Truyện sự tích hòn Vọng Phu
Sự tích hòn Vọng Phu là câu chuyện nàng Tô Thị bồng con đợi chồng, sau khi chết đã hóa thân thành tượng đá, giữ đúng lòng thủy chung và tiết hạnh của mình.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…
– Ca dao Việt Nam –
Câu chuyện nàng Tô Thị và Tô Văn ngày nhỏ
Một hôm, Tô Văn chơi ném đá, rồi không biết ném thế nào trúng ngay vào giữa đầu em. Tô Thị ngã vật xuống đất, ngất đi, máu chảy ra lênh láng. Tô Văn thấy thế sợ quá, chạy một mạch ra đường, không còn dám ngoái cổ lại.
May sao, sau khi xảy ra tai nạn, một bà hàng xóm chạy sang lấy lá thuốc dấu rịt cho Tô Thị, cầm ngay được máu. Đến khi người mẹ đi mò cua về thì cô con gái đã ngồi dậy được.
Nhưng còn Tô Văn thì biệt tăm, ngày một ngày hai cũng không thấy thằng bé trở về, tìm khắp nơi mà không thấy. Người mẹ nhớ con, sinh ra buồn phiền, ngày một héo hon, chẳng bao lâu ốm nặng rồi chết, bỏ lại Tô Thị một mình. Đứa con gái nhỏ được mấy người láng giềng cho ăn trong ít ngày, rồi hai vợ chồng người chủ hàng cơm đem đứa bé về nuôi để sai vặt. Sau đó, hai vợ chồng người chủ hàng cơm lên xứ Lạng mở hàng nem, đem Tô Thị đi theo.
Lớn lên, Tô Thị xinh đẹp, lại nết na, siêng năng, nên được rất nhiều người để ý. Dành dụm được ít vốn, nàng nghĩ cách tự làm ăn lấy. Bấy giờ hai vợ chồng người chủ hàng cơm đã có con cái đỡ đần, nên khi nàng xin ra ở riêng, bố mẹ nuôi đều ưng thuận.
Đã học được nghề làm nem, nàng Tô Thị liền mở cửa hàng nem ở Hàng Cưa tại phố Kỳ Lừa. Nàng làm nem rất khéo. Cửa hàng của nàng mỗi ngày một đông khách. Người ta đến để thưởng thức nem ngon, cũng có người vừa thích nem vừa mê bóng mê gió cô hàng. Chiều khách thì thật là khéo chiều, nhưng cô hàng rất đứng đắn, làm cho mọi người càng thêm vị nể.
Thấm thoắt Tô Thị đã hai mươi tuổi. Tuy có nhiều mối manh, nhưng nàng chưa thuận nơi nào.
Cuộc tình trái ngang trong câu chuyện nàng Tô Thị
Một hôm, có một thanh niên tuổi ngoài hai mươi, vẻ người tuấn tú, đem thuốc Bắc từ Cao Bằng về Lạng Sơn bán. Nghe nói ở Hàng Cưa tại Kỳ Lừa có hàng nem ngon, lại có chỗ trọ rộng rãi, chàng liền tìm đến. Chàng thấy nem quả thật là ngon và cô hàng cũng thật xinh tươi, dễ gần. Quen cửa hàng rồi, nên về sau, cứ mỗi lần mang thuốc về Lạng Sơn bán, chàng lại đến hàng nem.
Chàng thanh niên và nàng Tô Thị trở nên thân thiết, trước còn mến nhau, sau dần dần họ yêu nhau lúc nào không hay…
Hai người lấy nhau được hơn một năm thì Tô Thị có mang, sinh được một gái. Hai người yêu nhau rất mực, lại được thêm mụn con, mối tình càng trở nên khăng khít.
Một hôm, người chồng về nhà, thấy vợ đang ngồi gội đầu ở ngoài hè. Chàng vừa bế con ngồi trên bực cửa xem vợ gội đầu, vừa kể đôi câu chuyện vặt cho vợ nghe. Chợt thấy đầu vợ có cái sẹo to, chàng nói:
– Đầu mình có cái sẹo to, thế mà bây giờ tôi mới biết.
Thấy chồng hỏi một cách ân cần, nhân vui câu chuyện, Tô Thị kể tỉ mỉ cho chồng nghe những chuyện xảy ra hồi nàng còn bé. Câu chuyện càng đi sâu, người chồng càng lộ vẻ buồn. Trấn Kinh Bắc, nơi quê cũ, người anh đi mất tích, mẹ chết, theo vợ chồng người chủ quán lên xứ Lạng, rồi ở luôn đây cho đến bây giờ…
Biết bao đau thương, buồn thảm. Chàng tự nhủ thầm:
– Sao mình lại không là một kẻ khác mà lại là Tô Văn! Thôi mình đã lấy lầm em ruột mình rồi!…
Chàng bồi hồi nhớ lại những ngày xa xăm, cái ngày chàng lỡ tay ném đá vào đầu em, tưởng em chết, nên đã chạy trốn. Đi lang thang không dám trở về nhà, rồi được một người Trung Quốc buôn thuốc Bắc đem về nuôi ở Trùng Khánh, thuộc tỉnh Cao Bằng. Lớn lên, Văn theo họ bố nuôi là họ Lý. Chàng thường đem hàng xuống Lạng Sơn bán và chỉ ở đây một vài ngày là hết hàng. Ngoài con đường Lạng Sơn – Cao Bằng, Cao Bằng – Lạng Sơn, chàng cũng không đi đến đâu cả. Hơn mười năm qua, chàng cứ ngỡ gia đình mình ở miền xuôi không còn một ai nữa. Quê cũ đối với chàng bây giờ như trong sương mù, không còn nghĩ về đó làm gì…
Văn nghĩ ngợi, rầu rĩ, nhưng nàng Tô Thị mải chải đầu, quấn tóc, không để ý đến những thay đổi trên nét mặt chàng. Nàng vẫn vui vẻ, hồn nhiên, không biết chồng mình đang ở vào những phút buồn phiền ghê gớm. Thấy Tô Thị ngây thơ, vui vẻ như thế, Tô Văn càng không muốn để nàng biết sự thực. Ai lại để cho người em gái mình còn non trẻ như thế kia biết một việc loạn luân như thế bao giờ! Một việc loạn hôn không do ý hai người định, nhưng chàng quyết tâm gỡ mối cho xong. Thôi, hay là lại đi biệt chuyến nữa, em gái mình trẻ trung, xinh đẹp dường ấy, làm gì chả lấy được một người chồng khác.
Văn nghĩ thế, rồi tìm cách ra đi.
3. Lòng chung thủy của nàng Tô Thị và sự tích hòn Vọng Phu
Giữa lúc tâm trạng Văn như thế thì có việc bắt lính thú. Anh xin đăng lính, không bàn với vợ nửa lời. Mãi đến lúc sắp lên đường, anh mới nói với vợ:
– Tôi đã đăng lính rồi, mình ạ. Sớm mai thì lên đường. Đi chuyến này ba năm, có khi sáu năm mới về, và…cũng có khi lâu hơn… Mình ở nhà chịu khó nuôi con. Còn về phần mình, mình cứ tự định liệu, nếu nhỡ ra…
Nàng Tô Thị nghe chồng nói như sét đánh ngang tai, không hiểu sao đang sống yên vui với nhau mà chồng mình lại bỏ đi một cách đường đột như thế! Nàng khóc ấm ức, khóc hoài, khóc mãi không nói nửa lời. Còn Tô Văn chỉ những bứt rứt âm thầm, cho rằng việc mình đi như vậy là giải thoát.
Từ ngày chồng đi rồi, Tô Thị chẳng thiết gì đến việc bán hàng. Ngày ngày nàng bế con lên chùa Tam Thanh cầu cho chồng đi được bình yên, chóng được trở về, cùng sum họp gia đình.
Nhưng ba năm qua, rồi sáu năm qua, nàng cũng chẳng thấy chồng về. Có mấy kẻ phao tin, cho là chồng nàng chết, muốn hỏi nàng làm vợ, nhưng nàng nhất định chối từ. Có một tên kỳ hào có tiếng hống hách trong vùng cũng muốn hỏi nàng về làm kế. Thế lực của hắn rất to lớn, chưa từng có ai dám chống lại. Nàng thương con còn thơ dại, không dám chối từ ngay, sợ rước vạ vào thân, chỉ tìm cách khất lần. Nhưng khất lần mãi cũng không được, nên cuối cùng nàng đành hẹn với hắn một kỳ hạn, để về sau tìm kế khác. “Biết đâu đến ngày ấy, chồng mình lại chả về!” – Nàng nghĩ thế.
Rồi kỳ hạn cũng hết, nàng trông đợi chồng đỏ cả mắt mà chàng vẫn không về cho. Nàng ôm con lên chùa Tam Thanh khấn cầu. Hôm ấy, trời nổi cơn giông rất lớn. Nàng nhớ chồng, thương thân, bế con ra ngoài chùa, trèo lên một mỏm đá cao chót vót, nhìn về hướng chồng đi. Mây đen kéo đầy trời. Gió rít lên từng hồi qua khe đá. Mưa như trút nước. Chớp lòe khắp núi. Nàng vẫn bế con đứng trơ trơ, đăm đăm nhìn về hướng chồng đi. Toàn thân quả núi rung chuyển dưới những luồng sét dọc ngang. Mưa mỗi lúc một to. Nàng Tô Thị vẫn bế con đứng trơ trơ trên mỏm đá cao chót vót.
Sáng hôm sau, mưa tạnh, gió yên, mặt trời tỏa ánh sáng xuống núi rừng. Nàng Tô Thị bế con đã hóa đá tự bao giờ. Người dân trong vùng gọi đấy là hòn Vọng Phu. Và câu chuyện sự tích hòn Vọng Phu được ra đời từ đó.
Truyện sự tích nàng Tô Thị
– TheGioiCoTich.Vn –
Đôi nét về hòn Vọng Phu
1. Hòn Vọng Phu ở đâu?
Hòn Vọng Phu là những hòn đá, có hình giống người thiếu phụ chờ chồng. Theo nhà ngôn ngữ học, tiến sĩ Lê Trung Hoa, thì: “Nói chung mỏm núi nào có chỗ cao, chỗ thấp giống hình người mẹ và đứa con, qua trí tưởng tượng của người Việt, đều có thể trở thành hòn Vọng Phu”.
Ở nước ta, có một số hòn Vọng Phu tiêu biểu như:
- Hòn vọng phu trên núi Tô Thị, Tam Thanh, Lạng Sơn
- Hòn vọng phu trên đỉnh núi Bà, Phù Cát Bình Định
- Hòn vọng phu trên đỉnh núi M’Drắk, Đắk Lắk (Xem truyện Sự tích núi Mẫu Tử)
- Hòn vọng phu trên đỉnh núi Nhồi, Thanh Hoá
- Hòn vọng phu bên bờ khe Giai, bản Cơ Lêc, Nghệ An.
- Hòn vọng phu trên đỉnh núi Đá Chồng, Hòa Xuân Nam, Đông Hòa, Tuy Hòa
Trong đó, nổi tiếng nhất là hòn Vọng Phu ở Tam Thanh, Lạng Sơn, được nhiều người biết đến qua câu chuyện nàng Tô Thị bên trên.
2. Nàng Tô Thị trong sự tích hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn
Núi Tô Thị (còn gọi là núi Vọng Phu) là một ngọn núi tại phường Tam Thanh – Lạng Sơn. Trên đỉnh núi có khối đá tự nhiên giống hình người phụ nữ bồng con nhìn về phương xa.
Bức tượng nàng Tô Thị đã truyền cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau: Ca dao Việt Nam, Sự tích hòn Vọng Phu – truyện dân gian, Vọng phu thạch của Nguyễn Du, Trường ca hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương, tiểu thuyết Hòn Vọng Phu của nhà văn Quỳnh Dao,…
Đáng tiếc, vào ngày 27/07/1991, tượng đá nàng Tô Thị đã bất ngờ bị đổ sập trong một đêm mưa to gió lớn. Có hai người bị bắt vì nghi ngờ dùng mìn phá tượng để nung vôi là ông Đoàn Văn Quyết và ông Hà Văn Điều. Cả hai đều sống ở gần núi Vọng Phu. Điều này đã gây nên bao nỗi oán giận, bức xúc trong nhân dân, bởi lẽ qua câu chuyện sự tích hòn Vọng Phu kể trên, nàng Tô Thị không chỉ là một cột đá vôi bình thường, mà chính là biểu tượng cho tấm lòng chung thủy son sắt của người phụ nữ Việt Nam, một biểu tượng của văn hóa dân tộc
Nhưng một thời gian sau, ông Trương Hoàng Phương – giảng viên Khoa Địa lý, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, (lúc đó đang học thạc sĩ tại Hà Nội) đã đến hiện trường để nghiên cứu lại vụ việc. Cuối cùng, các kết quả nghiên cứu của ông cho thấy rằng tượng nàng Tô Thị bị sụp đổ là do sự ăn mòn của tự nhiên (cụ thể là hiện tượng karst – hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) chứ không phải do phá hoại.
Từ những bằng chứng khoa học cụ thể được đưa ra, hai nghi phạp bị bắt trong vụ sập tượng đã được giải oan.
Ngày nay, một tượng bằng xi măng đã được dựng lên tại vị trí tượng đá cũ bị đổ sập, nhằm lưu giữ một biểu tượng đẹp về sự chung thủy của người phụ nữ Việt Nam.