Câu chuyện hay câu truyện? [Giải nghĩa cách viết đúng]

Câu chuyện hay câu chuyện?

Câu chuyện hay câu truyện, quyển truyện hay quyển chuyện, nói chuyện hay nói truyện, chuyện cười hay truyện cười,… Vậy truyện hay chuyện mới là đúng?

Ông cha ta thường nói phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Vệt Nam quả không có sai. Một việc tưởng chừng như đơn giản vô cùng, nhưng lại khiến rất nhiều bạn phải bận tâm, đó là sự nhầm lẫn khi sử dụng các từ ngữ Việt Nam. Phổ biến nhất là các từ liên quan đến truyện hay chuyện.

Thế giới cổ tích sẽ giúp các bạn phân biệt những rắc rối này một cách đơn giản, dễ hiểu nhất.

1. Giải nghĩa từ truyện

Truyện là danh từ, dùng để chỉ một tác phẩm cụ thể nào đó, được viết ra hay truyền lại. Ví dụ: truyện Sự tích hoa cúc trắng, truyện Sự tích hồ Gươm, truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa,… ; hoặc cũng có thể là một thể loại văn học chung chung: truyện cổ tích, truyện truyền thuyết, truyện ngụ ngôn,…

2. Giải nghĩa từ chuyện

chuyện là danh từ, dùng để chỉ một sự việc nào đó được kể lại, nhắc lại, hoặc được nói đến. Ví dụ: chuyện lạ có thật, chuyện cũ đã qua, ngồi nghe kể chuyện, câu chuyện cổ tích,…

Như vậy, về mặt ý nghĩa, thì truyện hay chuyện đều có phần nào đó giống nhau, nhưng về cách sử dụng thì hoàn toàn khác nhau.

Cách viết đúng của truyện hay chuyện trong một số trường hợp

Theo cách giải thích bên trên, thì một số từ khiến nhiều người bị nhầm lẫn sẽ được viết như sau:

1. Câu chuyện hay câu chuyện?

Từ dùng đúng là câu chuyện – chỉ một câu chuyện nào đó được kể lại.

2. Kể chuyện hay kể truyện?

Từ dùng đúng là kể chuyện – chỉ hành động của một người nào đó đang kể lại câu chuyện cho người khác nghe.

3. Quyển truyện hay quyển chuyện?

Từ dùng đúng là quyển truyện – chỉ một tác phẩm cụ thể nào đó được in ra và đóng riêng thành tập.

4. Chuyện cười hay truyện cười?

Từ dùng đúng là truyện cười – chỉ một thể loại truyện dân gian.

5. Nói chuyện hay nói truyện?

Từ dùng đúng là nói chuyện – chỉ một hành động giao tiếp được thực hiện bằng lời nói, hoặc trình bày một vấn đề gì đó trước đám đông.

Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam

Ngoài những thắc mắc xung quanh câu chuyện hay câu truyện, còn có rất nhiều, rất nhiều câu từ khác nữa khiến chúng ta thường xuyên luôn nhầm lẫn. Chẳng hạn như trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, nhiều người vẫn tranh luận về câu chuyện truyền thuyết sự tích bánh chưng – bánh giầy hay Sự tích bánh chưng – bánh dày. Chắc chắn đa số mọi người đều cho rằng bánh dày mới là cách viết đúng.

Nhưng theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, thì dùng đúng ở đây phải là bánh giầy. Sở dĩ từ bánh dầy được nhiều người sử dụng vì bản thân mọi người ban đầu không nhận biết được đấy là từ đúng hay từ sai. Qua thời gian, cái sai cứ thế được lưu truyền và lan tỏa, nhiều người biết tới nên dần dần được xã hội mặc nhiên nhìn nhận là cái đúng. Nhưng về cơ bản, cách gọi “bánh giầy” hay “bánh dày” mọi người đều hiểu là từ chỉ cùng một loại bánh.

Hoặc như trong truyện truyền thuyết Thánh Gióng, có nhiều văn bản cũ sử dụng từ Thánh Dóng thay cho Thánh Gióng. Cả hai cách viết này đều đúng. Lý do bởi vì đây là một văn bản được lưu giữ trong dân gian bằng cách truyền miệng lại. Thánh Gióng hay Thánh Dóng đều cùng chỉ một nhân vật trong truyền thuyết, mà nhân vật trong các các tác phẩm dân gian không nhất thiết phải có tên họ chính xác, cụ thể và đầy đủ.

Ví dụ cụ thể nhất về điều này là trong truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh, theo cuốn Việt sử cương mục, thì Sơn Tinh có tên là Hương Lang, còn trong quyển Truyện cổ và truyền thuyết nước Nam lại nói có tên là Kì Mạng.

Câu chuyện hay câu truyện? [Giải nghĩa cách viết đúng]
Truyện hay chuyện?

Nguyên nhân của sự nhầm lẫn

Việc nhầm lẫn này do nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung lại, có bốn nguyên nhân chính dưới đây:

1. Các văn bản xưa và nay không có sự thống nhất

Đây là nguyên nhân khách quan nhất, nhưng không gây ra ảnh hưởng nhiều. Theo thời gian, những từ cũ không còn thông dụng dần được thay thế bằng những từ mới có được sử dụng rộng rãi hơn.

2. Đặc điểm của từng địa phương

Lỗi này khá phổ biến. Ở nước ta có rất nhiều vùng miền sử dụng tiếng địa phương, nói chệch và nhất là nói ngọng.

Điển hình là một số nơi thuộc các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tây (cũ) có số lượng người nói ngọng rất lớn. Do từ bé đến lớn phải tiếp xúc trong môi trường ấy, nên một số người không thể nghe được chính xác từ nào đúng, từ nào sai. Chính điều này dẫn đến việc phát âm không chuẩn, kéo theo khi viết cũng bị sai theo.

3. Giáo dục còn nhiều khiếm khuyết

Có một thực tế, đó là hiện nay có rất nhiều thầy cô nói ngọng. Thầy cô mà nói ngọng thì làm sao có thể sửa được cho học sinh. Nhất là các bé ở độ tuổi mầm non hay tiểu học – cái độ tuổi dễ uốn nắn và thay đổi nhất.

Nhiều bậc phụ huynh cũng chưa thực sự quan tâm đến việc dạy các con phát âm đúng, vẫn còn giữ quan niệm sai lầm lớn lên sẽ tự hết nói ngọng.

4. Lười đọc sách

Đây là nguyên nhân căn bản và phổ biến nhất của việc viết sai, viết nhầm. Nếu chịu khó đọc sách, chắc chắn những câu hỏi dạng như câu chuyện hay câu truyện sẽ không bao giờ xảy ra.

Sự phát triển của xã hội kéo theo việc đọc sách đối với các bạn trẻ ngày càng ít đi. Chúng ta nên tập cho mình thói quen đọc sách hàng ngày. Sách gì cũng được, kể cả là ngôn tình sướt mướt, khoa học khô khan, hay những truyện kiếm hiệp ngắn gọn,… miễn là đọc sách. Việc hàng ngày tiếp xúc với những con chữ, vốn từ vựng cũng như kiến thức về con người, cuộc sống, xã hội,… sẽ ngày càng được mở rộng hơn trong nhận thức của bạn.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *