Sự tích quả Loòng Boong (Phạm Hổ)

Câu chuyện “Sự tích quả Loòng Boong”

“Sự tích quả Loòng Boong” là câu chuyện cổ tích được rút ra từ tập “Chuyện hoa, chuyện quả” viết cho thiếu nhi của nhà văn, nhà thơ Phạm Hổ.

Truyện còn được biết đến với tên gọi “Quả tim bằng ngọc”.

Những ngày xưa lắm, có hai mẹ con nhà nọ nghèo quá, phải đi ở cho một tên nhà giàu. Cha em bé vốn làm nghề kiếm củi trong rừng, một lần không may đã bị hổ vồ chết.

Cả ngày làm hết mọi công việc nặng nhọc, lại bị đánh, bị mắng, hai mẹ con chỉ thấy vui sướng khi đêm đến, được nằm bên nhau trên mảnh chiếu rách, trải ở xó nhà. Lúc ấy, người mẹ mới ôm con vào lòng và vuốt ve, ôn ủi.

Một lần em bé gái bị ốm nặng nằm liệt không dậy nổi. Người mẹ thương con, thỉnh thoảng lại lén vào thăm. Tên nhà giàu thấy được, hắn nắm lấy tay em bé giật mạnh một cái và lôi dậy bắt đi làm. Hắn vừa bỏ tay ra thì em bé ngã khuỵu xuống. Tên nhà giàu càng tức giận. Hắn chộp luôn cái roi mây và quật vào lưng em mấy cái. Em bé và người mẹ cùng thét lên. Mà kỳ lạ quá, tên nhà giàu quật bao nhiêu lằn roi trên lưng đứa con thì bấy nhiêu lằn roi cũng hiện lên trên lưng bà mẹ. Từ đó hễ tên nhà giàu đánh con đau ở đâu thì người mẹ đau ở đó, đánh người mẹ đau ở đâu thì đứa con đau ở đó.

Lúc đầu, vợ chồng tên nhà giàu không hề biết chuyện ấy. Nhưng có một hôm, vợ tên nhà giàu vừa tát vào mặt người con đỏ lằn cả năm ngón tay trước mặt người mẹ, thì mụ ta trố mắt thấy năm dấu ngón tay cũng hiện rõ lên ngay trên khuôn mặt đau khổ của người mẹ.

Mụ chỉ lạ thôi, còn nếu đánh một mà đau cả hai thì điều đó chỉ càng làm cho mụ ta hả dạ.

Tên nhà giàu có nuôi một con chim quý. Đó là một con chim họa mi, có tiếng hót hay nhất trong vùng. Nghe nó hót, tất cả những người nuôi chim họa mi khác đều thấy những con chim mình nuôi không còn giá trị gì nữa. Con họa mi được ở trong một cái lồng sơn son, chạm trổ hết sức công phu. Con chim họa mi rất mến hai mẹ con em bé nhà nghèo. Nhất là mỗi khi thấy hai mẹ con bị đánh, bị chửi, họa mi cứ đứng im nhìn ra, đôi mắt nhỏ long lanh như muốn khóc và nhất định không chịu hót cho tên nhà giàu nghe nữa. Nhưng chính em bé nhà nghèo kia lại rất thích nghe họa mi hót. Vì vậy mỗi khi thấy chim lặng câm, em lại đến bên cái lồng son và nài nỉ:

– Họa mi ơi! Hót đi!

Họa mi lập tức hót ngay. Nó hót thật hay như để dùng tiếng hót của mình xóa hết nỗi đau của hai mẹ con em bé.

Một hôm, đi gánh cỏ về, em bé chợt nghe họa mi đang hót, giọng không vui. Em lại gần chim và hỏi:

– Sao họa mi buồn thế?

Họa mi nhìn ra xa một giây lâu rồi hót lại để đáp:

– Họa mi muốn ra khỏi lồng để hót với bạn bè ngoài kia. Mắt em bé sáng lên… Em lập tức mở lồng và bảo chim:

– Thế thì họa mi bay đi! Bay mau đi!

Họa mi nhìn em bé, chần chừ không chịu bay:

– Rồi nó đánh chị chết mất! Chết mất!

Em gái liền bảo:

– Nó không biết là tôi mở lồng đâu! Chim cứ bay đi!

Họa mi vẫn chần chừ.

Chợt có tiếng tên nhà giàu cưỡi ngựa ở ngoài cổng đi vào. Em bé liền thò tay vào lồng bắt lấy chim và mở tay ra cho chim bay đi. Họa mi đành bay vù đi ngả khác để cho tên nhà giàu không trông thấy.

Em bé đóng ngay cửa lồng và gánh gánh cỏ đi ra vườn sau.

Tên nhà giàu đi vào, mặt mày hớn hở lắm. Theo sau hắn là một tên nhà giàu ở làng bên. Tên này ngỏ ý muốn mua con chim quý với giá hai lông vàng mười. Em bé gái vừa gánh cỏ ra sau vườn vừa nghe ngóng.

Mẹ em bỗng ở trong nhà chạy ra, mặt tái nhợt:

– Mộc ơi! Con họa mi đâu không thấy nữa con?

– Con thả nó ra rồi! Bỗng có tiếng chim họa mi hót lên, giọng đầy lo lắng. Ở trên kia, tên chủ nhà, nghe tiếng chim của mình hót liền cười khoái chí, hắn nói với lão khách làng bên:

– Đấy! Tiếng con chim nhà tôi đấy! ông nghe chưa?

Người mẹ liền lôi nhanh con ra phía cổng sau rồi bảo:

– Trốn đi! Không thì chết mất! Trốn mau đi con ơi!

Em bé gái nghe lời mẹ chạy về phía rừng sâu…

Tên chủ nhà bây giờ mới đưa khách ra hiên để xem con chim quý. Hắn bỗng tái xám cả mặt mày khi thấy con chim quý đã biến mất. Hắn thét lên:

– Mộc!

Người mẹ em gái chạy lên.

– Thưa ông, ông gọi gì cháu ạ?

– Con họa mi đâu rồi?

Người mẹ run lẩy bẩy:

– Dạ thưa, tôi cho nó ăn, quên không khép cửa lồng lại nên nó…

Không để người mẹ đáng thương kịp nói hết lời, tên nhà giàu trợn mắt quát:

– Chết! Mất con chim này thì mày phải chết!

Nó quơ luôn cái mác dùng để săn thú xỉa luôn vào ngực người mẹ một cái. Người mẹ ngã xuống. Ngực bà bị lưỡi mác đâm vào, máu trào ra như suối.

Tên giết người liền sai đầy tớ đem giấu xác người mẹ vào xó tối để đêm đến mang ném lên rừng, hổ báo ăn cho mất tang.

Tên nhà giàu làng bên sợ liên lụy vội vàng lủi mất.

Tên giết người bỗng giật mình khi nghe tiếng con chim họa mi của chính hắn lại hót ngay trên nóc nhà hắn. Chao, tiếng hót của nó nghe mới lạ lùng làm sao! Nghe như thương, như khóc.

Tên nhà giàu vội chạy ra nhìn lên. Nhưng chim họa mi đã bay vù đi về phía ngả rừng.

Ở đấy, em bé gái chạy trốn cũng vừa kêu lên và gục xuống. Ngực em như cũng vừa bị mũi mác đâm vào và máu cũng trào ra như suối. Họa mi đáp xuống ở ngay bên cạnh và hót lên thảm thiết:

– Chị ơi! Ai ngờ nó ác thế! Ác thế!

Họa mi bỗng ngừng hót rồi bay về phía làng. Họa mi bay đáp xuống bên cái lồng cũ và hót lên réo rắt. Tên nhà giàu vội chạy ra và rình rình để chộp bắt lại con chim quý.

Họa mi chờ cho hắn đến gần mới bay đi ra đậu trên cành khế ngoài vườn. Tên nhà giàu đuổi theo. Họa mi lại bay khỏi vườn và đậu ngay trên cây duối thấp ở trước ngõ. Tên nhà giàu vẫn chạy đuổi theo. Hắn đuổi theo và họa mi cứ dần dần dẫn hắn chạy về phía ngả rừng.

Đến đây, họa mi đỗ ngay bên một bờ vực và càng hót lên những tiếng hót hay nhất của mình. Tên nhà giàu càng há vọng vì thấy chim đã có vẻ mỏi mệt, bay không được xa nữa…

Họa mi vẫn đỗ im chờ hắn đến thật gần. Họa mi làm ra vẻ như chỉ còn chờ hắn đến bắt lại mình thôi.

Tên nhà giàu càng mừng rỡ.

Không khéo phen này con chim quý mang mấy lông vàng của hắn mà bay mất. Hắn khom người, rón rén đến sát bờ vực. Họa mi cứ nhích dần ra sát đầu cành cây. Mặt tên nhà giàu đầm đìa mồ hôi. Hắn nín thở, bước tới thêm bước nữa rồi thình lình chồm người ra bắt con chim quý.

Hắn bỗng trượt chân và lăn tõm xuống vực. Đầu hắn bị đập vào một tảng đá lớn, vỡ ra. Vợ hắn nghe tiếng chồng kêu chạy đến, thấy vậy cũng khiếp sợ quá ngã lăn xuống và chết luôn.

Người trong làng hôm sau đem xác hai mẹ con bé Mộc chôn ở chân rừng. Ai cũng thương tiếc và ai cũng lạ lùng vì thấy hai mẹ con chết giống y như nhau, ngực cũng bị một vết thương đâm thủng vào đúng tim và bao nhiêu máu ở tim như đều chảy hết cả ra ngoài…

Quanh mộ của hai mẹ con bé Mộc ngày ngày vẫn có tiếng chim họa mi hót. Nhưng con chim quý đậu ở chỗ nào thì không ai hay.

Một hôm, một bà cụ già vốn có họ hàng với mẹ con bé Mộc bỗng tìm ra được chỗ chim đậu. Đó đúng là chỗ bé Mộc đã gục xuống chết và máu đã chảy thấm đỏ ra đất dưới chỗ em nằm.

Những khóm cây quanh đó, trước vốn chỉ có hoa, năm đó bỗng đơm quả rất sai.

Hình quả đó rất đáng yêu, và chỉ lớn hơn quả hồng bì một tí. Da nó vàng mát, cùi nó trong trong như ngọc và nhìn giống như hình quả tim bé nhỏ. Quả nào cũng mang một cái vết như dấu móng tay ai đó bấm vào.

Người quanh vùng bảo đó không phải là dấu móng tay mà là dấu cái mác của tên nhà giàu đã đâm trúng vào trái tim mẹ con bé Mộc. Và trái tim bé nhỏ của Mộc bị chảy hết máu đã hóa thành ngọc, hiện lên thành những quả cây kia.

Còn cái tên của nó là Loòng Boong thì đến nay không ôi còn nhớ rõ vì sao.

Câu chuyện “Sự tích quả Loòng Boong”
Phạm Hổ
Rút từ tập “Chuyện hoa, chuyện quả”, NXB Phụ nữ, 1995.

Sự tích quả Loòng Boong (Phạm Hổ)
Câu chuyện “Sự tích quả Loòng Boong”

Đôi nét về sự tích quả Loòng Boong

Quả Loòng Boong là một loại quả có màu vàng nhạt, ruột màu trắng gồm nhiều múi nhỏ, có vị ngọt mát và hơi thoáng một tí chua.

Quả Loòng Boong được trồng nhiều ở miền Trung nước ta, mỗi vùng miền lại đặt cho một tên gọi khác nhau, có nơi gọi là quả bòn bon, boòng boong, lòn bon, nam trân, hay phụng quân…

Bên cạnh câu chuyện “Sự tích quả Loòng Boong” của tác gải Phạm Hổ, loại quả này cũng thường được người dân Quảng Nam nhắc đến trong một truyền thuyết kể liên quan đến chúa Nguyễn. Thời vua Gia Long còn đang gây dựng cơ nghiệp, trong một lần bị nhà Tây Sơn rượt đuổi phải bỏ chạy vào vùng rừng núi hoang dã phía Tây thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Đang cơn đói khát, gặp rừng Loòng Boong, cả quân lẫn chúa đều hái lấy trái ăn, qua được cơn đói khát. Khi dựng được cơ nghiệp, vua Gia Long đã không quên hương vị thơm ngọt của thứ trái cây “cứu chúa” trong lúc nguy nan, bèn ban cho trái loòng boong xứ Quảng Nam cái tên đẹp là Nam Trân, tức quả quý như ngọc ở phương Nam.

Sự tích quả Loòng Boong (Phạm Hổ)
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới

Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé

Ngoài câu chuyện “Sự tích quả Loòng Boong” kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.vn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *