Bà chúa Thượng Ngàn [Truyện truyền thuyết Việt Nam]

Câu chuyện Bà chúa Thượng Ngàn

Bà chúa Thượng Ngàn là truyện truyền thuyết Việt Nam, kể về sự tích Công chúa Thượng Ngàn cũng như vai trò của bà trong đời sống văn hóa tín ngưỡng dân tộc.

1. La Bình công chúa

Sau khi được kết hôn với nàng công chúa con vua Hùng Vương và đánh đuổi được Thủy Tinh, thần núi Tản Viên Sơn Tinh sống với vợ là Mị Nương một cuộc sống rất êm đềm hạnh phúc. Hai vợ chồng sinh được một con trai đặt tên là Mai và một người con gái đặt tên là La Bình.

La Bình là một người con gái tuyệt sắc, có nhiều tài nghệ. Nàng thường theo cha là thần Tản Viên đi khắp các núi non, hang động. Đi đến đâu nàng cũng quyến luyến với phong cảnh, làm bạn với hươu nai, cây cỏ. Các vị sơn thần ở các núi non đều quý mến nàng và thường được nàng hỗ trợ, giúp đỡ. Ngọc Hoàng hay tin như vậy rất khen ngợi hai vợ chồng thần Tản Viên và Mị Nương, rồi phong cho nàng La Bình làm Công chúa Thượng Ngàn, cai quản tất cả 81 cửa rừng cõi Nam Giao.

Trở thành bà chúa của rừng xanh, thần nữ La Bình luôn chăm chỉ, làm hết sức cho tròn trách nhiệm của mình. Nữ thần dạy cho các loại muông thú, chim chóc cách sinh sống, leo trèo, múa hát, trừng phạt những loài ác thú gây hại cho các sinh vật và thưởng cho những giống vật có công. Nữ thần cũng rất chú ý đến giang sơn nước Việt. Bà đã hai lần hiển linh, báo mộng cho tướng sĩ nhà Lý đánh thắng giặc Tống và tướng sĩ nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Các triều đại này đều có sắc phong tặng để tạ ơn nữ thần.

Bà chúa Thượng Ngàn [Truyện truyền thuyết Việt Nam]
Truyện Bà chúa Thượng Ngàn

2. Công đức của Bà chúa Thượng Ngàn

Có một lần, vào hồi khởi nghĩa Lam Sơn, quân ta vừa mới nhóm lên, lực lượng đang yếu, Bình định vương Lê Lợi đem thủ hạ về đóng đồn ở sách Phản Ấn. Bà chúa Thượng Ngàn đã tới báo mộng, khuyên nghĩa quân nên rút lui ngay vì ở đó địa hình bất lợi. Bình định vương đang dùng dằng chưa kịp quyết định thì quả nhiên giặc Minh đã biết, chúng đón đường và đánh úp quân ta. Nghĩa quân không chống cự nổi, tan tác mỗi người một nơi. Lê Lợi và Nguyễn Trãi phải lần mò trong đêm tối, tìm cách thoát khỏi nanh vuốt của giặc.

Bà chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thành một bó đuốc soi đường, dẫn cho vua tôi Lê Lợi vào được đến đất Mường Yên, không bị rơi vào tay giặc. Đêm ấy, mưu sĩ của nghĩa quân là Nguyễn Trãi còn được nữ thần bày cho kế sách giữ gìn căn cứ ở núi Chí Linh. Nguyễn Trãi đêm sự việc tâu trình lên với Lê Lợi. Quả nhiên, bị quân Minh dẹp ba bốn lần, quân ta vẫn rút về Chí Linh bảo toàn được lực lượng.

Bà chúa Thượng Ngàn còn rất thương yêu dân chúng. Những người phải vượt những suối khe rừng núi thường được bà che chở cho chân cứng đá mềm. Vì vậy, dân chúng không chỉ gọi là thần, là chúa mà đều tôn làm mẹ. Sắc phong các triều đại tôn là công chúa, nhưng nhân dân cứ tôn là bà Mẫu và gọi một cách cung kính là Đức Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Họ thờ bà ở khắp hang động núi non, và cả ở các điện thờ tại các gia đình. Một trong những ngôi đền lớn nhất thờ đức Mẫu Thượng Ngàn là đền Bắc Lộ, nằm trên tuyến đường xe lửa từ Bắc Giang đi Lạng Sơn.

Truyện truyền thuyết Bà chúa Thượng Ngàn
– TheGioiCoTich.Vn –

Đền Bà chúa Thượng Ngàn ở đâu?

Thờ Mẫu là 1 tín ngưỡng dân gian trong đời sống văn hóa của người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người (như trời, đất, sông nước, rừng núi..) hay thờ những thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh.

Đền Bà chúa Thượng Ngàn có ở nhiều nơi, nhưng có ba nơi thờ phụng chính, gồm:

  1. Đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
  2. Đền Bắc Lệ, xã Bắc Lệ, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
  3. Đền Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *