Tác phẩm Gió lạnh đầu mùa – Thạch Lam
Gió lạnh đầu mùa – Thạch Lam là tác phẩm truyện ngắn được in trong tập Gió đầu mùa năm 1937, ấm áp tình yêu thương hồn nhiên, trong sáng của những đứa trẻ.
Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến không báo cho biết trước. Vừa mới ngày hôm qua trời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng, và làm giòn khô những chiếc lá rơi; Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi.
Thế mà qua một đêm mưa rào [1], trời bỗng đổi ra gió bấc [2], rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, nhưng khôg bước xuống giường ngay như mọi khi, còn ngồi thu tay vào trong bọc, bên cạnh đứa em bé vẫn nắm tay ngủ kỹ. Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò [3] để pha nước chè uống. Sơn nhận thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi.
Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại [4] vì rét.
Sơn cũng thấy lạnh, vội vơ lấy cái chăn trùm lên đầu rồi cất tiếng gọi. Mẹ Sơn nghe thấy, đặt chén nước chè xuống, bảo chị Lan:
– Con vào buồng lấy thúng áo ra, mẹ mặc cho em, đi.
Rồi quay lại bảo Sơn:
– Con sang đây mà ngồi cho ấm. Bước khéo để cho em bé ngủ.
Sơn kéo chăn lên đắp cho em, rồi co ro đứng dậy sang phản bên này, ngồi xếp bằng bên khay nước. Mẹ Sơn rót cho một chén. Sơn cầm lấy chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm rồi để mắt vào miệng chén cho hơi bốc lên. Bà Sơn thường vẫn bảo làm thế cho tỉnh mắt.
Người vú già [5] xù xù cái áo bông cánh [6] rách, xách siêu nước từ dưới nhà lên, vừa xuýt xoa vừa nói:
– Rét quá, múc nước cóng cả tay.
Vú giơ tay hơ trên hỏa lò. Mẹ Sơn hỏi:
– Năm nay rét sớm hơn mọi năm vú nhỉ?
Người vú già ra vẻ nhớ lại, đáp:
– Cũng chả bằng cái năm mợ đi cân gạo [7] bên Sông. Gớm, mới rét làm sao! Sáng tôi dậy bà sai đi chợ, cứ run lên cầm cập.
Sơn cũng nhớ cái rét năm ấy rõ rệt lắm, như mới đây thôi, buổi sớm hôm ấy, mẹ Sơn cũng ngồi uống nước chè như sáng hôm nay và cũng lấy áo rét ra mặc. Chị Lan từ trong buồng đi ra, khệ nệ ôm cái thúng quần áo đặt lên đầu phản. Mẹ Sơn đặt cái vỉ buồm [8], lục đống quần áo rét. Sơn nhận ra cũng những cái áo Sơn đã mặc năm ngoái, năm kia, một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm với một cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Sơn cầm giơ những cái áo lên, thấy mát lạnh cả tay. Từ bộ quần áo thoảng ra hơi mốc của vải gấp lâu trong hòm, làm Sơn nhớ lại những buổi đầu mùa rét từ bao giờ, lâu lắm, ngày Sơn còn nhỏ.
Mẹ Sơn giơ lên một cái áo bông cánh đã cũ nhưng còn lành lặn, nói:
– Đây là cái áo của cô Duyên đây.
Duyên là đứa em gái bé của Sơn, chết từ năm lên bốn tuổi. Mẹ Sơn nhắc đến làm Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá. Vú già là người đã nuôi Duyên từ lúc mới đẻ, với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ:
– Giá bây giờ em nó có còn cũng chả mặc được.
Mẹ Sơn yên lặng không nói gì. Nhưng đến lúc nói với Sơn lại để mặc áo, Sơn thấy mẹhơi rơm rớm nước mắt.
Sơn đã mặc xong áo ấm áp, cả cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm. Sơn đứng trên giường trước mặt mẹ, đã quay đi quay lại bốn lần để mẹ Sơn ngắm áo.
Sau cùng, mẹ Sơn vuốt các tà áo cho phẳng phiu, rồi đẩy Sơn ra, bảo:
– Thôi, con đi chơi.
Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi. Nhà Sơn ở quay lưng vào chợ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo khổ mà Sơn quen biết cả, vì họ vẫn vào vay mượn ở nhà Sơn. Sơn biết lũ trẻ con các gia đình ấy chắc bây giờ đương đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo.
Không phải ngày phiên, nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa Sơn thấy rõ như ở gần. Mặt đất răn lại và nức nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên tanh tanh dưới nhịp guốc của hai chị em.
Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. Chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy, tuy Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kì [9] và khinh khỉnh [10] như các em họ của Sơn.
Thằng Cúc, con Xuân, con Tí, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn. Sơn nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi, mỗi cơn gió đến, chúng nó lại run lên, hai hàm răng đập vào nhau.
Thằng Xuân đến mó vào chiếc áo của Sơn, nó chưa thấy cái áo như thế bao giờ. Sơn lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem. Một đứa tắc lưỡi, nói:
– Cái áo này mặc thì nóng lắm. Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít, chúng mày nhỉ.
Đứa khác nói:
– Ngày trước thầy tao cũng có một cái áo như thế, về sau bán cho ông Lí mất.
Con Túc ngây ngô giương đôi mắt lên hỏi Sơn:
– Cái này cậu mua tận Hà Nội phải không?
Sơn ưỡn ngực đáp:
– Hà Nội, chứ ở đây làm gì có. Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một cái áo nhiều tiền hơn nữa kia.
Chị Lan bỗng giơ tay vẫy một con bé, từ nãy vẫn đứng dựa vào cột quán, gọi:
– Sao không lại đây, Hiên? Lại đây chơi với tôi.
Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước đến gần, trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi:
– Sao áo của mày rách thế Hiên, áo lành đâu không mặc?
Con bé bịu xịu [11] nói:
– Hết áo rồi, chỉ còn cái này.
– Sao không bảo u mày may cho?
Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:
– Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.
– Ừ, khá đấy. Để chị về lấy.
Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.
Nhưng cái vui của Sơn không được bao lâu. Bữa cơm về tới nhà, Sơn không thấy mẹ đâu cả, hỏi vú già:
– Mợ tôi đi đâu hở vú?
– Chị Lan và cậu cứ ăn cơm trước đi. Mợ cậu ăn cỗ đến trưa mới về.
Rồi vú già nhìn rõ vào mặt Sơn, hỏi:
– Có phải cậu đem cho con Hiên cái áo bông cũ phải không?
Sơn ngạc nhiên đáp:
– Phải, nhưng sao vú biết?
– Con Sinh nó nói với tôi đấy (Sinh là đứa em họ Sơn, vẫn hay nói hỗn với vú già, nên vú ấy ghét). Nó lại còn bảo hễ mợ về, nó sẽ sang mách với mợ cho cậu phải đòn.
Sơn lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy, van:
– Thế bây giờ làm thế nào, hở vú? Mợ tôi biết thì chết.
– Ai bảo cậu dại dột đem cho nó áo? Bây giờ cậu sang bảo cái Hiên trả lại thì không việc gì.
Sơn vội vàng đi ra chợ tìm Hiên nhưng không thấy con bé ở đó. Đến nhà cũng không thấy ai, mẹ nó cũng không có nhà. Hai chị em lo sợ, đi ra cánh đồng tìm cũng không gặp. Gần đến buổi chiều, Sơn và chị chưa đòi được áo.
Lan trách em:
– Sao em lại nghĩ đem cho nó áo ấy, có phải bây giờ mẹ mắng chết không.
– Ai bảo chị về lấy? Nếu chị không về lấy thì em biết đâu.
Chị Lan đấu dịu:
– Thôi, bây giờ phải về nhà vậy, chứ biết làm thế nào.
– Nhưng mà em sợ lắm.
Chị Lan thở dài, nắm chặt lấy tay em, an ủi:
– Đằng nào cũng phải về cơ mà. May ra có lẽ mẹ không mắng đâu.
Hai chị em lo lắng dắt nhau lẻn về nhà. Đến cửa Sơn nghe thấy tiếng mẹ nói ở trong với tiếng một người đàn bà khác nữa, nghe quen quen. Lan dắt tay Sơn khép nép [12] bước vào: Hai chị em ngạc nhiên đứng sững ra khi thấy mẹ con Hiên đang ngồi ở cái ghế con, trên đất trước mặt mẹ, tay cầm cái áo bông cũ.
Thấy hai con về, mẹ Sơn ngửng lên nhìn rồi nghiêm nghị bảo:
– Kìa, hai cô cậu đã về kia. Thế áo bông của tôi đâu mà tự tiện đem cho đấy?
Sơn sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị. Bác Hiên vừa cười vừa nói:
– Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông, tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ. Thôi, bây giờ xin phép mợ tôi về.
Mẹ Sơn hỏi:
– Con Hiên không có cái áo à?
– Bẩm nhà cháu độ này khổ lắm, Chẳng để dành được đồng nào may áo cho con cả. Thành thử vẫn cái áo từ năm ngoái nó mặc mãi.
Mẹ Sơn với cái âu đồng [13], lấy tiền đưa cho bác Hiên:
– Đây tôi cho bác mượn năm hào cầm về mà may áo cho con.
Khi bác Hiên bước ra khỏi cửa, mẹ Sơn vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm ôm vào lòng mà bảo :
– Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?
Tác phẩm truyện ngắn Gió Lạnh đầu mùa – Thạch Lam
Nguồn: Văn học 8, tập 1, trang 56, NXB Giáo dục – 2001
Chú giải trong tác phẩm truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam
[1] Mưa rào: mưa hạt to và nhiều nhưng mau tạnh.[2] Gió bấc: gió mùa lạnh ở miền Bắc, thổi từ hướng đông bắc.
[3] Hỏa lò: lò than nhỏ.
[4] Sắt lại: khô se, rắn lại.
[5] Vú già (từ cũ): người đàn bà đã nhiều tuổi đi ở.
[6] Áo cánh: áo ngắn, cổ đứng hoặc viền, xẻ tà, thường có hai túi dưới. Áo bông cánh: áo bông ngắn.
[7] Cân gạo: ở đây có nghĩa là đông gạo (để buôn).
[8] Vỉ buồm: tấm cói đan dùng để đậy (hoặc lót) thúng, rổ.
[9] Kiêu kì: làm ra vẻ trên người, khác người.
[10] Khinh khỉnh: tỏ vẻ khinh miệt, không thèm để ý đến người khác.
[11] Bịu xịu (từ nay ít dùng): vẻ mặt, cách nói năng có ý hờn tủi.
[12] Khép nép: dáng điệu thu người nhỏ lại, thường vì kính sợ.
[13] Âu đồng: cái âu (đồ dùng miệng rộng, thành hơi phình ra, thường để đựng trầu cau) bằng đồng. Âu cũng có thể bằng sành, sứ, thường để đựng cơm, thức ăn.
Thạch Lam – tác giả truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa
Thạch Lam (1910 – 1942), tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân, sinh ở Hà Nội, sống và sáng tác chủ yếu ở Hà Nội. Thạch Lam có sở trường về truyện ngắn; truyện ngắn Thạch Lam giàu chất thơ và thấm đượm niềm cảm thương chân thành đối với những kiếp người bất hạnh.
Tác phẩm chính: các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942); tập tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường (1943); tập tiểu luận, phê bình văn học Theo dòng (1941).
Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa được in trong tập Gió đầu mùa (1937).