Truyện Từ Thức gặp tiên [Sự tích động Từ Thức]
Từ Thức gặp tiên là truyện truyền thuyết kế lại mối lương duyên giữa người trần với tiên nữ, và nguồn gốc sự tích động Từ Thức ở Thanh Hóa ngày nay.
1. Cuộc gặp gỡ bất ngờ
Vào đời nhà Trần, ở Châu Ái có một chàng trai trẻ tuổi tên là Từ Thức. Từ Thức mới hai mươi tuổi đã được bổ làm quan huyện. Nhưng vị quan huyên trẻ tuổi này lại không ham hố chốn quan trường, chàng chỉ thích ngâm thơ, vịnh nguyệt và đi ngao du đây đó.
Tháng Giêng năm ấy có hội hoa Mẫu đơn, Từ Thức một mình đi vãn cảnh chùa như những trai làng đi trẩy hội.
Vừa vào đến cổng chùa, Từ Thức đã nhìn thấy một cô gái xiêm áo lụa là đang bị trói buộc ở một gốc cây. Từ Thức hỏi ra mới biết, cô gái đó đã nhỡ tay làm gãy một cành hoa và bị làng phạt vạ. Vì không có tiền đền làng nên cô gái bị trói ở đó.
Từ Thức cởi tấm áo lương mới, đưa cho bọn tuần canh bán lấy tiền để nộp phạt cho cô gái. Cô gái rất cảm động. Trước khi chia tay, nàng nói:
– Nhà thiếp ở cửa biển ngoài Châu Ái. Khi nào có dịp, mời chàng đến chơi.
Từ hôm đó, Từ Thức ngày đêm mơ tưởng đến cô gái gặp trọng hội hoa Mẫu đơn. Chàng cất công tìm kiếm khắp nơi.
2. Từ Thức gặp tiên
Một hôm, Từ Thức một mình dạo chơi quanh một dãy núi ngoài của biển Thần Phù. Đang đi, bỗng chàng nhìn thấy một cái hang, chàng liền ghé thử vào xem sao. Bước qua của hang, Từ Thức nhìn thấy một lối đi rộng thênh thang. Trước mắt chàng là một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ.
Từ Thức còn chưa hết ngạc nhiên, thì từ trong lâu đài một cô gái bước tới. Đó chính là cô gái trong hội hoa năm nào. Cô gái nói:
– Thiếp là Giáng Hương, vốn là tiên nữ trên trời. Từ khi chia tay ở hội hoa, thiếp ngày đêm mong ngóng cuộc hội ngộ này.
Giáng Hương mời Từ Thức ở lại chơi. Thấm thoát đã ba năm trôi qua, nỗi nhớ quê nhà lúc nào cũng canh cánh trong lòng Từ Thức. Chàng quyết định trở về thăm quê. Giáng Hương khóc và nói:
– Thiếp không hẹp hòi mà ngăn trở ý định của chàng. Nhưng vì ở trần gian, tháng ngày ngắn ngủi, sợ chàng về sẽ không còn được như trước nữa.
Từ Thức vẫn một mực không nghe. Giáng Hương phải chuẩn bị một cỗ xe mây đưa Từ Thức trở về nhà. Lúc chia tay, nàng chỉ biết cúi đầu, rơi nước mắt.
3. Sự tích động Từ Thức
Chiếc xe mây đưa Từ Thức trở về bến sông đầu làng. Chàng ngạc nhiên thấy cảnh quê nay đã đổi khác. Chàng hỏi thăm nhà, kể tên bố mẹ nhưng không ai biết cả. Mãi sau chàng mới gặp một ông lão trong xóm chống gậy đi ra. Ông lão suy nghĩ một lúc, rồi nói:
– Khi còn nhỏ, lão nghe nói có cụ tổ bốn đời tên là Từ Thức, nhưng đi chơi bị lạc vào trong núi không thấy về. Chuyện đó xảy ra cách đây đã gần ba trăm năm rồi.
Lúc này, Từ Thức mới nhớ đến lời Giáng Hương nói trước lúc chia tay. Thì ra ba năm ở trên trời bằng với ba trăm năm dưới hạ giới.
Từ Thức thất vọng nhìn ra. Chiếc xe mây đã biến mất từ lúc nào. Chàng ra cửa biển Thần Phù, tìm đường vào hang, nhưng đường vào hang cũng không còn nữa.
Từ đó, không ai nhìn thấy Từ Thức đâu nữa. Quả nói ở cửa biển Thần Phù và hang động vẫn còn ở đó. Người ta đặt tên cho hang động đó là động Từ Thức.
Truyện Từ Thức gặp tiên [Sự tích động Từ Thức]
– TheGioiCoTich.Vn –
Thắc mắc trong truyện truyền thuyết động Từ Thức
Từ Thức gặp tiên ở chùa nào?
Từ Thức người Tống Sơn, nay là Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá làm tri huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh dưới thời vua Trần Thuận Tông. Ông có sở thích hay đi ngao du, xem phong cảnh đẹp và làm thơ.
Theo truyền thuyết, cạnh huyện nhà ông có một ngôi chùa danh tiếng, trong chùa trồng một cây mẫu đơn lớn, đến kỳ hoa nở thì người các nơi đến xem đông rộn rịp, thành một đám hội xem hoa tưng bừng. Đây là địa điểm mà Từ Thức gặp được tiên. Vì thế, một số ý kiến cho rằng ngôi chùa này chính là chùa Phật Tích.
Động Từ Thức ở đâu?
Động Từ Thức còn gọi là Động Bích Đào, là một hệ thống hang động núi đá vôi với nhiều nhũ đá được gắn liền với truyện truyền thuyết Việt Nam Từ Thức gặp tiên kể trên. Động nằm trên dãy núi Tam Điệp, thuộc địa bàn xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Động Từ Thức còn được nhiều tao nhân, mặc khách thăm viếng và ngợi ca là “Nam thiên đệ thất động” (nghĩa là hang động đẹp thứ bảy dưới trời Nam).
Thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn khi vãn cảnh động Từ Thức đã đề tặng bài thơ tạc vào núi đá ngay cửa động, bài thơ được Nhân Phủ dịch lại như sau:
Thần tiên vẫn bảo chuyện mơ màng,
Động Bích Đào kia cỏ mọc hoang.
Trời bể tìm tòi, mê huyện Thức!
Nước mây chờ đợi, mệt nàng Hương!
Vang om thạch động trăng gần sáng,
Nhạt nhẽo diêm điền muối đẵm sương,
Giấc mộng Thiên Thai mong mỏi mãi,
Ai hay cũng chỉ hí du trường!
Năm 1992, động Từ Thức đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia.