Chuyện ba chàng khất sĩ con vua và năm thiếu phụ ở thành cổ Bátđa
Chuyện ba chàng khất sĩ con vua và năm thiếu phụ ở thành cổ Bátđa trong Nghìn lẻ một đêm kể về ba thiếu phụ xinh đẹp với những vị khách bất ngờ trong đêm.
Dưới triều hoàng đế Harun An-Rasít [1] ở thành phố Bátđa, nơi Người đóng đô, có một gã khuân vác thuê, tuy nghề nghiệp thấp hèn và nặng nhọc nhưng vốn thông minh và vui tính. Một buổi sáng, theo thường lệ, gã đang đứng ở một quảng trường với một cái sọt thừa để sẵn bên cạnh, chờ xem có ai cần đến công việc của mình. Thì một thiếu phụ vóc người xinh đẹp, khoác một tấm mạng bằng sa, đến gần và duyên dáng nói với gã: “Này nghe đây, anh khuân vác ơi, hãy cầm lấy sọt của anh và đi theo tôi”. Gã khuân vác thú vị vì mấy lời ngắn ngủi thốt ra một cách đáng yêu ấy, lập tức cầm cái sọt đội lên đầu và đi theo nàng, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Ôi ngày hạnh phúc! Ôi ngày gặp gỡ may mắn làm sao!”
Thoạt tiên, thiếu phụ dừng lại trước một tòa nhà và gõ cửa. Một ông già theo đạo Thiên chúa có bộ râu bạc dài, vẻ đáng kính, ra mở. Thiếu phụ đặt tiền vào tay cụ mà chẳng nói chẳng rằng. Nhưng cụ già đã hiểu nàng cần gì, quay ngay trở vào, và lát sau mang ra một chiếc vò lớn chứa một loại rượu tuyệt ngon. Thiếu phụ bảo gã khuân vác: “Hãy đỡ lấy cái vò và cho vào sọt của anh”. Xong đâu đấy, nàng truyền cho gã đi theo nàng. Gã tiếp tục lẩm bẩm: “Ôi ngày khoái trá! Ôi ngày bất ngờ thú vị và mừng vui!”
Thiếu phụ dừng lại trước cửa hiệu một người bán hoa quả; nàng chọn nhiều loại táo, mơ, đào, chanh, cam, sim, rau thơm, hoa huệ, hoa nhài cùng nhiều loại hoa và rau thơm khác. Nàng bảo gã khuân vác bỏ tất cả những thứ đó vào sọt và đi theo nàng. Ngang qua một quầy hàng thịt, nàng cho cân hai mươi nhăm cân [2] thịt loại ngon nhất có ở quầy, mà gã khuân vác theo lệnh nàng lại xếp vào sọt. Đến một cửa hiệu khác nàng mua hạt phong điểm, rau mùi, dưa chuột, rau hậu bội và nhiều rau xanh khác, tất cả dầm vào dấm; đến một hiệu khác nữa, mua lạc, hạnh nhân, hạt dẻ, hạt ba đậu, hạnh đào và nhiều loại hoa quả tương tự; đến một hiệu tiếp theo, lại mua đủ loại mứt hạnh đào. Gã khuân vác xếp tất cả những thứ đó vào sọt, và thấy cái sọt đã sắp đầy, gã nói: “Thưa bà, lẽ ra bà nên cho tôi biết trước là sẽ mua bấy nhiêu hàng; có lẽ tôi đã dắt theo một con ngựa hay một con lạc đà để cho nó thồ. Bà còn mua thêm ít nữa thôi là tôi xin chịu không thể nào nhấc nổi cái thúng này đâu đấy!”. Nghe câu nói đùa, người đàn bà chỉ cười và truyền cho gã tiếp tục đi theo.
Nàng vào hiệu một người bán gia vị mua đủ loại nước hoa, đinh hương, nhục đậu khấu, hồ tiêu, gừng, một miếng long diên hương lớn và nhiều loại tạp hóa Ấn Độ khác, thế là đầy hẳn cái sọt; nhưng nàng vẫn bảo gã tiếp tục đi theo. Hai người cùng đi cho mãi khi tới một dinh thự tráng lệ, mặt trước được trang trí một hàng cột đẹp và cánh cửa thì bằng ngà voi. Họ dừng lại, người đàn bà gõ một tiếng nhẹ vào cửa.
Trong khi hai người chờ người ra mở cửa, gã khuân vác suy nghĩ miên man. Gã lấy làm ngạc nhiên sao một bà ra dáng như bà này lại đi làm công việc của một người nhà bếp, bởi vì rốt cuộc gã cũng nhận ra được rằng đây không phải là một ả nô tỳ: gã thấy bà ta có vẻ quý phái quá, không thể nghĩ là người đi ở, hơn nữa còn có thể coi là nhân vật lớp thượng lưu. Gã đã định hỏi để biết rõ địa vị của bà ta; nhưng chưa kịp cất lời thì một thiếu phụ khác đã ra mở cửa trông còn xinh đẹp hơn, làm cho gã rất đỗi ngạc nhiên; hay đúng hơn là xúc động choáng váng trước vẻ kiều diễm lộng lẫy của nàng, đến nỗi gã tưởng có thể đánh rơi cái sọt cùng với tất cả những thứ đựng bên trong xuống đất. Gã chưa từng bao giờ trông thấy có ai xinh đẹp bằng con người đang đứng trước mặt gã.
Người đàn bà dẫn gã đi theo nhận thấy sự bàng hoàng diễn ra trong lòng gã và hiểu rõ nguyên nhân. Điều đó làm nàng thấy vui vui, và thích thú quan sát thái độ của gã đến nỗi không để ý rằng cửa đã mở. “Kìa em, hãy vào đi chứ, – người mở cửa xinh đẹp bảo nàng – em còn đợi gì? Em không nhận thấy anh chàng tội nghiệp này vác nặng đến không chịu nổi nữa hay sao?”
Nàng cùng với gã khuân vác đi vào nhà, người ra mở cửa đóng cửa lại, và cả ba người sau khi đi qua một tiền đình đẹp, băng qua một cái sân rất rộng xung quanh là hành lang có lan can chạy nhanh, ăn thẳng với nhiều ngôi nhà rất tráng lệ. Cuối sân đặt một chiếc sập bọc đệm sang trọng, chính giữa sập kê một chiếc ngai bằng hổ phách đặt lên trên bốn trụ gỗ mun khảm những viên kim cương và ngọc to lớn khác thường, và phủ bằng xa tanh đỏ thêu kim tuyến của Ấn Độ, nghệ thuật tài tình. Chính giữa sân có một bể nước, thành xây bằng cẩm thạch trắng, chứa đầy nước trong veo đang cuồn cuộn tuôn xuống từ mõm một con sư tử đồng mạ vàng.
Gã khuân vác tuy mang nặng vẫn ngắm nghía không biết chán các ngôi nhà lộng lẫy, đâu đâu cũng sạch sẽ tinh tươm, nhưng điều đặc biệt làm cho gã chú ý là một thiếu phụ thứ ba trông còn đẹp hơn người thứ hai: Nàng ngồi trên một chiếc ngai vàng. Trông thấy hai nàng kia, nàng bước xuống và ra đón họ. Qua vẻ cung kính mà hai người trước dành cho nàng, gã đoán rằng đấy phải là người gia trưởng, và quả thật gã không lầm. Người đàn bà ấy tên là Zôbêít; người ra mở cửa là Xaphi; và Amin là tên nàng vừa đi mua bán.
Zôbêít vừa tiến đến gần hai nàng vừa nói: “Các em không trông thấy anh chàng chết gục dưới cái sọt nặng đấy sao? Các em còn đợi gì mà không đỡ nó xuống?”
Thế là Amin và Xaphi người bợ đằng trước, kẻ đỡ phía sau, nâng cái sọt. Zôbêít cũng hộ một tay, và ba người nhấc sọt đặt xuống đất. Họ bắt đầu dỡ hàng ra. Làm xong, nàng Amin yêu kiều lấy tiền trả công gã vác thuê một cách hào phóng.
Anh chàng rất hài lòng với số tiền thiếu phụ vừa trả cho gã, đáng lẽ cầm lấy cái sọt của mình và ra về, song gã không sao dứt mà đi được: bất giác gã cảm thấy ngẩn ngơ muốn được ngắm nghía mãi ba con người xinh đẹp hiếm thấy và cả ba cũng đều có vẻ khả ái: chả là nàng Amin cũng vừa bỏ tấm mạng che mặt ra, và gã thấy nàng cũng đẹp không kém hai người kia. Điều gã không thể nào hiểu được là không thấy một người đàn ông nào trong nhà. Thế nhưng, phần lớn thức ăn mà gã vừa mang đến, cũng như các hoa quả khô và các loại bánh mứt khác nhau ấy thật ra chỉ hợp với những kẻ hay rượu và thích nhậu nhẹt mà thôi.
Thoạt tiên Zôbêít tưởng người vác thuê dừng lại để lấy hơi; nhưng thấy gã nấn ná quá lâu, nàng hỏi: “Anh còn chờ gì? Trả công chưa vừa ý anh sao? Em à – nàng quay sang nói với Amin – em hãy cho anh ấy thêm một ít nữa, để anh ấy bằng lòng mà ra về.”
– Thưa bà – gã khuân vác nói – đấy không phải là nguyên nhân giữ chân tôi lại; tôi đã được trả công quá hậu hĩ rồi. Tôi biết rằng nấn ná lại đây lâu quá mức cần thiết là bất lịch sự; song tôi hy vọng bà sẽ rộng lượng khoan dung cho nếu tôi tỏ vẻ ngạc nhiên sao không thấy một người đàn ông nào ở cùng ba bà xinh đẹp hiếm thấy thế này. Một tập thể đàn bà không có đàn ông cũng buồn chán như một tập thể đàn ông không có đàn bà vậy – Gã thêm thắt nhiều câu khá ý nhị để chứng minh điều vừa nói. Gã lại không quên dẫn ra câu người ta hay nói ở Bátđa: không đủ bốn người thì bữa ăn kém ngon, để cuối cùng đi đến kết luận là, bởi vì các bà mới có ba người, họ cần có một người thứ tư nữa để cùng ăn cho có bọn.
Ba nàng phá lên cười khi nghe anh chàng khuân vác lý sự. Sau đó, Zôbêít nghiêm trang nói: “Anh bạn ạ, anh tò mò hơi quá mức rồi đấy. Tuy nhiên, mặc dù anh không đáng cho ta phải đi sâu vào chi tiết, ta cũng vui lòng nói cho anh rõ chúng ta là ba chị em; chúng ta ăn ở kín đáo đến nỗi chẳng ai hay biết gì hết: chúng ta có lý do quan trọng để mà sợ những kẻ tò mò; một tác giả hay mà ta từng đọc, đã nói: Hãy giữ kín điều bí mật của ngươi, đừng cho ai hay: người nào đã để lộ cho kẻ khác biết thì không còn làm chủ điều bí mật của mình nữa. Nếu lòng ngươi còn không chứa đựng nổi điều bí mật của ngươi, thì làm sao lòng của người mà ngươi để lộ cho biết lại có thể chứa đựng nổi điều bí mật ấy?”
– Thưa các bà, – gã khuân vác đáp, – chỉ nhìn hình dáng các bà, ngay từ đầu tôi đã nghĩ rằng đây là những con người cao quý hiếm có, và tôi thấy rõ tôi đã không nhầm. Mặc dù số phận chẳng cho tôi đủ của cải đi vươn lên làm một nghề khác hơn nghề nghiệp của mình; tôi vẫn không ngừng tìm hết cách bồi bổ trí tuệ bằng việc đọc các sách khoa học và lịch sử: và xin phép các bà cho tôi được nói rằng tôi cũng có đọc ở một tác giả khác một châm ngôn mà bao giờ tôi cũng thực hành một cách, tốt đẹp: “Chúng ta chỉ giữ bí mật đối với những kẻ mà mọi người đều thừa nhận là không kín tiếng, họ sẽ phụ lòng tin của chúng ta; nhưng chúng ta chẳng khó dễ gì mà không cho những người khôn ngoan biết, bởi vì chúng ta tin chắc rằng họ sẽ biết cách giữ kín tiếng”. Điều bí mật để ở nhà tôi thì cũng an toàn không kém khi nó được cất vào một gian buồng mà chìa khóa đã đánh mất và cửa thì đã niêm phong.
Zôbêít hiểu gã vác thuê này không phải không thông minh, gã muốn được dự bữa tiệc mà ba người sắp dùng, liền mỉm cười bảo gã: “Anh biết là chúng ta sửa soạn ăn tiệc; và anh cũng biết rằng chúng ta đã chi tiêu một món tiền lớn; chắc là sẽ không công bằng nếu anh cùng dự tiệc mà không có gì đóng góp vào”. Nàng Xaphi xinh đẹp ủng hộ ý kiến của bà chị: “Anh bạn ạ, anh chưa bao giờ nghe câu người ta thường nói thế này ư: “Nếu bạn có mang đến một cái gì, thì bạn sẽ ở đây cùng với chúng tôi; nếu bạn chẳng mang gì đến, thì bạn nên tay không lui về?”
Gã khuân vác, mặc dù giỏi lý sự, có lẽ đành phải bối rối rút lui; nếu không được nàng Amin bênh vực. Nàng nói với Zôbêít và Xaphi: “Hai chị thân yêu ơi, em xin hai chị cho phép anh này ở lại với chúng ta; khỏi phải nói là anh ta sẽ làm chúng ta vui: các chị đã thấy rõ anh ta có khả năng về mặt đó. Em xin quả quyết với các chị là, nếu anh ta không vui lòng, nhanh nhẹn và dũng cảm đi theo em thì dễ chừng em đã không đủ sức mua sắm bấy nhiêu thứ trong thời gian ngắn như vậy. Hơn nữa, nếu em thuật lại tất cả nhưng điều dí dỏm mà anh ta nói với em trong lúc đi đường, các chị sẽ đỡ ngạc nhiên vì sao em che chở anh ta.”
Nghe Amin nói, gã khuân vác mừng rơn, liền quỳ gối và hôn đất dưới chân con người tốt bụng ấy, rồi vừa đứng dậy vừa nói với nàng: “Thưa bà yêu kính, ngày hôm nay bà đã khởi đầu hạnh phúc của tôi, giờ bà lại đưa nó lên tột đỉnh bằng một hành động rất hào hiệp, tôi không biết làm sao bày tỏ hết lòng biết ơn đối với bà. Hơn nữa, thưa các quý bà, – gã nói với cả ba chị em – các bà đã dành cho kẻ này một vinh dự lớn như vậy thì xin đừng nghĩ rằng tôi sẽ lạm dụng nó, hoặc là tôi dám tự cho là một con người xứng đáng với vinh dự ấy; không, tôi vẫn mãi mãi tự coi mình như là tên nô lệ hèn mọn nhất của các quý bà.”
Nói xong gã muốn trả lại số tiền vừa nhận; nàng Zôbêít nghiêm trang truyền bảo gã hãy giữ lại: “Những gì tay chúng ta đã bỏ ra để thưởng công những kẻ làm giúp thì tay chúng ta sẽ không nhận trở lại. Nhưng, anh bạn ạ, trong khi bằng lòng cho anh ở lại đây cùng chúng ta, ta báo trước cho anh biết: không phải chỉ có một điều kiện là anh sẽ giữ điều bí mật chúng ta đòi hỏi mà thôi đâu, chúng ta còn muốn rằng anh phải xử sự theo đúng phép lịch sự và tính trung hậu nữa.”
Trong khi Zôbêít nói thì nàng Amin xinh đẹp cởi bộ cánh đi phố, buộc chéo tà áo dài vào thắt lưng để làm việc cho gọn, rồi bày bàn. Nàng dọn ra nhiều món ăn, đặt lên trên tủ đựng thức ăn nhiều chai rượu nho và các chén bằng vàng. Sau đấy, các bà ngồi vào bàn và cho gã khuân vác thuê ngồi ở bên cạnh; gã lấy làm hài lòng tột độ vì được cùng dự tiệc với ba con người xinh đẹp khác thường.
Ăn được mấy miếng, nàng Amin tự mình rót rượu ra một cái chén, rồi uống trước theo đúng phong tục của người Ả Rập. Sau đó, nàng rót tiếp cho các bà chị, hai người này lần lượt uống, cuối cùng nàng rót chén thứ tư đưa cho gã khuân vác; gã đỡ lấy, hôn tay Amin và trước khi uống hát một bài đại ý nói rằng, giống như ngọn gió đi qua những nơi thơm tho thì mang theo hương ngào ngạt, chén rượu gã sắp uống đây, nhận từ bàn tay nàng, sẽ mang theo hương vị tuyệt vời hơn hẳn hương vị tự nhiên của nó. Bài hát ấy làm vui lòng các thiếu phụ, và họ cũng cất tiếng hát. Mọi người đều rất vui vẻ trong suốt bữa ăn kéo dài khá lâu và kèm theo đủ trò thú vị.
Chẳng mấy chốc thì trời tối, nàng Xaphi, thay mặt ba thiếu phụ, liền nói với gã khuân vác: “Hãy đứng lên và đi đi: đã đến lúc anh phải về rồi đấy”. Gã khuân vác không làm sao đi cho dứt, đáp: “Ô kìa, thưa các bà, các bà truyền bảo tôi đi đâu giữa lúc người tôi đang trong tình trạng như thế này? Tôi say mềm vì chiêm ngưỡng các bà và vì uống quá nhiều rượu: có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được đường mà về đến nhà. Xin các bà hãy cho tôi nghỉ đêm để tỉnh bớt rượu, tôi nghỉ ở đâu cũng được; nhưng cũng cần phải có thời gian lâu lâu tôi mới có thể trở lại tỉnh táo như khi tôi bước chân vào dinh thự này; ấy thế mà tôi còn e rằng tôi để lại phần tinh anh nhất của mình nơi đây.”
Một lần nữa nàng Amin lại bênh gã khuân vác. Nàng nói: “Các chị ơi, anh ta nói có lý, em hiểu anh ta vì sao phải xin các chị điều đó. Anh đã làm cho chúng ta khá vui rồi đấy, nếu các chị tin lời em, hay đúng hơn nếu các chị yêu em nhiều như em hằng tin tưởng, thì chúng ta nên giữ anh ta lại tối nay ở đây.”
– Em à – nàng Zôbêít nói – các chị không nỡ từ chối em điều gì. Anh khuân vác này – nàng quay sang nói với gã – chúng ta vui lòng thể theo yêu cầu của anh lần nữa; nhưng ta đặt thêm một điều kiện mới. Cho dù mấy chị em ta có làm gì đi nữa trước mặt anh, hoặc là giữa chúng ta với nhau hoặc là đối với cái gì khác, anh cũng không được hé răng hỏi tại sao; bởi vì nếu anh hỏi về những việc hoàn toàn không dính dáng đến mình, anh có thể phải nghe những điều không vui tai; anh phải chú ý đấy, không được quá tò mò tìm hiểu sâu nguyên nhân những hành động của chúng ta.
– Thưa bà, – gã vác thuê đáp, – tôi xin hứa với bà tôi sẽ tôn trọng điều kiện ấy một cách đứng đắn đến nỗi bà sẽ không có gì phải trách mắng chứ dừng nói chỉ đến trừng phạt tội tò mò của tôi: trong dịp này lưỡi tôi sẽ bất động, mắt tôi sẽ như một tấm gương, không giữ lại tí gì những vật nó đã phản chiếu.
Vẻ mặt rất trang nghiêm, nàng Zôbêít lại nói: “Để cho anh thấy, điều ta đòi hỏi anh tuân theo không phải vừa mới đặt ra giữa anh và ba chị em ta, anh hãy đứng lên và ra đọc câu viết bên trên cửa ra vào, ở mặt trong.
Gã vác thuê bước đến và đọc những chữ sau đây bằng đại tự dát vàng: “Ai nói những điều không liên quan đến mình, sẽ phải nghe những điều không thú vị cho mình”. Gã trở vào nói với ba chị em: “Thưa các bà, tôi xin thề là các bà sẽ không nghe tôi nói tới một điều gì không liên quan đến tôi, mà các bà quan tâm.”
Thỏa thuận xong, nàng Amin bày bữa ăn tối; và sau khi thắp nhiều cây nến pha trầm hương và xạ hương xông mùi thơm dễ chịu làm cho căn phòng chan hòa ánh sáng, nàng đến ngồi vào bàn cùng với hai chị và gã vác thuê. Họ lại bắt đầu ăn uống, ca hát và ngâm thơ. Các bà thích chuốc rượu cho gã say, lấy cớ là mừng sức khỏe gã. Chẳng ai ngại ngùng gì mà không nói đùa. Cuối cùng, giữa lúc họ đang hết sức vui vẻ nhất trần đời thì nghe có tiếng gõ cửa.
Tất cả ba người đàn bà cùng đứng lên một lúc để ra mở, nhưng nàng Xaphi vốn chuyên lo công việc này, nhanh nhẹn hơn cả; còn hai nàng kia thấy đã có người đi bèn ngồi lại chờ Xaphi trở vào cho biết ai có việc gì mà đến nhà họ muộn như vậy. Xaphi trở vào nói: “Chị và em ạ, có một cơ hội rất tốt cho chúng ta vui chơi thú vị đến hết đêm nay; nếu chị và em Amin cùng một suy nghĩ như em thì ta không nên bỏ lỡ. Ngoài cửa nhà ta có ba khất sĩ [3] hay ít ra em cho là như vậy qua cách ăn mặc của họ; những điều chắc sẽ làm cho chị và em ngạc nhiên, là cả ba đều chột mắt bên phải, và tóc, râu, lông mày đều cạo trụi. Họ nói rằng họ vừa mới đến Bátđa, họ chưa từng đặt chân tới đây bao giờ; và bởi vì trời tối mà không biết trọ ở đâu, họ ngẫu nhiên gõ cửa nhà ta và yêu cầu chúng ta, vì Thượng đế, hãy làm phúc cho họ nghỉ lại. Họ xin vui lòng ở trong chuồng ngựa cũng được. Họ đều còn trẻ, trông cũng khá khôi ngô và còn có vẻ thông minh nữa là khác; nhưng em không thể nào nhịn được cười khi nghĩ đến bộ mặt ngộ nghĩnh và giống nhau như đúc của họ”. Nói đến đây, Xaphi ngừng lời và phá ra cười ngặt nghẽo đến nỗi hai bà kia và gã khuân vác cũng không nén được cười. “Chị và em này – nàng Xaphi lại nói – Chị và em có đồng ý là ta cho họ vào không? Với những người như em vừa tả, chắc chắn là chúng ta chỉ có thể kết thúc ngày hôm nay còn vui vẻ hơn lúc mở đầu. Họ sẽ làm cho ta vui mà chúng ta cũng chẳng tốn kém gì, bởi vì họ chỉ xin nghỉ lại mỗi một đêm nay thôi, sáng ra là họ xin từ biệt chúng ta ngay.”
Zôbêít và Amin không đồng ý điều Xaphi đề nghị, chính Xaphi cũng đã hiểu rõ vì sao. Nhưng nàng tỏ ra thiết tha muốn đạt cho bằng được lời yêu cầu của mình, thành ra hai người không nỡ nào từ chối. Nàng Zôbêít bảo: “Thế thì em hãy ra gọi họ vào; nhưng đừng quên báo trước cho họ biết là không được hỏi han những điều gì không liên quan đến họ, và chỉ cho họ đọc câu viết sẵn bên trên cửa ra vào. Nghe chị nói vậy, Xaphi mừng rỡ chạy ra mở cửa, và một lát sau, nàng trở vào cùng với ba khất sĩ.
Vừa vào tới nơi, ba chàng cúi gập người chào, các thiếu phụ đứng lên nghênh tiếp và chúc mừng họ một cách lịch sự rằng ba chị em rất vui lòng được dịp giúp đỡ họ và góp phần làm cho họ chóng lại sức sau những nỗi mệt nhọc dọc đường; và cuối cùng mời ba chàng ngồi xuống bên cạnh. Cảnh cửa nhà lộng lẫy và vẻ phúc hậu của ba thiếu phụ làm cho ba khất sĩ đánh giá cao những bà chủ nhà xinh đẹp; nhưng trước khi ngồi vào chỗ, tình cờ trông thấy gã vác thuê ăn mặc gần giống với nhiều khất sĩ thuộc một dòng tu khác, không cạo râu và cạo lông mày, một chàng cất tiếng nói: “Hình như đây là một trong những đạo huynh Ả Rập chúng ta thuộc phái chống đối.”
Gã vác thuê đã thiu thiu và đầu óc đang nóng lên bởi hơi men, lấy làm bất bình về câu nói đó; gã cứ ngồi yên, vừa nhìn ba chàng khất sĩ một cách hợm hĩnh vừa nói: “Các bạn ngồi xuống, và chớ có dính dáng vào những việc không phải của mình. Các bạn chưa đọc câu viết trên cửa ra vào? Chớ nên buộc người khác phải sống theo kiểu của các bạn; nhập gia phải tùy tục.”
– Ông bạn ơi, – chàng khất sĩ đáp, – bạn chớ nổi nóng; chúng tôi rất lấy làm tiếc nếu có phần nào thiếu sót khiến cho bạn bực mình; ngược lại, chúng tôi sẵn sàng nghe các lời chỉ giáo của bạn.
Lời qua tiếng lại có thể còn kéo dài, nhưng các thiếu phụ đã xen vào và chấm dứt sự cãi cọ.
Khi các khất sĩ đã yên vị, các thiếu phụ mời họ ăn và nàng Xaphi vui tính đặc biệt chú ý rót rượu mời họ uống.
Ăn uống thỏa thuê xong, ba chàng khất sĩ nói với các bà rằng họ sẽ rất sung sướng được hòa nhạc hầu các bà, nếu các bà có sẵn nhạc cụ và vui lòng cho người mang ra. Nàng Xaphi xinh đẹp đứng lên đi tìm.
Một lát sau nàng trở lại đưa cho ba chàng một chiếc sáo địa phương, một chiếc sáo Ba Tư và một cái trống xứ Bát. Mỗi khất sĩ lấy thứ nhạc cụ mình chọn, và cả ba bắt đầu chơi một khúc nhạc. Các thiếu phụ đều thuộc lời ca của khúc nhạc đó, một lời ca rất vui nhộn. Cất tiếng hát theo; nhưng chốc chốc lại ngừng lại và phá lên cười vì lời ca ngộ nghĩnh.
Đang giữa cuộc vui, đúng lúc mọi người đang vui vẻ nhất, thì có tiếng gõ cửa. Xaphi ngừng hát và ra xem có việc gì.
*
* *
Nhưng tâu bệ hạ – kể đến đoạn này nàng Sêhêrazát nói với hoàng đế Saria – bệ hạ hẳn muốn biết vì sao có người gõ của các bà khuya khoắt như vậy, xin tâu rõ lý do:
Hoàng đế Harun An-Rasít thường có thói quen vi hành vào ban đêm, để tự mình xét xem có phải mọi sự trong kinh đô đều thanh bình, hay là có việc mất trật tự nào xảy ra chăng.
Đêm hôm ấy hoàng đế xuất hành sớm, cùng đi có tể tướng Giafa [4] và Mêrua, đứng đầu các hoạn nô trong cung cấm, cả ba đều cải trang thành những người buôn. Đi qua phố nhà ba thiếu phụ, nhà vua nghe tiếng đàn sáo, tiếng hát và tiếng cười, liền truyền cho tể tướng: “Khanh hãy đến gõ cửa cái nhà người ta đang làm huyên náo kia; ta muốn vào đấy xem cho rõ nguyên nhân”. Mặc cho tể tướng trình bày rằng đấy chẳng qua là những người đàn bà đang chè chén đêm khua, chắc hẳn hơi men đang làm cho họ nóng đầu; nhà vua không nên tự dưng đến, biết đâu họ chẳng thốt ra những lời nhục mạ; vả chăng cũng chưa phải đã đến giờ cấm, không nên quấy rầy sự vui chơi của họ. “Mặc kệ – nhà vua phán – hãy gõ cửa đi, ta ra lệnh cho ngươi đó.”
Vậy chính là tể tướng Giafa đến gõ cửa nhà các thiếu phụ theo lệnh của hoàng đế đang không muốn cho ai nhận ra mình.
Nàng Xaphi mở cửa. Tể tướng, qua ánh sáng cây nến nàng cầm ở tay, nhận ra đây là một người đàn bà tuyệt đẹp. Ông cúi chào rất thấp và nói lễ phép: “Thưa bà, chúng tôi là ba nhà buôn ở Mútxun [5], mới đến đây chừng mươi hôm với nhiều hàng hóa đắt tiền mà chúng tôi đang giữ ở kho trong một cái trại [6], nơi chúng tôi tạm trú. Hôm nay, chúng tôi vừa đến chơi một nhà buôn trong thành phố mời chúng tôi đến thăm. Ông ta chiêu đãi chúng tôi, và cũng nhân vui vì có chén rượu, ông ta cho mời một đoàn vũ nữ đến. Trời đã tối rồi, trong lúc nhạc công đang cử nhạc và các vũ nữ múa, anh em làm ồn ào quá, lính tuần đi qua và gọi cửa. Một số người dự hội bị bắt, về phần chúng tôi, may mắn thoát được nhờ vượt qua một bức tường. Nhưng, – tể tướng nói tiếp – bởi vì chúng tôi là người lạ, ít nhiều vừa có chén rượu, chúng tôi sợ lại gặp phải tốp lính tuần khác, hay tốp lúc nãy cũng nên, trước khi về được tới trại cách đây cũng khá xa. Mà dù chúng tôi có về được tới nơi đi nữa thì cũng vô ích vì cổng trại đã đóng, phải đến sáng sớm mai mới mở, cho dù có việc gì xảy ra. Chính vì vậy, thưa bà, đi ngang qua đây nghe tiếng đàn và tiếng hát, chúng tôi cho là gia đình ta chưa đi nghỉ, cho nên chúng tôi đánh bạo gõ cửa cầu xin bà cho phép tạm trú đến sáng. Nếu quý bà thấy rằng, chúng tôi đáng được tham gia cuộc vui cùng gia đình, thì chúng tôi xin cố gắng góp phần theo khả năng của mình để bù vào chỗ tại chúng tôi mà cuộc vui đó phải gián đoạn. Bằng không, chỉ xin bà vui lòng cho chúng tôi nghỉ tạm qua đêm ở nhà ngoài cho đỡ sương thôi cũng được.”
Trong lúc Giafa nói, nàng Xaphi xinh đẹp có đủ thời giờ quan sát tể tướng và hai người cùng đi, mà ông bảo cũng là nhà buôn như ông. Qua vẻ mặt của họ, nàng nghĩ đây chắc không phải là những người bình thường, liền đáp rằng mình không phải chủ nhân; nếu họ vui lòng đợi một lát; thì nàng sẽ trở lại cho biết ý kiến trả lời.
Xaphi vào trình bày lại với chị và em gái, hai người do dự hồi lâu không biết nên quyết định thế nào. Nhưng vốn là những người tốt bụng, vả chăng họ cũng đã làm ơn đồng ý cho ba khất sĩ trọ rồi. Bởi vậy ba nàng quyết định để các khách vào.
Hoàng đế, tể tướng và viên đứng đầu các hoạn nô chào các thiếu phụ và các khất sĩ một cách rất lịch sự. Các bà tưởng họ là nhà buôn nên tiếp đón họ cũng lịch sự không kém. Nàng Zôbêít, với tư cách là người gia trưởng, nói với họ bằng một giọng nghiêm trang thích hợp với nàng: “Xin chúc mừng các ngài; song trước hết xin các ngài chớ cho là đường đột nếu chúng tôi yêu cầu các ngài một điều.”
– Điều gì, thưa bà? – tể tướng hỏi, – Ai có thể từ chối một điều gì với các phu nhân xinh đẹp dường này?
Nàng Zôbêít nói tiếp:
– Ấy là chỉ nên có mắt mà không có lưỡi; ấy là bất kỳ các ngài trông thấy gì cũng xin chớ có hỏi để tìm hiểu nguyên nhân, và xin chớ có nói những điều gì không liên quan đến các ngài, e rằng làm như vậy các ngài sẽ phải nghe những điều không được vui tai.
– Thưa bà, chúng tôi xin vâng lời bà, – tể tướng đáp, – Chúng tôi không phải là quan tòa, cũng không phải là những kẻ tò mò lắm điều; chỉ lo việc có liên quan đến mình và không dính dáng gì tới những việc không liên quan, như thế cũng đã đủ cho chúng tôi lắm rồi.
Đến đấy mọi người cùng ngồi xuống, chuyện bắt đầu nở; và người ta lại tiếp tục uống rượu mừng những người mới đến.
Trong khi tể tướng nói chuyện cùng các bà, hoàng đế không thể không thầm phục nhan sắc khác thường, sự duyên dáng, tính tình hòa nhã và trí thông minh của họ. Mặc khác, nhà vua cũng hết sức lấy làm lạ về ba chàng khất sĩ cùng chột mắt bên phải như nhau.
Có lẽ vua đã rất muốn tìm hiểu cho ra các điểm kỳ quặc đó, nhưng điều kiện các bà vừa đặt ra cho nhà vua và những người cùng đi, ngăn không cho nhà vua hỏi. Thêm vào đó, khi suy nghĩ về những đồ đạc sang trọng, xếp đặt ngăn nắp và sự sạch sẽ của tòa dinh thự, nhà vua không thể tin rằng chốn này không có thuật ma phép quỷ gì đây.
Câu chuyện chuyển sang vấn đề giải trí và các cách thức vui chơi, các khất sĩ liền đứng lên múa một bài theo kiểu của họ, làm cho các thiếu phụ vốn đã có cảm tình càng thêm ưa thích, và nhà vua và những người cùng đi cũng nể vì.
Ba khất sĩ múa xong, nàng Zôbêít đứng dậy, vừa cầm tay Amin vừa nói:
– Em ơi, em hãy đứng lên; các ngài đây chắc sẽ không cho là không tốt việc chúng ta tự xử phạt mình, và sự có mặt của các ngài sẽ không ngăn trở chúng ta làm công việc chúng ta vẫn quen làm.
Nàng Amin hiểu ý chị, đứng lên thu dọn bát đĩa, bàn ăn, chai cốc và những nhạc cụ mà các khất sĩ vừa chơi.
Nàng Xaphi cũng không ngồi yên: nàng quét nhà, xếp đặt lại đồ đạc vừa bị xáo trộn, gạt bấc nến và cho thêm trầm hương và long diên hương vào. Làm xong, nàng mời ba khất sĩ ngồi vào đầu này chiếc sập, mời nhà vua và những người cùng đi ngồi vào đầu kia. Còn gã khuân vác thì nàng bảo: “Anh hãy đứng lên, và sẵn sàng giúp một tay vào việc chúng ta sắp làm đây; một người như anh, coi như thể người nhà, không nên ngồi im chẳng làm gì.”
Gã khuân vác đã phần nào tỉnh rượu, nhanh nhẩu đứng lên, dắt tà áo vào thắt lưng và nói: “Tôi đã sẵn sàng, có việc gì phải làm nào?”
– Được, – nàng Xaphi đáp, – cứ chờ đây khắc có việc, anh chẳng phải đứng chơi lâu đâu.
Lát sau, nàng Amin trở lại mang theo một chiếc ghế và đặt xuống chính giữa phòng. Tiếp đó nàng đi đến một căn buồng, mở cửa ra, và ra hiệu bảo gã khuân vác đến: “Lại đây giúp tôi một tay”. Gã làm theo và cùng nàng bước vào buồng, và trong chốc lát trở ra dẫn theo hai con chó cái đen; mỗi con có một chiếc xích buộc vào vòng cổ; hai con chó cái có vẻ như đã từng bị đánh bằng roi vọt. Gã tiến tới giữa phòng.
Lúc đó, nàng Zôbêít đang ngồi giữa ba khất sĩ và hoàng đế, đứng lên và trang trọng bước tới chỗ gã khuân vác đứng. “Nào, – nàng vừa nói vừa buông tiếng thở dài – chúng ta hãy làm bổn phận!”. Nàng xắn ống tay áo lên tận khuỷu, và sau khi cầm lấy cái roi Xaphi đưa, nàng bảo gã khuân vác: “Anh đưa cho em Amin ta giữ một con chó, rồi dẫn con kia đến sát đây cho ta.”
Gã làm theo lệnh, và khi gã tiến đến gần Zôbêít, con chó cái gã đang dắt ở tay bắt đầu rít lên, ngước đầu hướng về Zôbêít, vẻ van lơn. Nhưng nàng Zôbêít không quan tâm đến bộ điệu rầu rĩ của con chó đáng thương cũng như những tiếng rít của nó vang khắp gian nhà, cầm roi đánh tới tấp vào nó cho đến khi mệt đứt hơi; rồi nàng vất chiếc roi ra đất; cầm sợi xích từ tay gã khuân vác nàng nâng hai chân con chó lên; chó và người cùng nhìn nhau vẻ buồn bã, cảm động; chó và người cùng khóc. Cuối cùng Zôbêít rút khăn tay lau nước mắt con chó cái, hôn nó, rồi trao lại cái xích cho gã khuân vác cầm: “Hãy dẫn nó trở về chỗ anh vừa đón nó ra, và đưa con kia lại đây cho ta.”
Gã khuân vác dắt con chó bị đánh trở về buồng, và lúc trở ra, nhận con kia từ tay Amin rồi dẫn đến trao cho Zôbêít đang chờ. Nàng bảo gã: “Anh hãy giữ nó như đã giữ con kia!”, rồi cầm lấy chiếc roi, nàng lại đánh nó như vừa đánh con chó lúc nãy. Sau đó nàng lại khóc với nó, lại lau nước mắt cho nó, lại hôn nó và trao trả gã khuân vác. Lần này, nàng Amin dễ mến tự mình dẫn con chó vào buồng, đỡ cho gã khỏi phải làm việc đó. Trong lúc ấy, ba chàng khất sĩ, nhà vua và những người cùng đi đều hết sức kinh ngạc về cuộc hành phạt vừa rồi. Họ không thể hiểu nổi làm sao nàng Zôbêít sau khi đánh đập dữ dội hai con chó cái, những con vật bẩn thỉu theo quan niệm của đạo Hồi, lại khóc ngay sau đấy với chúng, lau nước mắt cho chúng và hôn chúng. Trong thâm tâm, họ bất bình về việc đó, nhất là hoàng đế, nôn nóng hơn tất cả mọi người, rất muốn hiểu rõ nguyên nhân vì đâu đưa đến một hành động lạ lùng như vậy, và không ngớt ra hiệu bảo tể tướng phải hỏi cho ra nhẽ. Nhưng tể tướng quay đầu sang phía khác, làm ngơ cho đến khi bị những đấu hiệu lặp đi lặp lại nhiều lần thúc bách phải trả lời, ông mới ra hiệu rằng bây giờ không phải là lúc thỏa mãn tính hiếu kỳ.
Nàng Zôbêít đứng yên một chốc ở chỗ cũ, chính giữa căn phòng, như để hồi sức sau cơn mệt nhọc vì đánh hai con chó, Xaphi nói với nàng: “Chị thân yêu của em, chị vui lòng trở về chỗ cũ, để cho em đến lượt mình, em cũng được làm nhiệm vụ.”
– Được. – Nàng Zôbêít trả lời và đến ngồi ở chiếc ghế dài; bên phải nàng là hoàng đế, tể tướng Giafa và Mêrua; bên trái nàng là ba chàng khất sĩ và gã vác thuê.
Sau khi Zôbêít trở về chỗ ngồi, mọi người đều im lặng một lúc. Cuối cùng, nàng Xaphi, ngồi lên chiếc ghế đặt chính giữa phòng, nói với Amin: “Em thân yêu của chị, xin em hãy đứng lên, em đã hiểu chị muốn nói gì rồi đấy”. Nàng Amin đứng lên và đi vào một căn buồng khác, không phải nơi nhốt hai con chó. Nàng trở lại tay cầm một cái túi bọc xa tanh vàng thêu kim tuyến và lót lụa xanh. Nàng đến gần Xaphi và mở túi lấy ra một cây đàn giống như đàn tì bà trao cho nàng. Xaphi đỡ lấy, so dây và bắt đầu gảy đàn đệm theo lời ca: nàng hát một bài tả về những nỗi đau khổ.
– Rất vui lòng. – Amin đáp và tiến đến Xaphi trao đàn và nhường chỗ cho em.
Amin lướt qua mấy phím đàn xem dây đã chỉnh chưa, rồi vừa đàn vừa hát cũng lâu như chị, về cùng một chủ đề ấy nhưng rất mạnh mẽ; và nàng xúc động, hay đúng hơn, thấm thía ý nghĩa lời ca đến nỗi hát xong thì kiệt sức.
Zôbêít muốn tỏ cho em thấy sự hài lòng của mình: “Em ơi, em làm những điều kỳ diệu: rõ ràng em đau nỗi đau mà em diễn tả rất sống động”. Amin không kịp đáp lại lời khen ngợi thành thực ấy. Nàng cảm thấy nghẹt thở đến nỗi chỉ còn nghĩ tới chuyện bứt cổ áo ra cho thoáng, để lộ cho mọi người thấy một bên ngực và vú, không phải là trắng trẻo như một người tựa Amin đáng phải có, mà sần sùi những sẹo, làm cho những người trông thấy gần như phát tởm. Tuy vậy, nàng vẫn chưa thấy đỡ được chút nào, nàng ngã vật ra bất tỉnh nhân sự.
Trong khi Zôbêít và Xaphi lo cấp cứu em, thì một khất sĩ không cầm được, thốt lên: “Chúng ta thà ngủ đêm ở ngoài trời còn hơn là vào đây, nếu biết trước rằng sẽ phải chứng kiến những cảnh tượng thế này”. Nhà vua nghe tiếng, đến gần chàng cùng hai khất sĩ kia và hỏi: “Tất cả những cái này là thế nào?” Chàng khất sĩ vừa mới nói kia liền đáp: “Thưa tôn ông, chúng tôi cũng không biết gì hơn tôn ông.”
– Thế nào – nhà vua hỏi tiếp – các ông không phải là người nhà sao? Và cũng không thể cho chúng tôi rõ về hai con chó đen, về người phụ nữ vừa ngất đi chắc đã từng bị ngược đãi phũ phàng lắm hay sao?
Các khất sĩ đáp:
“Thưa tôn ông, suốt đời chúng tôi chưa hề bước chân vào nhà này, và chúng tôi cũng mới đến đây trước các ngài ít lâu thôi.”
Điều đó càng làm tăng thêm sự kinh ngạc của hoàng đế. “Có lẽ anh chàng đang ngồi với các ông kia biết được phần nào chăng”. Một khất sĩ ra hiệu bảo gã khuân vác đến gần mình, và hỏi gã có biết vì sao các con chó cái đen bị đánh, vì sao vú của Amin sứt sẹo?
“Thưa tôn ông, – gã vác thuê đáp – tôi có thể thề trước thượng đế là nếu quý ngài không biết tí gì về những chuyện đó, thì chúng ta đều chẳng ai hay biết hơn ai. Đúng tôi là người thành phố này, nhưng mãi đến hôm nay tôi mới bước chân vào đây lần đầu, và nếu quý ngài ngạc nhiên thấy tôi ở đây, thì tôi cũng ngạc nhiên không kém khi được gặp quý ngài. Điều còn làm cho tôi thêm lạ lùng gã nói tiếp – là không trông thấy một người đàn ông nào ở đây cùng với các bà ấy.”
Nhà vua, những người cùng đi và các khất sĩ vẫn tưởng rằng gã khuân vác là người nhà này, và có thể hỏi gã để biết về những điều họ muốn biết. Hoàng đế quyết tâm tìm cách thỏa mãn sự tò mò của mình dù với bất cứ giá nào, bèn bảo những người kia: “Các bạn nghe đây, chúng ta ở đây có những bẩy người đàn ông mà chỉ phải đối phó với ba người đàn bà, chúng ta hãy buộc họ phải làm sáng tỏ những điều chúng ta muốn biết. Nếu họ không vui lòng, chúng ta có cách ép họ làm theo ý muốn chúng ta.”
Tể tướng Giafa không đồng tình với ý kiến ấy. Ông trình bày cho nhà vua rõ nhưng hậu quả của nó; và để không lộ cho các khất sĩ biết đấy là hoàng đế, ông vẫn nói với nhà vua như nói với một nhà buôn: “Thưa ông anh, tôi van ngài, chúng ta phải giữ tín nhiệm của chúng ta chứ. Ông anh đã biết rõ điều kiện mà các bà đây đặt ra khi vui lòng cho chúng ta vào nghỉ nhờ, và chúng ta đã chấp nhận. Người ta sẽ nói thế nào nếu chúng ta làm trái những điều đã thỏa thuận? Chúng ta sẽ càng đáng trách hơn nữa, nhỡ nếu xảy ra một việc gì không may, ít có khả năng là các bà buộc chúng ta phải có lời hứa mà lại không có điều kiện làm cho chúng ta phải hối hận nếu chúng ta không giữ lời hứa của mình.”
Nói đến đây, tể tướng kéo riêng nhà vua ra một nơi và nói nhỏ: “Tâu bệ hạ, đêm cũng sắp tàn rồi, xin bệ hạ kiên nhẫn một chút. Sáng sớm mai, thần sẽ đến bắt các bà này dẫn đến trước ngai vàng, bệ hạ sẽ biết rõ tất cả những gì ngài muốn họ nói cho biết”. Mặc dù lời khuyên ấy rất khôn ngoan, hoàng đế vẫn bác bỏ; nhà vua bắt tể tướng phải lặng im và nói mình đòi làm sáng tỏ ngay tức khắc điều muốn biết.
Vấn đề chỉ còn là ai sẽ nói đây. Nhà vua cố ép các khất sĩ lên tiếng trước; nhưng họ đều xin lỗi. Cuối cùng mọi người đồng ý với nhau nên để gã khuân vác làm việc đó. Gã đang chuẩn bị nêu lên câu hỏi tai hại, thì Zôbêít, sau khi cấp cứu Amin khỏi cơn bất tỉnh, đến gần. Nghe họ bàn bạc với nhau to tiếng và sôi nổi, nàng liền hỏi: “Thưa quý ngài, quý ngài nói chuyện gì đấy? Các ngài phản đối điều gì?”
Thế là gã khuân vác cất lời: “Thưa bà, – gã nói – các tôn ông đây muốn yêu cầu bà giải thích cho rõ, tại sao khi đánh đập hai con chó cái, bà lại khóc với chúng: và do đâu mà bà vừa ngất đi lúc nãy vú đầy những vết sẹo? Thưa bà, đấy là những điều tôi được ủy thay mặt các ngài đáng kính hỏi bà.”
Nghe những lời đó, nàng Zôbêít quay về phía nhà vua, những người cùng đi và ba khất sĩ với vẻ kiêu kỳ hiện lên nét mặt, nàng hỏi: “Thưa quý ngài, có phải quý ngài ủy cho anh chàng này yêu cầu tôi điều đó?”. Tất cả đều trả lời đúng, trừ tể tướng Giafa vẫn nín lặng. Nghe lời xác nhận ấy, Zôbêít nói với họ với một giọng chứng tỏ nàng bị xúc phạm sâu sắc: “Trước khi đồng ý nhận lời tiếp các ngài theo yêu cầu của các ngài, và để phòng ngừa mọi chuyện có thể làm cho chúng tôi không bằng lòng về các ngài bởi vì chúng tôi toàn là đàn bà, chúng tôi chẳng đã đặt điều kiện là các ngài không được nói đến những gì không có liên quan tới mình; để tránh cho các ngài khỏi phải nghe những điều không vừa ý hay sao? Thế mà sau khi các ngài đã được đón tiếp và hậu đãi một cách tốt đẹp nhất theo khả năng của chúng tôi, các ngài lại không giữ lấy lời đã hứa. Đúng là điều đó xảy ra một phần tại chúng tôi dễ dãi quá, nhưng đây lại chính là điều không thể tha thứ cho các ngài được, và cách xử sự của các ngài như vậy là không đứng đắn.”
Nói xong, nàng dẫm mạnh chân và vỗ tay ba lần, miệng gọi: “Hãy đến đây nhanh lên!”. Lập tức một cánh cửa mở ra, và bảy tên nô lệ da đen, vạm vỡ, khỏe mạnh, tay cầm gươm tiến vào; mỗi tên túm lấy một trong bảy người đàn ông, quật ngã xuống đất kéo ra giữa phòng, và chuẩn bị chặt đầu họ.
Cũng dễ hình dung được nỗi khủng khiếp của hoàng đế khi hối hận thì đã quá muộn rồi, vì không nghe theo lời khuyên của tể tướng. Trong khi nhà vua đáng thương, Giafa, Mêrua, gã vác thuê và các khất sĩ sắp chịu chết để trả giá cho sự tò mò thô lỗ của họ, thì một tên nô lệ hỏi Zôbêít và hai em nàng: “Thưa các chủ nhân cao sang, quyền uy và đáng kính, xin ban cho chúng tôi lệnh được chặt đầu họ chứ.”
– Hãy khoan – nàng Zôbêít nói – hãy chờ ta hỏi họ đã…
– Thưa bà – gã khuân vác hoảng hốt ngắt lời – nhân danh Thượng đế, xin bà chớ bắt tôi chết vì tội những kẻ khác gây nên. Tôi vô tội, chính họ mới là thủ phạm. Than ôi! – gã vừa khóc vừa nói – chúng ta vui đùa thú vị biết bao; những khất sĩ chột kia là nguyên nhân đưa đến tai vạ này; đến thành phố cũng phải đổ nát điêu tàn vì những con người đáng ghét như vậy. Thưa bà, tôi van bà chớ lẫn lộn người đầu với kẻ cuối: xin bà nghĩ cho rằng tha thứ cho một kẻ khốn khổ như tôi, không có ai cứu giúp, sẽ đẹp đẽ hơn là dùng quyền uy mà trị tội, hơn là dùng nó làm vật hy sinh cho mọi thù hận của bà.
Zôbêít, mặc dù đang giận, cũng không nén được cười thầm những lời than vãn của gã vác thuê. Nhưng không thèm để ý đến gã, nàng hỏi những người kia một lần nữa: “Hãy trả lời, hãy cho tôi biết các ngài là ai, nếu không các ngài chỉ còn sống được một chốc lát nữa mà thôi. Tôi không thể nào tin rằng các ngài là những người tử tế, các ngài không thể là những người có quyền thế hoặc có uy tín ở nước các ngài, cho dù đó là nước nào. Bởi vì nếu quả đúng như vậy, hẳn các ngài đã biết tự kiềm chế và biết kính trọng chúng tôi hơn.”
Hoàng đế bản tính nóng nảy còn đau khổ rất nhiều hơn tất cả những người kia, khi thấy tính mạng mình tùy thuộc vào mệnh lệnh của một người đàn bà bị xúc phạm và bất bình một cách chính đáng; nhưng lúc thấy nàng muốn biết rõ mấy người là ai, nhà vua bắt đầu có ít nhiều hy vọng vì nghĩ rằng một khi đã biết rõ địa vị của họ rồi, chắc hẳn nàng sẽ chẳng giết kẻ nào. Vì vậy nhà vua rỉ tai tể tướng đang nằm sát bên cạnh mình, bảo nên nói rõ ra ngay chính hoàng đế đây. Nhưng tể tướng thận trọng và khôn ngoan, muốn cứu vớt danh dự của nhà vua, và không muốn để lan truyền rộng rãi điều sỉ nhục lớn mà tự nhà vua chuốc lấy, chỉ trả lời: “Chúng tôi chỉ là những người bình thường”. Nhưng đến khi, để vâng lệnh hoàng đế, ông định trả lời thì nàng Zôbêít không cho ông còn thời giờ nữa. Nàng đã quay sang ba khất sĩ, và trông thấy cả ba đều chột mắt, nàng hỏi họ có phải là anh em không? Một chàng trả lời thay cho cả ba: “Thưa bà, không, chúng tôi không phải là anh em theo huyết thống, chúng tôi chỉ là anh em với tư cách là khất sĩ, tức là tự nguyện cùng tuân theo một lối sống như nhau.”
Zôbêít hỏi riêng một chàng:
– Có phải anh chột mắt từ lúc mới sinh?
– Thưa bà không – chàng đáp – tôi bị chột vì một việc xảy ra hết sức kỳ lạ, mà nếu được chép ra chắc chắn không một ai không cho là bổ ích. Sau chuyện không may ấy, tôi cho cạo râu và lông mày, rồi mặc bộ quần áo này, tôi tự nguyện làm khất sĩ.
Zôbêít lại hỏi hai chàng kia câu hỏi trên, và họ cũng đều trả lời như người đầu. Chàng trả lời sau rốt còn nói thêm: “Thưa bà, để bà hiểu cho rằng chúng tôi không phải là những người tầm thường, may ra bà có sự nể vì nào hơn đối với chúng tôi chăng, xin thưa để bà rõ rằng cả ba chúng tôi đều là hoàng tử. Mặc dù chúng tôi chưa hề quen nhau trước tối hôm qua, chúng tôi vẫn có đủ thì giờ giới thiệu cho nhau biết thân thế mình: và tôi xin mạo muội thưa để bà rõ là phụ vương chúng tôi cũng có ít nhiều danh tiếng trên thế gian này.”
Nghe đến đây, nàng Zôbêít bớt giận và bảo các tên nô lệ: “Hãy nới tay cho họ một ít, nhưng các ngươi cứ đứng ở đây. Những người nào chịu kể cho chúng ta nghe chuyện về họ và nguyên nhân khiến họ vào nhà này. Thì các ngươi đừng động đến, để tùy ý họ muốn đi đâu thì đi; nhưng chớ có tha cha kẻ nào từ chối không chịu đáp ứng yêu cầu của ta.”
Gã khuân vác, khi hiểu rằng chỉ cần có việc nói chuyện của mình ra là có thể thoát khỏi một nỗi hiểm nghèo nghiêm trọng, lên tiếng trước tiên. Gã nói: “Thưa bà, bà đã rõ chuyện của tôi và nguyên nhân đưa tôi đến nhà ta rồi đấy. Thế cho nên chuyện tôi sắp kể ra đây rất chóng vánh. Em gái của bà hiện có mặt kia, sáng nay gặp tôi ở quảng trường. Vốn chuyên nghề khuân vác, tôi đang ở đó chờ xem có ai thuê mượn để kiếm sống qua ngày. Tôi đã đi theo em gái bà đến một hàng bán rượu, một hàng bán rau, một hàng bán cam và chanh, rồi đến một hàng bán hạnh đào, hạnh nhân, hạt dẻ và nhiều loại quả khác; sau lại đến một nhà làm mứt kẹo và bán gia vị, từ đó, đội cái sọt trên đầu nặng ơi là nặng, tôi đến thẳng nhà bà, và các bà có lòng tốt cho phép tôi ở lại cho tới bây giờ. Đó là một cái ơn mà vĩnh viễn tôi không bao giờ quên. Chuyện của tôi vẻn vẹn có thế.”
Gã khuân vác nói xong, nàng Zôbêít hài lòng bảo gã: “Thôi chạy đi, đi đi, đừng để chúng ta trông thấy ngươi nữa.”
– Thưa bà, gã khuân vác đáp, – tôi xin bà lại cho phép tôi được tiếp tục ở lại đây. Sẽ không công bằng là sau khi đã cho những người khác niềm thích thú được nghe chuyện về tôi, tôi lại không được phép nghe chuyện về họ.
Gã vừa nói vừa ngồi xuống phía cuối chiếc sập, rất sung sướng thấy mình thoát được một mối tai họa vừa làm cho gã một phen hú vía. Sau gã, một trong ba khất sĩ cất lời. Hướng vào Zôbêít là người chị cả trong ba thiếu phụ và là người ra lệnh bắt chàng nói, chàng bắt đầu kể chuyện về mình:
Chuyện ba chàng khất sĩ con vua và năm thiếu phụ ở thành cổ Bátđa – Phan Quang dịch
Nguồn: Nghìn lẻ một đêm – NXB Văn học, 1982
– TheGioiCoTich.Vn –
Chú thích trong câu chuyện ba chàng khất sĩ con vua và năm thiếu phụ ở thành cổ Bátđa
- Harun An-Rasít: Hoàng đế thứ năm thuộc dòng họ Abátxít, đã mở rộng ảnh hưởng của đế quốc hồi giáo từ Tây Ban Nha đến Ấn Độ. Dưới triều của vua, đế quốc hồi giáo phát triển rực rỡ về nhiều mặt. Vua chết năm 800 sau công nguyên, sau 23 năm trị vì.
- Hai mươi nhăm cân: đơn vị đo lường cổ, tương đương khoảng nửa kg.
- Khất sĩ: thuộc một dòng họ đạo hồi, chuyên hành khất.
- Giafa: thuộc dòng họ Bácmêxít. Hoàng đế Harun An-Rasít trọng dụng và gả em gái cho, nhưng với điều kiện là hai người không được ăn ở với nhau. Hai người tuy vậy vẫn đi lại vụng trộm cho nên ngay sau khi sinh được một đứa con, phải đưa sang nuôi ở La Mếchcơ. Việc phát giác, Giafa bị mất chức và sau đó ít lâu bị xử tử.
- Mútxun: thành phố ở Irắc, trên bờ sông Tigơrơ.
- Tiếng Ả Rập là Khan, vừa dùng làm kho chứa hàng, vừa là nơi nghỉ trọ của các nhà buôn: các đoàn người đi đường thường nghỉ chân ở những nơi này với giá thuê phải chăng.
Truyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm trọn bộ (1982 – 1989)
Nghìn lẻ một đêm – tác phẩm vĩ đại nhất của nền văn học Ả Rập từ cổ chí kim, là một trong những công trình sáng tạo đồ sộ và tuyệt diệu của nền văn học thế giới.
Những câu chuyện cổ tích trong bộ truyện Nghìn lẻ một đêm được dịch giả Phan Quang dịch lại theo bản dịch tiếng Pháp “Contes des mille et une nuits” của Antoine Galland (NXB Frères Garnier – Paris, 1962). Đây được xem là bản dịch quen thuộc và được yêu thích nhất đối với nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Bộ truyện gồm 10 tập, được NXB Văn học xuất bản trong những năm 1982 – 1989.
Ngoài chuyện ba chàng khất sĩ con vua và năm thiếu phụ ở thành cổ Bátđa kể trên, bạn đọc đừng quên khám phá những câu chuyện cổ tích hấp dẫn của hai chị em nàng Sêhêrazát thông minh, xinh đẹp kể cho hoàng đế Saria nghe tại TheGioiCoTich.Vn.