Truyện cổ tích Nha Rúi và Tầm Dang
Nha Rúi và Tầm Dang là câu chuyện cổ tích của dân tộc Chăm, qua đó ca ngợi ý chí mãnh liệt của con người và tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt.
1. Đôi bạn thân thiết cắt tóc trao nhau
Nhà Nha Rúi và Tầm Dang cùng ở chung trên một quả đồi. Tuy là người dưng nước lã [1] mà cha mẹ Nha Rúi và Tầm Dang thân nhau như anh em ruột thịt.
Bấy giờ đường lên trời còn dễ đi, trâu còn to, hạt lúa lớn như hạt bắp, mặt đất còn thưa người ở, nên cha mẹ Nha Rúi và Tầm Dang vỡ được rất nhiều ruộng. Cả hai nhà đều no ấm.
Bỗng nhiên cha mẹ Nha Rúi, Tầm Dang cùng nhuốm bệnh một lúc rồi cùng chết một ngày. Thấy Nha Rúi và Tầm Dang còn nhỏ, bọn chủ làng tranh cướp hết đất đai, nhà cửa của hai em. Tầm Dang phải đi ở đợ kiếm cơm. Nha Rúi thì được hàng xóm nuôi mỗi người một bữa.
Tầm Dang ở nhà chủ làng đã mười năm. Ngày phơi nắng đồng, đêm bóng gió bãi, da Tầm Dang đỏ như mật, sức vật ngã trâu tơ [2]. Nha Rúi cũng đã lớn. Tuy làm lụng vất vả, chân lấm tay bùn, nhưng người nàng vẫn trắng đẹp, tóc dài chấm gót, môi đỏ như son. Bà con trong làng vẫn trầm trồ khen nàng :
– Nó như cái ngà voi lấm bùn. Rửa sạch, nó đẹp hơn vàng, hơn ngọc
Nha Rúi được nhiều chàng trai, con nhà thừa ăn, dư mặc, hỏi làm vợ. Nhưng nàng chẳng thuận lấy ai, mà chỉ thích làm thân với Tầm Dang.
Rồi trong một đêm trăng sáng, giữa lúc mùa lúa trổ, Nha Rúi và Tầm Dang trao cho nhau mỗi người một nắm tóc, hẹn lấy nhau làm vợ chồng.
Trước khi về ở chung nhà, hai người cùng lo cơm lo áo. Về sau Tầm Dang đem bán hết thóc, lấy tiền lên trời mua một đôi trâu. Nha Rúi ở nhà vỡ một mảnh đất hoang, chờ Tầm Dang đem trâu về cày bừa.
Chẳng may, Tầm Dang vừa lên đến trời thì trời nổi bão, gió thổi rất mạnh, nước trút xuống rất lớn. Nhà nào chắc thì đổ vách, sụp nền. Các nhà yếu thì đều bị nước cuốn đi. Chiếc thang lên trời cũng bị nước xô ngã. Vì vậy Tầm Dang không về được.
2. Nha Rúi dưới trần gian
Không có trâu, không có người cày, Nha Rúi phải bỏ mảnh đất mới vỡ, vào ở đợ cho một người nhà giàu để kiếm ăn. Nhà chủ Nha Rúi có mười đứa con gái. Cô nào cũng thích làm đỏm, tham ăn mà lười. Chỉ có việc nấu cơm, rửa bát và giặt giũ mà các cô cũng nạnh hẹ, cãi vã nhau suốt ngày. Từ hôm Nha Rúi vào ở, việc gì các cô kia cũng đùn cho nàng, lại còn tranh nhau bắt nàng thêu khăn, búi tóc, nhuộm móng tay.
Nha Rúi không thể làm hết bằng ấy việc. Được lòng cô này thì mất lòng cô kia. Những cô không sai được Nha Rúi quay sang đánh mắng, chửi bới nàng. Nha Rúi không ở được với lũ con nhà giàu hỗn xược. Nàng trở lại mảnh đất cũ, mang theo nửa thúng cám, một con dao, một quả trứng gà và một nắm hạt bông.
Nha Rúi cắt cỏ lợp túp lều để ở. Buổi sáng nàng đi phát rẫy, buổi chiều vào rừng hái rau ăn thay cơm. Còn quả trứng gà và nửa thúng cám thì để dành phòng khi nắng mưa đau ốm.
Phát được mảnh đất, Nha Rúi đem mớ hạt bông ra trỉa. Chẳng hiểu sao, trĩa bằng ấy hạt bông mà chỉ mọc được một cây. Nha Rúi sợ cây bông chết, mất giống, nên mỗi ngày tưới cho nó ba lần, sáu bầu nước. Lúc nhỏ, tuy mồ côi cha mẹ, nhưng nàng còn được ở trong làng với bà con hàng xóm, được nghe tiếng nói, tiếng cười của mọi người. Nay xung quanh chỉ có tiếng chim hót, dế kêu, nên nàng càng mong ngóng Tầm Dang.
Một đêm trăng sáng, Nha Rúi nhìn lên trời, thấy Tầm Dang đang vác cuốc đi tháo nước ruộng. Nha Rúi vừa vẫy vừa gọi mà Tầm Dang không nghe, Nàng vụt chạy lên đỉnh núi cao gọi với theo. Nhưng một đám mây lớn bay qua đã che khuất bóng. Nàng buồn bã trở về, thấy quả trứng gà vùi trong thúng cám đã nở ra một con gà trắng. Cây bông cũng đã ra mấy quả đầu mùa. Nha Rúi coi những vật đó như bầu bạn.
Đêm sau, trăng vẫn sáng, Nha Rúi lại thấy Tầm Dang vác cày, dắt trâu ra đồng. Nàng liền hái mấy quả bông vừa nở đem kéo chỉ, rồi chia làm đôi, một nửa để nguyên làm màu trắng, một nửa cắn móng tay lấy máu, nhuộn làm màu hồng và cắt một nắm tóc làm chỉ màu đen. Nha Rúi đem ba thứ đó dệt thành một chiếc phái [3] ba ngăn, và nhìn lên trời trông hình dáng của Tầm Dang thêu một bức hình. Thêu đúng ba tháng chín ngày thì xong. Bức hình giống Tầm Dang như đứng gần nhìn người thật, Nha Rúi nhìn bức hình, than:
– Thêu được hình, nhưng đi lên trời không được. Biết làm sao mà gửi lên?
Bỗng con gà con nói tiếng người :
– Có việc gì mẹ bảo. Con đi được.
Nha Rúi chưa hết mừng con gà biết nói, thì cây bông cũng bỗng vút lên cao. Nàng nhìn chưa mỏi mắt, ngọn cây bông đã chạm mặt trăng, gốc to bằng cột đình. Nha Rúi mừng quá, hỏi con gà :
– Gà ơi, gà con dám xa mẹ không?
– Mẹ không ăn con từ lúc còn trong trứng. Mẹ lại nuôi con lớn, đủ cánh, đủ lông. Con đủ sức bay qua núi, qua biển. Xa tới đâu, con cũng đi được.
Nha Rúi tập cho con gà nhảy từng bậc một trên các cành bông. Tập đến lúc chân con gà to bằng cán dao. Nàng cho bức thêu vào ngăn giữa cái phái. Ngăn bên đựng ba miếng trầu, còn ngăn thứ ba thì đựng một ít cám.
Đêm sau, trăng vẫn sáng. Nha Rúi lại thấy Tầm Dang đi cày. Nàng gọi con gà, chỉ bóng Tầm Dang bảo:
– Cha con đang cày kia. Con mang cái phái này lên đưa cho cha. Đường xa lắm đấy. Đi mười ngày ăn một hạt cám thì mới đủ. Con bảo cha, ba hôm nữa mẹ lên.
Con gà đeo cái phái vào cổ, nhảy dần lên theo các cành bông. Nha Rúi đứng nhìn theo cho đến khi bóng con gà bé bằng con mọt. Ba hôm sau, nàng cũng theo các cành bông, lên trời.
3. Cuộc đoàn tụ trên trời của Nha Rúi và Tầm Dang
Ở trên trời cũng có kẻ giàu người nghèo. Bao nhiêu ruộng tốt, trâu béo trong vùng đều là của riêng tên chủ làng. Tầm Dang đến nhà này hỏi mua trâu lúc đúng vào lúc bão làm đổ chiếc cầu. Tên nhà giàu biết Tầm Dang không còn đường về, liền cậy thế bắt chàng ở cày ruộng.
Nhà tên này nhiều của mà hiếm con. Hắn chỉ có một cô con gái vừa xấu xí vừa dở người, mà ngày nào cũng ra bờ sông ngồi ngắm bóng. Từ hôm Tầm Dang ở đây, cô càng làm đỏm, suốt ngày lo nhuộm móng tay, búi tóc, sửa khăn, làm duyên. Nhưng Tầm Dang không thèm để ý.
Một hôm cô mang cơm ra đồng cho Tầm Dang, rồi hỏi :
– Tầm Dang ơi ! Chẳng lẽ Tầm Dang không biết cha tôi nhiều ruộng nhiều trâu nhất làng? Chẳng lẽ Tầm Dang không biết cha tôi chỉ có một người con gái? Chẳng lẽ Tầm Dang không biết tôi chưa có chồng?
– Tôi biết… biết hết. Nhưng… cô lười lắm ! Cô chẳng làm được việc gì cả. Ruộng nhiều, trâu nhiều đều có thể hết. Người siêng năng sẽ làm ra mọi thứ.
– Ruộng trâu nhà tôi nhiều nhất làng, còn lo gì nữa.
– Tôi nói thế thôi, chớ tôi có vợ rồi. Vợ tôi đang chờ tôi ở dưới trần gian.
– Chẳng nhẽ Tầm Dang không biết cầu đi xuống trần gian đã đổ rồi à?
– Cầu đổ thì tôi sẽ đắp lại. Tôi sẽ đổ rơm xuống cho gốc rơm chạm đất, ngọn rơm chạm trời. Nếu không, tôi sẽ buộc dây vào gốc đa tụt xuống.
– Tầm Dang làm được thế thì tóc Tầm Dang bạc mất.
– Tôi chịu để tóc tôi bạc, chứ không để cho lòng mình bạc ! Đây, tóc của vợ tôi đây!
Tầm Dang lấy nắm tóc của Nha Rúi đưa cho cô gái xem. Cô ta bực mình, mang thúng cơm về. Tầm Dang thả trâu, vào gốc cây nghỉ mát. Chàng vừa ngả lưng xuống đất, gối đầu vào rễ đa, thì con gà mang chiếc phái đến. Tầm Dang ngồi dậy, tự hỏi:
– Làng này không có gà trắng ? Con gà này ở đâu đến?
Con gà đứng nhận cho rõ hình dáng Tầm Dang. Tầm Dang bảo nó :
– Nếu có quen thì vào đây cùng nghỉ mát. Việc gì phải đứng nhìn ?
– Con ở dưới đất lên. Cha có khỏe không?
– Làm sao Tầm Dang này là cha của gà được?
– Mẹ đã chỉ cha cho con trông thấy. Mẹ bảo con lên trước thăm cha. Ba hôm nữa mẹ lên.
– Thế mẹ gà là ai ?
– Mẹ chưa nói tên. Nhưng tên mẹ ở trong cái phái này. Tên cha cũng có ở trong đó.
Tầm Dang mở cái phái ra, thấy hình mình và nhận ra trầu của Nha Rúi têm. Chàng bảo gà:
– Phải rồi! Trước đây ta có “ước” [4] với người này. Lâu lắm ta mới lại được thấy trầu của người ấy têm.
Nha Rúi trèo tối ba ngày, sáng ba đêm, mới lên đến ngọn cây bông. Mệt mỏi quá, nàng ngã khuỵu trên đất nhà trời. Lúc tỉnh dậy, thấy lạ xóm, lạ nhà, lạ cả đường đi. Nàng liền trèo lên ngọn cây sung bên bờ sông, ngồi chờ Tầm Dang và con gà ra đón. Cây sung rậm lá. Nha Rúi ngồi khuất bên trong. Tầm Dang tìm mãi không gặp nàng, lại gặp cô con gái tên nhà giàu mang một quả bầu khô và một cái vò ra sông lấy nước. Cô ta đến đúng chỗ Nha Rúi đang ngồi. Trông thấy bóng Nha Rúi in trên mặt nước, cô ta tưởng mình hôm nay đã đẹp, vội vàng khoe với Tầm Dang:
– Tầm Dang ơi! Hôm nay tôi đẹp rồ! Tôi không nói dối đâu. Tôi vừa nhìn thấy bóng tôi dưới nước. Tầm Dang lại nhìn thử xem, có phải tôi đẹp hơn trước không?
