Câu chuyện Sự tích núi Tản Viên
Sự tích núi Tản Viên là truyện truyền thuyết Việt Nam, kể lại sự ra đời của Sơn Tinh và giải thích về nguồn gốc của núi Tản Viên ở Ba Vì (Hà Nội) ngày nay.
Nhất cao là núi Ba Vì
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn.
– Ca dao Việt Nam –
1. Người tiều phu nghèo và đứa bé
Ngày xưa, có một người tiều phu nghèo, hàng ngày từ sáng tinh mơ đã phải vác búa vào rừng đốn củi. Mọi lần anh thường chặt cây khô ở bìa rừng, được nặng gánh thì gánh về, nhưng lần này anh định chặt thêm một cây gỗ cứng để đem về chống túp lều tranh nên phải đi vào sâu trong rừng. Đang đi, anh chợt nghe có tiếng trẻ khóc. Người tiều phu đứng lại nghe xem tiếng khóc ấy ở đâu đưa lại thì thấy ở phía trước mặt, dưới một lùm cây to có một con dê rừng rất lớn đang lấy chân trước bới một đống cỏ khô, tiếng khóc trẻ ở đống cỏ đó đưa ra.
Người tiều phu rón rén nấp sau một gốc cây lớn ở gần rình xem con dê làm gì. Con vật bới đống cỏ rất nhẹ nhàng, lộ dần ra một đứa trẻ còn đỏ hỏn, bụ bẫm, rồi nó nằm xuống cho đứa trẻ bú. Đứa trẻ rít lấy rít để bầu sữa căng. Sau một lúc, con dê dứng dậy liếm mớ tóc bờm xờm của đứa trẻ rồi chạy đi. Con dê vừa đi khỏi thì một đàn chim bay đến, phủ những cỏ khô lên người đứa bé, chỉ trong chớp mắt lại bay vù cả đi. Người tiều phu lẩm bẩm một mình: “Số mệnh đứa trẻ này thật kỳ lạ”. Anh đến bới đống cỏ khô thì thấy là một bé trai. Nhìn đứa trẻ tội nghiệp nên anh ta bế lên đem về nhà nuôi. Đứa bé rất chóng lớn, người tiều phu chăm nom đứa trẻ như chính con mình đẻ ra. Tin là đứa trẻ có một số mệnh kỳ lạ, anh đặt tên cho nó là Kỳ.
2. Cái cây kỳ lạ
Lớn lên, Kỳ rất khoẻ mạnh, ngày ngày Kỳ vác búa theo cha nuôi vào rừng đốn củi. Một hôm, Kỳ chặt một cây lớn đến hai người ôm, chặt từ sáng tinh mơ đến nhá nhem tối mà vẫn chưa xong, nên đành bỏ dở ra về. Sáng hôm sau, đến gốc cây định chặt tiếp thì anh hết sức ngạc nhiên: Cái cây lớn chặt dở hôm qua bây giờ lại liền ruột, liền vỏ như chưa có một vết búa nào chạm đến. Thấy thế, Kỳ không ngả lòng, anh lại giáng những nhát búa thật mạnh vào chỗ thân cây đã chặt hôm trước. Tuy anh gắng hết sức nhưng đến nhá nhem tối mà vẫn chưa hạ xong cây. Sáng sớm hôm sau, Kỳ lại vác búa vào rừng định tiếp tục công việc còn đang bỏ dở thì anh lại thấy vết chặt hôm trước liền lại như cũ. Không nản chí, anh lại bắt đầu chặt, nhưng đến lúc mặt trời khuất núi rồi mà vẫn chưa chặt xong. Lần này anh không về nhà nữa, mà quyết định leo lên một cây cao gần đó để rình xem ban đêm cây tự liền da liền thịt như thế nào.
Đến nửa đêm, trăng sao vằng vặc đầy trời, bỗng có một ông già chống gậy đi từ từ đến cái cây chặt dở. Ông cụ cầm gậy chỉ vào cây, trong chớp mắt vết chặt lại liền như cũ. Kỳ vội tụt xuống chạy đến hỏi ông già:
– Thưa cụ, tôi khó nhọc lắm mới sắp hạ được một cây lớn, sao cụ lại phá hỏng công việc của tôi như thế?
Ông cụ đáp:
– Ta là Thái Bạch tinh quân đây. Ta không muốn ngươi chặt cây cổ thụ này. Thôi, ta cho người cái gậy này, người đi tìm cây nhỏ mà chặt.
Nói xong, ông cụ trao cho Kỳ một cái gậy chống ở tay rồi biến mất.
3. Sự tích núi Tản Viên
Một hôm, đang đi chơi ở men sông, Kỳ nhìn thấy một con rắn lớn bị đánh dập đầu chết từ lâu, Kỳ cầm gậy chỉ vào đầu rắn. Đột nhiên rắn sống lại, vẫy đuôi, ngẩng đầu nhìn Kỳ, rồi bò xuống sông mất.
Một buổi tối, Kỳ đang ngồi trong túp lều tranh thì có một chàng trai tuấn tú, khăn áo chỉnh tề, đem châu báu đến tạ ơn Kỳ. Chàng xưng là Tiểu Long hầu – con của Long Vương ở biển Nam, bị lũ trẻ chăn trâu đánh dập đầu chết ở bờ sông và được Kỳ cứu sống hôm nọ. Kỳ nhất định không nhận lễ vật. Chàng trai tỏ ý băn khoăn, cố mời cho được Kỳ xuống thủy cung chơi. Chàng đưa cho Kỳ một ống linh tê để rẽ nước đi xuống.
Thấy Kỳ xuống chơi, Long Vương rất lấy làm mừng rỡ, mở yến tiệc linh đình thiết đãi. Đến khi về, Long Vương đưa tiễn đủ các vật lạ dưới biển nhưng Kỳ vẫn nhất định không nhận. Sau Long Vương đưa tặng Kỳ một quyển sách và nói:
– Ngươi đã cứu sống con trai ta, ta không biết lấy gì đáp lại. Ban thưởng vật gì ngươi cũng không nhận. Ta có quyển sách ước này tặng cho ngươi. Dùng quyển sách này, ngươi muốn ước gì sẽ đều được như ý.
Kỳ nhận quyển sách ước và trở lại trần gian. Từ đó chàng cầu được ước thấy, có phép biến hoá trở thành một vị thần cứu nhân độ thế. Thần đi qua cửa biển Thần Phù, theo dòng sông lớn, đổ ngược mãi lên, tìm nơi đất cao phong cảnh đẹp để cắm chỗ ở. Đến một nơi thấy có ngọn núi cao chót vót ba tầng, tròn như cái tán, thần hoá phép mở một con đường qua các động và các suối lên đỉnh núi và hoá phép thành lâu đài để ở. Khi đã định cư rồi thần thường xuống núi đi xem khắp phong cảnh đẹp và dùng phép cứu giúp người dân gặp nạn. Ngọn núi thần là núi Tản Viên, nên người tai gọi thần là thần Tản Viên hay Sơn Tinh.
Sự tích núi Tản Viên – Truyện truyền thuyết Việt Nam
– TheGioiCoTich.Vn –
Đôi nét về núi Tản Viên
Núi Tản Viên cao 1.227m, được coi là một trong những ngọn núi cổ nhất của nước ta thuộc dãy núi Ba Vì. Đây là một dãy núi đất và đá vôi rộng đến 5000 ha. Dãy núi Ba Vì bao gồm địa phận của 2 huyện là huyện Ba Vì (Hà Nội) và huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Dãy núi Ba Vì có hình dạng như bó đuốc khổng lồ, là phần núi cuối cùng của dãy Hoàng Liên Sơn và tiếp giáp với đồng bằng Bắc Bộ.
Núi Tản Viên là ngọn núi nổi tiếng nhất của dãy núi Ba Vì. Nằm cùng khối với nó còn có 2 đỉnh núi khác là đỉnh Vua và đỉnh Ngọc Hoa. Đỉnh Ngọc Hoa được đặt theo tên của công chúa con vua Hùng thứ 18. Theo truyền thuyết, bà là người được gả cho Đức Thánh Tản Viên (tức Sơn Tinh).
Theo văn hóa dân gian, nguồn gốc của ngọn núi này được lí giải qua câu chuyện Sự tích núi Tản Viên kể trên. Nơi đây được coi là nơi ngự trị của Đức Thánh Tản Viên, được biết đến rộng rãi trong tín ngưỡng truyền thống bởi truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Sơn Tinh là vị thần đứng đầu trong “Tứ Bất Tử”, còn được gọi là Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, là vị thần mang theo ngưỡng kính và niềm tin bất diệt của những người con đất Việt qua hàng nghìn năm lịch sử, đại diện cho linh hồn và sức mạnh của dân tộc.
Theo Việt sử cương mục, thì Sơn Tinh có tên là Hương Lang, Xê-bơ-rông (Ceabron) trong quyển Truyện cổ và truyền thuyết nước Nam lại nói là Kỳ Mạng, một số truyền thuyết thời Hùng Vương thì lại cho là Nguyễn Tuấn. Thật ra Sơn Tinh chỉ là một nhân vật thần thoại, không nhất thiết có tên họ và sự tích chính xác.