Truyện Sự tích chim Kền Kền
Sự tích chim Kền Kền là truyện cổ tích Việt Nam, giải thích về nguồn gốc của loài Kền Kền ngày nay và là bài học đắt giá cho những kẻ lòng tham không đáy.
1. Lão nhà giàu và người tàn tật
Ở làng nọ, có hai người sống hai cảnh đời trái ngược. Một người giàu nứt đố đổ vách, của chìm của nổi không biết bao nhiêu mà kể. Bên cạnh anh nhà giàu này có một người nghèo rớt mùng tơi, đã thế lại còn tàn tật, ít khi được miếng cơm nóng, khoai sắn ăn không đủ no.
Lão nhà giàu cạy tiền cạy của, cứ ra khỏi nhà là bắt người khiêng võng. Lão ăn chơi trác táng nên dù còn trẻ, tóc còn xanh, răng chưa rụng, nhưng người thì gày đét như con mắm, ốm yếu. Còn anh nhà nghèo do mắc bệnh từ nhỏ, nên lúc nào người cũng dúm dó, đi lại khó khăn, quanh năm suốt tháng chỉ có mỗi mảnh vải che thân.
Một năm kia hạn hán kéo dài, cây cỏ khó mọc, những đám rau dại quanh làng chết hết. Chẳng còn gì để ăn, anh tàn tật cố bò ra cây vải giữa quả đồi trọc nhặt quả ăn thay cơm. Đường từ nhà đến đấy bao ghập ghềnh. Với những người lành lặn thì cũng đủ mệt bở hơi tai, thế nên anh tàn tật phải khổ sở vất vả bò lết suốt từ sáng tinh mơ cho đến tận chiều tà mới tới nơi. Đến gốc cây, anh mệt rã rời, không còn đủ sức nhặt quả rụng cho vào mồm. Trời thương, đến chiều tối, khi mặt trời lặn sau quả núi, một cơn gió thổi qua rất mạnh làm cành cây đu đưa, rụng đầy quả xuống mặt đất. Anh nhà nghèo cố lê lết vun quả rụng thành một đống ăn dần. Đêm đó anh ngủ dưới gốc cây.
2. Điều ước của đàn chim
Sáng hôm sau tỉnh dậy, anh thấy một đàn chim từ phía Đông bay đến, chúng ríu rít đậu trên ngọn cây. Đàn chim đi tìm quả chín nhưng quả chín đã rụng hết từ hôm qua. Chúng ngơ ngác rồi bay ào xuống mặt đất. Trông thấy đám quả chín của anh tàn tật chúng không dám lại gần mà chỉ đứng nhìn từ đằng xa. Anh tàn tật nhặt quả vãi ra xung quanh, bảo chim:
– Có đói thì vào mà ăn.
Nghe anh nói, một con chim có cái mỏ vàng, lông óng ánh, to như chim đại bàng cất tiếng nói, rành rọt:
– Chim không có công nhặt sao người cho nhiều thế?
– Cây trời sinh, quả trời cho, không tưới thì công nhặt quả có đáng là bao. Chim đói thì cứ vào mà ăn.
Anh nhà nghèo lại bốc quả vãi ra. Lũ chim không sợ nữa, xúm vào ăn. Chim đầu đàn bảo anh:
– Anh quả là người tốt, quả ăn trừ cơm mà cho không tiếc. Tôi cho anh một điều ước để trả ơn.
Nói rồi đàn chim cất cánh bay đi. Anh tàn tật ngồi nghĩ điều ước mà chim vừa cho. Từ bé đến giờ, anh sống nghèo đói chẳng biết sung sướng là gì để ước. Chợt anh thấy một đám lính khiêng kiệu một ông quan đi qua. Anh định ước trở thành một trong hai loại người này nhưng khi bọn họ leo dốc chẳng may một tên lính trượt chân ngã, kiệu đổ, lính đau, quan cũng đau. Viên quan cau có, bực tức cầm gậy vụt lấy vụt để vào tên lính vì hắn làm ông đau. Thấy vậy anh tàn tật lẩm bẩm:
– Làm lính thì bị quan đánh chửi, làm quan thì mặt mũi cau có chẳng ai có thể ưa được.
Anh bỏ ý định làm lính, làm quan.
Một lúc, có mấy người thầy mo đi qua. Người nào người nấy quần áo xanh xanh đỏ đỏ, tay xách rượu thịt, vẻ mặt an nhàn. Anh tàn tật thấy vậy thích lắm, định ước trở thành thầy mo. Bỗng cái cổ quẹo làm anh đau nhói. Cái cổ này trước đây cha mẹ anh cũng đã mời thầy mo về yểm bùa cúng bái cho anh khỏi bệnh mà mãi không khỏi, tiền mất mà tật vẫn mang. Nhớ lại chuyện đó, anh thầm tự bảo:
– Thầy mo là người điêu ngoa, hay lừa bịp. Làm thầy mo chỉ tổ để cho mọi người chửi.
Chợt anh nhìn thấy lão nhà giàu đi đâu về, anh tàn tật định ước giống lão nhà giàu ăn sung mặc sướng, an nhàn thảnh thơi. Nhưng khi lão nhà giàu vừa đi khuất anh thấy một đám người tay xách nách mang nào ngô nào thóc, còn khuôn mặt thì ủ rũ buồn bã. Anh bèn hỏi:
– Tại sao các bác có nhiều ngô nhiều thóc mà lại buồn thế?
Mấy người kia chỉ lão nhà giàu nói:
– Sắp đến mùa cày thì lão bắt trâu, lúc giáp hạt thì lão đòi nợ. Thật khổ quá!
Quá hiểu cảnh nghèo khó như thế nào, anh lắc đầu:
– Làm người giàu sẽ gây khổ cho người nghèo.
Phân vân một lúc, anh tàn tật nhìn lại mình, thấy lưng còng, cổ quẹo, liền ước:
– Thôi, chim cho ta lành lặn khoẻ mạnh để có sức khoẻ trồng nương phát rẫy nuôi thân.
Lời ước vừa dứt, anh tàn tật trở thành một thanh niên cao to lực lưỡng, cổ hết vẹo, lưng hết còng. Anh ghé vai ôm lấy cây vải nhổ thử. Cây vải bật gốc, anh liền vác về trồng ở đầu làng.
3. Sự tích chim Kền Kền
Về làng, tên nhà giàu thấy anh béo tốt, phương phi liền hỏi:
– Ngươi làm sao mà chóng khỏe, sức lực cường tráng thế?
Anh tàn tật thật thà kể lại toàn bộ câu chuyện về việc cho chim ăn quả vải chín như thế nào và chim trả ơn điều ước ra sao. Chưa kịp để cho anh tàn tật nói gì, lão nhà giàu đã đề nghị đổi cho anh toàn bộ nhà cửa ruộng vườn của lão để lấy số quả vải chín mà anh tàn tật mang về. Lão giật vội mấy quả vải rồi tức tốc chạy thẳng ra đồi, vợ con cùng gia nhân cũng lóc cóc chạy theo lão. Đến bên gốc cây vải đã bật, chúng thu lu chờ chim đến. Và đàn chim cũng đến. Vợ con lão chẳng biết sự tình thế nào nên cứ trố mắt ra nhìn. Còn lão nhà giàu đưa quả ra nhử chim, mồm bảo:
– Cây vải đã bị thằng tàn tật nhổ mất rồi. Bây giờ muốn ăn quả chín chẳng dễ đâu. Ta còn mấy quả chim có ăn không, nhưng chim phải cho ta một trăm điều ước. Còn nếu không thì đừng hòng ăn.
Đàn chim đã đói, nhưng mỗi lần chỉ có một điều ước nên không thể đổi được cho lão nhà giàu. Khi mặt trời sắp lặn, đàn chim sắp sửa bay đi. Biết không thể đổi nắm quả vải lấy hơn một điều ước, lão nhà giàu mới đồng ý đổi. Được điều ước, hắn cười hả hê, giục cả nhà đứng dậy nói lớn:
– Cho ta trẻ lại này, giầu sang này, nhiều vàng bạc trâu bò này, nhiều…
Chưa kịp nói hết câu thì cái mồm của cả nhà chúng nhô ra nhọn hoắt, tay biến thành cánh, móng biến thành vuốt, lông lá mọc khắp người, hôi hám, khét lẹt. Cả nhà chúng biến thành loài chim, vẫn giữ tính cách như lúc còn là người, hễ cứ thấy xác chết là bâu lại. Người ta gọi chúng là chim Kền Kền.
Câu chuyện Sự tích chim Kền Kền – Truyện cổ tích Việt Nam
– TheGioiCoTich.Vn –
Đặc điểm của chim Kền Kền
Kền Kền (hay Kên kên) là tên gọi chung của một nhóm các loài chim ăn thịt và ăn xác chết. Do tập tính thò cả đầu vào để ăn thịt xác của các con vật đã chết, nên đầu đầu của chúng thường trọc, nhằm hạn chế việc bị dính máu và dích xác của các con mồi dây vào. Chính đặc điểm này đã giúp cho Kền Kền dễ dàng rửa sạch đầu của chúng một cách nhanh chóng ở các con sông gần đấy.
Kền Kền ít khi tấn công một con thú khỏe mạnh nhưng có thể giết chết những con bị thương hay bị bệnh.
Loài chim này giúp làm sạch môi trường tự nhiên, đặc biệt là ở những xứ nóng.
Chim Kền Kền trong các nền văn hóa
Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, loài chim này được biết đến qua câu chuyện Sự tích chim Kền Kền kể trên. Chim Kền Kền cũng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Tại miền nam châu Phi, tên gọi của Kền Kền Nubia, đồng nghĩa với thuật ngữ để chỉ các đôi tình nhân, do loài Kền Kền này luôn luôn có đôi, mẹ và con luôn gắn kết với nhau.
Người Ai Cập cổ đại lại cho rằng, Kền Kền là một bà mẹ tốt, và sải cánh rộng của nó được nhìn nhận như là sự bao bọc và bảo vệ cho các con của chúng. Chữ viết tượng hình Kền Kền của người Ai Cập là con chữ duy nhất được sử dụng cho các âm thanh môn, bao gồm các từ như: mẹ, thịnh vượng, bà và nhà cai trị.
Kền Kền Vua là một trong số các loài chim phổ biến nhất có mặt trong các sách chép tay Maya. Chúng đôi khi được miêu tả như là một vị thần với cơ thể người và đầu chim. Theo thần thoại Maya, vị thần này thường truyền tải thông điệp giữa người với các vị thần khác. Khác với Kền Kền Vua, loài Kền Kền Đen trong các sách chép tay Maya lại thường được gắn liền với sự chết chóc hay được thể hiện như một con chim săn mồi, và tự hình của nó thường được vẽ ra như là đang tấn công con người.
Ngược lại với nhiều loài chim săn mồi khác, trong văn hóa phương Tây, Kền Kền thường bị coi là đáng ghê tởm, gắn liền với sự chết chóc và thói lợi dụng.
Trong thực tế, Kền Kền được coi là “thợ dọn xác” tự nhiên. Đây là loài động vật có ích cho môi trường, vì thế chúng không nên bị ghét bỏ.