Bài thơ Bập bênh [Nguyễn Lãm Thắng]
Bài thơ Bập bênh của tác giả Nguyễn Lãm Thắng miêu tả hai bạn nhỏ chơi bập bênh rất vui, phối hợp nhịp nhàng với nhau, qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết của các bé.
Bập bênh bập bênh
Tôi lên, bạn xuống
Trời cao đất rộng
Nhịp nhàng thay nhau.
Mây ở trên đầu
Gió chao dưới đất
Nụ cười tít mắt
Chở nắng bập bênh.
Ai muốn cao lên
Thì nên thấp xuống
Nụ cười vui sướng
Bập bênh bập bênh…
Tác giả: Nguyễn Lãm Thắng
Bài thơ Chơi bập bênh [Trần Nguyên Đào]
Với tác giả Trần Nguyên Đào, bài thơ lại là nhắc nhở các bé khi vui chơi phải thật cẩn thận, chú ý ngồi cho vững, bám cho chắc, nếu không sẽ bị ngã kềnh ra, bẩn quần áo.
Chơi bập bênh
Ngồi cho chắc
Bám cho chắc
Nhún cho hay
Lên cao này
Lại xuống thấp.
Bập bênh bập
Bênh bập bênh
Khéo ngã kềnh
Quần áo lấm.
Tác giả: Trần Nguyên Đào
Bài thơ Chơi bập bênh [Lê Tấn Hiển]
Cũng giống nhà thơ Lê Nguyên Thắng, bài thơ Bập bênh của tác giả Lê Tấn Hiển nói về sự phối hợp nhịp nhàng của hai bạn nhỏ. Hai bạn nhỏ hồn nhiên ngồi chơi rất vui vẻ, không hề ăn thua với nhau.
Bạn lên – tôi xuống
Bạn xuống – tôi lên
Bập bênh, bập bênh
Thích ơi là thích.
Muốn cho đều nhịp
Phải giúp đỡ nhau
Nặng – thì xuống mau
Nhẹ – thì lên chóng
Bàn chân đạp xuống
Là lượt tôi lên.
Cứ thế hai bên
Chẳng ai sau, trước.
Chẳng ai thua được
Cùng chơi cơ mà.
Tác giả: Lê Tấn Hiển
Bài thơ Bập bênh trong SGK Học Vần lớp 1 [cũ]
Trong SGK Học Vần lớp 1 (năm 1986) cũng có đoạn miêu tả rất sống động cảnh hai bạn nhỏ ngồi chơi bập bênh với nhau. Khi thì ngọn cây cao vút lên, lúc lại thấy mặt trời tụt xuống, ngay cả hồ rau muống bên cạnh cũng dập dềnh theo hai bạn nhỏ.
Chia đều hai bên,
Ngồi cho thật vững
Bập bênh, bập bênh.
Ngọn cây vút lên,
Mặt trời tụt xuống,
Cả hồ rau muống
Cùng nhau dập dềnh.
Nguồn: Học Vần lớp 1, tập 2, trang 29, NXB Giáo dục – 1986