Tầm Dang không trả lời. Chàng hỏi con gà:
– Mẹ bảo thế nào?
– Mẹ bảo mẹ lên sau. Ba hôm sẽ tới.
– Mẹ đi đã đến ba hôm chưa?
– Hôm nay nữa là đủ ba hôm!
Nghe tiếng, nhưng vì xa nhau lâu ngày, Nha Rúi quên giọng của Tầm Dang. Nhưng nàng nhận ra tiếng con gà, liền tụt xuống gốc cây sung, gọi Tầm Dang đến đón. Con gái tên nhà giàu thấy Nha Rúi đẹp, trong lòng ghen lắm. Cô ta đứng nhìn một lúc, rồi vứt bầu, vứt vò, chạy về bảo với cha:
– Cha ơi! Tầm Dang bỏ trâu, bỏ cày theo gái làng lạ. Tầm Dang mê gái làng lạ, bỏ trễ việc nhà mình rồi!
Nghe con nói, tên nhà giàu sợ Tầm Dang đi, mất người làm, liền dẫn chó, vác gậy chạy ra tìm.
4. Nha Rúi và Tầm Dang trở về nhà cũ
Nha Rúi đưa Tầm Dang đến ngọn cây bông để leo xuống đất. Nhưng cây bông đã biến mất từ lúc nào rồi! Con gà trắng cũng đi lạc, tìm mãi chẳng thấy. Tầm Dang phải cõng Nha Rúi chạy dọc bờ sông. Chạy đến ba ngày mới gặp một làng. Làng không có người giàu. Nha Rúi và Tầm Dang vào ở nhờ một ngôi nhà lợp cỏ. Vợ chồng anh cũng phát rẫy trỉa bắp, trỉa lúa. Chỗ này dễ làm, thóc gạo thừa ăn. Nhưng vợ chồng Nha Rúi không vui. Chiều chiều, thấy khói bếp các làng ở dưới đất bay lên, Nha Rúi, Tầm Dang đều nhớ nhà, nhớ làng cũ.
Bấy giờ Nha Rúi đã có thai. Buổi trưa nào vợ chồng cũng ra gốc cây to, ngồi xé dây đang võng cho đứa con đầu lòng. Hôm Nha Rúi và Tầm Dang đang xong chiếc võng thì con gà trắng tìm đến. Con gà thấy Nha Rúi mang thai, trong nhà gạp, bắp còn nhiều mà cả hai người không vui, nên hỏi:
– Con sắp có em, trong nhà thừa gạo ăn, sao cha mẹ không vui?
Tầm Dang bảo:
– Bụng không đói, nhưng nhớ làng cũ lắm! Mẹ sắp đẻ em mà không về được. Em con rồi sẽ không biết mồ mả tổ tiên ở đâu nên ta buồn. Ta với mẹ con cùng muốn về làng cũ…
Con gà hỏi:
– Cha mẹ đều muốn về làng cũ, sao không đi?
– Cây bông mất rồi. Đi đường nào được!
– Được, được. Cha mẹ có muốn về thì mang hết gạo, bắp cho con ăn. Con sẽ đưa về.
Nha Rúi bảo con gà:
– Mẹ không tiếc gạo, tiếc bắp. Chỉ sợ con không đưa được!
Con gà chạy xộc vào nhà, mổ liền ba ngày đêm. Ăn hết bảy thúng bắp, bảy thúng gạo. Bấy giờ thân hình con gà đã lớn hơn trước gấp trăm lần. Hai cánh nó rộng bằng bốn mái đình. Hai chân to như hai khúc gỗ. Nó bảo vợ chồng Nha Rúi ngồi vào chiếc võng, rồi buộc hai đầu võng vào hai chân nó. Gà dang rộng đôi cánh, từ từ bay xuống.
Đi được nữa chừng thì Nha Rúi đẻ một đứa con trai. Thêm một người ngồi trên võng, nhưng con gà không hề kêu nặng. Nghe đứa bé khóc oe oe, nó càng nghiêng cánh lượn nhanh về làng cũ. Khi chiếc võng sắp chạm ngọn tre, con gà bay xung quanh mấy vòng. Người trong làng đều chạy ra đứng xem. Tên nhà giàu cướp đất của Nha Rúi và Tầm Dang cũng ra nghển cổ nhìn lên.Trông thấy vợ chồng Nha Rúi ngồi trên chiếc võng mắc dưới đôi chân con gà kì lạ, hắn tưởng hai người có phép thần. Sợ Nha Rúi Tầm Dang hỏi tội cướp đất, nên vội kéo cả gia đình chạy trốn vào rừng sâu.
Con gà đáp xuống quả gò, nơi cha mẹ Nha Rúi, Tầm Dang khai phá khi trước. Hai người lại được ở trong nhà cũ của mình, gần mồ mả cha mẹ, có ruộng đất cấy cày mà chẳng còn sợ ai cướp giật.
Vợ chồng Nha Rúi vàTầm Dang muốn đền ơn con gà, liền vào làng vay thóc, gạo cho nó ăn. Nhưng con gà đã vỗ cánh bay miết về phía mặt trời lặn. Từ đó về sau không thấy nó trở lại nữa.
Câu chuyện Nha Rúi và Tầm Dang – Truyện cổ tích dân tộc Chăm
Nguồn: Văn học 6, tập 2, trang 34, NXB Giáo dục – 2001
– TheGioiCoTich.Vn –
Chú giải trong truyện Nha Rúi và Tầm Dang
- Người dung nước lã: người dưng: người ngoài, không phải là bà con, họ hàng; người dưng nước lã: cũng có nghĩa như người dưng, nhưng nhấn mạnh hơn (tục ngữ có câu: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”).
- Vật ngã trâu tơ: ý nói có sức khỏe ghê gớm (trâu tơ: trâu mới hai, ba tuổi, đang hăng sức).
- Chiếc phái: cái túi bằng vải hình chữ nhật của đồng bào một số dân tộc thiểu số, thường được đeo ở trước ngực.
- Ước: ở đây có nghĩa là thề nguyền hứa hẹn, nhận lời yêu nhau, lấy nhau.
Ý nghĩa của câu chuyện Nha Rúi và Tầm Dang
Đây là một câu chuyện cổ tích của người Chăm, ngợi ca tình yêu thủy chung son sắt của hai vợ chồng Nha Rúi và Tầm Dang. Dù gia đình bị chia cách kẻ trên trời, người dưới đất, nhưng họ vẫn luôn nuôi niềm tin và sự hi vọng một ngày nào đó được đoàn tụ cùng nhau.
Truyện thể hiện sự quyết tâm của con người, biết vượt lên mọi thử thách khó khăn để giành lại hạnh phúc cho bản thân và khiến cuộc sống trở lên tốt đẹp hơn.
Câu chuyện Nha Rúi và Tầm Dang còn vạch rõ bộ mặt tham lam và bản chất cướp bóc của giai cấp thống trị. Chúng luôn áp bức những người dân nghèo, dồn họ vào bước đường cùng cực. Họ bế tắc trước quyền thế của nhà giàu kẻ mạnh, phải nhờ vào một phép màu kỳ lạ nào đó mới có thể thoát ra khỏi sự đè nén ấy. Những chi tiết kỳ diệu mang đậm màu sắc cổ tích: cây bông vút lên tận trời, con gà biết nói, biết tập trèo, rồi mắc võng để đưa con người xuống trần gian,… thể hiện niềm khát khao và mong ước có được sự công bằng trong xã hội của đồng bào Chăm – một dân tộc thiểu số ở miền Nam Trung Bộ của nước ta.
Và cũng giống như kết thúc của phần lớn các câu chuyện cổ tích khác, những người lương thiện rồi sẽ được hưởng cuộc sống sung sướng, hạnh phúc; còn cái ác luôn bị trừng phạt.
Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé
Ngoài những câu chuyện cổ tích nói về tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt như truyện Nha Rúi và Tầm Dang kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.
Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.Vn.