Bác sĩ Sói [câu chuyện dùng mưu lại mắc mẹo]

Giới thiệu câu chuyện Bác sĩ Sói

Bác sĩ Sói là câu chuyện ngụ ngôn nói về cuộc đấu trí và đấu sức giữa Sói và Ngựa. Ngựa thông minh hơn đã “tương kế tựu kế” để trị tội con Sói gian ác.

Câu chuyện này được viết phỏng theo của La Phông-ten, một đại thi hào nổi tiếng về thơ ngụ ngôn trong nền văn học cổ điển Pháp thế kỉ 17. Thơ ngụ ngôn của La Phông-ten thường có một lối kết cấu độc đáo, hấp dẫn, giàu tính kịch và một ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng mà sâu sắc, nhiều khi kín đáo và bất ngờ.

Truyện có giá trị như một màn kịch nhỏ khá linh hoạt về cuộc đấu trí và đấu sức giữa một bên là Sói – tiêu biểu cho loại người gian ác, xảo quyệt và một bên là Ngựa – tiêu biểu cho loại người lương thiện và khôn ngoan. Sói định dùng mưu để lừa ăn thịt Ngựa, nhưng không ngờ lại bị ngựa khôn khéo đưa sói vào tròng để trị tội sói một cách đáng đời. Thật đúng với câu “Dùng mưu lại mắc mẹo”.

Nội dung câu chuyện Bác sĩ Sói như sau:

Bác sĩ Sói [câu chuyện dùng mưu lại mắc mẹo]
Truyện ngụ ngôn Bác sĩ Sói

1. Sói[1] kiếm mồi trong rừng, chợt nhìn thấy một chú ngựa đang ăn ngoài đồng cỏ. Chú ngựa béo tốt quá, mà không có ai trông cả. Mõm chú không có cương, cổ chú không có dây buộc.

Sói thèm rỏ nước dãi, nhưng nghĩ bụng: không có người giữ thì hay lắm, nhưng cũng không có dây buộc, giữa đồng trống, nó thấy mình nó chạy thì khó lòng đuổi kịp. Có đuổi kịp thì nó to khỏe thế ấy, đánh với nó dễ cũng hết hơi. Nhỡ giằng co lâu, chủ nó biết, chạy ra thì sao.

Bác sĩ Sói [câu chuyện dùng mưu lại mắc mẹo]
Tranh minh họa Bác sĩ Sói

2. Suy nghĩ mãi, Sói tìm ra một kế và đắc ý[2] cười thầm.

Nó đi tìm một cái kính đeo lên mắt, một ống nghe[3] cắp vào cổ, choàng một áo khoác trắng và chụp lên đầu một mũ vải trắng có thêu chữ thập đỏ[4]. Nó ra khỏi rừng, khoan thai tiến về phía ngựa.

Chú ngựa bình tĩnh đề phòng: Chú biết nếu cuống lên thì chắc chết. Chú chờ xem Sói giở trò gì, chú sẽ phi ngược phí rừng, vừa phi vừa hí, thôn xóm ở phía ấy, người và chó sẽ đổ ra tiếp cứu chú.

Tiến được một quãng, Sói lấy giọng hiền lành nói:

– Bên xóm mời ta khám bệnh, ta đi đây. Nào lừa, ngựa, bò, dê, ai có bệnh ta khám hộ cho rồi sẽ đi, hãy còn sớm.

Bác sĩ Sói [câu chuyện dùng mưu lại mắc mẹo]
Câu chuyện Bác sĩ Sói

3. Ngựa lễ phép:

– A! Xin chào ngài bác sĩ. Cháu đau lắm, ngài làm ơn khám và chữa giúp, tốn bao nhiêu cháu sẽ xin tiền chủ trả hầu ngài.

– Chà! Chà! Chữa làm phúc[5], tiền với nong gì! Đau thế nào? Đau ở đâu? Lại đây xem thử.

– Ối! Ối! Cựa một cái là nó đau thấy trời! Phiền ngài lại phía sau cháu cúi xuống mà xem. Đau ở chân sau, chân phải, chắc là giẫm phải gai.

Sói mừng rơn, mon men lại phía sau chú ngựa. Nó vờ cúi cúi nhìn thực ra đang lừa thế[6] để chồm lên cắn đùi ngựa cho bại liệt[7] hết chạy.

Chú ngựa nhón nhón chân, vờ rên rỉ: “Chao ôi! Đấy, đấy, ở lòng bàn chân, ngài xem kỹ cho!”

Bác sĩ Sói [câu chuyện dùng mưu lại mắc mẹo]
Truyện Bác sĩ Sói

Khi thấy vừa tâm, ngựa tung vó[8] đá một cái trời giáng khiến Sói bật ngửa người bốn cẳng bơi bơi giữa trời. Kính vỡ, mũ văng xa, vành móng sắt va đúng mõm làm gãy mấy chiếc răng và đổ máu mồm, máu mũi. Ngựa nhảy ra xa đứng hí dài.

Sói gượng dậy lê lết về phía rừng. Nhưng không kịp rồi. Mấy con chó chạy trước một đoàn người theo sau mang giáo mác, kết liễu đời con thú ác.

Huỳnh Lý kể
Phỏng theo La Phông-ten

Chú thích trong câu chuyện Bác sĩ Sói

  1. Sói: (tức chó sói) loài thú dữ thuộc họ chó, sống ở rừng, thường giết hại các súc vật.
  2. Đắc ý: lấy làm thích thú về ý của mình nghĩ ra được.
  3. Ống nghe: đồ dùng của thầy thuốc dùng để nghe tim, nghe phổi… đoán bệnh cho người ốm.
  4. Chữ thập đỏ: dấu hiệu của ngành y tế nói chung, của các thầy thuốc nói riêng, gồm một nét sổ dọc và một nét ngang chồng lên nhau màu đỏ.
  5. Làm phúc: làm ơn
  6. Lừa thế: tìm thế thuận lợi, tìm chỗ đứng (hoặc cách đứng) thuận lợi để thực hiện được ý định.
  7. Bại liệt: bị tê liệt, không cử động được.
  8. Vó: bàn chân ngựa (hay trâu, bò).

Câu hỏi gợi ý cho bé trong câu chuyện Bác sĩ Sói

  1. Sói gặp ngựa ở đâu và có mưu mô gì?
  2. Sói làm cách gì để đánh lừa ngựa?
  3. Ngựa cảnh giác đề phòng như thế nào?
  4. Sói giả bộ tuyên bố điều gì để lấy lòng tin của ngựa?
  5. Sói đã mắc mưu ngựa như thế nào?
  6. Cuối cùng, số phận Sói ra sao?
[alert style=”success”]➤ Xem ngay những câu chuyện ngụ ngôn ý nghĩa TẠI ĐÂY![/alert]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *