Câu chuyện Nữ hoàng Abla Pokou
Nữ hoàng Abla Pokou là truyện truyền thuyết Bờ Biển Ngà, kể về nguồn gốc xứ Baoule ngày nay và ca ngợi công lao của nữ hoàng Pokou bảo vệ bộ tộc của mình.
Ngày xưa, có một nữ hoàng tên là Abla Pokou. Bà trị vì xứ Kumasi. Bà là người thông minh, biết nhìn xa thấy rộng, lại có tài hướng dẫn dân chúng trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy xứ của bà rất phồn vinh và bà được dân chúng mến phục.
Một năm gặp thời hạn hán to kéo dài, nạn đói kém xảy ra khắp nơi. Thấy xứ sở bà còn nhiều gia súc và lương thực dự trữ, các bộ tộc láng giềng ùa đến cướp bóc. Biết không đủ sức chống lại kẻ thù đông gấp nhiều lần, bà quyết định dời cả bộ tộc đến nới khác, mang theo toàn bộ gia súc và lương thực.
Trên đường, đàn gia súc khát nước quá, không đi được. Các cụ già muốn giết bớt đi cho nhẹ, nhưng nữ hoàng khuyên nên giữ lại để phòng đói. Vừa bị kẻ thù đuổi gấp, vừa bị bầy gia súc quấn chân, dân chúng mệt mỏi, chán nản, lo sợ. Nhưng nữ hoàng Abla Pokou đã khéo động viên dân bằng cách gợi lòng tự hào của các bô lão và gợi lòng thương con của các bà mẹ. Bộ tộc lại tiếp tục đi.
Nhưng khi đến bờ sông Komoe thì phải dừng lại. Nước sông chảy xiết, lòng sông sâu thẳm, đá mọc lởm chởm, hà mã hàng đàn. Biết làm thế nào qua sông bây giờ? Giữa lúc ấy, thần Sông hiện lên, đòi phải dâng máu hoàng tử mới được qua sông. Nhiều cụ già kiệt sức tự nguyện dâng mình, nhưng thần Sông vẫn không nhận. Không còn cách nào khác, nữ hoàng đành lòng hiến dâng đứa con độc nhất của mình để cứu cả bộ tộc. Bà ôm hôn con thắm thiết, rồi đau lòng dâng con cho thần Sông.
Hoàng tử vừa bị ném xuống sông thì một cảnh tượng kì lạ xảy ra: Hà mã khắp sông kéo đến, đứng thành hàng ngang và làm thành chiếc cầu vững chắc. Kì lạ hơn nữa là hoàng tử lại xuất hiện trên cầu, giơ tay vẫy gọi mọi người qua sông.
nữ hoàng ra lệnh cho cả bộ tộc vượt sông với đàn gia súc của mình. nữ hoàng là người đi sau cùng. Vừa lúc ấy, quân thù kéo đến đông nghịt, nhưng cũng là lúc nữ hoàng vừa đặt chân lên bờ bên kia thì đàn hà mã biến mất. Kẻ thù kinh ngạc đứng nhìn dòng sông cuộn sóng, rồi kéo nhau quay về.
Đến một vùng phì nhiêu, bộc tộc dừng lại, dựng nhà của, trồng trọt, chăn nuôi và lập nên nước Baoule.
Ngày nay, những người chèo thuyền độc mộc ở Baoule vẫn còn hát vang bài ca ca ngợi công lao của nữ hoàng Abla Pokou với niềm tự hào về dòng dõi cao quý của mình.
Câu chuyện Nữ hoàng Abla Pokou – Truyền thuyết Bờ Biển Ngà
Nguồn: Kể chuyện 3, trang 83, NXB Giáo dục – 1983
– TheGioiCoTich.Vn –
Thử thách trong câu chuyện
- Nữ hoàng Abla Pokou là người như thế nào?
- Tài năng và đạo đức của nữ hoàng được thể hiện rõ trên đường dời bộ tộc đến nơi khác để lánh giặc ra sao?
- Thử thách to lớn nhất đối với nữ hoàng Abla Pokou là chuyện gì? Bà đã xửa trí như thế nào? Tại sao bà lại làm như vậy?
- Ngày nay, dân chúng xứ Baoule còn ca ngợi công đức của nữ hoàng như thế nào?
Nữ hoàng Abla Pokou là ai?
Nữ hoàng Pokou (khoảng năm 1730 – 1750) là người sáng lập bộ lạc Baoule ở Tây Phi, nay là Bờ biển Ngà. Bà cai trị một nhánh của Đế quốc Ashanti hùng mạnh khi nó mở rộng về phía tây. Một nhóm nhỏ của người Akan, người Baoule ngày nay là một trong những nhóm dân tộc lớn nhất ở Bờ Biển Ngà hiện đại.
Nữ hoàng Pokou sinh ra là công chúa của Kumasi của Ghana, con gái của Nyakou Kosiamoa, chị gái của Dakon – người kế vị xấu số của Opoku Ware I, và là cháu gái của Ossei Tutu – một vị vua đáng gờm, người đồng sáng lập của Đế chế Ashanti.
Nữ hoàng Pokou trở thành thủ lĩnh của một nhóm ly khai từ Liên minh chính Ashanti, mà bà từ chối tham gia. Những bất đồng giữa các phe phái dẫn đến chiến tranh. Pokou dẫn nhóm của mình về phía tây, qua một hành trình dài đầy gian nan, đến sông Komoe. Truyền thuyết kể rằng bà đã phải hy sinh đứa con trai duy nhất của mình để người dân qua sông.
Sau khi qua sông, Pokou và người dân của bà đã ổn định cuộc sống nông nghiệp ở vùng thảo nguyên của khu vực. Pokou qua đời ngay sau khi tạo ra vương quốc Baoule. Cháu gái của bà, Akwa Boni đã kế vị ngai vàng (trong văn hóa Ashanti, sự kế vị là theo chế độ mẫu hệ). Bà theo đuổi các cuộc chiến chinh phạt để mở rộng giới hạn của vương quốc trẻ. Người Baoule ngày nay sống trên lãnh thổ giữa sông Komoe và Bandama. Họ chiếm 15 phần trăm dân số của đất nước, đã đồng hóa một số bộ lạc nhỏ hơn trong nhiều thế kỷ.