Điệu múa của Nàng Tiên áo lông chim [Truyện truyền thuyết Nhật Bản]

Câu chuyện Điệu múa của Nàng Tiên áo lông chim

Điệu múa của Nàng Tiên áo lông chim là truyện truyền thuyết Nhật Bản, nói lên mong muốn vươn tới cái đẹp của nghệ thuật và ước mơ có một điệu múa đẹp.

1. Chàng đánh cá và chiếc áo lông chim

Ngày xưa có một chàng thanh niên làm nghề đánh cá đi qua vùng Shizuoka. Cảnh vật bày ra trước mắt đẹp quá, chàng dừng chân đứng ngắm. Mặt trời chiếu nghiêng nghiêng, núi Phú Sĩ [1] nổi bật trên nền xanh với chiếc nón tuyết lấp lánh ánh bạc. Gió thổi êm êm, cả đến tiếng sóng dịu dàng, hòa nhã [2]. Ngoài khơi, hơi mây man mác, trời với nước liền một màu xanh.

Chàng đánh cá đang ngây ngất nhìn, bỗng làn gió đưa đến một mùi hương thơm ngát. Chàng đưa mắt nhìn quanh thì thấy một vệt gì màu sắc rất đẹp vướng trên cành thông. Chàng lại gần. Đó là một chiếc áo khoác phụ nữ kết bằng lông chim, đẹp chưa từng thấy: lông trắng mịn màng trên cổ cò, lông xanh biêng biếc ở cánh chim trả, lông vàng óng ả dưới bụng vàng anh,… Chàng trai tự nhủ: “Vật này đẹp quá và hiếm có thật! Ta hãy đem về cho bà con xem, chắc thế nào rồi người có áo cũng tìm đến nhận”.

Nói đoạn, chàng với tay lấy áo, toan đem về.

2. Điệu múa của Nàng Tiên áo lông chim

Bỗng đâu có một người con gái nhan sắc tuyệt trần đi tới, dáng đi thướt tha, uyển chuyển [3]. Nàng cất giọng trong trẻo, nói:

– Thưa, áo kia của tôi. Chàng cho tôi xin lại.

– Không, áo tôi vừa bắt được ở cành cây này mà. Nàng ở đâu mới đến, tôi nào có biết? Đưa cho nàng, khi chủ có áo hỏi, tôi biết liệu làm sao?

– Đây là áo tiên, tôi cởi ra mắc trên cành thông để đi dạo hưởng ngọn gió mát và nhìn xem phong cảnh. Chàng ơi! Tôi không có áo đó thì không bay về trời được, rồi hôm sớm sẽ chết rũ nơi đây. Xin chàng nghĩ lại cho.

Nước mắt lưng tròng, nàng tiên đứng im chờ đợi. Chàng đánh cá động lòng:

– Thôi, nàng đừng khóc nữa, để tôi trả áo lại cho. Nhưng tôi nghe nói tiên múa đẹp lắm, xin nàng hãy múa cho tôi xem một điệu đẹp nhất.

– Không có áo ấy múa không đẹp. Chàng cứ đưa áo cho tôi, rồi tôi múa cho chàng xem. Và cũng xin thưa rằng giờ đã khá muộn, xin cáo biệt chàng luôn, ơn chàng xin ghi lòng tạc dạ.

Chàng đánh cá trao áo, nàng tiên mặc vào trông lại càng đẹp. Rồi nàng bắt đầu múa. Là con sáo nhảy, con công xòe đuôi, con thiên nga rỉa cánh, con gà mái tơ tắm nắng, con chim chèo bẻo lộn mình giữa tầng không…, ấy là tất cả, hòa hợp thành một điệu múa thần tình [4].

Chàng đánh cá ngây ngất nhìn, quên cả việc trần thế… Nàng tiên càng múa càng lên cao dần, cuối cùng nàng chỉ còn là con chim nhạn trên trời thu, rồi mất hút trong xa thẳm.

Chàng đánh cá về nhà cố nhớ điệu múa, diễn tả lại cho các cô gái trong thôn xóm xem. Các cô cũng kết lông chim làm áo, ra sức luyện tập, rồi múa cho bà con xem. Tuy không thể bằng chính tiên múa, nhưng bà con cũng vô cùng thích thú, từ đấy cứ gọi điệu múa kia là điệu múa của Nàng Tiên áo lông chim.

Câu chuyện Điệu múa của Nàng Tiên áo lông chim – Truyện truyền thuyết Nhật Bản
Võ Phi Hồng và Huỳnh Lý thuật
Nguồn: Văn 6, tập 1, trang 57, NXB Giáo dục – 1989
– TheGioiCoTich.Vn –

Điệu múa của Nàng Tiên áo lông chim [Truyện truyền thuyết Nhật Bản]
Truyện Điệu múa của Nàng Tiên áo lông chim

Chú thích trong truyện Điệu múa của Nàng Tiên áo lông chim

  1. Núi Phú Sĩ: một hòn núi ở Nhật, nguyên là núi lửa, đã tắt, hình nón, chóp núi phủ tuyết.
  2. Hòa nhã: dịu dàng, lễ phép với mọi người. Tiếng sóng hòa nhã: tiếng sóng êm ả, không dữ dội, ồn ào.
  3. Uyển chuyển: mềm mại, nhịp nhàng, không có cử động gấp gáp, thô kệch.
  4. Thần tình: ở đây ý nói đẹp, khéo và tài tình.

Kho tàng truyện truyền thuyết Việt Nam và thế giới

Thế giới cổ tích đã sưu tầm và chọn lọc những truyện truyền thuyết hay nhất, nhằm giúp các bạn nhỏ hiểu hơn về các nhân vật lịch sử hoặc lí giải về nguồn gốc ra đời các phong tục, tập quán, địa danh, v.v… của người Việt Nam và thế giới.

Đừng bỏ lỡ những câu chuyện truyện thuyết hay nhất cùng Thế giới cổ tích!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *