Câu chuyện Sự tích bà chúa Bèo
Sự tích bà chúa Bèo là truyện cổ tích Việt Nam kể về nguồn gốc của cây Bèo Hoa Dâu và đề cao vai trò lao động sáng tạo, cải tạo thiên nhiên của người xưa.
1. Tâm trạng xót thương của cô gái khi thấy những cây lúa nghẹn đòng
Không biết cô ngồi ở bờ ruộng từ bao lâu rồi, đang lặng nhìn những cây lúa nghẹn đòng [1] ở ruộng nhà. Cô thương cho lúa và lo cho gia đình mình. Năm nay mất mùa thì lại bữa cơm, bữa cháo.
Cô nhìn cả cánh đồng làng rộng thẳng cánh cò bay [2]. Đất bạc màu [3], lúa ốm yếu, xanh một màu vàng vọt. Cô thương cho lúa và lo cho cả làng. Năm nay mất mùa thì lại có người chết đói.
Cô ôm mặt khóc. Bỗng Bụt [4] hiện ra sáng lóa. Bụt hỏi:
– Tại sao con khóc?
Cô bé vừa mếu máo vừa nói:
– Con khóc vì thương cây lúa nghẹn đòng.
– Nhưng nước mắt của con có làm cho cây lúa trổ bông, sây hạt [5] được đâu?
Nghe Bụt nói thế, cô bé khóc to hơn. Bụt lại hỏi:
– Con có muốn cứu lúa không?
– Dạ, có.
– Muốn cứu lúa, con phải đưa cho ta một vật gì mà con quý nhất.
2. Chấp nhận lời nguyền của dòng họ để cứu lúa
Cô bé nhìn áo mình thì áo nâu vá, sờ vào túi thì túi nhẵn không, nhòm vào giỏ thì giỏ có mấy con cưa vừa mới bắt được. Nhưng sực nhớ đến đôi hoa tai [6] bằng ngọc quý, cô vội gỡ ra, rồi hai tay dâng lên cho Bụt:
– Thưa Bụt, con chỉ có đôi bông tai hoa dâu này. Đây là của quý mà mẹ con trước khi chết đã trao lại. Mẹ con dặn rằng: Bông hoa tai ngọc hình hoa dâu là của quý của dòng họ ta,
Nói đến nây, cô bé ngừng lại. Bụt giục nói tiếp. Cô bé nhìn đôi hoa tai ngọc lóng lánh.
– Mẹ con còn bảo: Dòng họ có lời nguyền [7]: Hễ ai được đeo hoa tai mà làm mất hoặc đem bán đi, thì người đó suốt đời sẽ bị dòng họ xa lánh, hắt hủi, suốt đời sẽ sống một cuộc sống lẻ loi, buồn tủi.
– Con đưa cho ta vật quý, con không sợ bị trừng phạt sao?
Nhìn ruộng lúa nhà mình, nhìn cánh đồng làng, cô bé mạnh dạn thưa:
– Để cứu lúa, con xin chịu trừng phạt.
Cô bé quỳ xuống, hai tay dâng đôi hoa tai lên cho Bụt. Bụt nâng cô bé dậy. Bụt chỉ vào một cánh ruộng nước rồi bảo:
– Con hãy ném đôi hoa tai bằng ngọc quý xuống ruộng kia!
3. Cô gái làm theo lời Bụt dặn, ra sức nhân Bèo Hoa Dâu cứu lúa
Cô bé làm theo lời Bụt. Lạ chưa, bông hoa tai sáng rực lên một màu xanh, rồi tắt và chìm xuống nước, sau nổi lên một cây bèo giống hình hoa dâu, hệt như hoa tai của cô bé.
Bụt bảo:
– Con hãy nhân cây bèo lên hàng triệu triệu cây và bón cho lúa. Lúa sẽ xanh, hết nghẹn đòng, sây hạt nặng bông. Con hãy xuống ruộng, đụng vào cây bèo đi. Khi nào con làm cho cánh đồng làng này xanh tốt, dòng họ sẽ rút lời nguyền đi cho con.
Nói dứt lời, Bụt biến mất. Cô bé xuống ruộng, đụng vào cây bèo xanh mượt. Hễ đụng vào một cây, nó hóa thành hai, hễ đụng vào hai cây, nó hóa thành bốn, hễ đụng vào bốn cây, chúng hóa thành tám. Thoạt đầu, cô lấy một ngón tay đụng vào bèo, dần dần lấy cả năm ngón tay, rồi cả bàn tay nhân bèo. Cô mải mê nhân bèo đến chiều tối, bèo đã xanh kín cả ruộng. Hôm sau, cô lại đem một ít bèo sang ruộng bên cạnh và nhân bèo cho xanh kín ruộng.
Những cây lúa ở ruộng nào có Bèo Hoa Dâu, như được bón phân thần [8], xanh tốt, mập khỏe hẳn lên. Dân làng thấy thê ai cũng mừng rỡ và cùng cô bé nhân bèo. Chẳng bao lâu, cả cánh đồng ruộng mênh mông đều được mặc một lượt áo lót Bèo Hoa Dâu xanh mượt.
4. Dòng họ thương yêu, dân làng đời đời nhớ ơn cô gái và sự tích bà chúa Bèo
Mùa năm ấy, lúa chín vàng trĩu hạt. Dân làng chung quanh thấy bón Bèo Hoa Dâu lúa tốt, cũng đến mua giống bèo. Bèo Hoa Dâu dần dần mọc lan rộng ra nhiều làng, nhiều huyện.
Một hôm, bố nhìn hai tai cô bé và hỏi:
– Đôi hoa tai ngọc của con đâu rồi?
Cô bé cúi đầu ngập ngừng rồi kể hết cho bố nghe câu chuyện ngồi khóc thương lúa và gặp Bụt.
Bố cảm động, ôm con vào lòng và nói:
– Bụt nói đúng. Dòng họ, dân làng nhờ con một phần mà ấm no. Dòng họ, dân làng sẽ thương yêu con mãi mãi. Lời nguyền được rút. Ngày nay, dòng họ ta không phải chỉ có một đôi hoa tai làm đẹp cho một người, mà có hàng triệu triệu hoa tai làm ấm no cho mọi người.
Người ta kể lại rằng: sau khi chết, để tỏ lòng nhớ thương cô đã vứt cả đôi hoa tai bằng ngọc quý xuống ruộng cứu lúa và ra sức nhân bèo đem lại ấm no cho mọi người, dân làng La Vân, tỉnh Thái Bình đã gọi cô là bà chúa Bèo.
Truyện Sổ tích bà chúa Bèo
Nguồn: Kể chuyện 2, trang 115, NXB Giáo dục – 1982
– TheGioiCoTich.Vn –
Chú giải trong truyện Sự tích bà chúa Bèo
[1] Nghẹn đòng: bông lúa non còn ở trong bẹ (đòng đòng), do thiếu chất nuôi dưỡng nên không nở ra được, không lớn lên được (nghẹn).[2] Thẳng cánh cò bay: (rộng) mênh mông, bát ngát, cò bay mỏi cánh vẫn chưa hết.
[3] Bạc màu: (đất) hết chất nuôi dưỡng cây trồng.
[4] Bụt: cũng như Tiên, là những vị thần có đủ các phép lạ do người xưa tưởng tượng ra qua các truyện cổ tích, thường hay hiện ra để cứu giúp những người lương thiện nghèo khổ hoặc gặp hoạn nạn, và trừng trị những kẻ gian ác, bất lương.
[5] Sây hạt: sai hạt, ra nhiều hạt (sây: sai).
[6] Hoa tai: đồ trang sức của phụ nữ đẻo ở tai, thường bằng vàng bạc, có nạm kim cương hoặc ngọc quý.
[7] Lời nguyền: lời thề độc địa cầu mong cho ai gặp điều chẳng lành.
[8] Phân thần: ý nói phân được phép lạ của thần làm cho tốt lên bội phần.
Cảm nhận về câu chuyện Sự tích bà chúa Bèo
Truyện mang màu sắc của một truyền thuyết, kể về sự tích bà chúa Bèo, đồng thời cũng là sự tích về cây Bèo Hoa Dâu nổi tiếng ở nước ta lâu nay trong kĩ thuật làm phân xanh bón cho cây lúa – loại cây lương thực chủ yếu của nhân dân ta.
Bằng một loạt hình tượng sinh động, gợi cảm – cô gái khóc thương bông lúa nghẹn đòng, Bụt hiện lên, đôi hoa tai ngọc của cô gái chìm xuống ruộng nước, cây Bèo Hoa Dâu xanh mượt hiện ra sinh sôi nảy nở xanh kín ruộng đồng, bèo xanh tới đâu lúa tốt tới đó, rồi lúa chín vàng trĩu hạt, dân làng ấm no, đời đời nhớ ơn cô gái – truyện ngụ ý đề cao vai trò lao động sáng tạo của con người có khả năng khai thác và cải tạo thiên nhiên một cách có hiệu quả nhằm đảm bảo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đôi nét về Bèo Hoa Dâu
Bèo Hoa Dâu có danh pháp khoa học là Azollaceae. Đây là loài thực vật sống trên mặt nước của các ao, hồ, ruộng, v.v… có lá nhỏ hình xuyến màu xanh lá cây. Rễ của Bèo Hoa Dâu luôn ngâm trong nước. Chúng cộng sinh với vi khuẩn lam để chuyển hóa nitơ từ không khí.
Bèo Hoa Dâu ở một số nơi được dùng làm thức ăn cho lợn. Nhờ khả năng chuyển hóa nitơ, Bèo Hoa Dâu đã tạo nên một cách mạng nông nghiệp cho trồng lúa nước ở châu Á. Khi ruộng lúa ngập nước, Bèo Hoa Dâu được phát triển để thu nitơ. Khi ruộng lúa cạn, bèo chết để lại nguồn phân đạm tự nhiên (là loại phân xanh).
Đây là loài thực vật đầu tiên được con người mang vào không gian do anh hùng Phạm Tuân đem theo để thí nghiệm khi lên vũ trụ.