Câu chuyện Sự tích hoa Sen và Bướm
Sự tích hoa Sen và Bướm là truyện cổ tích Khmer, kể về mối lương duyên giữa nàng tiên út con của thần Pờ-rặc In và chàng trai hiền lành chăm sóc vườn rau.
1. Chàng trai nghèo và mảnh vườn khai hoang
Ngày xưa, có một chàng trai mồ côi cha mẹ từ lúc sáu tuổi, chàng rất hiền lành và giỏi việc. Vì cha mẹ nghèo mắc nợ của người chủ sóc ba giạ lúa, nên chàng phải ở đợ cho hắn đến năm gần hai mươi tuổi mới trả được hết nợ, về nhà làm ăn.
Chàng vào tận mé rừng hoang chặt cây, cuốc cỏ, lập một mảnh vườn. Trên mảnh vườn, chàng trồng tám luống cà tím. Được chăm bón cẩn thận, tám luống cà tươi tốt, đơm hoa kết trái đầy cành.
Nhưng một hôm chủ sóc đi qua, thấy cà sai quả, hắn nảy ra ý tham. Hắn viện lẽ đất rừng của sóc ai khai khẩn đều phải nộp hết hoa màu năm đầu cho sóc, rồi ngang nhiên hái hết quả, không kể quả non, quả già. Chàng trai nọ yếu thế trước cường quyền, bị chủ sóc cướp trắng cả vườn cà.
Hôm sau, chàng tiếp tục cuốc xới lại mảnh vườn để trồng thêm bầu, bí, dưa, cải. Chẳng bao lâu khu vườn của chàng đã trở nên tươi tốt. Bầu, bí ra quả đầy giàn, dưa, cải xanh tươi mơn mởn và tám luống cà chỉ ra thêm mỗi một quả cà non. Chàng định bụng để quả cà ấy làm giống.
2. Nàng tiên trong nốt thỏ
Một đêm nọ trăng sáng vằng vặc, trời trong xanh dịu mát. Pờ-rặc In (vị thần cai quản vũ trụ theo văn hóa của người Khmer) dặn dò con không làm gì hại đến của cải người hạ giới. Bốn nàng tiên vâng dạ, tung cánh bay là là đáp xuống khu rừng chơi, rồi men đến vườn của chàng trai nọ. Trong vườn cây cối tốt tươi, hoa quả, bí bầu ra trái trĩu cành. Bốn nàng tiên thích thú tung tăng chạy nhảy rong chơi khắp vườn.
Bỗng nàng tiên út vô tình làm rụng quả cà tím nọ, nên phút chốc quần áo biến từ màu xanh sang màu đen và nàng trở thành người thế gian, không cất cánh bay về trời được nữa. Thế là nàng phải ở lại hạ giới làm vợ chàng trai nông dân, chủ mảnh vườn ấy một thời gian để đền nợ làm rụng cà.
Biết em không thể cùng trở về tiên giới được nữa, ba người chị giã từ nàng tiên út. Chị tiên cả trao cho em một viên ngọc ước và dặn khi nào cần ước điều gì thì đưa lên đầu xoay tròn một vòng là được như ý.
Nàng tiên út cầm ngọc quý thơ thẩn dạo quanh vườn. Khi trời chưa sáng hẳn nàng đã thấy ở cuối vườn chàng nông dân đang cặm cụi cuốc xới những luống rau non. Không biết cách nào làm quen với người chồng duyên nợ ấy, nàng út liền dùng ngọc ước biến thành một con thỏ chạy đến gần và miệng giả vờ la:
– Ai cứu tôi! Ai cứu tôi với!
Chàng nông dân nghe tiếng kêu cứu liền quay lại thì chỉ thấy một con thỏ trắng đang bươn bả chạy. Chàng bắt thỏ đem về nhà nuôi. Hôm sau, như thường lệ, anh dậy sớm ra vườn làm việc. Đến chiều vác cuốc về đến nhà thì thấy nhà cửa ngăn nắp sạch sẽ. Trên chiếc chõng tre cũ kỹ giữa nhà, ai đã dọn sẵn một mâm cơm thức ăn còn bốc hơn.
Liền mấy hôm, nhà cửa đều sạch sẽ, cơm nước cứ sẵn sàng. Bụng sinh nghi nên một hôm anh ta giả vờ vác cuốc ra rẫy, nhưng được nửa đường thì quay trở về núp ngoài hàng rào rình xem.
Thấy thỏ trắng hoá thành một cô gái xinh đẹp, bước ra quét dọn, nhóm lửa nấu cơm, anh liền chạy vào ôm chầm lấy người con gái xinh đẹp ấy. Cô gái thấy vậy tươi cười kể lại sự tình của mình và xin cùng chàng gá nghĩa vợ chồng. Từ đấy, ngày ngày chồng ra rẫy, vợ ở nhà nuôi gà, nuôi vịt. Chẳng bao lâu gà vịt đầy sân, khoai lúa đầy bồ. Khi vịt đẻ, nàng dùng ngọc ước biến những trứng vịt ấy thành những khối vàng, chất đầy hòm.
3. Những kẻ tham lam trong truyện Sự tích hoa Sen và Bướm
Trong sóc, ai cũng thương mến đôi vợ chồng thuận hoà, hiền hậu chí thú làm ăn ấy. Riêng gã chủ sóc vốn có lòng dạ xấu xa, thấy gia đình vợ chồng kia ngày thêm sung túc thì đem lòng ganh ghét. Ngày nào lão cũng để ý rình mò. Hôm gã ta tận mắt thấy vịt nhà ấy đẻ ra trứng vàng thì tức tốc vào cung tâu với vua rằng trong sóc mình có một người có vợ đẹp như tiên và có con vịt đẻ ra trứng vàng.
Nghe chủ sóc nói, tên vua tham lam và hiếu sắc liền ra lệnh cho chủ sóc phải mua bằng được con vịt đẻ trứng vàng cho mình. Một mặt tên vua lại tìm mưu kế bắt nàng út đem về ép làm vợ. Ngày đêm vua cứ tơ tưởng khiến bốn bà vợ đoán biết, nên ghen thầm và bực tức lắm.
Gã chủ sóc trở về, đưa lệnh vua ra bắt nàng út phải bán con vịt đẻ trứng vàng cho vua. Gã đem vịt vào cung. Vua sai lấy một cái đĩa lớn để trên bàn đặt vịt lên, rồi ngồi bên cạnh nôn nóng chờ vịt đẻ. Đợi lúc lâu không thấy gì, vua mới lấy tay vỗ lên lưng vịt quát bảo:
– Đẻ nhanh! Đẻ nhanh! Đẻ trứng vàng nhanh lên!
Vịt nghe quát tháo, lại bị vỗ vỗ trên lưng, hốt hoảng toẹt một bãi phân văng nhằm mặt vua. Bốn bà vợ đang máu ghen liền nhân việc này xúi vua cho quân đi bắt nàng út và tên chủ sóc khép vào tội chết, vì chúng đã lừa gạt và làm nhục vua.
Thấy thấp thoáng gã chủ sóc dẫn bọn lính và các bà vợ vua ở đầu làng, nàng út biết có chuyện chẳng lành. Không muốn để chồng phải lo lắng, nàng lấy cây đàn sà điêu ra gảy và cất giọng hát ru cho chồng ngủ thiếp đi. Bốn bà vợ vua, bọn lính và gã chủ sóc đến ngoài bờ giậu, nghe tiếng đàn mê ly và tiếng hát du dương đâm mê mẩn, ngã ra đất ngủ mê mệt.
Tên vua đợi mãi không thấy quân lính dẫn nàng út xinh đẹp trở về, liền dẫn một toán quân khác tìm đến nhà. Đến nơi hắn lấy làm lạ, không hiểu tại sao mọi người, kẻ nằm người ngồi ngủ ngáy như xay lúa, đánh thức thế nào cũng không được, và chính hắn khi nghe tiếng đàn cũng ngây ngây buồn ngủ.
Lúc chồng đã ngủ say, nàng út thôi hát. Tên vua nhìn vào thấy nàng xinh đẹp quá, người lão như mất hồn. Lúc này cả bọn vợ vua, lính tráng ngoài giậu mới tỉnh lại được. Vua sai gã chủ sóc vào bắt cho được con vịt nào đẻ ra trứng vàng cho mình. Nàng út giấu ngọc trong lòng bàn tay, rồi chui vào chuồng vịt. Đợi lúc vịt đẻ trứng, nàng đưa tay vờ vén tóc để xoay ngọc một vòng, tức thì quả trứng đẻ ra hoá thành vàng. Gã chủ sóc tận mắt thấy vịt đẻ trứng vàng nên hí hửng vội bắt ngay con vịt ấy cho vua.
4. Sự trừng phạt dành cho những kẻ ác độc
Nói về tên vua nọ, từ lúc thấy mặt nàng út, đêm ngày trong cung gã cứ mãi tơ tưởng, mong sao chóng bắt được nàng về ép duyên. Gã mới nghĩ ra kế cho bắt chồng nàng sai đi vào rừng sâu đốn gỗ. Thâm ý gã muốn hành hạ cho chàng chết dần chết mòn đi. Thấy vậy, bốn bà vợ vua càng ghen tức. Bọn chúng quyết định cùng nhau kéo đến nhà nàng út để hãm hại nàng. Thấy nàng đang nấu cháo, bọn chúng liền xông vào đánh và ấn đầu nàng vào nồi cháo sôi, cố hại sắc mặt xinh đẹp của nàng.
Vào lúc ấy, nàng tiên cả vâng mệnh cha là Pờ-rặc In, hoá thành bà lão chống gậy vào nhà thăm em, để bảo cho biết em sắp hết hạn ở trần gian. Nàng tiên cả thấy bốn mụ vợ vua hung dữ xúm nhau hành hạ em mình thì lấy lời ôn tồn hỏi duyên cớ và khuyên ngăn. Vốn ác độc và ỷ quyền, bốn mụ chẳng những không nghe, lại còn xông đánh nàng tiên cả. Chẳng may, bốn mụ chạm nhằm cây gậy phép nên 2 mụ hoá thành heo rừng, và 2 mụ hoá thành rắn độc, chạy ngay vào rừng.
Nàng tiên cả thấy mặt em bị bỏng, liền đưa tay vuốt nhẹ, tức thì mặt nàng tiên út lành lặn xinh đẹp lại như trước. Rồi nàng lại dặn em hãy giữ lấy viên ngọc ước, lo chuẩn bị đợi ngày đã định để trở về cõi tiên. Rồi hai chị em chia tay.
Nàng tiên út nghe tin sắp hết hạn ở dưới trần gian phải trở về tiên giới, thì hết sức buồn lo và thương chồng đang cảnh hoạn nạn. Nàng đã quyến luyến cảnh sống êm ái ở trần gian. Băn khoăn mãi, rồi nàng nhất quyết ở lại cõi trần, ném viên ngọc xuống ao trước nhà.
5. Sự tích hoa Sen và Bướm
Biết nàng tiên út không chịu trở về, thần Pờ-rặc In giận dữ cho mưa gió, sấm sét ầm ầm, suốt ba ngày đêm không ngớt. Thần Pờ-rắc In tự mình xuống trần gian buộc nàng tiên út phải trở về trời nếu không thì nàng và chồng không thể sống với nhau hơn ba ngày nữa. Nghe lệnh của cha phán, nàng tiên út lo lắng quá, suốt ngày nàng vào ra thẫn thờ như kẻ mất hồn.
Chiều hôm sau, người chồng từ rừng sâu trở về. Đói khát và muỗi mòng chốn rừng sâu đã làm cho người chồng ngã bệnh nặng. Vừa bước chân đến thềm, chàng lảo đảo ngã sóng soài trên đất. Nàng vội dìu chồng vào nhà, rồi chạy ngay vào rừng hái lá thuốc về sắc cho chồng uống.
Ngồi bên chồng, chờ nồi lá thuốc sôi tới, nàng cất tiếng hát ru cho chồng ngủ. Tiếng nàng hát ngân nga thổ lộ nỗi buồn man mác của mình:
– Em ở tận trời xanh
Nợ trần vui cùng anh.
Duyên tình sao nỡ xa
Hỡi ai thấu lòng ta?
Chàng trai nằm mơ màng nghe nàng hát, kể lể nỗi băn khoăn của mình, xúc động không nói được nên lời. Bỗng một làn hào quang sáng rực loé lên, thần Pờ-rặc In từ trời cao giáng xuống gọi nàng tiên út về trời. Hốt hoảng, nàng vùng chạy ra phía sau nhà. Chẳng may, trong lúc vội vã nàng vấp chân té xuống ao nước ở bìa rừng rồi chìm nghỉm. Tức thì một đóa Sen Hồng từ dưới đáy ao mọc lên, nở tròn và hương thơm toả ra bát ngát.
Chàng trai thấy vợ chạy vụt đi, tưởng vợ bỏ mình về trời, vội vã đuổi theo. Chàng chạy gần đến bờ ao thì thần Pờ-rặc In đưa cây gậy cản chân chàng lại. Chàng trai vấp chân té sóng soài ra đất tắt thở. Thân xác chàng hóa thành một con Bướm.
Từ đó, ở trần gian có câu chuyện Sự tích hoa Sen và Bướm. Bướm luôn bay lượn chập chờn bên hoa suốt ngày này qua ngày nọ, như muốn nói lên mối tình chung thuỷ của nàng tiên út và chàng trai nọ.
Sự tích hoa Sen và Bướm – Truyện cổ tích Khmer
– TheGioiCoTich.Vn –
Ý nghĩa truyện Sự tích hoa Sen và Bướm
Câu chuyện Sự tích hoa Sen và Bướm của người Khmer nội dung nói về mối lương duyên giữa nàng tiên út con của thần Pờ-rặc In với một chàng trai người trần nghèo khó, mồ côi cha mẹ từ nhỏ.
Rất nhiều tình tiết được xây dựng với những khó khăn, ngáng trở tình yêu của hai người: chủ sóc đố kị mang lòng ghanh ghét, tên vua tham lam luôn tìm cách muốn cướp nàng tiên út dù hắn đã có 4 người vợ, thần Pờ-rặc In trên trời báo nàng tiên hết hạn ở hạ giới, các bà vợ của nhà vua tìm các hãm hại nàng, v.v…
Kết thúc truyện, nàng tiên út hóa thành bông hoa Sen, còn chàng trai biến thành con bướm. Câu chuyện mang ý nghĩa ca ngợi tình yêu thủy chung của hai vợ chồng và lên án chế độ cường quyền, thần quyền luôn đè nén, áp bức những người dân lao động chân chính trong xã hội cũ.
Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, còn có một câu chuyện khác nói về sự tích hoa Sen. Truyện ngoài việc giải thích về nguồn gốc của cây hoa Sen ngày nay ra, còn ca ngợi tấm lòng trong sạch, đẹp đẽ của hai chị em gái.
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
– Ca dao Việt Nam –