phúc, đột nhiên lũ kiến xuất hiện cất tiếng hỏi
– Sao anh lại bị giam ở đây?
Anh chàng câu cá ngơ ngác, không biết ai hỏi nên hỏi lại:
– Ai đó? Tại sao chỉ nghe tiếng nói mà không nhìn thấy người?
Bầy kiến đáp:
– Chúng tôi là bầy kiến đã được anh cứu thoát nạn ngày xưa, hiện đang ở dưới chân anh đây.
Anh chàng câu cá kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bầy kiến nghe. Bầy kiến nghe xong nói:
– Chúng tôi không thể làm gì để cứu anh được, nhưng có thể đi tìm con chuột, may ra chuột có cách gì giúp anh.
Bầy kiến bèn chia nhau đi tìm chuột và báo tin cho bầy chuột hay tình trạng không may của ân nhân. Chuột bảo:
– Bây giờ chắc anh ta đang đói lắm, nhưng tôi chỉ có thể mang thức ăn vào ngục để cứu anh ta thôi. Tôi sẽ đi tìm con trăn ngày xưa, may ra có cách gì chăng.
Lũ chuột liền tha thức ăn lấy trộm được ở nhà bếp mang vào ngục cho anh ăn. Sau đó, cả gia đình chuột cùng bầy kiến đi tìm trăn. Cả bầy chuột đều sợ trăn ăn thịt nên không dám ra mặt, chỉ có con chuột già liều mạng leo lên cây, gọi con trăn, nói:
– Bác trăn ơi! Người ơn của ta trước kia nay bị nạn rồi!
Tiếp đó, chuột kể lại đầu đuôi câu chuyện cho trăn nghe. Trăn liền nhả ra một viên ngọc, bảo chuột đem về trao cho ân nhân và dặn:
– Viên ngọc này mài ra có thể trị được bệnh câm của công chúa. Ân nhân của chúng ta có thể nhờ đó mà thoát nạn.
Khi có được viên ngọc, anh chàng câu cá gọi người cai ngục lại, nhờ tâu với vua là mình có thuốc chữa được bệnh câm của công chúa. Quả nhiên, sau khi công chúa uống nước viên ngọc mài ra thì nói được câu đầu tiên là sẽ lấy người cứu mình làm chồng. Nhà vua mừng rỡ, hỏi anh ta vì sao mà có thứ thuốc thần diệu như vậy. Anh chàng câu cá kể rõ câu chuyện từ đầu đến cuối, từ lúc câu được rắn nước, cứu các con vật trong trận bão lụt đến lúc cứu được người thì bị người phản bội, còn cứu vật – vật trả ơn, trong đó con trăn cho viên ngọc để cứu công chúa.
Nhà vua nghe xong, nói:
– Thật là bụng dạ hắn nguy hiểm hơn cả những con vật nguy hiểm.
Lập tức vua sai lính bắt tên đại tướng bất nhân, bất nghĩa kia giam vào ngục để chờ ngày xét xử. Còn anh chàng câu cá thì được vua phong quan tước và gả công chúa cho.
Câu chuyện Cứu vật, vật trả ơn – cứu nhân, nhân trả oán
– TheGioiCoTich.Vn –
Ý nghĩa truyện Cứu vật, vật trả ơn – Cứu nhân, nhân trả oán
Nội dung câu chuyện có vài chi tiết giống với truyện Thạch Sanh – Lý Thông, lên án những kẻ bất nhân, bất nghĩa, bụng dạ của chúng còn nguy hiểm hơn cả những con vật nguy hiểm.
Tác giả dân gian nhở chúng ta cần phải luôn có sự đề cao cảnh giác đối với những người xa lạ. Lòng tốt và tình thương cần phải đặt đúng nơi, đúng chỗ.
Câu chuyện còn có tác dụng góp phần làm tăng thêm tình yêu và sự gần gũi của các bạn nhỏ dành cho các con vật xung quanh trong cuộc sống hàng ngày.