Bài thơ chị Võ Thị Sáu [Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn]

Bài thơ chị Võ Thị Sáu hay truyền thuyết trên đảo Côn Sơn

Bài thơ chị Võ Thị Sáu khá nổi tiếng với nhiều người, nhưng không phải ai cũng biết tên thật của bài thơ này này là Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn.

Sách giao khoa Tiếng Việt lớp 2 (cũ) của NXB Giáo dục từng trích khổ đầu của bài thơ này vào trong chương trình giảng dạy nhiều năm liền nên bài thơ khá phổ biến với mọi người.

Bài thơ được nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sáng tác năm 1976, bản đầy đủ như sau:


Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Đi giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười
Ngắt một đoá hoa tươi
Chị cài lên mái tóc
Đầu ngẩng cao bất khuất
Ngay trong phút hy sinh
Bây giờ dưới gốc dương
Chị nằm nghe biển hát.

Đó là câu chuyện thực
Về người nữ anh hùng
Nhưng ở đảo Côn Sơn
Từ buổi mai chị ngã
Đã có bao câu chuyện
Về chị Sáu linh thiêng
Những truyền thuyết không tên
Cứ lan dần như sóng.

Bài thơ chị Võ Thị Sáu [Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn]
Hình ảnh bài thơ chị Võ Thị Sáu

Đảo Côn Sơn – địa ngục
Chị Sáu hoá thiên thần
Trừng trị lũ ác ôn
Cứu giúp người lương thiện.

Qua bao mùa gió chướng
Trong bão tố tù đày
Mộ chị Sáu hương bay
Cả bốn mùa không tắt.

Và trái cây thơm mát
Cũng theo mùa dâng lên
Tạ lỗi khi sai lầm
Kêu cầu khi gặp nạn
Chị Sáu thành người bạn
Sống giữa lòng nhân dân.

Ngay cả lũ ác ôn
Mỗi khi qua mộ chị
Cũng cúi đầu lặng lẽ
Trước chị Sáu anh linh
Người con gái hiên ngang
Chúng mãi còn khiếp sợ.

Tôi quỳ bên ngôi mộ
Dâng đoá hoa trắng trong.
Trời cao xanh mênh mông
Biển rộng xa xao động…
Chị Sáu nằm thanh thản
Hàng dương nghe gió rung
Và bao chuyện lạ lùng
Trong lòng tôi tha thiết
Bỗng như là có thật
Sống mãi cùng thời gian.

Bàn tay ai vuốt tóc
Trên vai tôi dịu dàng.

Côn Đảo, 04-1976
Sáng tác: Phan Thị Thanh Nhàn

Nhân vật trong bài thơ chị Võ Thị Sáu

Nhân vật chính trong tác phẩm là chị Võ Thị Sáu (1922 – 1952), sinh ra trong một gia đình nghèo tại Đất Đỏ, Bà Rịa, Vũng Tàu.

Bài thơ chị Võ Thị Sáu [Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn]
Chân dung Võ Thị Sáu

Chứng kiến cảnh thực dân Pháp đàn áp đồng bào, chị Sáu đã không ngần ngại cùng các anh trai tham gia vào phong trào cách mạng và nhiều lần thực hiện các cuộc mưu sát nhắm vào các sĩ quan Pháp.

Trong hơn một tháng bị giam tại nhà tù Đất Đỏ, dù bị giặc tra tấn dã man, chị không khai báo. Địch phải chuyển chị về khám Chí Hòa.

Do bị chỉ điểm, chị Sáu bị quân Pháp bắt được vào tháng 2/1950, sau đó bị tra tấn dã man đến tận những giây phút cuối cùng, nhưng vẫn chứng tỏ bản lĩnh kiên cường, bất khuất của chiến sĩ cách mạng.

Khi bị giải đến pháp trường, chị vẫn kiên quyết không chịu quỳ gối, vẫn dõng dạc tuyên bố: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”.

Nhờ tinh thần kiên cường, dũng cảm và trung thành, chị Võ Thị Sáu được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam ngay đêm trước khi hy sinh.

Chị được xem như biểu tượng Liệt nữ Anh hùng, tiêu biểu cho cuộc kháng chiến chống Pháp và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1993.

Bài thơ chị Võ Thị Sáu [Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn]
Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn

Sự hiên ngang, bất khuất của chị đã khơi nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác ra bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu (1958). Bài hát nhanh chóng chạm đến cảm xúc của nhiều người. Người thể hiện thành công nhất bài hát này là ca sĩ Thanh Thúy, bài hát đã giúp cô đoạt giải tại Tiếng hát Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh năm 1994. Chính vì việc này, cô được đạo diễn Lê Dân mời đóng vai nhân vật Võ Thị Sáu trong phim “Người con gái Đất Đỏ” vào năm 1995.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *