Truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem [bản dịch những năm 1980]

Câu chuyện cổ tích Cô bé Lọ Lem

Truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem là một trong những truyện cổ đặc sắc được trẻ em trên thế giới ưa thích nhất của nhà văn Pháp Perrault (thế kỉ 17), Thế giới cổ tích đã dành rất nhiều thời gian và công sức để tìm được bản dịch của Đỗ Quang Lưu. Đây là bản dịch giàu tính nhân văn nhất, gắn liền với tuổi thơ của các thế hệ 7x, 8x được Đỗ Quang Lưu kể lại.

Cô bé Lọ Lem hay còn gọi truyện Đôi giày thuỷ tinh (tiếng Anh: Cinderella, tiếng Pháp: Cendrillon) là câu chuyện cổ tích nói về một cô gái trẻ sống trong hoàn cảnh không may đã được hoàng tử cưới làm vợ. Đây là một kết thúc có hậu cho những người hiền lành, tốt bụng và giàu lòng khoan dung.

Có hàng ngàn phiên bản khác nhau của câu truyện này trên toàn thế giới. Một trong những phiên bản nổi tiếng nhất về cô bé Lọ Lem được viết bởi Charles Perrault năm 1697. Câu chuyện của ông phổ biến do mang tính nhân văn cao và có các tình tiết hấp dẫn ông thêm vào, bao gồm chiếc xe ngựa bí ngô, bà tiên và đặc biệt là đôi hài thuỷ tinh.

Một phiên bản khác cũng được biết đến rộng rãi được ghi lại bởi anh em nhà Grimm vào thế kỷ 19. Khác biệt là sự giúp đỡ không phải đến từ bà tiên trong truyện, mà là cây điều ước mọc ở trên mộ của mẹ Lọ Lem.

Câu chuyện đã được chuyển thể thành bộ phim hoạt hình cô bé Lọ Lem vào năm 1950 bởi hãng Walt Disney Pictures. Bộ phim rất thành công và đã nhanh chóng trở lên nổi tiếng trên toàn thế giới.

1. Ngày xưa, có một nhà giàu vợ chết sớm để lại cho ông một cô con gái độc nhất. Sau, ông ta cưới một bà vợ kế[1]. Bà này tính tình rất cay nghiệt và đanh ác. Bà ta cũng có hai cô con gái tính nết giống hệt mẹ. Còn cô con gái con bà vợ trước thì vừa đẹp người lại đẹp nết, tính tình hiền lành, tốt bụng chẳng khác gì mẹ cô hồi còn sống.

Vốn ghen ghét đứa con chồng nết na thùy mị được mọi người quý mến hơn hai cô con gái xấu người xấu nết của mình, bà ta bắt cô chị phải làm lụng vất vả suốt ngày để hầy hạ cả nhà: nào gánh nước, nấu ăn, rửa bát, nào lau cầu thang, quét dọn buồng riêng của bà và của hai cô em gái. Đã thế cô chị lại phải ngủ một mình trên gác xép[2] chứa đồ đạc tối tăm, bụi bậm. Còn hai cô em được ngủ trong một căn buồng sang trọng trên những chiếc giường nệm trắng tinh, có cả tủ gương bóng lộn.

Cô bé đáng thương đành kiên nhẫn chịu khổ không dám than thở nửa lời với bố vì ông ta bị bà vợ đánh đá hoàn toàn lấn át. Mỗi buổi tối làm xong mọi việc, cô thường ngồi nép mình ở một xó bếp nên bị tro than bám đầy người. Vì vậy, mọi người quen gọi cô là cô bé Lọ Lem.

2. Một hôm, có một hoàng tử[3] trẻ tuổi tổ chức một cuộc dạ hội[4] tưng bừng ở kinh đô[5]. Hai cô em gái của Lọ Lem cũng được mới đến dự vì chẳng gì hai cô cũng là con nhà danh giá trong vùng. Sau khi trang điểm phấn son và diện những bộ áo quần thật diêm dúa[6], hai cô bước lên xe đi dạ hội. Lọ Lem chỉ còn biết ngẩn ngơ nhìn theo hai cô em cho đến lúc xe đi mất hút. Sau đó cô chạy vào trong bếp ôm mặt khóc nức nở.

Bỗng nhiên, một bà tiên xinh đẹp, hiền hậu hiện ra hỏi vì sao cô khóc. Lọ Lem thổn thức không nói lên lời. Bà tiên hiểu ngay và hỏi:

– Cháu muốn đi dự dạ hội của hoàng tử có phải không?

– Dạ, thưa bà vâng ạ!

– Được rồi, cháu là cô gái ngoan ngoãn và thực đáng yêu! Bà sẽ sửa soạn cho cháu đi dự hội. Cháu hãy ra vườn hái cho bà một quả bí đỏ vào đây!

Cô bé Lọ Lem ra vườn hải quả bí đỏ[7] to nhất, đẹp nhất đem vào. Bà tiên bổ quả bí ra, nạo hết ruột đi và đập nhẹ chiếc đũa thần[8] vào quả bí, tức khắc một cỗ xe dát vàng[9] chói lọi hiện ra. Tiếp đó bà đến chỗ góc bếp xách cái bẫy chuột trong có sáu chú chuột nhắt đang mắc bẫy đem ra. Bà bảo Lọ Lem mở hé chiếc của bẫy và cứ mỗi chú chuột chạy ra bà lại dùng chiếc đũa thần đập nhẹ vào đầu biến chú ta thành một con ngựa bạch[10] cao lớn, đẹp đẽ; thế là có đủ một cỗ ngựa sáu con để kéo chiếc xe. Còn thiếu một chàng đánh xa, bà bảo Lọ Lem ra phía sau nhà xách nốt chiếc bẫy chuột cống vào. Bà bắt một chú chuột cống lớn nhất, dùng đũa thần biến chú ta thành một anh chàng đánh xe khỏe mạnh, bảnh trai[11] với bộ ria mép sang nhất trên đời.

Xong đâu đấy, bà quay lại nhìn Lọ Lem, rồi lấy đũa thần đập nhẹ vào bộ quần áo cũ rách, nhem nhuốc của cô đang mặc. Lập tức nó biến thành một bộ xiêm[12] áo cực kì lộng lẫy, lóng lánh đầy kim cương, vàng ngọc. Bà lại vẩy đũa một cái, đôi giày kim tuyến[13] nạm ngọc[14] xinh xắn hiện ra. Thế là mọi việc sửa soạn đã tươm tất.

3. Tiễn Lọ Lem đi, bà tiên căn dặn cô đừng đi quá mười hai giờ khuya, vì quá giờ đó cô sẵ gặp điều chẳng lành. Lọ Lem hứa sẽ nhớ lời bà dạn và cô hớn hở bước lên cỗ xe đưa thẳng cô đến kinh đô dự hội.

Cỗ xe ngựa cực kỳ sang trọng vừa đưa cô bé Lọ Lem tới trước cung vua[15], lính canh cổng vào báo, hoàng tử vội vàng chạy ra đưa tay đỡ cô thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần[16] bước xuống xe và dẫn nàng vào trong phòng dạ hội. Cả căn phòng rộng lớn choáng lộng ánh đèn ngũ sắc đang nhộn nhịp, tưng bừng trong các điệu khiêu vũ[17] bỗng im lặng như tờ. Mọi người ngẩn ra say sưa ngắm nghía nàng công chúa đẹp như tiên sa mà không ai biết họ tên. Hoàng tử mời thiếu nữ ngồi vào chỗ vinh dự nhất để cùng chàng thưởng thức mọi thứ hoa thơm quả quý nhất trên đời. Sau đó, hoàng tử mời nàng cùng khiêu vũ. Nàng nhảy rất duyên dáng và lịch sự, khiến mọi người lại càng hết lời ca tụng[18].

Lọ Lem dự dạ hội mãi đến mười hai giờ kém một khắc[19] mới lễ phép cáo từ[20] hoàng tử và rảo bước ra xe về nhà. Về đến nhà, cô xin phép bà tiên tối mai cho đi dự một buổi dạ hội nữa vì cô được hoàng tử khẩn khoản mời. Một lúc lâu sau, hai cô em mới về. Một cô khoe với Lọ Lem: “Nếu chị được đến dự dạ hội thì chị phải vui sướng biết chừng nào: có một nàng công chúa đẹp nhất trần gian đã đến dự hội đêm này!”.

4. Tối hôm sau, hai cô em lại đi dạ hội và cô bé Lọ Lem cũng đi. Đêm nay cô còn xinh đẹp, lộng lẫy hơn đêm trước bội phần. Còn hoàng tử thì cứ xoắn xít ở bên khiến cô mải vui đến nỗi quên cả lời bà tiên căn dặn. Lúc biết đã muộn giờ, cô mới hốt hoảng vội vã ra về, chạy nhanh như một con sóc. Hoàng tử hớt hải chạy theo nhưng không đuổi kịp. Trong lúc vội vã bỏ chạy, Lọ Lem để rớt lại một chiếc giày. Hoàng tử liền nhặt lấy đem về phòng dạ hội. Còn Lọ Lem vừa chạy vụt ra khỏi hoàng cung lên xe đi chừng nửa dặm[21] thì chuông đồng hồ lớn ở kinh đô điểm mười hai tiếng. Cỗ xe bỗng biến thành quả bí đỏ lăn lóc bên vệ đường. Đàn ngựa lại trở thành lũ chuột. Quần áo lộng lẫy lại hóa ra rách rưới lem luốc như cũ. Chỉ có mỗi một chiếc giầy bà tiên cho là vẫn còn nguyên. Cứ thế Lọ Lem chạy bở hơi tai về đến tận nhà.

Về phần hoàng tử, sau khi nhặt được chiếc giầy xinh đẹp, chàng chỉ ngẩn ngơ ngồi ngắm nghía chiếc giầy, để mặc khách khứa cứ việc vui chơi cho tới quá khuya.

5. Mấy ngày sau, chàng sai lính đi rao khắp nới loan báo[22] cả nước biết: cô gái nào ướm chân đi vừa chiếc giầy hoàng tử nhặt được thì sẽ được chàng cưới làm vợ. Các cô gái trong nước đủ các hạng người đều xin ướm thử: từ các thiếu nữ con nhà giàu sang đến con gái các quan lớn nhỏ ai cũng hi vọng được làm vợ hoàng tử, nhưng chẳng cô nào ướm vừa chiếc giầy nhỏ nhắn xinh xắn đó. Cả hai cô em Lọ Lem cũng đành buồn rầu, thất vọng.

Ông bố Lọ Lem ngắm nghía mãi chiếc giầy, chợt bảo cô bé Lọ Lem ướm thử xem sao thì quả nhiên chân nàng đặt vào chiếc giầy vừa vặn như khuôn đúc, và làm cho chiếc giầy đẹp lên bội phần. Mọi người càng sửng sốt hơn khi thấy Lọ Lem rút trong túi áo ra để xỏ thêm vào chân kia một chiếc giày thứ hai giống hệt chiếc giày ướm thử này.

Đúng lúc đõ, bà tiên hiền hậu chợt hiện ra cầm chiếc đũa thần đập nhẹ lên bộ quần áo xấu xí của Lọ Lem, quần áo của cô tức khắc lại biến thành lộng lẫy, khuôn mặt cô vụt trở nên tươi đẹp một cách kì lạ. Hai cô em liền nhận ra chị mình chính là nàng công chúa xinh đẹp, đáng yêu mà hai cô đã gặp ở dạ hội. Hai cô bỗng cảm thấy ăn năn, hối hận vô cùng về cách đối xử với chị từ trước tới nay.

6. Thế là hoàng tử cho xe đến rước Lọ Lem vào cung, và xin phéo vua cha tổ chức lễ cưới. Lọ Lem vốn là một cô gái xinh đẹp lại rộng lượng và thương người. Nàng cũng đón hai cô em vào cung và gả cho hai viên quan trẻ tuổi có tài cán của triều đình[23]. Từ đó, hai cô thay đổi hẳn tâm tính và trở nên nhân từ[24], tốt bụng như cô chị. Và cũng từ đó, chẳng ai còn gọi cô chị là cô bé Lọ Lem nữa.

Đỗ Quang Lưu kể
Phỏng theo truyện cổ Pe-rô (Perrault)

Cảm nhận về truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem

Cùng với truyện Cô bé quàng khăn đỏ, Cô bé Lọ Lem (Cinderella) cũng là một trong những truyện cổ đặc sắc được trẻ em ưa thích nhất của Pe-rô, nhà văn Pháp (thế kỉ 17) nổi tiếng trên thới giới với tập “Truyện thần tiên” của ông viết cho thiếu nhi.

Tương tự Truyện Tấm Cám của Việt Nam, truyện đã quan tâm tới số phận của những em bé đáng thương trong xã hội cũ, mặc dầu hiền lành, xinh đẹp, tốt bụng, chăm làm, nhưng thường phải chịu cái cảnh dì ghẻ, mẹ kế… hắt hủi tàn nhẫn, đối xử bất công; suốt đời các em sẽ phải sống cuộc đời cơ cực, tối tăm, nếu không có những bà tiên phúc hậu hoặc những ông bụt nhân từ luôn luôn đoái thương đến những số phận ấy… Đó cũng là ước mơ chung của người xưa bao giờ cũng muốn và tin tưởng ở một điều là: “Ở hiền gặp lành”, người lương thiện, nhân đức sẽ được cuộc sống sung sướng, hạnh phúc…

Truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem nói về cô gái đẹp người đẹp nết, hiền lành, tốt bụng, chăm làm. Suốt ngày cô phải làm lụng vất vả để hầu hạ cả nhà; quần áo rách rưới, lem luốc. Buổi tối làm xong mọi việc, cô thường phải nép mình ở một xó bếp, tro than bám đầy người. Ban đêm cô phải ngủ một mình ở gian gác xép chứa đồ đạc bụi bặm, tối tăm…

Cuộc sống bị hắt hủi và bản thân bị đối xử bất công như vậy, nhưng cô bé Lọ lem vẫn kiên nhẫn chịu đựng không dám than thở nửa lời với bố.

Chính vì Lọ Lem là một cô gái nết na, thùy mị “ngoan ngoãn và đáng yêu” như vậy, nên cô đã được bà tiên xinh đẹp, hiền hậu dùng phép lạ sửa soạn tươm tất cho đi dự dạ hội của hoàng tử.

Con người hiền lành thường cũng là con người tốt bụng. Con người bị hắt hủi tàn nhẫn và đối xử bất công lại cũng thường là con người giàu lòng nhân từ, sẵn lòng rộng lượng khoan dung cho chính ngay những kẻ đã từng đành hanh, ác nghiệt với mình một khi họ đã biết ăn năn, hối hận. Đó là cái đáng quý hơn nữa, cao thượng hơn nữa ở Lọ Lem, cô thiếu nữ nết na, xinh đẹp trở thành vợ của hoàng tử. Lọ Lem cũng muốn cho hai cô em cùng được hưởng cuộc sống sung sướng, hạnh phúc như mình.

Chú giải trong truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem

  1. Vợ kế: vợ cưới sau khi vợ trước qua đời.
  2. Gác xép: gác nhỏ và thấp mái thường dùng để chứ đồ đạc.
  3. Hoàng tử: con vua.
  4. Dạ hội: cuộc vui lớn tổ chức vào ban đêm.
  5. Kinh đô: thành phố trung tâm nơi vua chua ở trong thời phong kiến
  6. Diêm dúa: (nói về quần áo, trang sức) đẹp một cách lộng lẫy, sang trọng với nhiều chi tiết.
  7. Bí đỏ: thứ bí quả tròn, dẹt như cái rổ con, vỏ có khía dọc, khi chín già thịt màu vàng tươi, vỏ cứng màu vàng sẫm (còn gọi là bí ngô, bầu lào…).
  8. Đũa thần: chiếc đũa có phép lạ của tiên, bụt (theo trí tưởng tượng của người xưa).
  9. Dát vàng: đính vàng, đính ngọc vào cho sang trọng, đẹp đẽ.
  10. Ngựa bạch: ngựa có bộ lông màu trắng.
  11. Bảnh trai: trai trẻ lại ăn mặc đẹp.
  12. Xiêm: váy của phụ nữ nhà quyền quý thời phong kiến.
  13. Kim tuyến: chỉ bằng vàng.
  14. Nạm ngọc: đính những hạt ngọc vào cho đẹp đẽ, sang trọng.
  15. Cung vua: nơi ở của vua.
  16. Tuyệt trần: nhất ở trên đời, không có ai hơn.
  17. Khiêu vũ: nhảy với nhau theo điệu nhạc trong một cuộc vui (thường là nam và nữ).
  18. Ca tụng: tỏ lời khen ngợi một cách khâm phục.
  19. Khắc: một phần tư giờ, tức 15 phút (cách nói hồi xưa).
  20. Cáo từ: từ biệt bằng lời lẽ lịch sự.
  21. Dặm: quãng đường dài khoảng trên một nửa cây số (540m).
  22. Loan báo: truyền rộng tin cho mọi người đều biết.
  23. Triều đình: bộ máy chính quyền Trung ương do nhà vua đứng đầu chế độ phong kiến xưa kia.
  24. Nhân từ: giàu lòng yêu thương con người.

Câu hỏi gợi ý cho các bé trong truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem

  1. Cuộc sống của Lọ Lem với bà mẹ kế và hai cô em gái cùng cha khác mẹ ra sao?
  2. Bà tiên xinh đẹp, hiền hậu sửa soạn cho Lọ Lem đi dự dạ hội của hoàng tử như thế nào?
  3. Bà tiên tiễn đưa và căn dặn Lọ Lem điều gì lúc nàng đi dự dạ hội?
  4. Lọ Lem là cô gái như thế nào? Cuộc sống ra sao? Tại sai cô được bà tiên sửa soạn cho đi dự dạ hội của hoàng tử?
  5. Lọ Lem đến dự đêm dạ hội thứ nhất với hoàng tử ra sao?
  6. Lọ Lem đến dự đêm dạ hội thứ hai với hoàng tử kết quả như thế nào?
  7. Cô bé Lọ Lem có đứa tính gì đáng quý hơn nữa?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *