Câu chuyện Sự tích con Trâu
Sự tích con Trâu là truyện cổ tích Việt Nam, giải thích cho các bạn nhỏ biết vì sao cỏ lại mọc ở khắp mọi nơi và nguồn gốc xuất hiện của con Trâu ngày nay.
Con Trâu là đầu cơ nghiệp
– Tục ngữ Việt Nam –
1. Vị thần gieo hạt giống
Ngày xửa ngày xưa, Ngọc Hoàng, vị vua trên thiên đình đã tạo ra trái đất và để cho loài người cùng muông thú chung sống cùng nhau.
Ngọc Hoàng rất hài lòng khi hai loài sống hòa hợp với nhau nên đã sai một vị thần xuống trần gian gieo trồng lúa, đậu và một vài loại ngũ cốc khác để giúp cho muôn loài có thức ăn. Ngọc Hoàng để các loại hạt giống vào trong một cái túi bằng vàng và căn dặn vị thần gieo chúng dọc theo trái đất.
Sau đó, ngài đưa cho vị thần thêm một chiếc túi khác có chứa các hạt cỏ dại dành cho các loài thú và bảo ông ta gieo chúng vào những nơi mà hạt giống của loài người không nảy mầm. Ngọc Hoàng tin rằng tất cả con người và muông thú mà mình đã tạo nên sẽ không bao giờ bị đói nhờ vào các hạt giống này.
Vâng lệnh Ngọc Hoàng, vị thần mang theo hai chiếc túi vàng xuống trần gian. Khi vừa xuống trần gian, vị thần lập tức rải hạt giống xuống một vùng đất rộng lớn. Ông ta nghĩ nếu hoàn thành nhiệm vụ sớm chừng nào thì càng được trở về thiên đình sớm chừng đó. Nhưng ngạc nhiên thay, cỏ dại bắt đầu mọc lên nhanh chóng từ những nơi vị thần vừa rải hạt giống. Vị thần lập tức nhận ra mình đã lấy hạt giống nhầm túi và nhanh chóng sửa sai bằng cách rải lại các hạt giống ngũ cốc từ chiếc túi kia.
Trong lúc vội vã, vị thần đã làm vỡ các hạt giống mà Ngọc Hoàng đã cố tình tạo ra với kích thước thật lớn để cây trồng có thể mọc lên dễ dàng thành những mảnh nhỏ. Ông ta lập tức gieo các hạt giống nhỏ xíu này xuống các vùng đất mà cỏ dại đã mọc lên.
Tuy nhiên, đã quá muộn để vị thần có thể sửa chữa được lỗi lầm của mình. Cỏ dại mọc nhanh hơn các loại ngũ cốc và hấp thu hết lượng nước, không khí và ánh mặt trời dùng để nuôi dưỡng ngũ cốc. Nhận thấy không còn cách nào để khắc phục được tình trạng này nữa, vị thần quyết định trở về trời. Do e ngại Ngọc Hoàng, ông ta đã không hé một lời nào về việc mình đã làm.
2. Sai lầm của vị thần và câu chuyện sự tích con trâu
Không lâu sau, loài người bắt đầu kêu ca về nạn đói. Họ thắc mắc với Ngọc Hoàng tại sao các loài vật lại có một vùng đồng cỏ rộng lớn trong khi con người chỉ có một chút ít ngũ cốc. Họ cũng phàn nàn quá trình gieo trồng hết sức mệt nhọc và mất nhiều thời gian bởi các loại hạt giống quá bé. Ngọc Hoàng liền truy hỏi nguyên nhân gây nên những lời than phiền của loài người. Sau khi biết được những tai hại gây nên bởi vị thần, Ngọc Hoàng đã quở trách ông ta về những sai lầm của mình.
Mặc dù Ngọc Hoàng có một trái tim bao dung nhưng những thiệt hại mà vị thần gây ra lần này quả thật quá lớn. Ngài đã quyết định trừng phạt vị thần để ông ta biết được lỗi lầm của mình. Sau khi biến vị thần thành một con trâu, Ngọc Hoàng đã nói:
– Sai lầm của ngươi đã làm cho cỏ dại mọc lên nhiều hơn các loại cây trồng và ngũ cốc. Ngươi buộc phải ăn hết chúng vì chúng chẳng có ích gì cho loài người cả. Bên cạnh đó, bởi vì ngươi khiến cho loài người phải lao động vất vả hơn, ngươi sẽ phải ở lại trần gian vĩnh viễn để giúp những người nông dân cày cấy trên cánh đồng.
Thậm chí cho đến nay, trâu vẫn bị đưa ra xa nếu người ta thấy nó đi vào các ruộng lúa. Tuy nhiên, trâu vẫn được coi trọng vì nó đã từng phục vụ Ngọc Hoàng vào thời xa xưa. Mặc dù hình dáng không được đáng yêu lắm nhưng trâu chính là một vị thần khốn khổ bị trừng phạt mãi mãi do một lỗi lầm nhất thời.
Truyện cổ tích Sự tích con Trâu
– TheGioiCoTich.Vn –
Câu chuyện Sự tích con Trâu trên trần gian [Truyện cổ miền núi]
Sự tích con Trâu trên trần gian là truyện cổ tích các dân tộc thiểu số Việt Nam cho chúng ta thấy vì sao con Trâu của Trời lại xuất hiện dưới trần gian.
1. Bác nông dân và Trời
Ngày xưa, Trời có một con Trâu cái. Trời thấy nuôi Trâu thì không có lợi mà để Trâu dùng vào việc cày bừa thì Trời lại không biết làm ruộng. Trời bèn nghĩ ra một cách là cho loài người mượn Trâu. Trong khi ấy, bác nông dân biết làm ruộng nhưng lại không có Trâu. Bác đánh bạo leo dốc lên hỏi thuê Trâu của Trời. Trời bảo:
– Ta cho anh thuê Trâu, nhưng anh phải trả hoa màu cho ta.
Không còn cách gì khác, bác nông dân đành nhận lời và dắt Trâu về. Từ đó, hàng ngày, bác ra sức cùng Trâu cày bừa. Mồ hôi của người và vật đổ xuống, thấm cả luống cày, mà đến mùa, Trời lại dâng nước lên cướp hoa màu đem đi hết. Không chịu được cảnh lấy tô trâu của Trời, bác nông dân đã nhiều lần xinh Trời nới tay cho, nhưng lần nào Trời cũng nói:
– Còn thuê Trâu của ta, ta còn lấy hoa màu. Bao giờ trả Trâu cho ta thì mới hết nợ.
Càng làm vất vả, bác nông dân càng đói rét. Một hôm, sau khi bàn bạc cẩn thận với mọi người, bác quyết đem Trâu đi trả Trời. Đường lên Trời vừa dốc vừa nhiều bùn, bác và Trâu đi khó nhọc lắm mới đến nơi.
Vừa đến cửa nhà Trời, bác lên tiếng:
– Từ nay tôi chẳng công nợ vay mượn gì của Trời. Trời đừng đến lấy thóc lúa của tôi nữa.
Trời cười đáp:
– Để Trâu đấy cho ta. Anh chẳng thuê đã có người khác. Thôi về đi!
2. Sự tích con Trâu trên trần gian
Bác nông dân nghĩ đến bao nhiêu thóc lúa của mình làm ra trong mấy năm bị Trời cướp không cả. Bác thấy cần phải lấy con Trâu của Trời để bù cho chỗ Trời đã cướp không của mình.
Bác nắm lấy đuôi Trâu giật lùi xuống dốc. Cứ như thế, bác dắt Trâu về tới nhà mà Trời không biết.
Chiều hôm đó, không thấy Trâu đâu. Trời vội vàng chạy đi tìm. Đến nhà bác nông dân, trời thấy con Trâu đang ăn cỏ ở trước cửa. Trời hỏi:
– Anh đã dắt con Trâu này của ta đi phải không?
Bác nông dân đáp:
– Tôi đem trả Trâu cho Trời. Trời đã nhận rồi. Con Trâu này tôi chịu khó cày cấy dành dụm mãi mới mua được đấy.
Trời không tin cứ nằng nặc đòi. Sốt ruột, bác nông dân liền dắt Trời lên dốc. Vừa đi, bác vừa chỉ xuống bùn:
– Đấy Trời xem, chỉ có vết chân Trâu đi ngược lên nhà Trời, làm gì có dấu chân Trâu đi xuống mà Trời bảo tôi dắt con Trâu của Trời.
Không biết nói thế nào, Trời đành hậm hực quay về.
Từ đó, không ai phải mướn Trâu của Trời nữa và cái cảnh Trời dâng nước cướp hoa màu thay cho tô trâu ở các nơi miền núi cũng không còn nữa.
Sự tích con Trâu trên trần gian
Nguồn: Tập đọc lớp 4 Phổ thông, tập 1, trang 78, NXB Giáo dục – 1977
– TheGioiCoTich.Vn –
Bài thơ Con trâu [Võ Quảng]
Bài thơ Con Trâu được trích tập thơ “Thấy cái hoa nở” của Võ Quảng miêu tả đặc điểm của con Trâu và tình cảm của em nhỏ coi Trâu như một người bạn gần gũi.
Ở chơi nông trường
Nhớ con Trâu mộng.
Da đen láng bóng,
Ức rộng thênh thênh,
Đôi sừng vênh vênh,
Chóp sừng nhọn hoắt.
Hai tai quạt quạt,
Trố mắt trâu nhìn,
Nhìn em đăm đăm
Mũi luôn khịt khịt…
Cỏ non em cắt,
Em bó mang về,
Giơ cỏ: “Mê! Mê!”
Là Trâu bước đến.
Cùng Trâu lui tới
Như chỗ bạn bè.
Hễ em vuốt ve
Là Trâu… nhắm mắt.
Dưới bóng râm mát
Trâu đứng nghỉ ngơi,
Em nhảy lên ngồi
Lưng Trâu em hát.
Bài thơ Con Trâu – Tác giả: Võ Quảng
Nguồn: Tập đọc lớp 2, tập 2, trang 99, NXB Giáo dục – 1978
Đôi nét về con Trâu
Trâu nhà (hay còn gọi là trâu nước) là những loài trâu đã được con người thuần hóa thuộc họ Trâu bò (Bovidae). Chúng đã được lai tạo, chọn giống chủ yếu là ở châu Á từ hàng ngàn năm để con người sử dụng trong hoạt động sản xuất, hoạt động nông nghiệp.
Trâu có sừng dài, ngắn cong khác nhau để sống phù hợp với thiên nhiên, da trâu mướt láng bóng dày, tuyến mồ hôi không phát triển và không thoát ra ngoài được nhiều để hạ nhiệt cơ thể, để giải nhiệt chúng có thói quen thích đằm mình nơi nào có nước hay sình lầy.
Đặc biệt, Trâu chỉ có răng ở hàm dưới. Xem thêm truyện Trí khôn của ta đây để hiểu rõ hơn về sự tích con Trâu có 1 hàm răng.
Trong xã hội cũ, người ta xem “Con Trâu là đầu cơ nghiệp”. Hình tượng con Trâu rất phổ biến trong văn hóa của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Theo văn học dân gian, nguồn gốc của con Trâu được kể lại qua câu chuyện Sự tích con Trâu bên trên.
Từ khi được thuần hóa, Trâu là một trong những con vật rất gần gũi, thân thiết với con người. Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với lũy tre làng thể hiện một nét văn hóa Việt và là một biểu tượng không chính thức của Việt Nam.