Câu chuyện Cu Nhớn và Cu Con
Cu Nhớn và Cu Con là truyện cổ tích của Andersen, cho thấy lòng đố kị luôn có thể khiến con người ta trở nên ngốc nghếch trước sự tinh ranh của người khác.
Nội dung câu chuyện xoay quanh cuộc xung đột giữa hai nhân vật là Cu Nhớn và Cu Con. Cu Nhớn đã trừng phạt Cu Con chỉ vì thói kiêu ngạo của mình bằng cách giết chết con ngựa duy nhất của Cu Con. Tuy nhiên, với sự tinh ranh của mình, Cu Con đã biến cái chết của con ngựa thành lợi thế, nhiều lần khiến cho Cu Nhớn bị mắc lừa mình trong suốt cả chiều dài câu chuyện. Quá cay cú, Cú Nhớn đã cố tìm cách sát hại Cu Con, nhưng Cu Con không những không chết mà còn trở nên giàu có hơn, thậm chí Cu Nhớn còn phải trả giá bằng chính mạng sống của mình bởi sự đố kị và ngốc nghếch.
LƯU Ý: Không thể phủ nhận sức hấp dẫn cũng như những bài học ý nghĩa trong các câu chuyện cổ tích của Andersen, nhưng BBT của Thế giới cổ tích nhận thấy bên trong câu chuyện này ẩn chứa rất nhiều nội dung bạo lực và hoàn toàn KHÔNG PHÙ HỢP VỚI TRẺ NHỎ. Các bậc phụ huynh hãy nên cân nhắc trước khi đọc cho các con nghe.
Trong một làng kia có hai người trùng tên nhau. Cả hai cùng tên là Cu. Nhưng có một người có bốn con ngựa, còn người kia chỉ có độc nhất một con thôi [*]. Bởi thế, muốn phân biệt rõ hai người, dân làng gọi người có bốn con ngựa là Cu Nhớn, còn anh chàng có mỗi một con ngựa là Cu Con. Bây giờ chúng ta sắp sửa xem chuyện gì đã xảy đến với họ, vì đây là một chuyện có thật.
Suốt cả tuần Cu Con phải cày ruộng cho Cu Nhớn và cho hắn mượn con ngựa độc nhất của mình. Cu Nhớn cũng đem bốn con ngựa của mình đến làm giúp Cu Con, nhưng mỗi tuần có một lần, lại vào ngày chủ nhật. Gớm chưa kìa! Cu Con ra roi quất năm con ngựa nom hách tợn! Hôm ấy, năm con ngựa cứ như là của nhà anh thật ấy! Nắng lên phơi phới, chuông nhà thờ giục giã mọi người đi lễ. Dân làng mặc quần áo đẹp, tay cầm kinh thanh đến nghe mục sư giảng đạo. Họ nhìn anh Cu Con cày ruộng. Anh chàng khoái quá, vung roi mà thét: “Đi nào! Năm con ngựa của ta, đi nào!”. Cu Nhớn bảo:
– Không được nói thế, chỉ có một con là của mày thôi!
Nhưng cứ mỗi lần có người đi lễ qua, Cu Con lại quên ngay lời cấm đoán ấy và lại phóng ra một câu: “Đi nào! Năm con ngựa của ta!”
Cu Nhớn doạ:
– Này, đừng có nói thế nữa. Nếu tao còn nghe thấy mày nhắc lại lần nữa, tao sẽ đập ngựa mày chết tươi tại chỗ đấy!
Cu Con đáp:
– Tôi sẽ thôi không nói thế nữa.
Nhưng vì lại có người đi qua và gật đầu chào anh, Cu Con khoái quá, cứ chắc mẩm là mình cày ruộng với năm con ngựa hẳn phải là oai lắm, nên lại quất roi mà thét: “Đi nào! Năm con ngựa của ta, đi nào!”.
– Ta sẽ bảo cho ngựa mày “đi nào”! – Cu Nhớn nói rồi lấy vồ phang cho con ngựa của Cu Con một cái vào đầu làm nó lăn quay ra, chết không kịp ngáp.
– Thôi! Thôi! Thế là ngựa tôi đi đứt rồi! – Cu Con than vãn rồi khóc.
Sau đó, anh lột da ngựa, đem phơi khô rồi nhét vào một cái túi, khoác lên lưng, đem vào trong làng bán.
Đường rất xa, lại phải qua một cánh rừng âm u, bát ngát. Thời tiết bỗng trở nên xấu một cách ghê gớm. Anh lạc lối, tìm ra đường thì mặt trời đã lặn, thành ra vào đến làng hoặc về nhà cũng đều bị tối dọc đường.
Ngay cạnh đường có một cái trại khá đẹp, cửa đóng kín mít, nhưng vẫn có ánh sáng lọt qua các khe.
“Nơi đây chắc hẳn người ta có thể cho mình ngủ đỡ đêm nay”. Nghĩ vậy, Cu Con đến gõ cửa.
Bà chủ nhà ra mở cửa, nhưng khi biết ý định của anh, bà bèn từ chối, vì ông chồng đi vắng, bà không thể cho người lạ vào trong nhà được.
Cu Con nói: “Thế thì tôi ngủ ngoài này vậy”.
Bà chủ đóng sập ngay cửa lại.
Ngay gần đấy, có một cái đống rơm to. Từ nhà ra đến đống rơm lại có một cái kho nữa, mái lợp rạ.
Trông thấy cái mái, Cu Con tự nhủ:
– Ngủ trên ấy được đấy! Giường ấy mà nằm thì thật là khoái.
Có một con cò đang đậu trên nóc. Nó làm tổ ở đấy.
Cu Con leo lên mái nhà kho, loay hoay tìm chỗ nằm cho tốt. Cánh cửa chớp phía bên trên nhà mụ chủ để ngỏ nên anh có thể nhìn thẳng vào bên trong.
Trên bàn ăn có bày rượu vang, thịt quay và cả một con cá ngon lành. Chỉ có mụ chủ nhà và lão giữ đồ thánh nhà thờ xứ đang chè chén với nhau. Mụ ta rót rượu cho ông khách. Lão sắp ăn đến món cá, món mà lão thích nhất.
Cu Con vừa nghển đầu về phía cửa sổ vừa nghĩ bụng: “Giá mình được một phần cỗ ấy mà chén nhỉ?”
Trời! Lại cái bánh ngọt kia mới tuyệt chứ! Thật là một buổi tiệc! Nhưng có tiếng vó ngựa lộp cộp trên đường cái về gần đến nhà kia rồi. Ông chủ trại đã về đến nơi.
Thực ra, ông ta là người tốt, nhưng mắc một thói kỳ quặc: Chả là hồi bé, ông bị một lão giữ đồ thánh nện cho một trận, nên hễ cứ gặp hạng người ấy là ông lại điên ruột lên, không chịu được. Cũng vì thế, khi biết ông đi vắng, lão giữ đồ thánh mới dám đến chơi với vợ ông. Và bà chủ trại quý hoá mới cố thu xếp một bữa thật thịnh soạn để thết đãi hắn. Nghe tiếng người chồng về, họ rất sợ hãi. Bà chủ mời ông khách chui vào nấp trong một cái hòm to bỏ không ở xó nhà. Lão vội vàng làm theo ngay, vì lão rất biết tính ông chủ trại giời đánh ấy rồi. Còn bà chủ trại thì giấu vội thức ăn và rượu vào trong bếp lò, sợ đức ông chồng trông thấy sẽ hỏi vặn. Cu Con nằm tít trên mái nhà kho, thấy bữa cơm biến mất, thở dài than rằng: “Rõ hoài của!”
– Ai ở trên kia đấy? – Ông chủ trại vừa hỏi vừa ngước mắt về phía Cu Con- Sao lại nằm trên ấy? Vào trong nhà với tôi có hơn không?
– Lúc đó, Cu Con mới kể cho ông nghe rằng mình lạc trong rừng và xin ngủ nhờ một đêm.
Ông ta bảo:
– Được lắm chứ! Nhưng bây giờ, trước hết hai chúng mình phải làm miếng gì cái đã!
Bà chủ trại niềm nở đón tiếp cả hai người. Bà dọn một cái bàn dài và bưng ra một ây xúp lớn cho họ ăn. Ông chủ trại đói bụng nên ăn ngon lành lắm. Nhưng Cu Con không thể cầm lòng nghĩ đến những món thịt quay, cá và bánh ngọt ngon tuyệt mà anh biết hiện đang nằm trong lò.
Anh đã đặt cái túi đựng tấm da ngựa cạnh chân mình, dưới gầm bàn. Các bạn hẳn còn nhớ là anh chàng định đem tấm da ngựa đến một làng nào đó để bán. Món xúp đối với anh thật vô vị. Anh đạp lên cái túi làm tấm da khô kêu răng rắc. Cu Con cúi xuống bảo cái túi: “Suỵt!”. Nhưng đồng thời anh lại dận mạnh hơn nữa vào tấm da làm cho tấm da càng kêu răng rắc to hơn.
Ông chủ trại liền hỏi:
– Mà này, anh có cái gì trong túi thế?
Cu Con đáp:
– Một lão phù thủy ấy mà! Lão bảo rằng chúng ta không nên ăn xúp vì lão đã hoá phép đầy một lò thịt quay, cá và bánh ngọt trong kia kìa!
– Thật không? Ông chủ trại vội mở lò, trông thấy các món ăn bà vợ đã giấu vào đấy, nhưng cứ tưởng là của lão phù thủy trong túi hoá phép ra. Bà vợ không dám nói gì, bưng ngay ra bàn ăn và cả hai người cùng nhau đánh chén.
Bỗng Cu Con lại đạp túi, tấm da lại kêu.
Ông chủ bèn hỏi:
– Lần này lão ta bảo gì thế?
Cu Con đáp:
– Lần này lão đã hoá phép đem đến cho chúng ta ba chai rượu vang để dưới lò kia kìa!
Bà chủ trại đành phải đem rượu vang đã giấu lúc nãy ra, ông chồng rượu vào đâm ra vui vẻ tợn.
Ông ta rất muốn có một tay phù thủy như cái lão trong túi của Cu Con, bèn hỏi:
– Lão phù thủy có gọi được ma đến không nhỉ? Hôm nay vui quá nên tôi cũng muốn gặp ma quỷ, thử xem chúng nó ra làm sao.
– Được, tôi ước gì lão phù thủy cũng làm được. Có đúng không lão ơi? – Miệng nói, chân Cu Con đạp vào túi kêu đánh “rắc” một cái.
– Ông có nghe thấy lão vâng đấy không? Nhưng ma quỷ xấu lắm, chả bõ xem đâu!
– Ồ! Tôi có phải là thằng nhát đâu! Mặt mũi nó ra làm sao nào?
– À, nó muốn hiện hình thành người giữ đồ thánh!
– Hừ, thế thì quả là gớm ghiếc thật! Cần phải nói để anh biết: tôi mà trông thấy mặt lão giữ đồ thánh thì tôi không thể chịu được, nhưng nếu là ma quỷ hiện hình thì tôi cũng nén giận được. Lúc này tôi chẳng sợ đâu, miễn là đừng có lại gần quá.
– Để tôi hỏi lão phù thủy của tôi cái này đã.
Nói rồi Cu Con dận chân lên túi, ghé tai nghe.
– Hắn bảo gì thế?
– Hắn bảo ông cứ ra mở cái hòm ở đằng góc kia kìa, con ma núp trong ấy đấy, nhưng phải giữ nắp cho chắc, kẻo nó chuồn mất đấy.
– Anh giúp tôi một tay nhé!
Nói rồi ông chủ đi đến cái hòm, trong đó có người giữ đồ thánh mà bà vợ đã giấu ban nãy. Hắn đang ngồi xổm, run như cầy sấy.
Ông chủ trại ghé nắp hòm nhìn vào trong.
– Ối! – Ông ta kêu lên và nhảy lùi về phía sau.
Đúng, nom rõ lắm! Khiếp! Giống hệt lão giữ đồ thánh làng ta. Gớm! Tởm quá đi mất!
Họ lại tiếp tục chè chén đến khuya.
Ông chủ trại gạ:
– Bán cho tôi lão phù thủy của anh đi. Muốn lấy bao nhiêu thì cứ bảo. Nói thật đấy, tôi trả ngay cho anh một đấu bạc đấy.
Cu Con từ chối.
– Không, chịu thôi. Ông cứ thử tính mà xem, có lão phù thủy ấy tôi vớ được rất nhiều lợi lộc.
Ông chủ trại vật nài:
– Nhưng tôi thích lão ấy lắm.
Cuối cùng Cu Con nhận lời:
– Thôi được! Ông đã có lòng tốt cho tôi ngủ nhờ đêm nay. Tôi xin giả ơn: đổi cho ông lão phù thủy của tôi lấy một đấu bạc, nhưng phải đong đầy đến miệng đấy nhớ!
– Được, nhưng anh phải khuân cái hòm này đi. Tôi không muốn chứa nó một phút nào trong nhà tôi nữa. Con ma còn ở đấy hay không chẳng biết?
Cu con giao cho ông chủ trại cái túi đựng tấm da khô và nhận lấy đấu bạc đầy đến miệng. Ông chủ trại còn cho anh thêm một chiếc xe cút kít để chở tiền và hòm đi.
Cu Con từ biệt ra đi, mang theo tiền và cái hòm bên trong vẫn chứa lão giữ đồ thánh. Anh đi ngang qua một cánh rừng, đến một con sông vừa rộng vừa sâu, nước chảy xiết.
Người ta vừa mới bắc một cái cầu qua sông. Cu Con dừng lại giữa cầu, nói to để cho lão giữ đồ thánh nằm trong hòm nghe thấy:
– Rõ chán! Đem cái hòm chết tiệt này làm gì mới được kia chứ? Nặng như đá đeo ấy! Chẳng tội gì sụn lưng mà chở nó đi xa nữa, vứt quách xuống sông cho được việc. Nó mà trôi về được đến nhà mình thì càng hay, nhược bằng nó chìm nghỉm thì cũng thôi chứ cần quái gì!
Nói đoạn anh ra nhấc cái hòm lên một tí, như cách định hất nó xuống sông.
– Ấy chớ! Khoan đã! – Lão giữ đồ thánh trong hòm rối rít kêu lên – Cho tôi ra cái đã!
– Eo ôi! – Cu Con vờ làm ra vẻ sợ hãi – Con ma vẫn còn ở trong hòm? Phải quẳng ngay nó xuống sông cho nó chết đuối đi mới được!
– Ấy chớ! Ấy chớ! Xin ông tha cho, tôi sẽ biếu ông một đấu bạc!
– À! Thế ra không phải là ma ư?
Cu Con vừa nói vừa mở hòm. Lão giữ đồ thánh chui ra ngay, hất vội cái hòm rỗng xuống sông, rồi về nhà đưa cho Cu Con một đấu bạc. Kể cả đấu tiền của ông chủ trại cho lúc nãy, anh được một xe cút kít đầy bạc.
Về đến nhà, vừa đổ tiền ra thành đống to giữa nhà, Cu Con vừa nghĩ thầm: “Ấy thế! Con ngựa chết của mình cũng được khớ tiền đấy chứ! Cu Nhớn biết chuyện mình chỉ nhờ mỗi một con ngựa mà trở nên giàu có thì tha hồ mà bực tức, nhưng chả nên kể thật với hắn”.
Thế rồi anh nhờ một thằng nhóc sang nhà Cu Nhớn mượn một cái đấu.
– Chả biết nó mượn đấu làm gì? – Cu Nhớn tự hỏi, rồi bôi nhựa thông vào trôn đấu để Cu Con đong gì thì sẽ dính lại. Quả nhiên lúc Cu Con trả đấu còn dính lại ba đồng tiền bằng bạc mới toanh.
– Lạ nhỉ! – Cu Nhớn nghĩ thế và lập tức chạy đến nhà Cu Con. Cậu làm gì mà vớ được lắm tiền thế?
– À, đấy là tiền bán da ngựa hôm qua đấy mà.
Thật là món bở. Cu Nhớn vội ba chân bốn cẳng về nhà đập chết ngay cả bốn con ngựa, lột phăng lấy da đem ra tỉnh.
Hắn đi rong các phố rao:
– Da ngựa đây! Da ngựa đây! Ai mua da ngựa ra mua!
Thợ giày, thợ da nào cũng hỏi giá.
– Mỗi tấm một đấu bạc.
– Thằng này điên à? Mày tưởng chúng ta có bạc đấu à?
Cu Nhớn lại rao:
– Da ngựa đây! Da ngựa đây!
Nhưng ai hỏi giá, hắn cũng bảo:
– Một đấu bạc một tấm.
Mọi người đồng thanh kêu lên:
– A! Nó lại nhạo báng chúng mình à?
Rồi thợ giày rút dây da, thợ thuộc da cởi tạp dề, xông vào vừa đánh Cu Nhớn và nhại: “Da này! Da này!”.
– Da à! Chúng ta sẽ cho mày được đỏ da như lợn bao tử! Tống cổ nó ra khỏi phố đi!
Cu Nhớn chưa bao giờ bị một trận đòn nhừ tử như thế, vội ba chân bốn cẳng chạy mất.
Về đến nhà, hắn lầm bầm:
– Được lắm! Thằng Cu Con sẽ biết tay ta! Ông thì đánh cho vỡ sọ.
Lúc ấy bà nội của Cu Con vừa mới chết. Bà cụ đối với anh cũng cay nghiệt, đáo để lắm. Nhưng Cu Con vẫn thương xót, đặt xác bà vào giường mình xem hơi ấm có làm cho bà cụ hồi tỉnh lại được chăng. Bà cụ nằm đấy suốt đêm, còn anh thì ngủ ngồi trên một chiếc ghế tựa.
Đến nửa đêm, Cu Con đang ngồi trong xó nhà, bỗng cửa mở. Cu Nhớn vác búa vào. Hắn biết rõ giường Cu Con thường nằm nên đi thẳng đến. Tưởng cái xác bà cụ là kẻ thù nằm đấy hắn bèn choảng cho một búa vào trán.
– Thế là tong đời! Từ nay trở đi hết trêu tao nhớ!
Đoạn hắn về nhà.
Cu Con nghĩ thầm:
– Thằng cha này thế mà ác thật! Nó định giết mình đây. Cũng may bà cụ chết hẳn rồi, không thì nó đã gây ra án mạng.
Anh mặc quần áo đẹp cho bà cụ, mượn một con ngựa bên nhà láng giềng, thắng xe vào rồi đặt bà cụ vào trong cùng để bà cụ khỏi rơi ra ngoài khi xe chạy, rồi đánh xe qua rừng. Tảng sáng, đến cửa một quán trọ lớn, Cu Con dừng xe vào ăn. Ông chủ hàng cơm có vô khối tiền bạc. Ông ta cũng là người rất tốt, nhưng tính nóng như lửa.
– Chào Cu Con, hôm nay anh diện đi đâu sớm thế?
– Vâng, cháu đưa bà nội cháu ra tỉnh. Bà cụ ngồi trong xe ngoài kia, bảo cụ vào hàng nhưng cụ không vào. Ông có thể mang giùm cho bà cụ cái bình rượu mật ong được chứ? Nhưng phải nói to lên nhá, bà cụ điếc nặng đấy!
– Được lắm.
Ông chủ quán mang một bình rượu mật ong to cho bà cụ đang lặng cứng trong xe.
– Bình rượu của cậu cháu trai bảo đem ra cho bà đây này!
Nhưng cái xác chết chẳng thèm cựa quậy, cũng chẳng nói một lời.
Bà không nghe thấy à? – Ông chủ quát hét to hơn – Bình rượu của cậu cháu trai bảo đem ra cho bà đây này!
Ông ta lại quát thêm lần nữa, rồi lần nữa. Nhưng bà cụ vẫn cứ ngồi trơ ra như phỗng. Ông ta nổi xung lên, ném cái bình rượu vào mặt bà cụ làm rượu tưới đẫm từ đầu tới chân. Xác bà cụ đặt tựa vào thành xe, không có dây buộc, nên lăn đùng ra.
– Quân giết người! – Cu Con nhảy từ quán trọ ra, ôm chặt lấy ông chủ quán la lên – Mày giết bà tao mất rồi! Thủng trán rồi đây này!
– Thật là tai vạ! – Ông chủ quán vừa than vừa vặn vẹo đôi tay – Tôi trót nóng giận nhỡ tay chứ xưa nay có bao giờ thế đâu! Này, anh Cu Con ạ, tôi xin đền anh một đấu bạc xin chôn cất bà cụ tử tế, coi như bà tôi vậy. Chỉ xin anh ỉm chuyện này đi, nếu không tôi đến mất đầu chứ chẳng chơi đâu!
Thế là Cu Con được một đấu bạc và ông chủ quan chôn cất bà anh chu đáo.
Khi Cu Con đem tiền về đến nhà, anh lại nhờ thằng bé con sang mượn Cu Nhớn cái đấu. Cu Nhớn ngạc nhiên:
– Quái thật! Mình đã xả đôi nó ra rồi kia mà. Phải thân hành sang xem mới được.
Rồi hắn cầm đấu sang nhà Cu Con. Thấy Cu Con có thêm tiền, hắn trợn tròn mắt mà hỏi:
– Ái chà chà! Đâu ra lắm tiền thế?
Hôm qua, anh đã chém nhầm phải bà tôi chứ không phải tôi đâu. Tôi đem bán xác bà cụ được một đấu bạc đấy.
– Khá thật, được tiền đấy nhỉ?
Nói đoạn, Cu Nhớn chạy về nhà lấy búa phang cho bà hắn một nhát, rồi cho xác lên xe đem ra hiệu thuốc quen ngoài tỉnh hỏi bán.
Người chủ hiệu thuốc hỏi:
– Xác ai? Ở đâu ra thế?
– Bà tôi đấy! Tôi đã đem giết bà cụ để đem bán lấy một đấu bạc đấy!
– Giêsuma lạy Chúa tôi! Đừng có đùa kiểu ấy mà mất đầu đấy!
Nói rồi, người chủ hiệu thuốc giảng giải cho Cu Nhớn biết tội ác của hắn, nói cho hắn biết hắn là quân giết người và sẽ bị trừng trị. Cu Nhớn hoảng quá, vội chạy choàng ngay ra xe, quất ngựa rông thẳng về nhà. Ai cũng tưởng hắn phát điên, nên mặc kệ cho hắn đi. Vừa đi đường hắn vừa lẩm bẩm:
– Mày sẽ biết tay tao! Được rồi, thằng Cu Con, mày sẽ biết tay tao!
Lần này, vừa bước chân về đến nhà, hắn lấy ngay một cái túi to, chạy đến bảo Cu Con:
– Mày lại xỏ tao lần nữa. Thoạt đầu tao giết ngựa, sau đến giết bà tao, cũng tại mày tất cả, nhưng đừng có hòng xỏ tao nữa!
Hắn túm lấy thắt lưng và ấn luôn Cu Con vào trong cái bao, vác lên vai mà quát:
– Lần này thì ông đem mày đi trôi sông!
Đường ra sông khá xa, Cu Con cũng chẳng nhẹ gì. Qua cửa nhà thờ, nghe thấy tiếng đại phong cầm và tiếng hát kinh thánh vọng ra, Cu Nhớn đặt bao đựng Cu Con xuống trước cửa, bụng bảo dạ: “Vào cầu kinh đã rồi hãy đi. Ai cũng đi lễ cả, tất nhiên thằng Cu Con chẳng trốn đi đâu được”. Nghĩ thế hắn vào nhà thờ.
Cu Con kêu oai oái trong bao, loay hoay mãi không cởi được dây buộc. Vừa hay có một ông lão chăn bò râu tóc bạc phơ đi tới, tay cầm một cây gậy to, đang lùa một đàn bò rất đẹp. Bò đi qua xô phải cái bao đựng, Cu Con lăn chiêng ra. Cu cậu rên rỉ:
– Than ôi! Mình còn trẻ thế này mà đã phải lên thiên đàng rồi!
Ông lão chăn bò nghe thấy bèn nói:
– Khốn khổ khốn nạn cho cái thân già này! Từng này tuổi đầu mà còn chưa được lên thiên đàng, anh ạ!
Cu Con vội kêu lên:
– Cụ hãy mở túi ra, chui vào đây thay tôi là được lên thẳng cõi thiên đang đấy!
– Ồ! Thế thì còn gì bằng nữa! Ông lão chăn bò vội mở bao. Cu Con nhảy phắt ra.
Ông lão vừa chui vào bao vừa dặn:
– Anh chăn họ tôi đàn bò nhé!
Cu Con buộc bao lại rồi đánh bò đi thẳng.
Lát sau, Cu Nhớn ở nhà thờ ra, lại vác bao lên vai. Cái bao nhẹ bỗng đi, chẳng có gì lạ cả, vì ông lão chăn bò chỉ nhẹ bằng nửa Cu Con thôi.
– Sao nhẹ thế này nhỉ? Ồ! Có lẽ tại mình vừa ở nhà thờ ra đấy!
Rồi Cu Nhớn ra một quãng sông vừa rộng vừa sâu quẳng cái bao của ông cụ xấu số xuống. Cứ yên trí đấy là Cu Con, hắn rủa với một câu:
– Cút đi cho rồi! Từ nay hết xỏ tao nhé!
Hắn quay về nhà, nhưng đến một ngã tư lại gặp Cu Con đang dắt đàn bò.
– Chà! Thế này thì lạ thật! Tao chả vừa thả mày trên sông là gì?
– Đúng! Anh vừa quẳng tôi xuống xông mới cách đây nửa giờ!
– Thế kiếm đâu ra đàn bò đẹp thế?
– Bò của vua Thủy tề đấy!Tôi kể cho anh nghe nhé! Trước hết, cảm ơn anh đã thả tôi trôi sông, cho nên tôi mới được giàu có thế này mà trở về đây. Lúc anh quẳng tôi từ trên cầu xuống sông giá buốt, ngồi trong bao thấy gió rít hai bên tai, tôi sợ vô cùng. Tôi chìm ngay xuống đến đáy, chẳng đau đớn tí nào vì ở dưới nước ấy mọc đầy cỏ rất êm. Vừa rơi xuống tới nơi, bao mở ra ngay, và có một cô con gái tuyệt đẹp mặc toàn đồ trắng, trên bộ tóc xõa có đội một cái vòng màu xanh, cầm lấy tay tôi và bảo rằng:
– Có phải chàng Cu Con đấy không? Trước hết, xin tặng chàng mấy con bò này. Đi độ một dặm nữa, chàng sẽ thấy một đàn bò nhiều gấp mấy lần thế này. Đàn bò ấy tôi cũng xin tặng chàng đấy.
Lúc ấy tôi mới biết con sông là đường cái của dân cư dưới bể. Đi theo lòng sông tôi ra đến biển và đi đến tận một con sông khác. Nom cái gì cũng mê ly. Nào là hoa thơm cỏ lạ, nào là cá lượn tung tăng ríu rít như chim hót. Dân cư mới đáng yêu, súc vật dọc đường và bên các bờ rào mới nhiều làm sao chứ!
Cu Nhớn vội hỏi:
– Thế sao mày lại vội lên trên này làm gì? Ở dưới ấy mà sướng thế thì nhất định tao chẳng lên làm gì!
– Đấy chính là tài khôn khéo của tôi đấy! Anh đã nghe tôi kể rồi còn gì: Nàng tiên cá bảo tôi đi một dặm đường nữa – đường theo ý nàng tức là con sông ấy, sẽ gặp một đàn bò là quà tặng của nàng cho tôi. Nhưng biết là con sông này ngoắt nghoéo chứ chi, khiếp lắm, cứ như trận đồ bát quái, nên tôi đã lên bờ đi tắt qua cánh đồng, gần được một nửa dặm đường và tìm thấy ngay đàn bò của vua Thủy tề.
Cu Nhớn nói:
– Cậu thật là số đỏ. Tớ mà xuống đến đáy sông liệu có vớ được đàn bò của vua Thủy tề như cậu hay không?
– Nhất định rồi. Nhưng anh nặng lắm, tôi không cho anh vào bao vác ra đến sông được đâu. Anh chịu khó đi bộ ra đến đấy rồi hãy chui vào bao nhé! Tôi sẽ vui lòng vần anh xuống.
– Cám ơn cậu. Nhưng đến đằng kia mà tớ không vớ được đàn bò của vua Thủy tề thì tớ sẽ cộp cho cậu một trận nên thân đấy! Nói thật chứ chẳng chơi đâu!
Thế rồi họ kéo nhau ra sông. Đàn bò đang khát trông thấy nước vội chạy ùa đến uống nước. Cu Con bèn nói:
– Đấy, anh xem, chúng nó đang cuống cuồng vội vã muốn quay về Thủy cung đấy.
Cu Nhớn rối rít:
– Hộ tao cái, nhanh lên không thì dờ cái thần xác!
Nói đoạn hắn chui vào một cái bao cũ vất trên lưng một con bò và lại còn dặn thêm:
– Cho thêm một hòn đá vào đấy. Tớ sợ không chìm được đến đáy.
– Không có đá cũng chìm.
Tuy nói vậy, Cu Con cũng cho một hòn đá tướng vào túi, buộc lại rõ chặt và lăn xuống sông.
Tùm! Thế là Cu Nhớn rơi xuống nước, chìm nghỉm ngay lập tức.
Cu Con vừa đánh bò về nhà vừa lẩm bẩm:
– Ta e rằng hắn chẳng tìm được đàn bò nào đâu!
Câu chuyện Cu Nhớn và Cu Con – Nguyễn Văn Hải – Vũ Minh Toàn dịch
Nguồn: Truyện cổ Anđecxen – tập 1, trang 318, NXB Đà Nẵng – 1986
– TheGioiCoTich.Vn –
Ghi chú: [*] Bên châu Âu, người ta không dùng trâu, mà sử dụng ngựa để kéo cày.
Tìm mua Truyện cổ Andersen toàn tập
Nếu muốn, các bạn có thể đặt mua bộ Truyện cổ Andersen toàn tập về đọc với chất lượng giấy tốt và hình ảnh minh họa vô cùng đẹp mắt.
Mua truyện tại Fahasa Mua truyện tại Tiki Mua truyện tại Shopee
Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé
Bên cạnh những câu chuyện cổ tích hấp dẫn của Andersen, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.
Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.Vn.