Sự tích quả Dưa Hấu [Hay sự tích Mai An Tiêm]

Sự tích quả Dưa Hấu [Sự tích Mai An Tiêm]

Sự tích quả Dưa Hấu mà nhiều người vẫn gọi là sự tích Mai An Tiêm kể về nguồn gốc quả Dưa Hấu và ca ngợi lòng ngay thẳng, tinh thần lao động chân chính.

Có lời truyền từ đời này qua đời khác rằng, ở nước ta người trồng quả dưa hấu đầu tiên là Mai An Tiêm.

An Tiêm sống vào đời vua Hùng thứ mười tám. Ông vốn là người ở một vùng biển xa xôi phương Nam, bị bọn thuyền buôn bắt làm nô lệ rồi đem dâng vua từ hồi nhỏ. Lớn lên An Tiêm tỏ ra thông minh, tháo vát và có tính kiên nhẫn lạ thường, được giao việc gì đều làm kỳ được mới yên lòng.

Nhà vua rất tin dùng: tên Mai An Tiêm chính là do vua ban cho. Nhà vua còn cho Mai An Tiêm một người thiếp và nhiều bổng lộc khác. Vợ chồng An Tiêm ăn ở với nhau hòa thuận sinh được một trai, một gái.

Ông thường nói: “Mọi thứ của cải trên đời đều do sức mình làm ra cả”. Có kẻ bảo ông: “Làm bề tôi, cơm áo vua ban cho, bổng lộc vua ban cho, nói như vậy là vong ân bội nghĩa”. Mai An Tiêm nghe vậy chỉ cười, không trả lời. Bọn nịnh thần liền tâu những chuyện như thế lên vua Hùng. Bọn chúng nói:

– Nay ông dám thổ lộ những lời bất bình như thế, mai kia chưa biết chừng đem làm phản trắc. Xin cho đầy ra một đảo ở ngoài biển khơi, thử xem ông ta có làm ra cái mà ăn không?

Nhà vua tuy mến An Tiêm, nhưng lo mất ngôi báu, nên nghe lời, đầy An Tiêm ra một hòn đảo ngoài cửa biển Nga Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa bây giờ. Vợ con An Tiêm cũng theo ra đảo. Thấy quang cảnh hoang vắng, bốn về sóng cỗ, người vợ ôm con mà khóc, An Tiêm lựa lời khuyên nhủ rồi vào rừng săn thú, hái quả, đem về nuôi vợ, con.

Một hôm, thấy trên tảng đá có ít phân chim, trong phân có những hạt đen nhánh, ông nhặt lên, lật đi, lật lại trong lòng bàn tay, mừng thầm. Ông nghĩ: “Đã là hạt, đem gieo chắc phải nảy mầm. Đã là quả chim ăn được, chắc người cũng phải ăn được”.

Hai vợ chồng bèn làm đất gieo hạt, chăm sóc. Cây mọc rồi lan ra khắp bãi. Rồi cây đơm hoa, kết quả, quả nào quả nấy lớn, to bằng đầu người, vỏ xanh mượt. An Tiêm lấy một quả bổ đôi ra thấy bên trong màu đỏ hồng, hạt đẹp, đen nhánh, ăn vào miệng vừa ngọt vừa thơm mát.

Hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ, hái quả cất vào hang, tính chuyện ăn dần.

An Tiêm và vợ lại vỡ thêm đất, gieo hạt. Năm này qua năm khác, dưa mọc xanh um khắp đảo, kín đảo. Thuyền buôn qua lại ghé vào đảo, đổi các thứ lấy những trái dưa đó. Đời sống của vợ chồng con cái An Tiêm ngày càng sung túc.

Nhớ đất liền, An Tiêm lấy hàng trăm quả, khắc chữ, ký tên vào vỏ rồi thả xuống bể, hy vọng những quả dưa ngon lành này sẽ trôi dạt tới quê hương.

Có một lần, quân lính đi tuần trên bờ biển nhặt được, thấy chữ Mai An Tiêm đêm trình lên nhà vua. Vua cho sứ giả ra đảo tìm. Sứ giả về, đem chuyện ngoài đảo thuật lại và dâng vua một thuyền đầy những quả dưa lạ.

Nhà vua có ý hối hận đã buộc tội An Tiêm chỉ vì An Tiêm nói lời phải. Vua xuống chiếu cho An Tiêm về đất liền và nhận lại chức vụ cũ, trọng dụng như trước.

Sự tích quả Dưa Hấu [hay sự tích Mai An Tiêm]
– TheGioiCoTich.Vn –

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *