Truyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm
Nghìn lẻ một đêm sẽ hé lộ lý do vì sao mà hoàng đế Saria lại có hành động dã man với phụ nữ, khởi đầu cho những câu chuyện mà nàng Sêhêrazát kể lại sau đó.
1. Hoàng đế Saria và nhà vua Sadơnăng
Sử ký triều đại Xátxaniên, triều đại những nhà vua nước Ba Tư cổ đã từng mở rộng biên cương sang đất Ấn Độ và những đảo lớn đảo nhỏ phụ thuộc nước này và đến tận xa mãi bên kia bờ sông Hằng cho tới nước Trung Hoa, chép rằng, ngày xưa dòng họ hùng cường này có một nhà vua từng nổi danh một thời là đấng quân vương tuyệt vời. Muôn dân yêu quý nhà vua về đức anh minh và tính thận trọng; các nước lân bang tôn kính nhà vua về uy danh lỗi lạc, kiêng nể nhà vua vì có đạo quân thiện chiến và kỷ luật nghiêm minh. Nhà vua có hai hoàng tử: người con cả tên là Saria, xứng đáng được kế thừa ngôi báu của vua cha; người con thứ tên là Sadơnăng, tài đức cũng không thua kém anh về một mặt nào.
Sau một đời trị vì lâu dài và vinh hiển, nhà vua băng hà. Hoàng tử Saria lên nối ngôi. Theo luật pháp nước nhà, Sadơnăng không được chia quyền và phải sống như một người dân thường. Tuy nhiên, chàng không những không ganh tị hạnh phúc của anh mà lại còn hết sức tìm cách để được lòng anh. Việc đó cũng chẳng có gì khó khăn lắm. Saria vốn yêu mến em trai rất lấy làm hài lòng về thái độ đó, nên muốn chia sẻ sơn hà với em. Vua cắt đất phong cho chàng làm vua nước Đại Táctari. Sadơnăng đi nhậm chức ngay và đóng đô ở Xamáccăng, thủ phủ của xứ này.
Đã mười năm qua, kể từ khi hai vua xa cách, Saria bỗng một hôm thiết tha muốn gặp em trai, nên quyết định cử một sứ bộ đi với chàng về thăm mình. Vua chọn chính tể tướng của mình cầm đầu sứ bộ ấy. Vị đại thần này, có một đoàn tùy tòng xứng đáng với phẩm tước của ông đi theo, lập tức lên đường. Khi ông đến gần Xamáccăng, vua Sadơnăng, đã được báo trước, liền cùng các vị đại thần trong triều ra ngoài kinh thành nghênh tiếp; các quan đều ăn mặc rất lộng lẫy để tỏ lòng kính trọng vị quan đầu triều của hoàng đế. Quốc vương Táctari vô cùng mừng rỡ đón tể tướng và trước hết hỏi thăm tin tức của vua anh. Tể tướng đáp xong, liền trình bày lý do chuyến đi sứ của mình. Sadơnăng rất lấy làm cảm động: “Tể tướng công minh ạ, – vua nói, – hoàng đế anh ta ban cho ta vinh dự lớn quá, thật không có lời đòi hỏi nào làm cho ta thú vị hơn. Nếu anh ta muốn gặp ta, thì ta cũng hết sức nôn nóng muốn thăm Người. Thời gian không chút phai nhạt tình thân yêu của anh em ta. Bờ cõi ta đang thanh bình, ta chỉ cần mươi ngày là kịp chuẩn bị lên đường cùng với ông. Bởi vậy không cần ông phải vào kinh thành một thời gian quá ngắn như vậy. Xin ông hãy dừng lại đây và cho dựng trại ở chốn này. Ta sẽ ra lệnh mang đến ngay cho ông và những người tùy tòng của ông rất nhiều hoa quả tươi”. Lệnh đó được thực hiện ngay tức khắc. Nhà vua vừa mới trở lại Xamáccăng, tể tướng đã thấy có người đưa đến cho mình cơ man thức ăn nước uống, kèm theo nhiều cao lương mỹ vị và tặng phẩm quý báu.
Trong lúc đó, vua Sadơnăng sửa soạn khởi hành, xử lý những công việc cấp bách nhất, lập một hội đồng cai trị đất nước trong thời gian vua vắng mặt, và cử một vị đại thần mà vua hiểu rõ tài đức và hoàn toàn tín nhiệm đứng đầu hội đồng ấy. Sau mười ngày, khi đoàn bộ giả đã sửa soạn xong xuôi, vua từ biệt hoàng hậu rời kinh đô vào buổi chiều, tới nghỉ ở hành cung mà vua đã cho dựng sẵn bên cạnh trại của tể tướng. Vua đàm đạo với viên xứ thần đến tận nửa đêm. Lúc ấy, muốn gặp lại một lần nữa hoàng hậu mà vua rất yêu quý, vua một mình trở lại hoàng cung. Vua đi thẳng đến hậu cung. Hoàng hậu, không ngờ vua quay trở lại, vừa làm việc bất chính với một viên quan hầu mạt hạng trong nội phủ: Hai người nằm với nhau đã lâu lắm và bây giờ đang ngủ say sưa.
Vua rón rén đi vào, tưởng dành cho hoàng hậu – mà vua vẫn ngỡ là yêu mình tha thiết – một sự bất ngờ lý thú được gặp chồng quay lại. Nhưng vua xiết bao kinh ngạc khi trông thấy, dưới ánh đèn không bao giờ tắt trong các cung vua phủ chúa, một người đàn ông được nàng ôm ấp trong đôi tay! Vua lặng người, không biết có nên tin vào mắt mình hay không. Nhưng còn nghi ngờ gì nữa! Vua tự bảo: “Quái lạ! Ta chưa ra khỏi hoàng cung, ta còn ở dưới chân thành Xamáccăng, thế mà chúng nó đã dám làm nhục ta! A, con khốn nạn! Tội ác của mày không thể không bị trừng phạt. Là vua, ta phải trừng trị những điều sai trái xảy ra trong nước: là người chồng bị xúc phạm, ta có quyền chính đáng được trả thù”. Trong cơn tức giận, nhà vua đáng thương ấy rút gươm, tiến đến gần giường và chém một nhát kết liễu cuộc đời hai tên gian phu dâm phụ, và túm từng xác một ném qua cửa sổ xuống chiếc hào bao quanh hoàng cung.
Trả thù xong, vua ra khỏi kinh thành cũng lặng lẽ như lúc trở lại hậu cung. Không hề cho ai biết việc mình vừa làm, vua ra lệnh nhổ trại lên đường. Mọi việc xong ngay tức khắc. Trời chưa sáng hẳn, xa giá đã lên đường trong tiếng trống tiếng chiêng inh ỏi, đưa lại niềm vui cho tất cả mọi người, trừ nhà vua, rất băn khoăn về sự thất tiết của hoàng hậu. Suốt thời gian đi đường, nhà vua lúc nào cũng buồn rầu ảo não.
Gần tới kinh đô nước Ấn Độ, vua được hoàng đế thân dẫn toàn bộ triều đình ra nghênh tiếp. Hai bậc quân vương vui mừng xiết bao! Họ cùng xuống ngựa ôm hôn nhau, và sau khi biểu lộ tình cảm bằng những cử chỉ cực kỳ thân thiết; họ cùng lên ngựa sóng cương đi vào thành phố giữa tiếng hoan hô của nhân dân. Hoàng đế thân hành dẫn vua em đến tận cung điện được sửa soạn để đón chàng. Cung điện này, thông với nơi ở của hoàng đế qua một cái vườn chung, vốn dĩ rất tráng lệ, thường dùng làm nơi hành lễ và mở hội trong triều, nay càng lộng lẫy vì được sắm thêm nhiều đồ đạc mới…
Hoàng đế Saria từ giã quốc vương Táctari để cho chàng có thời giờ tắm gội và thay đổi y phục. Nhưng chàng vừa ra khỏi nơi thay áo, hoàng đế đã trở lại. Hai anh ngồi lên một chiếc sập, còn triều thần kính cẩn đứng hầu ở đằng xa. Hai vua bắt đầu hàn huyên với nhau về bao điều gắn bó thân thương vì chung dòng máu. Rồi họ cùng nhau ăn cơm chiều. Ăn xong, họ lại tiếp tục chuyện trò mãi cho đến khi Saria thấy đêm đã khuya, phải ra về để cho em nghỉ.
Chàng Sađơnăng bất hạnh đi nằm; nhưng nếu sự có mặt của vua anh có thể làm cho chàng tạm thời lãng quên phiền muộn, thì giờ đây nỗi niềm kia lại càng xốn xang trong dạ. Đáng lẽ ra còn phải nghỉ ngơi thì chàng lại nhớ đến những điều đau đớn nhất. Những việc làm thất tiết của hoàng hậu lại hiện rõ mồn một trong trí, chàng không thể nào chịu nổi. Cuối cùng, không thể ngủ được, chàng đứng lên, lòng nặng trĩu buồn vì những ý nghĩ bi ai. Trên mặt chàng hiện lên một vẻ sầu não khiến cho hoàng đế lúc tiếp em, không thể nào không nhận thấy. Hoàng đế tự hỏi: “Quốc vương Táctari làm sao thế nhỉ? Ai đã có thể gây nên nỗi buồn lộ ra nét mặt chú? Chú ấy có điều gì phàn nàn về sự đón tiếp của ta chăng? Không! ta tiếp chú ấy như tiếp một đứa em thân yêu, về mặt này ta tự xét chẳng có gì đáng trách. Có lẽ chú ấy buồn vì xa nước hoặc vì ta vợ chăng? Ồ! nếu đúng là chú ấy buồn vì chuyện đó, thì ta phải cho chú ngay những tặng phẩm dành cho chú, để cho chú ấy muốn lên đường trở về Xamaccăng lúc nào tùy ý”. Nghĩ như vậy, ngay từ ngày hôm sau, hoàng đế sai đưa đến cho vua em một phần những tặng phẩm, gồm những vật gì hiếm có nhất, đắt tiền nhất, kỳ lạ nhất ở nước Ấn Độ. Mỗi ngày, hoàng đế lại cho bày ra những trò vui mới để giải buồn cho vua em, nhưng những hội hè sảng khoái nhất không những đã chẳng làm cho chàng vui lên được chút nào lại còn khơi gợi thêm những nỗi buồn phiền.
Một hôm, hoàng đế Saria ra lệnh mở một cuộc đi săn lớn cách kinh đô hai ngày đường, ở một nơi đặc biệt có nhiều hươu nai. Nhưng Sadơnăng xin hoàng đế miễn cho chàng khỏi phải đi theo, viện cớ sức khỏe chàng không cho phép. Hoàng đế không ép chàng nên cùng với tất cả triều đình lao ngay vào cuộc vui chơi giải trí. Hoàng đế đi khỏi, quốc vương nước Đại Táctari còn lại một mình, lui về khép kín buồng riêng. Chàng ngồi cạnh một cửa sổ nhìn ra vườn. Vườn ngự uyển đẹp đẽ cùng với tiếng hót của muôn ngàn chim chóc sống trong đó có lẽ đã đưa lại cho chàng niềm khoan khoái nếu chàng còn đủ khả năng cảm thụ; nhưng vẫn luôn luôn bị day dứt về hành động xấu xa của hoàng hậu, chàng ít nhìn xuống vườn hơn là ngước mắt lên trời để than thở cho số phận không may của mình.
Tuy nhiên, đã phiền muộn đến thế nào đi nữa chàng vẫn không khỏi nhận thấy một điều làm cho chàng hết sức chú ý. Một cái cửa bí mật trong cung hoàng đế đột nhiên mở ra, và từ đó bước ra hai chục người đàn bà, đi chính giữa là hoàng hậu mà phong thái rất dễ phân biệt với những người khác. Hoàng hậu tưởng quốc vương nước Đại Táctari cũng đã đi săn, nên xăm xăm bước tới tận cửa buồng riêng của chàng; nhà vua vì tò mò muốn quan sát hoàng hậu cho nên ngồi nép vào bên trong để vẫn có thể nhìn ra mà không bị người ở ngoài trông thấy. Chàng để ý thấy những người đi theo hoàng hậu bỏ các tấm mạng cho đến lúc bấy giờ vẫn che mặt họ và cởi chiếc áo dài mặc trùm lên những bộ quần áo ngắn. Nhưng chàng cực kỳ kinh ngạc khi nhận ra trong số người mà chàng tưởng gồm toàn phụ nữ ấy có mười tên đàn ông da đen, mỗi tên ôm lấy một cô nhân tình! Hoàng hậu về phần mình, cũng không chịu đứng lâu không có người yêu; nàng vỗ tay tay gọi: “Maxút! Maxút!”; lập tức một tên đàn ông da đen khác tụt từ trên một cây cao xuống, vội vã chạy đến với nàng.
Vì ngượng ngùng, tôi không thể thuật lại những việc gì xảy ra giữa những người đàn bà và bọn da đen ấy, đó là một chi tiết chẳng đáng phải quan tâm. Chỉ cần nói rằng điều Sadơnăng trông thấy đủ cho chàng nghĩ rằng anh trai chàng cũng đáng thương hại không kém gì chàng. Cuộc hoan lạc của đám người dâm loạn ấy kéo dài đến tận nửa đêm. Cả bọn cùng tắm chung trong một cái hồ rộng vốn là một nơi rất trang nhã trong vườn. Sau đó, họ mặc lại quần áo và trở lại cung hoàng đế bằng cái cửa bí mật; còn tên Maxút, vốn từ bên ngoài trèo qua thành vào vườn, lại trở ra bằng lối ấy.
Tất cả những sự việc đó diễn ra dưới mắt quốc vương nước Đại Táctari, gợi lên trong lòng chàng vô vàn suy nghĩ: “Thật ta đã nhầm to khi nghĩ rằng điều bất hạnh của ta là cá biệt; có lẽ đây chẳng qua cũng là số kiếp không thể nào tránh khỏi của tất cả mọi ông chồng, bởi vì ngay đến hoàng đế anh ta, chúa tể của bao nhiêu các nước chư hầu, bậc đế vương vĩ đại nhất thế giới, cũng không tránh được. Đã vậy thì, ta héo hon vì buồn khổ chẳng hóa ra hèn yếu lắm sao! Thôi thế từ nay, điều bất hạnh thông thường như vậy sẽ không còn đáng khuấy động sự yên tĩnh của đời ta nữa”. Quả nhiên, ngay từ giờ phút ấy; chàng hết buồn phiền; và giá mà không trông thấy cảnh diễn ra dưới cửa sổ, chàng đã không buồn ăn cơm, thì giờ đây chàng sai dọn cơm tối và ăn một bữa ngon lành nhất kể từ hôm từ giã Xamaccăng. Hơn nữa, chàng còn cảm thấy thú vị khi nghe những lời ca, tiếng nhạc du dương hòa tấu sau bữa ăn.
Những ngày tiếp đó, Sadơnăng rất vui vẻ; và khi được tin hoàng đế đế săn trở về, chàng ra đón và tươi tỉnh chúc tụng vua anh! Hoàng đế Saria thoạt tiên không chú ý đến sự đổi thay đó, nhà vua còn mải nói tới chuyện tiếc rẻ cho em trai, đã không theo mình dự cuộc săn, và cũng chẳng chờ cho em kịp trả lời, nhà vua đã vội khoe về số lớn những hươu nai và dã thú khác bắt được cùng với những thú vui trong chuyến đi săn. Sadơnăng, sau khi chăm chú lắng nghe, liền cất lời. Chàng nói bao nhiêu chuyện rất hay và thú vị vì giờ đây chàng không còn bị những nỗi u sầu ngăn trở chàng biểu lộ hết trí thông minh.
Hoàng đế cứ nghĩ là khi trở về sẽ gặp lại em trai vẫn trong trạng thái sầu não như lúc chia tay cho nên rất lấy làm khoái chí thấy em vui vẻ. Vua nói: “Chú ạ, anh cảm tạ trời đất đã làm cho chú có sự thay đổi đáng mừng trong thời gian anh đi vắng: anh thực sự vui mừng về việc đó, tuy nhiên anh có một lời yêu cầu đối với chú anh rất mong chú đáp ứng đòi hỏi của anh.”
– Em còn có gì dám từ chối anh? – quốc vương nước Đại Táctari đáp – Đối với Sadơnăng này, anh hoàn toàn có mọi quyền lực. Xin anh nói đi, em đang nóng lòng muốn được biết anh cần gì ở em.
– Từ hôm chú đến triều đình ta, – Hoàng đế Saria nói tiếp – anh thấy chú luôn luôn buồn bã, và anh đã tìm đủ mọi cách bày ra các trò giải trí mà không kết quả. Anh nghĩ chú buồn chắc vì xa nước nhà: có khi anh lại ngỡ chắc là vì chú nhớ hoàng hậu ở Xamáccăng, một người mà chú đã chọn thì chắc có sắc đẹp tuyệt trần, cho nên mới sinh ra tư lự. Anh không biết anh đoán có đúng không; song anh thú thật chính đặc biệt vì lý do đó mà anh không muốn gặng hỏi nhiều, e làm chú không bằng lòng. Tuy vậy, dù anh chẳng có góp phần gì vào đó, khi trở về anh thấy chú vui vẻ nhất đời, trí óc hoàn toàn thoát khỏi cái vẻ ưu tư nó đã làm cho chú mất hết mọi vui tươi. Chú hãy vui lòng nói cho anh rõ tại sao như vậy.
Nghe hỏi, quốc vương nước Đại Táctari trầm ngâm một lát như để tìm cách trả lời. Cuối cùng, chàng đáp như sau: “Anh là hoàng đế, là chúa tể của em; nhưng em van anh hãy miễn cho em không phải đáp ứng điều anh yêu cầu.”
– Không, chú ạ – hoàng đế nói – chú phải đáp ứng, ta thích như vậy, chú đừng từ chối.
Sadơnăng không thể khước từ trước sự gặng hỏi của hoàng đế Saria: “Nếu vậy thì thưa anh – Sadơnăng nói – anh đã ra lệnh, em xin thỏa mãn yêu cầu của anh.”
Thế rồi chàng thuật lại sự thất tiết của hoàng hậu Xamáccăng. Kể xong, chàng nói: “Đấy là nguyên nhân khiến cho em buồn bã, xin anh xét cho em làm như vậy có sai lầm chăng.”
– Ôi em ơi! – Hoàng đế thốt lên, giọng nói chứng tỏ nhà vua thông cảm xiết bao mối hận của quốc vương nước Đại Táctari – câu chuyện chú vừa kể cho anh nghe mới đáng ghê tởm làm sao! Anh nghe mà sốt cả ruột! Anh khen ngợi chú đã trừng trị những tên phản trắc dám láo xược xúc phạm đến chú như vậy. Không ai có thể trách cứ hành động của chú: chú làm như vậy là công minh; riêng anh, anh thú thật vào địa vị của chú, có lẽ anh không tự kiềm chế được như chú đâu. Có lẽ anh sẽ không bằng lòng chỉ giết chết một con đàn bà mà thôi; anh, nghĩ rằng có thể anh giết chết hơn một nghìn đứa mới hả cơn điên. Anh không còn ngạc nhiên về sự buồn phiền của chú: nguyên nhân gây nên thật quá đắng cay, quá tủi nhục làm sao mà tránh được ưu tư! Trời! Thật lạ lùng làm sao! Không, anh tin rằng không bao giờ có thể xảy ra cho ai cái chuyện như vừa xảy ra cho chú. Nhưng rốt cuộc, phải tạ ơn Thượng đế đã đưa lại cho chú niềm an ủi; và vì anh tin chắc là nó có căn cứ, chú hãy vui lòng nói cho anh rõ nhờ đâu mà được vậy; chú hãy thật lòng tâm sự với anh.
Sadơnăng thấy càng khó nghĩ đối với điều này hơn cả điều trên, bởi nó liên quan đến anh mình: nhưng chàng đành nhượng bộ trước những lời thúc giục khẩn khoản của hoàng đế Saria. Chàng tâu: “Vậy thì em sẽ tuân lời anh, vì anh đã khăng khăng muốn biết. Em sợ rằng sự phục tùng của em sẽ gây cho anh nhiều điều phiền não hơn cả em trước đây: nhưng anh chỉ nên tự trách mình, vì chính anh đã buộc em phải nói ra một điều mà lẽ ra em muốn chôn vùi trong lãng quên vĩnh viễn.
– Điều chú nói đó chỉ càng kích thích thêm sự tò mò của anh, – hoàng đế Saria ngắt lời – chú hãy mau mau nói ra điều bí mật ấy cho anh rõ, cho dù tính chất nó thế nào.
Quốc Vương nước Đại Táctari không thể chối từ được nữa đành kể lại chi tiết tất cả những điều đã thấy về những tên da đen cải trang, về cách xử sự của hoàng hậu cùng các người hầu và không quên Maxút. Chàng nói tiếp: “Sau khi đã chứng kiến tất cả nhưng việc xấu xa đó, em nghĩ rằng tất cả đàn bà đều là như vậy thôi, họ không thể nào cưỡng lại cái thiên hướng đó. Suy nghĩ như vậy rồi, em tỉnh ra: sự yên tĩnh của tâm hồn một người đàn ông mà lại tùy thuộc vào đức hạnh của người đàn bà thì thật là quá yếu hèn. Ý kiến ấy lại đưa em đến những suy nghĩ khác, và cuối cùng em cho rằng không có cách nào tốt hơn là tự mình khuây khỏa. Cũng khó khăn đấy, nhưng cuối cùng em vượt qua được: và nếu anh tin lời em, xin hãy làm như em.”
Mặc dù lời khuyên ấy đúng đắn, hoàng đế vẫn không thể nghe theo. Nhà vua còn nổi giận: “Quái thật! chánh cung hoàng hậu nước Ấn Độ ta mà lại có thể đồi bại một cách bỉ ổi như vậy ư! Không, chú ơi! anh không thể nào tin điều chú nói nếu anh chưa được nhìn thấy tận mắt, có thể là chú trông nhầm, vả chăng cái việc ấy cũng quan trọng đáng cho anh tự mình khẳng định.”
– Thưa anh, nếu anh muốn chứng kiến việc đó thì chẳng có gì khó khăn: anh chỉ việc tổ chức một chuyến đi săn nữa, và khi cả anh và em đều ra ngoài kinh thành cùng với các quan hai triều, chúng ta sẽ nghỉ lại ở hành cung và đêm đến riêng hai chúng ta sẽ trở lại buồng riêng của em. Em tin chắc rằng ngày hôm sau anh sẽ nhìn thấy việc em đã từng trông thấy.
Hoàng đế chấp thuận mưu kế ấy, và lập tức truyền sắp đặt một chuyến đi săn mới: thành thử ngay trong ngày hôm ấy các hành cung đã được cất lên ở nơi qui định.
Ngày hôm sau, hai nhà vua lên đường cùng với tất cả hai đoàn tùy giá. Họ đến nơi cần hạ trại, ở lại đấy cho đến tối. Hoàng đế Saria liền triệu tể tướng đến. Không nói rõ ý đồ của mình, nhà vua ra lệnh cho tể tướng thay mình khi vắng mặt, và không được cho một ai ra khỏi trại dù với bất kỳ lý do gì. Xong đâu đấy, hoàng đế cùng quốc vương nước Đại Táctari lên ngựa trở lại kinh thành và đến cung điện Sadơnăng ở. Họ đi ngủ; sáng hôm sau họ dậy ngồi thật sớm bên cạnh cửa sổ mà quốc vương nước Đại Táctari đã từng trông thấy cảnh bọn người da đen. Hai người hưởng không khí mát lành một lúc vì mặt trời chưa mọc: và vừa trò chuyện thỉnh thoảng họ lại đưa mắt ngó về phía cánh cửa bí mật. Cuối cùng cánh cửa ấy mở ra; và xin kể vắn tắt trong mấy lời: hoàng hậu xuất hiện cùng với các người hầu và mười tên da đen cải trang, cất tiếng gọi Maxút; và những điều hoàng đế trông thấy đủ cho hoàng đế hoàn toàn tin chắc vào nỗi nhục nhã và sự bất hạnh của mình. “Trời đất ơi! – hoàng đế kêu lên – bỉ ổi làm sao! Kinh tởm xiết bao! Vợ một bậc đế vương như ta đây lại có thể phạm điều xấu xa ấy ư? Sau việc này, còn có nhà vua nào dám khoe khoang là mình hoàn toàn hạnh phúc? Ôi em ơi, – hoàng đế ôm hôn quốc vương nước Đại Táctari và nói tiếp – thôi hai anh em ta hãy từ bỏ cuộc đời này. Nơi này mọi việc đều là giả dối; chẳng qua nịnh hót đấy rồi lại phản trắc đấy mà thôi. Chúng ta hãy từ bỏ hết sơn hà xã tắc và tất cả mọi hào nhoáng quanh ta. Anh em ta hãy đi đến những đất nước xa lạ, kéo lê cuộc đời tối tăm và che giấu điều không may của chúng ta”. Sadơnăng không tán thành quyết định ấy, nhưng chàng không dám cưỡng lại trong lúc hoàng đế Saria đang nóng giận. Chàng đáp: “Thưa anh, ý em cũng không khác ý anh: em sẵn sàng đi theo anh đến bất cứ nơi nào anh muốn; nhưng xin anh hãy hứa với em là chúng ta sẽ trở về nếu chúng ta gặp được một kẻ nào còn đau khổ hơn chúng ta.”
– Anh hứa với chú, – hoàng đế đáp – nhưng anh không tin là có thể có một người nào còn đau khổ hơn anh em ta.
– Em không đồng ý với anh về điểm này – quốc vương nước Đại Táctari nói – hơn nữa, em nghĩ rằng có lẽ chúng ta cũng chẳng phải đi xa lâu đâu.
Nói xong hai người bí mật ra khỏi hoàng cung rồi theo một con đường khác con đường họ từ hành cung trở về hôm trước. Họ đi mãi đến tối cho đến khi không còn nhận ra đường nữa, và ngủ đêm đầu tiên dưới gốc cây. Tinh mơ hôm sau họ tiếp tục đi cho đến khi tới một bãi cỏ đẹp bên bờ biển. Ở đây rải rác có những cây to rất um tùm. Hai anh em ngồi xuống dưới cái gốc cây ấy để nghỉ chân và hóng mát và đàm đạo về sự thất tiết của các hoàng hậu mình.
Hai người chuyện trò chưa lâu, bỗng nghe từ phía biển, cũng khá gần, một tiếng động khủng khiếp và một tiếng hét kinh hồn làm họ vô cùng hoảng sợ. Thế là mặt biển mở ra, một cột đen rất lớn đùn lên cao lận mây xanh, cảnh tượng đó làm cho họ càng khủng khiếp; hai anh em vội vàng đứng dậy leo lên một cây có vẻ dễ nấp kín nhất. Hai chàng vừa lên tới ngọn, nhìn về phía phát ra tiếng động, nơi mặt biển mở ra, thì thấy cái cột đen ấy rẽ nước tiến vào bờ; lúc đầu chưa phận ra vật gì nhưng chỉ lát sau họ sáng tỏ ngay.
Đây là một trong những hung thần tinh ma, độc ác, kẻ thù không đội trời chung của loài người. Lão đen thui và xấu xí, hình dáng đúng là một tên khổng lồ cao lêu đêu, trên đầu lão đội một cái hòm thủy tinh lớn, khóa chặt bằng bốn chiếc khóa thép ròng: Lão đội cái hòm ấy đi vào bãi cỏ và đặt nó xuống đúng ngay dưới gốc cây hai chàng đang nấp; họ biết mình đang trải qua một mối nguy ghê gớm và có thể sắp bị giết tơi bời.
Lão hung thần ngồi xuống cạnh cái hòm, lấy bốn chiếc chìa khóa đeo ở thắt lưng ra mở khóa, rồi nhấc ra một người đàn bà ăn mặc rất sang trọng, dáng dấp đường bệ và sắc đẹp tuyệt trần. Lão để nàng ngồi xuống bên cạnh và nhìn nàng say đắm: “Phu nhân ơi, người đẹp tuyệt vời trong tất cả mọi người đẹp ơi, con người đáng yêu mà ta đã bắt cóc trong ngày cưới của nàng, và từ ngày ấy đến nay ta luôn luôn yêu quý, nàng hãy cho ta được ngủ một lúc bên cạnh nàng; chính vì ta buồn ngủ cho nên mới định đến nơi đây để nghỉ ngơi chốc lát”. Nói xong, lão gối cái đầu to xù lên đầu gối người đàn bà, duỗi đôi chân dài ra tận biển, rồi chẳng mấy chốc ngủ say: tiếng ngáy vang động cả bờ biển.
Người đàn bà tình cờ ngước mặt nhìn lên, trông thấy hai nhà vua trên ngọn cây, liền ra hiệu bảo hai người se sẽ tụt xuống. Hai nhà vua cực kỳ khiếp đảm khi thấy mình bị phát hiện. Cũng bằng cách ra hiệu, hai nhà vua xin người đàn bà miễn cho họ phải tuân theo; nhưng ả ta sau khi nhẹ nhàng nhấc đầu lão hung thần khỏi chân mình đặt xuống đất, liền đứng lên nói với họ bằng một giọng nhỏ nhẹ, nhưng sôi nổi: “Hãy xuống đây; nhất thiết hai chàng phải đến với em”. Họ muốn ra hiệu cho ả hiểu là họ sợ lão hung thần nhưng vô ích, ả vẫn nói tiếp với giọng ấy: “Hãy xuống đây: nếu hai chàng không chịu nghe theo lời em, thì em sẽ đánh thức lão dậy ngay và chính em sẽ xui lão giết hai chàng.”
Câu nói đó làm hai nhà vua lo sợ quá, đành phải tụt xuống một cách thận trọng hết sức để khỏi làm lão hung thần thức dậy. Khi họ xuống đến đất rồi, ả ta cầm tay họ dẫn đến một nơi xa xa dưới hàng cây. Sau khi đạt được điều mong muốn, ả trông thấy mỗi chàng đeo một chiếc nhẫn ở ngón tay, liền hỏi xin. Vừa cầm được trong tay hai chiếc nhẫn, ả liền đi tìm một cái hộp để trong túi đựng đồ trang sức, lấy ra một sợi dây xâu nhiều chiếc nhẫn khác đủ kiểu đưa cho họ xem: “Hai chàng có biết những vật này có ý nghĩa gì không?”
– Không – họ đáp – nhưng chắc nàng có thể cho chúng tôi rõ.
– Đây là những chiếc nhẫn của nhưng người đàn ông đã từng ân ái với em. Đúng chín mươi tám chiếc, em giữ để làm kỷ niệm về họ. Em vừa xin hai chàng hai chiếc nhẫn kia, là để cho chẵn một trăm. Như vậy, – ả nói tiếp – là em có đúng một trăm tình nhân tính đến ngày hôm nay. Mặc mọi cách phòng ngừa của lão thần xấu xí bám riết lấy em này, nào nhốt em trong chiếc hòm thủy tinh nọ, nào giấu em tận đáy biển kia, tất thảy đều vô ích, em vẫn có cách đánh lừa được lão. Các chàng thấy đấy, một khi người đàn bà đã có sẵn một điều định bụng rồi, thì không có ông chồng hay người yêu nào có thể ngăn giữ nổi. Tốt hơn là đàn ông không nên ép buộc đàn bà, có lẽ đó là cách làm cho họ trở thành tiết hạnh.
Người đàn bà nói xong, liền xâu hai chiếc nhẫn vào cùng một sợi dây với những chiếc kia. Ả lại trở về ngồi vào chỗ cũ như trước, bỏ đầu lão hung thần đặt gối trở lại lên đùi mình mà không làm cho lão thức giấc, và ra hiệu bảo hai nhà vua đi nơi khác.
Họ theo đường cũ quay trở về, và khi đã khuất người đàn bà và lão hung thần, hoàng đế Saria hỏi quốc vương Sadơnăng: “Này chú, chú nghĩ gì về chuyện vừa xảy ra cho chúng ta? Lão thần có một người yêu khá chung thủy đấy chứ? Và chú có nhận thấy không, thật không có gì sánh được sự tai quái của đàn bà?”
– Thưa anh, có, – quốc vương nước Đại Táctari đáp, – và anh hẳn cũng phải đồng ý với em rằng lão thần còn đáng thương hại và còn đau khổ hơn anh em ta. Bởi vậy chúng ta hãy trở về nước nhà vì chúng ta đã gặp được điều chúng ta tìm kiếm, và chúng ta cũng chớ vì chuyện đó mà không lấy vợ. Về phần em, em biết cách làm sao giữ được cho lòng tin của mình trọn vẹn. Lúc này đây, em chưa muốn nói rõ điểm ấy; nhưng một ngày kia anh sẽ được tin tức về em, và em chắc rằng anh sẽ noi gương em.
Hoàng đế đồng tình với em. Hai người tiếp tục đi cho tới hết đêm của ngày thứ ba kể từ hôm xuất: phát thì trở về đến nơi hạ trại.
Tin hoàng đế trở về được lan truyền. Từ sáng sớm các triều thần đã tề tựu trước hành cung. Nhà vua cho mời vào tiếp các quan với vẻ tươi cười hơn thường lệ, và ban thưởng cho tất cả mọi người. Sau đó, tuyên bố mình không muốn đi xa hơn nữa, vua truyền cho mọi người lên ngựa, và trở về ngay hoàng cung.
Vừa tới nơi, hoàng đế lập tức đến hậu cung, ra lệnh bắt trói, hoàng hậu ngay trước mặt mình, rồi sai tể tướng cho đưa đi xử giảo. Viên đại thần này thi hành mà cũng chẳng hỏi xem hoàng hậu phạm tội gì. Nhà vua giận dữ không chỉ bằng lòng có thế, vua tự tay chặt đầu tất cả những nàng hầu của hoàng hậu. Sau sự trừng phạt nghiêm khắc ấy, tin chắc rằng trên đời không có một người đàn bà nào tiết hạnh. Để ngăn ngừa không cho những người mà mình sẽ ăn nằm trong tương lai có cách gì thất tiết với mình, vua quyết định cứ mỗi đêm lấy một vợ rồi cho xử giảo người đàn bà ngay sáng hôm sau. Đặt ra cái luật lệ nghiệt ngã ấy rồi, hoàng đế thề sẽ thực hiện ngay lập tức sau khi em trai về nước. Quốc vương nước Đại Táctari chẳng bao lâu cũng từ biệt lên đường, mang theo nhiều tặng phẩm quý.
2. Nàng Sêhêrazát tài hoa và đức hạnh
Sadơnăng đi khỏi, hoàng đế Saria truyền cho tể tướng đưa đến cho mình con gái một viên tướng lĩnh quân đội. Tể tướng tuân lệnh. Hoàng đế ăn nằm với nàng, và sáng hôm sau khi đưa nàng trả lại tể tướng để mang đi hành quyết, vua lại truyền cho ông phải tìm một người con gái khác cho đêm tới. Dù tể tướng đau khổ biết bao khi phải thực hiện những mệnh lệnh như vậy, ông cũng bắt buộc phải làm vì nghĩa vụ của ông ta là nhắm mắt tuân theo mọi lời phán bảo của hoàng đế. Ông cho đưa đến người con gái của một võ quan cấp dưới, cô này sáng hôm sau bị xử giảo. Tiếp đó là ái nữ của một nhà giàu có trong kinh thành; tóm lại là cứ mỗi ngày có một người con gái lấy chồng và một người vợ bị giết chết.
Tiếng đồn về hành động vô nhân đạo không tiền khoáng hậu ấy gây nên một sự hoang mang trong khắp kinh thành. Ở đây, chỉ còn nghe thấy tiếng kêu gào khóc lóc. Chỗ này là một người cha nước mắt đầm đìa, tuyệt vọng vì vừa mất con; nơi kia là những bà mẹ thân yêu rên rỉ sợ con gái mình rồi cũng sẽ lâm vào cảnh ngộ ấy. Thế là, thay vào những lời ca ngợi và tạ ơn của trăm họ mà hoàng đế nhận được từ trước đến giờ, nay chỉ có lời nguyền rủa nhà vua.
Vị tể tướng, như đã nói ở trên, buộc lòng phải thực hiện một điều bất công khủng khiếp: ông có hai người con gái; người chị tên là Sêhêrazát, cô em tên là Đináczát. Cô em không kém người chị về tài hoa, đức hạnh. Song người chị dũng cảm hơn tất cả nữ nhi, vô cùng thông minh và rất mực tài trí. Nàng đọc rất nhiều sách và có trí nhớ kỳ diệu đến nỗi không hề quên bất cứ một cái gì đã đọc qua. Nàng hiểu biết thành thạo các môn triết học, y học, lịch sử và mỹ thuật; nàng làm thơ hay hơn cả những nhà làm thơ nổi tiếng nhất đương thời. Ngoài ra, nàng lại có sắc đẹp tuyệt trần. Sáng ngời trên tất cả những mặt tài hoa ấy, là đức hạnh kiêm trinh.
Tể tướng yêu quý nàng nồng nhiệt, và nàng cũng thật xứng đáng với tình yêu thương ấy. Một hôm, hai cha con đang trò chuyện, nàng bảo cha: “Thưa cha, con có một điều van xin thiết tha mong được cha cho phép.”
– Cha sẽ không từ chối, – tể tướng đáp, – miễn là yêu cầu của con chính đáng và phải chăng.
– Gọi là chính đáng thì không thể có điều nào chính đáng hơn, – nàng Sêhêrazát nói, – cha có thể xét điều tâm niệm thúc đẩy con khẩn cầu cha: Con có ý định ngăn chặn những hành động dã man mà hoàng đế đang gây ra cho mọi gia đình trong kinh thành. Con muốn xua tan nỗi lo âu chính đáng của biết bao bà mẹ sợ mất con gái một cách thảm thương.
– Con ạ, ý định của con rất đáng khen, nhưng cha thấy cái tai họa mà con muốn ngăn chặn ấy hình như không có cách gì ngăn chặn. Làm sao sức con có thể thành công được cơ chứ!
– Thưa cha, – nàng Sêhêrazát lại nói, – qua sự sắp xếp của cha, mỗi ngày hoàng đế cưới một người vợ mới. Con xin cha thương con, cho con được vinh dự nâng khăn sửa túi hoàng đế.
Tể tướng không thể không kinh hoàng khi nghe câu nói đó. “Trời! – ông giận dữ thốt lên – con mất trí rồi hở con? Con không biết là con vừa xin cha cho con một điều rất nguy hiểm sao? Con đã biết rõ hoàng đế từng long trọng thề là chỉ ngủ một đêm với một người đàn bà rồi giết người ấy ngay sáng hôm sau, thế mà con lại muốn cha hiến dâng con cho nhà vua sao? Con có nghĩ rằng sự nông nổi của con đưa con đến tai họa không?
– Vâng, thưa cha, con biết rất rõ mối nguy hiểm con sẽ trải qua, – người con gái đức hạnh ấy đáp, – nhưng nó không hề làm cho con sợ hãi. Nếu con chết, cái chết của con sẽ quang vinh; và nếu con thành công trong việc này, con sẽ giúp cho quê hương đất nước một công việc quan trọng.
– Không, không, cho dù con có nói thế nào đi nữa, con cũng chớ có tưởng rằng cha sẽ bằng lòng cho con lao vào nỗi hiểm nghèo ghê gớm ấy đâu. Khi hoàng đế sẽ truyền cho cha đâm lưỡi dao vào ngực con, than ôi! thế là cha phải tuân lệnh. Việc ấy mới đáng buồn làm sao cho một người cha! Ôi! nếu con không hề sợ chết, thì ít ra con cũng phải sợ gây nên cho cha nỗi đau khổ cùng cực là thấy tay mình phải nhuốm máu con chứ.
– Thưa cha, nàng Sêhêrazát nói, – con van cha chớ có cho con là xấu khi con vẫn giữ ý kiến của mình… Vả chăng, con xin cha tha lỗi cho nếu con dám nói điều này: cha đừng ngăn cản con vô ích, nếu tình phụ tử không cho cha chấp thuận lời khẩn cầu của con, thì tự con sẽ đến tâu xin thẳng với hoàng đế.
Cuối cùng, người cha đuối lý trước quyết tâm của con gái, đành phải chiều ý con; và mặc dù rất buồn phiền vì không thuyết phục được con thay đổi quyết định tai hại, ông vẫn đi ngay lúc ấy đến gặp hoàng đế Saria để báo tin rằng đêm tới ông sẽ dẫn nàng Sêhêrazát tới hầu nhà vua.
Hoàng đế hết sức ngạc nhiên về sự hy sinh của tể tướng: “Làm sao khanh có thể quyết định đưa chính con gái của khanh đến cho ta?”
– Tâu bệ hạ, chính cháu tự nguyện hiến thân – tể tướng đáp – Số phận đáng buồn chờ đợi cháu không làm cho cháu khiếp sợ; cháu muốn được dựa mạn thuyền rồng một đêm thì dù chết cũng cam lòng.
– Nhưng tể tướng ạ. – hoàng đế lại nói, – khanh chớ hiểu nhầm, sáng mai khi ta đưa trả Sêhêrazát lại cho khanh, ta muốn khanh kết tiễu đời nó. Nếu khanh không làm, ta thề ta sẽ xử tử khanh.
– Tâu bệ hạ, tể tướng đáp – lòng thần chắc chắn sẽ kêu ca khi thần tuân lệnh ấy; song mặc cho tình cảm cha con tha hồ van vỉ: cho dù là cha, cánh tay của thần vẫn trung thành với bệ hạ.
Hoàng đế Saria đồng ý sự hiến dâng của tể tướng, và bảo ông cứ việc mang con gái đến đây lúc nào tùy ý.
Tể tướng trở về báo tin ấy cho Sêhêrazát, nàng hết sức mừng vui như thể đây là một tin tốt lành nhất trần đời. Nàng cám ơn cha đã hết lòng giúp đỡ: ông lặng người vì đau đớn. Để an ủi cha, nàng nói nàng hy vọng ông sẽ không hối hận đã gả con gái cho hoàng đế, ngược lại ông có thể lấy đó làm điều vui mừng từ nay cho đến hết đời.
Nàng chỉ còn lo việc sửa soạn để ra mắt hoàng đế. Song trước khi lên đường, nàng gọi riêng Đináczát ra và bảo: “Em thân yêu của chị ơi, chị cần có sự cứu giúp của em trong một công việc rất quan trọng; chị van em chớ có khước từ. Cha sẽ dẫn chị vào cung để làm vợ hoàng đế. Em chớ hoảng hốt vì tin đó, mà hãy kiên nhẫn nghe chị nói đây. Khi nào chị đến trước nhà vua, chị sẽ cầu khẩn người cho phép em được ngủ cùng với chị trong phòng tân hôn, để cho chị được ở cùng em thêm một tối nữa. Nếu nhà vua đồng ý, mà chị hy vọng là như vậy, thì em phải nhớ sáng sớm mai đánh thức chị dậy một giờ trước lúc mặt trời mọc, và nói với chị như sau: “Chị ơi, nếu chị không ngủ em van chị, trong khi chờ đợi trời sắp sáng tới nơi, hãy kể cho em nghe một trong những chuyện rất hay mà chị biết”. Lập tức chị sẽ kể cho em nghe một chuyện, và chị mong rằng bằng cách ấy có thể giải thoát toàn thể nhân dân ta khỏi tình trạng hoang mang lo sợ hiện giờ”. Đináczát trả lời chị: “Em sẵn sàng làm mọi việc chị cần đến em.”
Đã đến giờ đi ngủ, tể tướng dẫn Sêhêrazát đến hoàng cung và ra về ngay sau khi đưa nàng vào buồng riêng của nhà vua. Hoàng đế vừa thấy chỉ còn có riêng mình với nàng, liền ra lệnh cho nàng cất tấm mạng che mặt. Vừa nhận ra nàng xinh đẹp đến nỗi thấy mình say đắm. Song thấy nàng đang đầm đìa nước mắt, vua liền hỏi vì sao. Sêhêrazát đáp: “Tâu bệ hạ, thiếp có một đứa em gái thiếp yêu rất tha thiết cũng như em nó yêu thiếp vậy. Thiếp muốn được có em ngủ đêm nay trong buồng này, để được trông thấy em và chào vĩnh biệt em một lần nữa. Bệ hạ có vui lòng ban cho thiếp niềm an ủi được biểu lộ, một lần cuối, tình cảm của thiếp đối với em không?”. Hoàng đế Saria chấp thuận. Người ta đi tìm Đináczát, nàng vội vàng đến ngay. Hoàng đế ngủ với Sêhêrazát trên một chiếc sập rất cao theo kiểu các nhà vua phương Đông, còn Đináczát thì nằm trên một cái giường thấp hơn kê kề chân sập.
Một giờ trước khi trời sáng, Đináczát thức dậy và không quên làm điều chị đã căn dặn. Nàng nói: “Chị thân yêu của em ơi, nếu chị không ngủ; em van chị, trong khi chờ đợi trời sắp sáng tới nơi, hãy kể cho em nghe một trong những chuyện thú vị mà chị biết. Than ôi! có lẽ đây là lần cuối cùng em được hưởng niềm vui ấy.”
Nàng Sêhêrazát không đáp lời em, mà nói với nhà vua:
– Tâu bệ hạ, bệ hạ có vui lòng cho phép thiếp được làm đúng như ý muốn của em thiếp không?
– Rất vui lòng – hoàng đế đáp.
Thế là Sêhêrazát bảo em lắng nghe; rồi hướng vào hoàng đế Saria, nàng bắt đầu kể:
Nghìn lẻ một đêm – Phan Quang dịch
Nguồn: Nghìn lẻ một đêm – NXB Văn học, 1982
– TheGioiCoTich.Vn –
Truyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm trọn bộ (1982 – 1989)
Nghìn lẻ một đêm – tác phẩm vĩ đại nhất của nền văn học Ả Rập từ cổ chí kim, là một trong những công trình sáng tạo đồ sộ và tuyệt diệu của nền văn học thế giới.
Đây là câu chuyện mở đầu tất cả các truyện, giải thích lý do ra đời của tất cả các truyện sau này, liên kết chúng lại thành một chuỗi liền mạch, đan xen, móc xích vào nhau.
Những câu chuyện cổ tích trong bộ truyện Nghìn lẻ một đêm được dịch giả Phan Quang dịch lại theo bản dịch tiếng Pháp “Contes des mille et une nuits” của Antoine Galland (NXB Frères Garnier – Paris, 1962). Đây được xem là bản dịch quen thuộc và được yêu thích nhất đối với nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Bộ truyện gồm 10 tập, được NXB Văn học xuất bản trong những năm 1982 – 1989.
Đừng quên khám phá những câu chuyện cổ tích hấp dẫn của hai chị em nàng Sêhêrazát thông minh, xinh đẹp kể cho hoàng đế Saria nghe tại TheGioiCoTich.Vn.