Sư Tử xuất quân [Truyện ngụ ngôn La Phông-ten]

Truyện ngụ ngôn La Phông-ten: Sư Tử xuất quân

Sư Tử xuất quân là truyện ngụ ngôn La Phông-ten, được Nguyễn Minh dịch, đề cao vai trò của người lãnh đạo khi biết phát huy hết khả năng của từng cá nhân.

Sư Tử bàn chuyện xuất quân [1]
Muốn sao cho khắp thần dân [2] trổ tài
Nhỏ to, khoẻ yếu muôn loài
Ai ai cũng được tùy tài lập công:
Voi vận tải trên lưng quân bị [3]
Vào trận sao cho khoẻ như voi.
Công đồn [4], Gấu phải kịp thời,
Cáo nhiều mưu kế tính bài quân cơ [5].
Mẹo lừa địch, phải nhờ chú Khỉ…
Bỗng có người nảy ý tâu Vua:
“Người ta bảo ngốc như Lừa
Nhát như Thỏ Đế, xin chưa vội dùng.”
“Không! – Vua phán – Trẫm dùng cả chứ!
Loại họ ra, đội ngũ không yên
Anh Lừa lo chuyện gạo tiền
Giấy tờ Thỏ chạy giao liên [6] tài tình.”
Đã rằng khiển tướng, điều binh [7]
Nhìn người giao việc cho tinh mới tài.

Truyện ngụ ngôn La Phông-ten
Nguyễn Minh dịch

Chú thích trong truyện ngụ ngôn Sư Tử xuất quân của La Phông-ten

[1] Xuất quân: đưa quân đi đánh giặc.
[2] Thần dân: người dân ở nước có vua.
[3] Quân bị: các vật dụng dùng của quân đội.
[4] Công đồn: đánh đồn.
[5] Quân cơ: việc quan trọng, bí mật của quân đội.
[6] Giao liên: liên lạc.
[7] Khiển tướng, điều binh: chỉ huy quân đội.

Sư Tử xuất quân [Truyện ngụ ngôn La Phông-ten]

Một số bản dịch khác

Sư Tử xuất quân – Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Ấp ôm dự định trong lòng
Sư tử bèn họp hội đồng chiến tranh
Sai quân cảnh vòng quanh cáo thị
Để thần dân lĩnh ý của Ngài
Tham gia tuỳ sức tuỳ tài
Thảy đều nhất trí việc ai nấy làm
Đồ quân dụng kềnh càng cần thiết
Đã có voi thồ hết trên lưng
Khi cần chiến đấu như thường
Gấu sắp sẵn việc xung phong diệt thù
Cáo chuyên tính mưu mô hữu ích
Khỉ chú tâm dụ địch làm trò
Để cho chúng bị bất ngờ
Cuối cùng sót lại thỏ, lừa, hai anh
“Lừa thì nặng, thỏ toàn khiếp hãi
Dùng làm chi, xin hãy thải hồi
“Không đâu – Sư tử đáp lời –
Quân mình còn thiếu hai người này đây
Nghe lừa hí, địch đầy khiếp đảm
Tưởng kèn đồng sang sảng bên tai
Thỏ nhanh liên lạc đường dài
Chuyển thư cho trẫm còn ai hơn chàng”
Đấng quân vương khôn ngoan, minh triết
Có lương tri lại biết dùng người
Dù cho tài trí nhỏ nhoi
Cũng không bỏ sót hoặc coi là thừa.

Truyện ngụ ngôn La Phông-ten
Lê Trọng Bổng dịch

Sư Tử xuất quân – Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Trong đầu óc Hùng sư dự liệu
Cuộc chiến tranh nên triệu hội đồng
Hỏa bài gửi khắp tây đông
Truyền cho bách thú góp công tức thì.
Tùy khả năng tài nghề sẵn có
Voi lớn thì phải chở cung tên
Gấu thì cướp giáo xông lên
Cáo thì mưu quỷ, chước tiên liệu tường
Còn con khỉ dùng phương của khỉ
Để lừa người khả dĩ nên công.
Nghe Sư truyền dạy chưa xong
Bên lề đã kẻ tấn công con lừa:
– Lừa chậm nặng xin vua hãy loại
Còn thỏ kia thì lại bất tài
Tính chàng nhút nhát xưa nay
Dễ khiến quân sĩ lung lay tinh thần.
Sư vội đáp ta nên dùng cả
Nếu không thì sao đủ mặt cho
Lừa kia được cái tiếng to
Như kèn đồng rút, giặc co tinh thần
Còn thỏ nọ nhận phần tin tức
Bưu tín viên phóng bước thật dài.

Quốc vương ở chỗ cao ngôi
Tùy tài sử dụng, không người nào dư
Kẻ ý thức đều như thế cả
Mắt tinh tường biết giá từng người
“Dụng nhân, dụng mộc” nhớ lời.

Sư Tử xuất quân – Bản gốc của La Phông-ten

Le lion s’en allant en guerre

Le Lion dans sa tête avoit une entreprise.
Il tint conseil de guerre, envoya ses prévots,
Fit avertir les animaux ;
Tous furent du dessein, chacun selon sa guise :
L’éléphant devoit sur son dos
Porter l’attirail nécessaire,
Et combattre à son ordinaire ;
L’ours, s’apprêter pour les assauts ;
Le renard, ménager de secrètes pratiques ;
Et le singe, amuser l’ennemi par ses tours.
Renvoyez, dit quelqu’un, les ânes qui sont lourds,
Et les lièvres, sujets à des terreurs paniques.
Point du tout, dit le roi, je les veux employer :
Notre troupe sans eux ne seroit pas complète.
L’âne effraîra les gens, nous servant de trompette ;
Et le lièvre pourra nous servir de courrier.
Le monarque prudent et sage
De ses moindres sujets sait tirer quelque usage,
Et connoît les divers talents.
Il n’est rien d’inutile aux personnes de sens.

Câu hỏi thử thách các bạn nhỏ

  1. Sư tử muốn giao việc cho thần dân theo cách nào?
  2. Voi, Gấu, Cáo, Khỉ được giao những việc gì?
  3. Vì sao Sư Tử vẫn giao việc cho Lừa và Thỏ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *