Sự tích núi Ngũ Hành Sơn
Sự tích núi Ngũ Hành Sơn là câu truyện truyền thuyết của người Chăm, kể về nguồn gốc ra đời của núi Ngũ Hành một danh thắng đẹp nổi tiếng ở Đà Nẵng.
Chiều chiều mây phủ Sơn Trà,
Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa…
1. Người canh trứng giao long
Ngày xửa ngày xưa, xưa như thế nào không ai biết cả, chỉ biết rằng, đã từ rất lâu rồi, lâu như lời của cụ kỵ ông cha ta truyền lại, có một cụ già sống một thân một mình trong một túp lều nhỏ trên biển vắng. Không ai biết cụ già đã sống ở đó từ khi nào và liệu cục có họ hàng thân thích quanh đấy hay không.
Một hôm, sóng biển bỗng trở nên hung dữ khác thường. Gió bão bắt đầu nổi lên, bầu trời trở nên đen kịt.
Hồi lâu sau, một con giao long rất lớn, từ dưới biển trườn lên đất liền. Nó quằn quại trên bãi cát, có vẻ đau đớn lắm. Đất vẹt hẳn xuống thành những đường ngoằn ngoèo không theo hình thù gì cả. Gió thổi ào ào, cát bụi bay tứ tung, mù mịt.
Gian lều của ông lão rung lên từng hồi, tưởng như không đứng vững được nữa. Rồi bất thình lình, một tiếng rống khủng khiếp vang lên, như xé toang bầu trời ra từng mảnh. Sau tiếng rống đó, con giao long đẻ ra một quả trứng lớn bên cạnh chiếc lều của ông lão. Nó để quả trứng ở đó, rồi trườn dần xuống biển đi mất.
Gió bão cũng dịu dần, mua cũng dần ngơi bớt. bầu trời trở lại yên tĩnh, với những đám mây lờ lững trôi theo từng cơn gió nhẹ.
Một lát sau, từ ngoài khơi có một con rùa vàng rất to tiến vào. Nó đào đất chôn quả trứng vào bãi cát, rồi bò đến trước mặt ông lão nói:
– Ta là thần Kim Quy. Quả trứng này là giọt máu của Long Quân. Ta muốn nhà ngươi phải hết sức bảo vệ!
Ông già đáp:
– Thưa thần Kim Quy! Tôi già yếu thế này, làm sao bảo vể được.
Rùa trao cho ông già một cái móng, và bảo:
– Ta biết! Vậy nhà ngươi hãy cầm lấy cái móng này. Bao giờ có việc gì nguy cấp, hãy đặt nó vào tai, ngươi sẽ được trợ giúp ngay, không phải lo gì cả.
– Được, vậy tôi xin cố gắng hết sức.
2. Ông lão trong truyện sự tích núi Ngũ Hành Sơn
Từ hôm đó, ông lão lãnh một trách nhiệm bảo vệ quả trứng.
Một hôm, từ đằng xa, ông thấy có bóng xe bò đang tiến đến. Khi chiếc xe đến gần, ông lão mới nhìn rõ mấy người trên xe, trông mặt ai cũng hung dữ. Ông già hoảng hốt vì thấy chiếc xe cứ nhằm đúng nơi chôn quả trứng mà tiến đến.
Ông gào thét, giơ tay ra hiệu cho xe chạy sang ngả khác mà không được. Chiếc xe vẫn thẳng hướng trứng mà lao đến.
Trong lúc nguy cấp, ông chợt nhớ tới cái móng rùa. Ông đặt móng rùa vào tai thì bỗng nghe thấy tiếng nói rất xa xăm, rất mơ hồ, dường như chỉ có ong mới nắm bắt được.
– Hãy nằm xuống ngay! Nằm xuống ngay!
Ông vội nằm ngay xuống. Ngay lập tức, ông lão hóa thành một con hổ lớn. Bọn người trên xe thấy hổ, sợ quá, hoảng hốt quay xe trở lại.
Sau lần đó, ông lão nghĩ rằng, nếu cứ chôn trứng thần ở ngoài như thế thì thật không an toàn. Ông cụ bèn quyết định tháo dỡ căn lều của mình, rồi dựng một lều khác che cho trứng thần. Nhưng ông không ngờ rằng trứng thần cứ mỗi ngày một lớn, lớn mãi.
Thoạt tiên, nó đẩy cát ra và nhô hẳn lên mặt đất. Ngày nào ông cụ cũng phải hì hục xúc cát lấp lên. Những hôm trứng thần nhô lên mặt đất, ông cụ lại càng vất vả bội phần. Ông cụ ngày càng già yếu, còn quả trứng ngày một to hơn với tốc độ nhanh chưa từng thấy.
Cuối cùng, nó đội cả căn lều nhỏ bé của ông lên trời.
Nhớ đến lời hứa với thần Kim Quy, ông lão không hề nản lòng. Ông vẫn hết lòng che chắn cho nó. Ông vào rừng chặt cây, nhặt lá về để phủ lên trứng.
Nhưng đến một ngày, lá cây cũng không che kín được trứng nữa. Không những quả trứng ngày một nhô cao, mà nó còn phình to ra. Vỏ trứng là sự pha trộn của rất nhiều màu sắc, lóng lánh dưới ánh mặt trời, trông như một viên ngọc khổng lồ.
Đang bình yên, bỗng tai họa xảy đến. Một bọn vô lại kéo nhau tới đốt căn lều nhỏ của ông. Ông cụ không biết làm thế nào để ngăn chúng. Khi chúng phá tan nát căn lều rồi bỏ đi, ông chỉ còn cách cầu cứu móng rùa.
Ông vừa dứt lời cầu cứu thì trong lòng trứng xuất hiện một cái hang, có đủ giường chiếu sạch sẽ tinh tương như sẵn sàng trải cho ông nằm ngủ. Ông cụ vừa đặt mình xuống thì đã ngủ thiếp đi, không còn biết gì nữa.
3. Cô gái trong quả trứng
Giữa lúc đó, có một cô bé từ trong lòng trứng ra đời ngay bên cạnh giường ông già. Ông cụ vẫn ngủ li bì, không hay biết gì về sự có mặt của cô bé. Nhưng cô bé cũng không vì thế mà bị đói khát hay cô đơn. Sữa từ mạch đá trong hang chảy ra nuôi cô bé, chim thú trong rừng đến làm bạn bè với cô. Những con khỉ mang hoa quả đến cho cô ăn, chim tha bông đến dệt áo cho cô mặc. Cô bé lớn nhanh như thổi và có rất nhiều chim muôn kéo đến làm bạn.
Sau một giấc ngủ dài, ông cụ tỉnh dậy. Ông rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một thiếu nữ xinh đẹp ngồi bên cạnh. Thấy ông thức giấc, cô gái mừng rỡ reo lên:
– Cha đã dậy rồi đấy ư? Cha đã ngủ mười lăm năm rồi đấy. Ngày nào con cũng ngồi bên cha, mong cha tỉnh dậy. Hôm nay mong ước của con đã thành sự thực, con vui mừng biết mấy.
Ông cụ ngơ ngác nhìn cô gái vừa nhận ông là cha, rồi nhìn hòn núi đá to lớn, cỏ cây rậm rạp, chim thú đông đúc như một khu rừng vậy. Cái móng rùa vẫn còn ở đầu giường.
Sau một lúc ngơ ngác, ngạc nhiên, ông lão bắt đầu đi xung quanh để tìm lối ra. Hồi lâu tìm kiếm mà ông và cô gái chẳng tìm thấy. “Không nhẽ lại không có lối ra?”. Ông lão tự hỏi. Nghĩ vậy, ông vội cắm móng rùa áp vào tai. Chiếc móng chỉ đường cho ông và cô gái ra khỏi hang, đồng thời báo cho hai người phải làm những gì.
Từ hôm đó, ông già có nhiệm vụ chăm sóc, dạy dỗ con gái của Long Quân. Chim chóc, thú rừng quấn quít bên họ, cuộc sống thật vui vẻ, đầm ấm.
Ngọn núi trước kia chỉ có ông già và cô gái nay đã ngày càng đông đúc hơn. Dân chúng kéo đến khai phá, chả mấy chốc đã hình thành xóm làng.
4. Sự tích núi Ngũ Hành Sơn
Một hôm, có một bọn thổ phỉ không biết từ đâu kéo đến định bổ vây chiếm lấy ngọn núi. Chúng xông tới bắt trói cả già lẫn trẻ đem đi. Ai chống cự sẽ bị chúng giết không tha. Ông già lại cầu cứu móng rùa. Lời ông vừa dứt, một vòng lửa dày bốc lên vây lấy bọn thổ phỉ, không cho một tên nào chạy thoát. Chỉ trong chốc lát, tất cả bọn thổ phỉ đã bị ngọn lửa thiêu cháy.
Nhân dân quanh vùng thấy bỗng dưng có một ngọn núi lớn xuất hiện ở địa phương mình thì lấy làm lạ. Càng lạ hơn sau khi thấy dân chúng ở khu vực ấy lại có thể chống lại bọn thổ phỉ. Họ đều cho là Ngọc Hoàng thượng đế đã phái thần tiên xuống trần cứu giúp muôn dân. Thế rồi không ai bảo ai, hễ có việc gì quan trọng hay có bệnh gì trong người, họ đều đến gặp cô gái và ông già để cầu khẩn và xin thuốc.
Thấy dân cư trong vùng kéo đến xin thuốc đông quá, cô gái lấy những mảnh đá màu xanh, màu đỏ sáng lấp lánh buộc lại với nhau, rồi ném ra xung quanh chỗ ngồi. Bỗng nhiên, trên mặt đất mọc lên một loài cây, hoa của nó có năm cánh chữa bệnh sốt rét rất hiệu nghiệm. Dân quanh vùng gọi đó là hoa tứ quý. Tiếng lành đồn xa, công dụng của hoa tứ quý cùng tài phép, sắc đẹp của cô gái lan đi khắp nơi. Ai cũng nhắc đến cô với tấm lòng trìu mến.
Tiếng đồn lan nhanh đến kinh thành. Vua nghe tin, bèn sai quân mang lễ vật đến cầu hôn cho hoàng tử. Khi nhận được lá thư do chính tay nhà vua viết cùng nhiều lễ vật, ông già rất lúng túng kkhoong biết xử trí ra sao. Giữa lúc ấy, rùa vàng từ dưới biển hiện lên, báo tin cho ông biết là Long Quân đã bằng lòng gả. Cô gái từ biệt cha nuôi lên kiệu về cung. Còn ông già trả lại móng cho rùa thần, rồi cưỡi lên lưng rùa đi biệt. Từ đấy, không ai còn thấy nàng tiên nhỏ cũng như ông già nữa.
Ngày nay, ngọn núi ấy chính là ngọn núi đẹp nhất nổi lên ở bờ biển Quảng Nam. Người ta gọi nó là núi Ngũ Hành (hay còn gọi là Ngũ Hành Sơn). Ở phía Tây núi có sông Vĩnh Điện chảy ra cửa Hàn. Người ta bảo sông đó cũng như sông Cảm Lệ, sông Hàn đều do bà vợ Long Quân vô tình tạo ra trong lúc quằn quại khi sinh nở.
Truyện Sự tích núi Ngũ Hành
– TheGioiCoTich.Vn –
Vài nét về núi Ngũ Hành Sơn trong truyền thuyết
Núi Ngũ Hành Sơn còn có tên khác là núi Non Nước là một danh thắng gồm 5 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, có diện tích khoảng 2 km².
Ngũ Hành Sơn gồm các ngọn núi: Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Kim Sơn và Hỏa Sơn, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng – Hội An; nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Năm 1990, khu danh thắng này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.