Bài thơ Làm anh khó đấy
Bài thơ Làm anh của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn ca ngợi tình cảm anh em nồng ấm trong gia đình, biết yêu thương, nhường nhịn và chia sẻ cho nhau: Làm anh khó đấy phải đâu chuyện đùa…
Làm anh khó đấy
Phải đâu chyện đùa
Với em gái bé
Phải “người lớn” cơ.
Khi em bé khóc
Anh phải dỗ dành
Nếu em bé ngã
Anh nâng dịu dàng.
Mẹ cho quà bánh
Chia em phần hơn
Có đồ chơi đẹp
Cũng nhường em luôn.
Làm anh thật khó
Nhưng mà thật vui
Ai yêu em bé
Thì làm được thôi.
Bài thơ Làm anh – Tác giả: Phan Thị Thanh Nhàn
Nguồn: Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002
Bài thơ Chỉ đen, giấy trắng
Bài thơ Chỉ đen, giấy trắng của nhà thơ Phạm Hổ, viết về tình cảm của hai anh em Lê-nin ngày nhỏ. Khi cô em gái đóng vở không đúng, Lê-ni đã hướng dẫn em mình cách đóng làm sao cho tập vở được đẹp nhất.
Giấy trắng chờ đóng vở[1]
Chỉ đen sẵn trong hòm
Em Ma-sa[2] mừng rỡ
Bứt một đoạn đóng luôn.
Vô-va[3] cười bảo em:
“Hãy tìm cuộn chỉ trắng
Em xem, mầu chỉ đen
Vào đây nhìn rất bẩn.
Đi tìm cuộn chỉ trắng
Ma-sa liền nghe anh
Giấy trắng đóng chỉ trắng
Nhìn rất sáng, rất thanh.
Bài thơ Chỉ đen, giấy trắng
Tác giả: Phạm Hổ
Chú thích trong bài thơ Chỉ đen, giấy trắng
- Đóng vở: ngày xưa vở viết thường phải tận dụng các tờ giấy rời không dùng tới và dùng chỉ để khâu lại, đóng thành tập (giống như ghim dập giấy bây giờ).
- Vô-va: tên gọi thân mật của Lê-nin thuở nhỏ
- Ma-sa: tên gọi thân mật của em gái Lê-nin.
Gợi ý trong bài thơ Làm anh và Chỉ đen, giấy trắng
- Vì sao làm anh khó? Muốn làm được cần phải như thế nào?
- Ma-sa đã nghe lời anh như thế nào? Kết quả công việc ra sao?
Làm em thì phải biết yêu quý và vâng lời anh chị. Nếu là anh, là chị thì phải biết chăm sóc, nhường nhịn em nhỏ.
Anh em trên kính, dưới nhường,
Là nhà có phúc, mọi đường yên vui.
– Ca dao Việt Nam –