Truyện cổ tích “Sự tích Tết Trung thu”
“Sự tích Tết Trung thu” là câu chuyện cổ tích Việt Nam của tác giả Đỗ Kim Tỉnh, lí giải cho chúng ta biết về nguồn gốc ngày Tết của trẻ em.
Lưu ý: Nhan đề gốc của truyện là “Tết của trẻ em”. BBT Thế giới cổ tích thay đổi thành “Sự tích Tết Trung thu” để cho phù hợp hơn với nội dung câu chuyện.
1. Chuyện vợ chồng bác gà trống
Ngày xưa, lâu lắm rồi, khi đó giữa trời và đất mới chỉ có mặt trời mà chưa có mặt trăng, trên mặt đất muôn loài sống chung và cùng nói chung một thứ tiếng. Chẳng hạn buổi sớm, khi bác gà trống thức dậy và gọi các con “Cúc cù, cúc cù cu” thì mọi đều hiểu là “Sáng rồi, dậy đi thôi” và cả làng tục tục trở dậy cơm nước, chuẩn bị cho một ngày làm việc cần cù. Khi người lớn đã đi làm hết cả, lũ trẻ con – chó con, gà con, dê con, bê và nghé,…. í ới rủ nhau ra bãi cỏ đầu làng. Ở đó, cô giáo họa mi dạy chúng học bài và múa hát. Đến trưa, lũ trẻ lại líu ríu cùng nhau đem cơm ra đồng cho bố mẹ. Chúng chơi với nhau đến tận chiều, khi bố mẹ về mới chia tay nhau đứa nào về nhà nấy. Cuộc sống cứ thế êm ả trôi qua.
Nhưng có một hôm, vợ chồng bác gà to tiếng với nhau chỉ vì mỗi chuyện tẻo teo. Bác gà trống ngửi thấy mùi cơm khê, bảo vợ:
– Cơm lại khê rồi, bà này làm ăn chẳng bao giờ chú ý gì cả…
Bác gà mái cãi lại:
– Tôi vừa cơm nước, vừa tắm táp cho con, sao ông không đỡ tôi một tay?
Chỉ thế thôi, chưa ra là cãi nhau. Nhưng vừa lúc đó cô vịt bầu đi qua nghe thấy liền kể cho chó vàng nghe. Chó vàng mách lại với dê, dê nói với bò. Cứ thế cả làng rỉ tai nhau: vợ chồng nhà gà sắp bỏ nhau. Chuyện vòng vèo đến tai bác gà. Bác gà trống bực lắm. Bác đi đi lại lại, mào đỏ tía lên: “Hừm! Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay. Tất cả chỉ tại mọi loài có độc một thứ tiếng nói. Mình cứ nói điều gì lọt vách là chuyện đã như có cánh bay đi khắp làng!”. Bực tức, nóng nảy, bác gà trống quyết định lên kiện với Trời.
Hôm sau, từ sáng sớm, bác gà trống đeo một túi ngô nhằm hướng nhà Trời mà đi. Xế trưa thì tới nơi. Vừa gặp Trời bác liền tâu:
– Bầm Trời. Trời đã cho dưới mặt đất chúng con một cuộc sống yên bình, có làm có ăn, chúng con chẳng dám phàn nàn gì. Nhưng sao Trời lại hà tiện mà chỉ cho muôn loài dưới đất một thứ tiếng nói. Một người nói cả làng đều nghe được, thành ra lắm chuyện rắc rối, lôi thôi…
Bác gà trống kể lể chuyện đã làm phiền gia đình bác, rồi xin tâu:
– Để khỏi xảy ra những chuyện lớn hơn, xin Trời hãy cho mỗi loài một thứ tiếng. Gà nói gà hiểu, chó nói chó hiểu, vịt nói vịt hiểu. Như thế tiện lợi biết bao…
Trời nghe bác gà trống nói có lý, bên bảo:
– Nhà ngươi về đi. Ta sẽ cho các ngươi điều các ngươi xin.
2. Lời cầu xin thành sự thật
Bác gà trống mừng rỡ trở về. Đến cánh đồng đầu làng, bác gặp vợ chồng nhà bò đang cày ruộng. Bò cái nhanh nhảu chào: “Bác gà trống đi đâu về thế!”, nhưng tiếng bác phát ra “ò ..ò… ò…” nghe lạ hoắc. Bác gà trống hốt hoảng nhảy phắt sang lề đường, còn bò đực cứ nhe lợi ra mà cười. Vừa lúc đó cậu chó ở đâu chạy đến: “Ẳng ẳng ẳng”, cậu sủa lên một tràng dài, mặt mày hoan hỉ. Nhưng cả bò cái, bò đực lẫn gà trống ngơ ngác nhìn nhau chẳng hiểu gì cả. Thì ra bây giờ mỗi loài đã nói một thứ tiếng, con vật nào nói chỉ đồng loại chúng nghe được. Trời đã hóa phép ra như thế, đúng như lời xin của bác gà trống.
Từ hôm đó, tuy cùng một làng nhưng họ nhà gà, chó, mèo, ngan, vịt,… mỗi loài ở riêng một chòm; các con vật chỉ giao du với các đồng loại của mình. Kể ra thì cuộc sống cũng chẳng có gì thay đổi mấy đối với người lớn hình như còn có vẻ dễ chịu, đỡ những sự rắc rối hơn. Chỉ có bọn trẻ con là buồn. Buổi sớm lúc bố mẹ chúng đã đi làm, gà con, chó con, vịt con, v.v… chẳng biết làm gì. Chúng không thể đến lớp học vì không còn hiểu tiếng của nhau, không hiểu cả tiếng của cô giáo giảng bài. Buổi trưa, chúng lủi thủi mang cơm ra đồng cho bố mẹ, còn suốt buổi chiều chúng ru rú trong nhà. Bãi có đầu làng trở nên vắng teo, còn lũ trẻ con thì mặt đứa nào đứa nấy ỉu xìu như bánh đa gặp nước. Thấy con cái như thế, các bà mẹ hốt hoảng. Rồi không thấy bò cái, dê cái, gà mái,… ra đồng nữa. Các bà mẹ ở nhà dỗ con chăm con. Cuối cùng, cả bò đực, đê đực, gà trống,… cũng ở nhà. Chúng lo lắng, nghĩ ngợi và ân hận. Chẳng lẽ vì một chút quyền lợi ích kỷ của người lớn mà có thể quên đi niềm vui và hạnh phúc của trẻ thơ sao? Ân hận nhất là bác gà trống. Bác quyết định lại lên tâu xin với Trời.
Lần này, bác đi lúc đúng ngọ. Vừa đến nơi, gặp Trời, bác cúi rạp cái đầu có chiếc mũ màu đỏ thắm:
– Bẩm Trời, Trời đã cho chúng con mỗi loài một thứ tiếng, như thế thật là tiện lợi. Song lũ trẻ dại dột của chúng con, lũ gà con, vịt con, chó con, bê và nghé,… không chơi được với nhau nữa, chúng sinh ủ ê, ốm đau. Trẻ con không vui thì người lớn cũng sinh buồn chán, chẳng thiết làm ăn. Bây giờ dưới mặt đất, trong làng vắng tiếng trẻ cười, ngoài đồng cỏ cao hơn lúa…
– Vậy nhà ngươi muốn gì? – Trời cau có hỏi lại.
– Xin Trời cứ quở phạt con. – Bác gà trống càng cúi thấp cái đầu vốn kiêu hãnh: – Nhưng xin Trời hãy cho chúng con trở lại nói cùng một thứ tiếng.
Trời nhìn bác gà trống ái ngại, nhưng lắc dầu :
– Phép Trời đã ban ra, ta không thể thu lại được.
– Vậy Trời có cách nào nữa không ạ? – Bác gà trống nắm vạt áo Trời năn nỉ.
– Thôi ngươi về đi. – Ông Trời ngẫm nghĩ, thở dài rồi với tay lấy quả bưởi vàng trên mâm ngũ quả – Ta sẽ đền cho lũ trẻ ngốc nghếch nhà các ngươi trái bưởi này. Ngươi cứ về đi!
Bác gà trống không hiểu ông Trời định đền quả bưởi làm gì, song cũng đành thấp thỏm ra về. Hôm ấy, giữa đường bác gặp mưa nên chưa về đến nhà trời đã sụp tối. Bác gà trống bối rối dừng lại bên đường, vào lúc xâm xẩm thế này bác không thể đi lại được. Đang lúc tần ngần như thế thì bác thấy như trời… sáng ra. Thứ ánh sáng xanh, trong như nước, rất lạ lùng, khác hẳn ánh nắng mặt trời chói chang nóng bức ban ngày. Bác gà trống ngẩng nhìn trời: giữa không trung bao la thăm thắm, trái bưởi vàng của Trời đang lung linh tỏa sáng. Ngắm nhìn trái bưởi, tự nhiên bác gà trống thấy lòng tràn ngập một niềm vui khó tả. Và, may mắn làm sao, nhờ ánh sáng từ trái bưởi, bác không phải ngủ đỗ đọc đường.
1. Sự tích Tết Trung thu
Về tới đầu làng, bác gà trống sửng sốt vì bắt gặp một thứ tiếng động ồn ã rất lạ tai. Rồi cánh tượng bày ra trước mắt khiến bác phải giụi mắt mấy lần: trên bãi cỏ xanh rời rợi ánh sáng, lũ trẻ con, gà con, chó con, dê con, bê và nghé,… đang kề vai nhau mải mê nhảy múa. Chúng đập cánh, vỗ tay, giậm chân làm nhịp. Không cần nói chúng cũng hiểu nhau, và chúng giao hòa với nhau bằng ngôn ngữ của những tiếng vỗ tay, những bước nhân nhịp nhàng. Trái bưởi vàng trên trời vẫn lặng lẽ tỏa ánh sáng xanh dịu, thơm mát, và nghịch ngợm làm thành những cái bóng quấn quýt dưới chân lũ trẻ.
Từ đó, mặt trời chiếu sáng ban ngày cho người lớn làm việc, còn ban đêm, trái bưởi vàng lại hiện ra cho trẻ con chơi đùa. Để phân biệt mặt trời, người ta gọi đó là mặt trăng. Và ngày rằm tháng Tám, ngày bác gà trống lên trời, xin về được trái bưởi vàng trở thành ngày Tết Trung thu của các em. Vào ngày đó, mặt trăng bao giờ cũng thật tròn, thật đầy, thật sáng.
Câu chuyện “Sự tích Tết Trung thu”
Tác giả: Đỗ Kim Tỉnh
Truyện cổ tích “Sự tích Mặt Trăng và bánh Trung Thu”
Bên cạnh câu chuyện “sự tích Tết Trung thu” của tác giả Đỗ Kim Tỉnh, các bạn có thể xem thêm câu chuyện “Sự tích Mặt Trăng và bánh Trung Thu”. Đây là một truyện cổ tích kể về sự hi sinh cao cả của người mẹ hiền, đã giúp các con thân yêu của mình cùng toàn thể nhân loại thoát khỏi ánh nắng gay gắt từ Mặt Trời.
Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé
Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.
Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.vn.