Câu chuyện Vụ án cũ để lại
Vụ án cũ để lại là câu chuyện cổ Trung Quốc, ngụ ý đả kích và lên án hạng người chuyên xu nịnh kẻ cường quyền, gây ra những mối họa khôn lường cho xã hội.
1. Quan Thái sư Lục Tam Công
Đời Hạ Uy Vương có quan Thái sư [1] Lục Tam Công là người hay làm thơ. Thơ ông thảng hoặc [2] cũng có bài nghe được, nhưng nói chung không lấy gì làm đặc sắc cho lắm. Quan Thái sư cũng tự biết vậy nên chỉ khiêm nhường coi mình như một nhà “chính sự” có sở thích làm thơ, chứ không hề tự cho mình là một “thi gia”, càng không nghĩ mình có thể trở thành một thi gia nổi tiếng khắp thiên hạ.
Nhưng sự đời lại thường có điều trái khoáy. Có lắm kẻ đã tìm thấy ở chuyện ham làm thơ của Lục tướng công cái cơ hội hiếm có để tiến thân, thậm chỉ để mưu… “nghiệp” lớn. Và cũng lạ lùng thay, như những thầy phù thủy cao tay, chẳng bao lâu họ đã tạo ra được ở quan Thái sư cái huyễn tưởng [3] như Ngài đã trở thành một “thi gia” kiệt xuất, thậm chí có thể sánh với các bậc thi hào thời trước như Khuất Nguyên, Đào Tiềm,… chẳng hạn.
2. Thưởng nguyệt bình thơ trong đêm Nguyên tiêu
Xung quanh câu chuyện thơ phú của quan Thái sư Lục Tam Công thời ấy, đến nay trong dân gian vẫn còn lưu truyền một giai thoại [4] khá lí thú. Chuyện kể như sau:
Vào cái đêm Nguyên tiêu [5] năm ấy, theo lệ thường, quan Thái sư cùng năm viên quan trợ lí kéo nhau ra huê viên [6] sau dinh thất của Ngài để cùng thưởng nguyệt [7] và bình thơ. Sau một hồi mượn chén đưa lời cùng nhau vui say ngâm ngợi dưới bóng trăng Nguyên tiêu vời vợi. Lục tướng công muốn biết ý kiến riêng của từng vị trợ lí về bài thơ Ngài mới khai bút [8].
Chẳng để quan Thái sư phải hỏi tới lần thứ hai, quan trợ lí thứ nhất sốt sắng đáp:
– Dám bẩm Tướng công, bài thơ khai bút của Ngài quả thật là một thiên… tuyệt bút!
Quan trợ lí thứ hai cũng không kém phần hăng hái:
– Dám bẩm Tướng công, bài thơ khai bút của Ngài quả thật là một áng thơ… tuyệt tác!
Quan trợ lí thứ ba muốn tỏ rõ nhiệt tình của mình ở mức cao hơn:
– Dám bẩm Tướng công, bài thơ khai bút của Ngài phải nói là một thi phẩm… tuyệt diệu!
Quan trợ lí thứ tư lo hết phần mình cũng vội nhiệt liệt tán dương:
– Dám bẩm Tướng công, bài thơ khai bút của Ngài phải được đánh giá là một công trình nghệ thuật… tuyệt vời mới đúng!
Thế là hết cả bốn cái “tuyệt” trong ngôn ngữ bình phẩm văn chương! Đến lượt quan trợ lí thứ năm, ông ta cảm thấy bối rối quá, chợt buột miệng kêu lên:
– Dạ… dạ… dám bẩm Tướng công, bài thơ khai bút của Ngài quả thật là một thiên… “tuyệt tự” [9]… Một thiên “tuyệt tự” ạ!
Té ra, ông ta bí chữ quá đâm nói lẫn. Chả là ông ta luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chuyện đã ngoại ngũ tuần [10] mà Trời vẫn chưa ban cho được một “cậu ấm” [11] để nối dõi.
Về phần quan Thái sư thì lại tưởng viên quan thuộc cấp của mình dùng phép “lộng ngữ” [12] để cố tình mạn thượng [13]. Ngài bỗng sững người, mặt mày tái nhợt. Rồi Ngài chợt cười khanh khách:
– Chà chà! Thơ khai bút của ta mà ông dám phỉ báng cho nó… “tuyệt tự” thì… hậu thế còn kiếm đâu ra được cái đáng gọi là “thơ” nữa?… Thôi được, ngay từ ngày mai, ta sẽ ban cho ông cái án chung thân [14], để ông vào trong ngục mà “tuyệt tự” ở đó luôn thể! Ông đã hiểu ý ta chưa?
Quả nhiên, ngay sau đêm Nguyên tiêu hôm ấy, tức sáng ngày 16 tháng Giêng năm Uy Vương thứ hai mươi bảy, bản án của quan Thái sư Lục Tam Công đã được thực thi.
Người đời sau, khi kể lại câu chuyện này thì cho rằng: Lẽ ra, cả năm Ngài trợ lí của quan Thái sư đều đáng được hưởng cái án “tuyệt tự” trong đêm Nguyên tiêu năm đó mới phải. Song, đáng tiếc rằng cho đến các đời sau, vụ án ấy vẫn chưa bao giờ được xử lí cho trọn vẹn, bởi vậy nó vẫn còn để lại mối họa không nhỏ cho hậu thế!
Câu chuyện Vụ án cũ để lại – Truyện cổ Trung Quốc
Nguồn: Truyện đọc cấp 1, trang 72, tập 4, NXB Giáo dục – 1988
– TheGioiCoTich.Vn –
Chú thích trong câu chuyện Vụ án cũ để lại
[1] Thái sư: chức quan to bậc nhất nhì trong triều đình phong kiến thời xưa.[2] Thảng hoặc: chỉ thỉnh thoảng, hoạ hoằn lắm (mới có, mới xảy ra).
[3] Huyễn tưởng: cảm tưởng lầm lẫn do chủ quan, mù quáng.
[4] Giai thoại: câu chuyện vui thú vị.
[5] Nguyên tiêu: đêm Rằm tháng Giêng (đêm trăng đẹp nhất trong năm).
[6] Huê viên: (từ cổ) vườn hoa.
[7] Thưởng nguyệt: thưởng thức trăng đẹp.
[8] Khai bút: viết bài (thơ, văn) đầu tiên vào dịp đầu năm.
[9] Tuyệt tự: không có con trai nối dõi (một điều bất hạnh lớn theo niệm phong kiến). Cũng có thể hiểu theo nghĩa: hết chữ (tuyệt: hết, tự: chữ).
[10] Ngoại ngũ tuần: ngoài 50 tuổi.
[11] Cậu ấm: con trai nhà quan (thời xưa).
[12] Lộng ngữ: phép bỡn chữ (chơi chữ).
[13] Mạn thượng: vô lễ, xúc phạm người trên.
[14] Chung thân: án ngồi tù cho đến hết đời.