Câu chuyện Phân xử tài tình
Phân xử tài tình là truyện cổ tích Việt Nam đề cao tài xử kiện của một viên quan thông minh, qua đó thể hiện ước mơ công lí được thực thi của người xưa.
1. Quan án xử kiện vụ hai người đàn bà tranh nhau tấm vải
Ngày xưa có một quan án [1]phân xử tài tình. Trong dân gian có vụ án nào rắc rối gay go nhất, ông ta đều có cách tìm ra manh mối và phán xử rất công bằng.
Một hôm, có hai người đàn bà dắt nhau đến công đường [2] với một tấm vải dài. Trước mặt quan, một người mếu máo thưa:
– Bẩm quan, sáng nay con mang một tấm vải đi chợ bán, bà này hỏi mua, con đưa ra cho bà ta xem. Thế rồi tự dưng bà ta cướp không tấm vải rồi bảo là của bà ấy, nhất định không chịu trả lại cho con nữa. Thật là một chuyện ngược đời vô lí hết sức, xin quan đèn trời soi xét.
Quan án nhìn sang người đàn bà thứ hai thì thấy bà này cũng dưng dưng nước mắt kể lể:
– Bẩm quan, chính bà ta mới là đồ ăn cắp. Tấm vải này là của con vừa dệt xong mang đi chợ. Con để trong cái thúng khảo [3], thế mà vừa ngoảnh đi một lát, bà ta dám thò tay vào lấy. Chính con bắt được quả tang. Thế mà bà ta còn dám đặt điều để vu oan giá họa.
Quan án ngắt lời hai người, bảo mỗi bên phải cử ra ít nhất một người tận mắt nhìn thấy tấm vải của mình bị lấy cắp. Nhưng cả hai đều không tìm ra được người làm chứng vì sự việc xảy ra ở một nơi vắng vẻ, lúc đó chưa có người qua lại. Quan cho lính tìm về tận nhà mỗi bên để xem có đúng là vải của họ dệt ra như lời khai không. Nhưng lính thấy cả hai bên đều có khung cửi như nhau, khổ vải bằng nhau. Quan án xử kiện cố nhìn vào sắc mặt từng người để dò ý tứ, nhưng quan chỉ thấy vẻ đau xót vì mất của hiện trên nét mặt hai người, không có biểu hiện gì khác hơn. Suy nghĩ một lúc, quan ôn tồn bảo họ.
– Cả hai người đều nói có lí cả. Biết làm sao bây giờ. Thôi, ta phân xử cho thế này: giờ đem cắt tấm vải ra làm đôi, chia mỗi người một nửa. Thế là ổn. Hãy về nhà mà làm ăn.
Nói xong, quan sai lính đo vải xé ngay, giao cho mỗi người một nửa. Thấy thế, một bà bỗng ôm mặt khóc thút thít. Lập tức quan sai trả tấm vải cho người đàn bà ấy, rồi kêu lính trói người kia lại, vì chỉ có người chủ thực sự của tấm vải mới đau xót bật ra tiếng khóc kia. Quả nhiên, thấy quan phân xử tài tình sau một hồi tra hỏi, người đàn bà kia phải cúi đầu nhận tội.
2. Quan án phân xử tài tình vụ trộm tiền trong chùa
Một lần khác, quan đi qua một ngôi chùa lớn, ghé vào vãn cảnh. Sư cụ trong chùa ra đón tiếp kính cẩn, mời vào uống trà. Sư cụ than thở với quan rằng mình có giữ cho chùa một số tiền lớn, không may bị kẻ trộm lấy mất hết. Nhưng sư cụ không dám ngờ cho một ai, lại cũng không muốn trình quan, sợ làm khổ lây bọn đồ đệ. Nay sự cụ có ý muốn nhờ quan kín đáo dò xét hộ mình.
Quan hỏi rõ sự tình vụ trộm trước sau, rồi chỉ lên tượng Phật bảo sư cụ:
– Đức Phật ngài thiêng lắm, sao hòa thượng không cầu Người tìm giúp cho, chả hơn nhờ tôi ư? Đức Phật có phép làm cho kẻ gian cầm hạt thóc nảy mầm. Nếu hòa thượng muốn, tôi sẽ xin vì nhà chùa làm thử một phen.
Nói rồi, quan bảo sư cụ biện lễ cúng Phật. Trong khi hòa thượng làm lễ, quan cho gọi tất cả sư vãi và những kẻ ăn, người ở trong chùa ra để chạy đàn [4]. Quan án xử kiện bảo mỗi người một tay cầm cành phan và tay kia cầm nắm thóc đã ngâm nước, rồi nói:
– Sư cụ cho biết là chùa ta trước đây có mất một số tiền mà không rõ ai đã lấy trộm. Ta chắc chỉ có người trong chùa lấy mà thôi. Ta nghe đức Phật ngài rất thiêng. Bây giờ mỗi người cầm một nắm thóc đã ngâm nước, rồi vừa chạy đàn, vừa niệm Phật. Nếu đúng là kẻ gian, đức Phật sẽ làm cho thóc trong tay nảy mầm. Như vậy ngay gian tỏ rõ, khỏi phải tra hỏi phiền phức.
Cả đoàn người mới chạy được vài vòng thì quan đã thấy có một chú tiểu [5] thỉnh thoảng lại hé tay cầm thóc ra xem. Liền đấy, quan bảo mọi người dừng lại, bắt chú tiểu, vì chỉ có những kẻ có tật mới hay giật mình, nên thỉnh thoảng mới nhìn trộm như thế. Chú tiểu thấy quan phân xử tài tình, vạch đúng lí, phải nhận tội.
Truyện Phân xử tài tình – Truyện cổ tích Việt Nam
Nguồn: Truyện đọc 4, trang 45, NXB Giáo dục – 1992
– TheGioiCoTich.Vn –
Chú thích trong câu chuyện Phân xử tài tình
[1] Quan án: chức quan chuyên lo việc xét xử mọi việc kiện tụng trong dân chúng.[2] Công đường: ngôi nhà công, dùng làm nơi làm việc của quan xử kiện, tiếp dân.
[3] Thúng khảo: thúng nhỏ dùng để đong ngũ cốc, một đơn vị đo lường cũ.
[4] Chạy đàn: một nghi lễ ở chùa.
[5] Chú tiểu: người con ít tuổi đi tu ở chùa.
Thử thách dành cho các bé
- Hai người đàn bà đến công đường nhờ quan phân xử việc gì?
- Quan án đã dùng những biện pháp nào để tìm ra người lấy cắp tấm vải? Vì sao quan cho rằng người không khóc chính là người lấy cắp?
- Kể lại cách quan án xử kiện tìm ra kẻ lấy trộm tiền của nhà chùa.