Chuyện kể về Thiền sư Huyền Quang
Thiền sư Huyền Quang là câu chuyện cổ tích kể về ý chí vươn lên trong cuộc sống cũng như đạo hạnh đáng kính của một nhà sư trẻ tuổi thời vua Trần Anh Tông.
Câu chuyện này được nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và giới thiệu trong bộ “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” nổi tiếng của ông.
1. Huyền Quang từ bỏ nhân duyên
Vào thời nhà Trần có một người học trò trẻ tuổi ở xứ Bắc tên là Huyền Quang. Nhà chàng không đất cắm dùi [1] nhưng cha mẹ chàng thì cố công cố sức làm thuê làm mướn các nơi để nuôi con ăn học. Khi Huyền Quang đến tuổi lấy vợ, cha mẹ dạm [2] cho một cô gái, con một nhà khá giả [3] trong vùng.
Trải mấy năm trời, chàng đã từng sêu tết [4] và đi làm rể bên nhà vợ khá là vất vả. Cho đến ngày gia đình sắm lễ vật xin cưới thì đột nhiên bên nhà gái trở mặt, trả lễ lại và từ hôn. Huyền Quang lấy làm buồn lòng vì thói đời tráo trở, chàng càng đau khổ hơn khi thấy cô gái thuận lấy người cháu họ một viên an phủ sứ [5].
Sau đó, cha mẹ chàng lại tìm cho con một đám khác, nhưng cuộc nhân duyên lần này cũng dở dang, chỉ vì nhà gái chê nhà trai không có mả [6] làm nên, không phải là nơi nương tựa. Vì vậy cho đến năm hai mươi tuổi Huyền Quang vẫn một thân một mình.
Từ khi thất vọng về đường tình duyên, Huyền Quang lại càng bấm chí [7] về đường kinh sử. Năm hai mươi tuổi, chàng thi đậu ở trường thi quê nhà, rồi vào thi đình đậu luôn Trạng Nguyên.
Nghe tin Huyền Quang đậu Trạng Nguyên, có mấy tay phú hộ [8] ở quanh vùng bắn tin cho con gái đến tuổi lấy chồng kèm theo cả một tư cơ [9] đồ sộ. Một ông quan lớn ở kinh kỳ cũng mời quan tân khoa về thái ấp [10] mình để xem mặt cô con gái yêu tuổi vừa đôi tám. Tiếp đó, ngày chàng vào kinh bái mạng [11] để nhậm chức, một viên quan nội giám đến gặp riêng chàng và rỉ vào tai:
– Hoàng hậu đang kén phò mã cho công chúa ba đấy. Nếu quan Trạng muốn, thì việc tốt đẹp nhất định phải thành.
Thấy tính đời như vậy, Huyền Quang than:
– Khó khăn thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên.
Than đoạn, chàng nguyện sống suốt đời sẽ không lấy vợ. Thế rồi người ta thấy chàng nhất quyết từ chối mọi hứa hẹn tốt đẹp. Nhưng cuộc đời danh vọng của Huyền Quang cũng không làm chàng thấy vui lòng. Nhìn thấy những cảnh tượng xấu xa trong đám quan trường, chàng lại càng ghê tởm. Từ đấy Huyền Quang tỏ ra chán đời. Làm quan chưa được bao lâu, chàng đã đệ đơn lên vua xin từ chức để đi tu. Bấy giờ cha mẹ chàng đã nối gót nhau qua đời.
Vua không thể nào bắt ép chí của chàng được. Huyền Quang tu hành rất chăm chỉ. Chẳng bao lâu, chàng đã thông thuộc tất cả kho tàng kinh sách của nhà Phật. Rồi đó, nhờ có học vấn không ai bì kịp, Huyền Quang được nhà vua ban cho danh hiệu Quốc sư [12]. Vua còn cho chàng trông nom thư viện Trúc Lâm và cho trụ trì ở một ngôi chùa lớn cai quản hàng mấy nghìn tăng ni. Còn ít tuổi như chàng được trở thành một bậc giáo chủ [13], người đời bấy giờ coi là việc hiếm có.
2. Dùng mỹ nhân kế thử lòng Thiền sư Huyền Quang
Hồi bấy giờ vua Anh Tông [14] mới lên ngai vàng. Thấy vị tổ Trúc Lâm là một người còn ít tuổi, vua không tin là có thể chịu đựng nổi sự diệt dục khổ hạnh. “Cứ đưa đến một cô gái đẹp, nhất định thế nào thầy cũng sa ngã [15]“. Nghĩ vậy, vua có ý định thử xem đạo đức của vị tổ trẻ tuổi này như thế nào. Nhân mấy ngày hoàng hậu se mình [16], vua cho triệu tổ về kinh làm lễ cầu siêu [17]. Sau mấy đêm ngày, công việc cầu siêu đã xong, trước khi chàng trở về chùa, vua sai ban cho 10 lạng vàng để đền công khó nhọc. Huyền Quang không tiện chối từ đành phải cầm lấy, nhưng chàng đâu có ngờ rằng cái bẫy đã bắt đầu giương ra để đợi người nhẹ dạ.
Thế rồi sau đó ít lâu, vua cho một cung nữ nhan sắc xinh đẹp tên là Điểm Bích, tìm cách đến chùa, nơi Huyền Quang trụ trì, bảo phải quyến rũ cho bằng được. Vua còn dặn Điểm Bích phải làm sao lấy ở sư thầy ít nhất là một lạng vàng đưa về làm tang chứng.
Lại nói chuyện Huyền Quang hôm ấy nghỉ tại một thiền trai [18] cất trên một ngọn đồi cách viện Trúc Lâm chừng vài dặm [19]. Đây là một gian nhà nhỏ rất tĩnh mịch mà vua sai xây cho chàng để nghỉ ngơi sau những ngày giảng kinh mệt nhọc. Vào khoảng tắt mặt trời, chú tiểu đưa vào một cô gái vẻ mặt hốt hoảng nhợt nhạt, áo xống tơi tả.
– Bạch thầy, người này bị cướp đuổi vừa gọi cửa kêu cứu.
Đó là Điểm Bích, lúc này đã cải trang thành một cô gái quê mùa. Nàng khóc sướt mướt, một hai xin chùa cho ở trọ đêm nay. Nàng bịa ra câu chuyện bị côn đồ đuổi và phải chạy trốn vất vả như thế nào làm cho Huyền Quang không thể nào từ chối được. Cuối cùng theo lệnh của chàng, chú tiểu sắp xếp cho Điểm Bích một chỗ nghỉ ở phía ngoài thiền trai.
Sự việc vừa xảy ra làm cho Huyền Quang thấy trong lòng không được yên tĩnh. Chàng để cho chú tiểu đi nghỉ, rồi giở quyển kinh ra tụng niệm mãi tới khuya. Sắp sửa đặt lưng xuống giường, chàng bỗng nghe thấy tiếng rên rỉ của người đàn bà. Chàng lại phải đánh thức chú tiểu dậy xem thử như thế nào. Khi nghe nói người đàn bà muốn xin được vào nằm phía trong thiền trai, vì ở ngoài không ngăn được sự sợ hãi, Huyền Quang lấy làm bối rối. Nhà thì hẹp chỉ có ba gian, nhân thân chỉ có hai thầy trò; các tăng chúng đều ở xa không tiện gọi.
Suy nghĩ giây lát, Huyền Quang bất đắc dĩ cho người đàn bà vào ở chỗ tiếp khách, còn mình thì lui vào trai phòng khóa cửa lại. Nhưng vừa chợp mắt đi được một lúc, đã nghe tiếng rên rỉ ở phía ngoài. Chàng lại ngồi dậy cầm lấy tràng hạt và quyển kinh. Nhưng khi bước ra khỏi trai phòng, qua ánh đèn dầu le lói, chàng thấy người đàn bà nằm hở y phục trên bộ ván. Chàng bước vội trở vào và quyết định ngồi trên giường tụng niệm cho tới sáng để tránh sự cám dỗ. Không ngờ giữa lúc những tiếng tụng niệm vừa cất lên, thì Điểm Bích từ phòng ngoài đã chạy vào, sán lại ngồi bên cạnh chàng, nói những câu cảm ơn nhưng lại xen vào nhiều lời khêu gợi.
Biết người đàn bà này đến đây có mục đích không lương thiện, Huyền Quang liền nghiêm nét mặt lại:
– A di đà Phật. Nàng là ai? Tại sao lại tìm đường vào đây để quấy rối người tu hành? Nếu không mau mau cải tà quy chính, ta sẽ hô hoán lên cho mọi người đến cầm nã [20] dắt ra khỏi tu viện.
Thấy Huyền Quang không phải là hạng người dễ quyến rũ, Điểm Bích đành phải thay đổi thái độ. Nàng chuyển sang bộ mặt rầu rĩ và bịa ra câu chuyện để gợi lòng trắc ẩn [21].
– Thiếp vốn là con nhà thế phiệt [22]. Cha thiếp làm quan một huyện ở vùng biển. Mùa tháng Năm vừa rồi nhân đi thu thuế được ba nghìn quan [23], cho dân phu đài tải về kinh. Không ngờ bị bọn cướp đường đón lấy mất cả. Quan trên thương tình cho khất đến cuối năm. Hiện nay bố thiếp đã thu góp tư trang mới được chừng một nửa. Bởi vậy thiếp phải đi khắp đó đây xin các nhà từ thiện kẻ ít người nhiều để bù vào số thiếu. Hôm nay đánh bạo đến đây định xin hòa thượng rủ lòng thương xót quyên cấp cho ít nhiều. Nhưng thấy cảnh chùa tôn nghiêm, nếu nói thật chưa chắc đã được, vì vậy phải dùng mẹo nhỏ để gặp hòa thượng, sau đó mới tỏ bày mục đích. Dám xin hòa thượng mở lượng hải hà cứu vớt cha thiếp và cả nhà thiếp. Thiếp nguyện đưa thân nữ tì hầu hạ suốt đời.
Nghe nàng sụt sùi kể lể, Huyền Quang không ngăn được cảm động. Chàng vội trả lời:
– Nàng đừng có lo lắng gì cả. Ngày mai ta sẽ tiến triều [24], tâu với vua xin tha tội cho cha nàng.
Sợ Huyền Quang về triều thì việc của mình không đạt, Điểm Bích lại nói:
– Bạch hòa thượng, việc của cha thiếp còn may là chưa đến tai Thánh thượng. Hòa thượng về tâu giúp cho thật là công đức vô biên, nhưng thiếp không muốn vì việc nhà thiếp làm phiền hòa thượng phải xuống núi nhọc sức.
Huyền Quang sực nhớ tới mười nén vàng của vua còn bày ở trai phòng. Chàng vội lấy ra đưa cho người đàn bà mà rằng:
– Ta biếu nàng tất cả, nàng đưa về mà chuộc tội cho cha!
3. Cỗ mặn hóa thành chay, lòng ngay Phật độ
Lại nói chuyện khi trở về cung, Điểm Bích liền đưa nộp mười nén vàng và tâu đối với vua rằng mình đã cám dỗ đước con mồi. Để vua tin, nàng còn đọc lên một bài thơ yêu đương nói là của Huyền Quang đã ngâm tặng mình trước khi phá giới [25].
Vằng vặc trăng mai ánh nước,
Hiu hiu gió trúc ngâm sinh.
Người vừa tươi tốt, cảnh vừa lạ,
Mâu Thích Ca nào chẳng hữu tình.
Nghe xong câu chuyện và nhìn thấy mấy nén vàng, nhà vua thở dài hối hận:
– Chao ôi. Bậy quá! Ta đã làm hại một vị tu hành trẻ tuổi. Tự dưng vô cớ đi gài bẫy [26], nhất định con chim khó có thể tránh được. Biết làm thế nào bây giờ?
Nghe nói thế, một viên quan ghé vào tai vua hiến kế:
– Tâu bệ hạ, xin bệ hạ cho thiết lập một lễ cúng Phật dọn toàn cỗ mặn rồi mời thầy về làm lễ. Nếu quả là thầy còn trong sạch thì chư Phật sẽ độ cho cỗ mặn hóa thành chay, nhược bằng hư hỏng rồi thì chẳng bao giờ được độ [27].
Vua cho là phải, bèn hạ lệnh cho gọi Huyền Quang về triều để chàng làm một lễ chay trọng thể vào dịp rằng tháng Bảy sắp tới. Vua còn bắt quân hầu dựng một đàn tràng [28] nguy nga, các rạp đều trần trướng toàn bằng lụa hoàng quyến. Trái hẳn với tục lệ nhà chùa, hôm bước vào chính lễ, vua ra lệnh cho giết bò và lợn, dọn toàn cỗ mặn.
Khi sắp bước vào rạp. Huyền Quang biết nhà vua cố ý làm nhục mình. Các mâm cỗ mặn tanh tưởi bày trên đàn kia nếu không phải là một sự xỉ vả thì còn gì nữa. Lụa hoàng quyến nói lái lại rõ ràng ám chỉ hai tiếng “Huyền Quang”. Chàng bèn ngửa mặt lên trời lớn tiếng khấn:
– Kẻ đệ tử này nếu có điều gì bất chính, xin chư Phật cho đày xuống A tì địa ngục [29], còn nếu không, thì xin cho những cỗ mặn kia hóa thành chay tất cả!
Tự nhiên một trận gió mạnh nổi lên, cát bụi mù mịt, trời đất tối sầm cả lại. Một chốc gió tan, mọi người nhìn lên đàn tràng thì, lạ thay, tất cả các mâm cỗ mặn đều biến thành cỗ chay tinh khiết thơm tho, mọi mùi tanh tưởi đều đã bị quét sạch từ bao giờ. Huyền Quang thủng thỉnh bước lên đàn tràng giữa tiếng reo hò của chúng tăng và mọi người. Vua Anh Tông được tin, lập tức ra lệnh bắt Điểm Bích tra hỏi cho ra sự thật. Biết là bại lộ, người cung nữ ấy cúi đầu thú hết tội lỗi. Vua truyền bắt Điểm Bích bỏ ngục để chờ ngày phán xử, rồi xa giá [30] tới gặp Huyền Quang tạ lỗi. Câu nói đầu tiên của Huyền Quang là xin vua tha tội cho Điểm Bích.
Câu chuyện Thiền sư Huyền Quang
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
– TheGioiCoTich.Vn –
Chú thích trong câu chuyện Huyền Quang
- Không đất cắm dùi: không có một phần đất rất nhỏ để cư trú hoặc trồng trọt. Ý nói gia cảnh rất nghèo khó.
- Dạm: ướm hỏi trước khi chính thức làm lễ hỏi vợ.
- Khá giả: cuộc sống ở mức có tương đối đầy đủ những gì thuộc về yêu cầu của đời sống vật chất, ăn tiêu dư dả.
- Sêu tết: nhà trai đưa lễ vật đến biếu nhà gái trong những dịp lễ Tết, khi chưa cưới, theo tục lệ cũ.
- An phủ sứ: chức quan đứng đầu các lộ phủ thời Trần.
- Mả: khả năng làm được việc gì đó hay xảy ra việc gì đó, được coi là do tác động của thế đất nơi đặt mồ mả tổ tiên, theo mê tín.
- Bấm chí: quyết chí, cố giữ vững ý chí để làm việc gì đó.
- Phú hộ: nhà giàu có.
- Tư cơ: toàn bộ nói chung nhà cửa, ruộng đất và những tài sản khác đã gây dựng được.
- Thái ấp: phần ruộng đất của quan lại, quý tộc hay công thần thời phong kiến được nhà vua ban cho.
- Bái mạng: quan thời phong kiến vào triều đình lạy vua để đi nhận một chức vụ bằng cử chỉ lễ nghi tôn kính.
- Quốc sư: chức phong cho bề tôi tài giỏi.
- Giáo chủ: người đứng đầu một tôn giáo hay một giáo phái.
- Vua Anh Tông: tức vua Trần Anh Tông (1276-1320), vị vua thứ tư của nhà Trần. Ông là con của vua Trần Nhân Tông.
- Sa ngã: trở nên hư hỏng do không giữ được mình trước những sự cám dỗ của bản thân.
- Se mình: không được khoẻ trong người, muốn ốm (lối nói kiêng tránh).
- Cầu siêu: cầu xin cho linh hồn người chết được siêu thoát, theo đạo Phật. Ở đây có ý cầu cho hoàng hậu đươc bình an.
- Thiền trai: phòng ở của tăng ni.
- Dặm: đơn vị cũ đo độ dài, bằng 444,44 mét; thường dùng để tượng trưng cho quãng đường dài.
- Cầm nã: sử dụng tay không để khống chế, tấn công người khác.
- Trắc ẩn: thương xót một cách kín đáo trong lòng
- Thế phiệt: tầng lớp quý tộc, quan lại có thế lực lớn trong xã hội cũ.
- Quan: đơn vị tiền tệ cũ, thời phong kiến, bằng 10 tiền.
- Tiến triều: vào trầu vua.
- Phá giới: phá bỏ những điều ngăn cấm của giới luật mà bản thân đã tuân theo để làm theo sở thích của cá nhân mình (ở đây nói đến người tu hành theo đạo Phật).
- Gài bẫy: bày mưu kế kín đáo để làm hại.
- Độ: được Trời hay Phật cứu vớt và che chở.
- Đàn tràng: đàn dựng lên để làm lễ Phật (thường làm lễ giải oan)
- A tì địa ngục: theo thần thoại dân gian, địa ngục có 8 tầng. A tì địa ngục là tầng sâu nhất, còn gọi là địa ngục Vô gián. Tội nhân trong địa ngục này phải chịu những nỗi khổ không bao giờ gián đoạn, dừng lại, nên gọi là “vô gián”.
- Xa giá: xe của vua đi; cũng dùng để chỉ nhà vua khi đi lại bằng xe ở ngoài cung.
Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé
Ngoài câu chuyện Huyền Quang kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.
Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.Vn.