Câu chuyện Sự tích cây hoa Phượng
Sự tích cây hoa Phượng là truyện cổ tích Việt Nam, thể hiện tinh thần yêu nước và tình nghĩa cha con, đồng thời lí giải nguồn gốc tên gọi cây hoa Phượng vĩ.
1. Người thầy dạy võ
Ngày xưa, ở một vùng đất đồi kia, có một ông thầy dạy võ nổi tiếng về tài đánh kiếm. Vợ ông chết sớm, ông thương vợ, không lấy ai nữa nên ông không có con. Ông đi xin năm người con trai mồ côi ở trong vùng về làm con nuôi. Ngoài những giờ luyện võ, ông lại cho năm người đi học chữ, vì ông muốn năm người cùng giỏi võ, giỏi văn.
Tuổi năm người con xấp xỉ ngang nhau. Năm ấy, họ chỉ mới mười ba, mười bốn… Người nào học cũng khá và tài múa kiếm thì nổi tiếng khắp vùng. Ai cũng dễ nhận được họ vì ông sắm cho năm người năm bộ quần áo màu đỏ, để mặc ra đường. Thương cha nuôi nên năm người con rất biết nhường nhịn nhau và yêu quý mọi người trong làng…
Năm ấy trong nước có loạn. Giặc ngoài kéo vào. Nhà cháy, người chết. Tiếng kêu khóc và lòng oán giận cứ lan dần, lớn dần. Đâu cũng đồn tên tướng giặc có sức khỏe kỳ lạ. Chỉ cần đạp nhẹ một cái cũng làm bật gốc được một thân cây to. Hắn lại sử dụng một cây thương dài và nặng, đâm chết từng xâu người một cách dễ dàng. Mọi người còn đồn thêm rằng hắn sở dĩ khỏe như vậy là vì hắn thích ăn thịt sống và đặc biệt hơn là chỉ thích ăn toàn xôi gấc chứ không thích ăn cơm. Mỗi lần hắn ăn hàng chục cân thịt cùng với một nong xôi gấc lớn.
Người thầy dạy võ ở vùng đất đồi nọ định xin vua đi đánh giặc thì ngã ra ốm. Tay chân ông bị co quắp cả lại. Cụ lang giỏi nhất vùng đến xem bệnh và chỉ biết là ông uống phải thuốc độc. Ai cũng nghi tên tướng giặc đã ngầm cho những kẻ chân tay của hắn đi tìm giết trước những người tài giỏi trong nước. Người thầy dạy võ vừa uống thuốc, vừa ngày đêm ra sức tập luyện để tay chân mình lại cử động được như xưa.
2. Tên tướng giặc hống hách
Một buổi sáng, tên tướng giặc bất thình lình phóng ngựa, dẫn quân lính của hắn kéo ập vào làng.
Hắn thấy ông thầy dạy võ đang lấy chân đạp vào một gốc cây sung to. Cây sung lúc đầu bị rung khe khẽ, rồi mỗi lúc rung một mạnh hơn. Sau đó, ông nhấc một cái cối đá to đưa lên, đưa xuống, vẻ còn mệt nhọc.
Tên tướng giặc cười phá lên rồi xuống ngựa giơ chân đạp nhẹ vào thân cây sung. Thế là cây sung bị gãy ngang và ào ào đổ xuống. Hắn lại nhẹ nhàng đưa một tay tóm lấy cái cối đá ném vứt đi, như ta ném một hòn gạch con và cho rơi ùm xuống cái ao lớn gần đấy.
Hắn gọi mấy tên quân đến trói chặt ông thầy dạy võ lại rồi bảo:
– Ta nghe nói ngươi muốn đi đánh ta phải không? Bây giờ thì mạng ngươi nằm trong tay ta rồi! Muốn sống thì hãy giết một con bò tơ, lọc năm mươi cân thịt ngon nhất, nấu một nong xôi gấc rồi mang đến chỗ ta đóng quân ở trên ngọn đồi giữa làng. Phải đội trên đầu mà đi chứ không được gánh. Đi luôn một mạch, không được dừng lại hay đặt xuống nghỉ. Đội thịt đến trước! Đội xôi đến sau!
Nói xong, hắn ra lệnh cởi trói cho ông. Người thầy dạy võ giận tím ruột, tím gan nhưng chẳng nói gì.
Lúc ấy năm người con đang đi vắng, họ phải đi học chữ xa làng và lại sắp đến mùa thi. Không ai dám rời cái bút cái nghiên. Nhưng vừa nghe tin giặc kéo đến làng, họ lập tức đeo gươm vào người mà xin thầy cho về. Về đến nhà, nghe cha kể chuyện lại, năm người con nổi giận, muốn chạy đi tìm tên tướng giặc hung ác để giết ngay.
Người bố liền khuyên:
– Không được! Lúc nào quân lính của hắn cũng vây quanh, khó mà đến gần. Ngọn thương của hắn lại có thể đâm chết người từ rất xa. Các con cứ bình tĩnh, ta đã có cách khử hắn!
Người cha đi vay tiền mua một con bò tơ, mổ thịt, rồi lọc lấy năm mươi cân thịt ngon nhất để vào một cái nia to. Ông lại đi vay ba gánh nếp trắng, đi xin ba chục quả gấc đỏ, nấu một chục nồi xôi thật dẻo. Ông đội nia thịt bò tơ đến trước. Chân ông còn đau, năm mươi cân thịt đội trên đầu không phải là nhẹ. Ông đội nia đi, mồ hôi vã ra đầy trán.
Tên tướng giặc thấy ông đội thịt đến, mồm cứ nuốt nước bọt ừng ực. Hết nuốt nước bọt ừng ực, hắn lại khoái trá cười to. Còn người đội thịt thì bấm ruột chịu đựng và nghĩ thầm:
– Cho ngươi cứ cười, rồi ngươi sẽ biết…
Tên tướng giặc cười nhận thịt xong quát to lên và giục:
– Còn nong xôi nữa, ngươi về đội đến đây ngay!
Người thày dạy võ lại về đội nong xôi đến. Nong xôi to và nặng hơn nia thịt nhiều. Nhưng xôi nấu ngon và nhìn đẹp quá. Ông đội nong xôi đi đến đâu, ở đó cứ thơm lừng. Mới đi được nửa đường, mồ hôi ông đã vã ra đầy mặt, đầy người. Đôi chân ông mỗi lúc một yếu, cứ run lẩy bẩy. Cái cổ cứ như muốn gãy gập lại. Ông vẫn bặm môi, cắn răng và bắt đầu leo lên đồi.
Tuy mệt lử nhưng đôi mắt ông sáng quắc và lòng ông rất vui. Ông tự nhủ:
– Gắng lên! Chỉ cần một lúc nữa, một lúc nữa…
Tên tướng giặc ngồi trên cao theo dõi, vừa hả dạ, vừa lo lắng. Hắn nghĩ:
– Tên này không bị thuốc độc của ta thì khó mà trị được hắn. Mà ngay bây giờ, hắn vẫn là một tay đáng sợ.
Cái nong xôi gấc to lớn, thơm lừng vẫn lù lù tiến lên đồi. Mặt người đội xôi tái hẳn lại. Chỉ có đôi mắt. Đôi mắt vẫn sáng quắc. Nong xôi có lúc lảo đảo, ngả nghiêng, nhưng liền đó lại gượng lại, rồi nhích dần lên.
3. Năm người con dũng cảm và câu chuyện Sự tích cây hoa Phượng
Tên tướng giặc vội giật lấy thanh gươm của tên lính hầu rồi đứng phắt dậy, phóng gươm đi. Đường gươm sáng rực lên như một tia chớp, cắm vào bụng người thầy dạy võ làm ông chực gục xuống. Nhưng ông đã gượng đứng thẳng lên và đưa tay rút lưỡi gươm ra, phóng lại vào ngực kẻ thù. Tên giặc tránh được.
Bỗng từ trong nong xôi, năm người con nằm quây tròn được xôi phủ kín, đã vung kiếm nhảy ra và như năm làn chớp đâm phập cả vào ngực tên giặc tàn ác. Quá bất ngờ, tên tướng giặc không chống đỡ kịp, rú lên một tiếng rung cả ngọn đồi rồi ngã vật xuống. Thấy tướng đã chết, bọn lính giặc hoảng quá, kéo nhau chạy bán sống bán chết.
Dẹp giặc xong, năm người con trai trở về ôm lấy xác người cha nuôi khóc vật vã mấy ngày liền. Cả làng cùng năm người con lo chuyện chôn cất rất chu đáo. Dân làng mỗi người một nắm đất đắp cho ngôi mộ ông thầy cao lên.
Thương bố nuôi, năm người con lại trồng quanh khu mộ năm gốc cây con, một giống cây có lá đẹp như thêu và có nhiều bóng mát.
Hàng năm, đến ngày giỗ bố, họ lại đem áo đỏ ra mặc. Đến lúc năm người lần lượt chết đi thì năm cái cây họ trồng quanh khu mộ người bố cũng lần lượt ra hoa màu đỏ thắm, đúng vào ngày giỗ người thầy dạy võ. Hoa đỏ như muốn nói với mọi người rằng: Tuy chết đi, nhưng năm người con vẫn yêu thương người cha nuôi và hàng năm đến mùa giỗ cha, họ lại mặc áo đỏ để tưởng nhớ người đã khuất…
Hoa có năm cánh đỏ rực và nhìn cả cây hoa nở rộ, người ta thấy giống như một mâm xôi gấc. Cái mâm xôi ngày nào người cha đã giấu năm người con trong đó và đội đi giết giặc. Đó là sự tích cây hoa Phượng ngày nay.
Mỗi năm, khi mùa Hè đến, mùa thi đến, hoa Phượng lại nở đỏ đầy cây, đầy trời. Khi mùa Hè qua, trên khắp các cành cây, người ta lại thấy hiện ra những quả Phượng dài như những thanh gươm của năm người con trai ngày trước…
Truyện sự tích cây hoa Phượng
– TheGioiCoTich.Vn –
Đôi nét về loài cây trong truyện Sự tích cây hoa Phượng
Phượng có danh pháp khoa học là Delonix regia, thuộc họ Caesalpiniaceae, với nhiều tên gọi khác nhau: Phượng Vĩ, Xoan Tây, Điệp Tây,… Đây là một loài thực vật có hoa, sinh sống tại vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.
Cây hoa Phượng có nguồn gốc từ Madagascar, được trồng khá phổ biến tại khu vực Caribe.
Tại Việt Nam, giống cây phượng vĩ này được người Pháp du nhập vào vào được trồng ở những năm cuối của thế kỷ 19. Lúc bấy giờ chúng được trồng đầu tiên tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, Sài Gòn, Hải Phòng. Hiện nay được trồng hầu hết các tỉnh thành trong cả nước trên vỉa hè, trường học, công viên, vườn nhà, khu dân cư…
Đặc biệt Hải Phòng được mệnh danh là “Thành phố hoa phượng đỏ”. Nơi đây hoa phượng được trồng khắp nơi, và có cả một công viên trồng hoa phượng ngay trung tâm thành phố. Hàng năm vào tháng 5, nơi đây diễn ra lễ hội hoa phượng khá độc đáo.
Theo văn học dân gian Việt Nam, thì nguồn gốc của loài cây này được biết đến qua truyện Sự tích cây hoa Phượng kể trên.
Ý nghĩa của hoa Phượng Vĩ
Phượng Vĩ được trồng rất nhiều trong trường học nhằm tạo ra bóng mát, vì thế hình ảnh hoa phượng rất đối quen thuộc và gắn liền với lứa tuổi học trò.
Hoa phượng nở vào giai đoạn kết thúc năm học. Chính vì vậy, ý nghĩa của hoa Phượng Vĩ thế hiện cho sự chia ly, tình yêu ngay thơ, trong sáng nhưng cũng vô cùng mãnh liệt.
Bài thơ Hoa Phượng [Lê Huy Hòa]
Bài thơ Hoa Phượng của tác giả Lê Huy Hòa miêu tả tâm trạng ngạc nhiên của bạn nhỏ khi thấy cả dãy phố nhà mình cả một trời hoa Phượng đỏ đã bung nở.
Hôm qua còn lấm tấm
Chen lẫn màu lá xanh
Sáng nay bừng lửa thẫm
Rừng rực cháy trên cành.
Bà ơi sao mà nhanh
Phượng mở nghìn mắt lửa
Cả dãy phố nhà mình
Một trời hoa Phượng đỏ.
Hay đêm qua không ngủ
Chị gió quạt cho cây
Hay mặt trời ủ lửa
Cho hoa bừng hôm nay.
Tác giả: Lê Huy Hòa