Câu chuyện Bốn anh tài [Truyện cổ tích Việt Nam]

Câu chuyện Bốn anh tài

Câu chuyện Bốn anh tài là truyện cổ tích Việt Nam, kể về hành trình sang Trung Quốc đòi nợ nhà vua của bốn chàng trai có khả năng và sức mạnh kỳ lạ.

Truyện được nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Đổng Chi giới thiệu trong bộ truyện “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” nổi tiếng của ông.

1. Bốn anh tài

Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nghèo mà không có con. Hai người khấn vái hết đền này đến chùa khác, mãi sau mới sinh được một mụn con trai. Thằng bé lớn lên như thổi. Nhưng càng lớn hắn càng ăn rất tợn: bung kia, chảo nọ nấu lên bao nhiêu cũng vơi. Hai vợ chồng cố sức làm lụng để nuôi con nhưng không nuôi nổi. Trong nhà có vật gì đáng tiền, họ đều bán sạch để cho con chèn dạ dày. Sau rồi họ nghĩ chỉ có cách cho con đi tha phương cầu thực thì mới đỡ khốn vì nó. Một hôm người cha gọi con lại bảo rằng:

– Nay con đã khôn lớn mà cha mẹ thì gần đất xa trời, yếu đuối không làm gì sinh lợi được nữa. Ngày xưa lúc nhà ta còn khá giả, có cho hoàng đế Trung Quốc vay vàng và bạc đến hơn 70 vạn lạng. Bây giờ con tìm cách sang bên đó đòi lấy mà ăn.

Nghe nói, người con vâng lời đi ngay. Chàng cứ dọc bờ biển đi lần về phương Bắc. Một hôm đến một xứ kia, bỗng gặp một người khổng lồ đang tát biển, anh chàng tiến lại, hỏi:

– Anh làm gì đấy?

Khổng lồ đáp:

– Tôi tát cho cạn biển, để tìm vàng ngọc ở dưới đó.

– Sức lực một mình làm sao mà tát cạn được.

– Ta có sức khỏe không ai bì kịp. Không tin anh cứ thử lại xách cái gầu của ta xem.

Nhưng khổng lồ lấy làm lạ vì thấy hắn cũng nhấc nổi cái gầu của mình, bèn mời về nhà kết nghĩa anh em. Anh chàng bèn rủ:

– Anh hãy đi theo tôi đòi nợ vua Trung Quốc lấy tiền ăn tiêu ngay, còn như tát biển thì chờ lúc nào về sẽ tiếp tục.

Khổng lồ nghe bùi tai liền cùng nhau ra đi.

Một hôm, họ đi đến một hòn núi. Thấy một anh chàng trẻ tuổi đang ngồi trên một tảng đá lớn có vẻ nhàn hạ, hai người tiến đến hỏi hắn làm gì mà ngồi đây. Hắn đáp:

– Tôi ngồi đây thỉnh thoảng lại thổi một hơi làm cho gãy cây ngã cối đưa về làm củi!

Nghe nói lạ, hai người bảo anh làm thử cho xem. Quả nhiên hắn vừa phùng má thổi một hơi thì cây cối ở trước mặt tự nhiên ngã rạp xuống như bị một trận bão nặng nề. Hai người bảo anh rằng:

– Bác có tài như thế nào không đi khắp thiên hạ làm cho nổi tiếng một phen, chứ lại sống chui rúc ở xó rừng này làm gì? Thôi! Bác hãy cùng với chúng tôi đi đòi nợ vua Trung Quốc ngó chừng còn thú vị hơn ở đây!

Anh chàng nghe nói bằng lòng ngay. Rồi đó cả bọn cùng lên đường.

Mười ngày sau, bọn họ lại đến một khu rừng khác. Thấy từ trong rừng sâu bước ra một người cao lớn vai gánh một đôi voi đi như bay, cả bọn kính phục vội gọi giật lại, hỏi:

– Bác gánh voi đi đâu thế?

– Tôi hằng ngày vào rừng tìm voi mà bắt. Bắt được con nào thì trói giò lại gánh về để cho rữa thịt lấy một hai cây ngà bán kiếm tiền ăn tiêu.

Cả bọn bảo:

– Thôi! Sức khỏe như thế thì tội gì cặm cụi trong rừng như thế cho khổ. Hãy đi với chúng tôi đòi nợ vua Trung Quốc về chia nhau đi?

Nghe nói anh chàng vừa ý vội bỏ voi lại nói:

– Ừ, thì đi.

2. Đòi nợ vua Trung Quốc

Đến kinh đô Trung Quốc, bốn chàng tìm vào hoàng cung. Một toán lính gác cổng cản lại không cho vào. Cả bọn nổi xung lên, nói:

– Chúng ta sang đây đòi nợ chứ có phải đi chơi đâu mà không cho vào.

Và họ toan giã cho chúng một trận, nhưng anh chàng ăn khỏe càn lại rồi biên một bức thư đòi nợ, bảo tên lính đem vào cho vua. Hoàng đế Trung Quốc đọc xong lấy làm lạ, liền sai một viên cận thần ra xem thử người nào mà to gan đến thế. Viên cận thần ra một lát trở vào tâu rằng:

– Có bốn tên dị hình dị dạng ở nước An Nam sang, đứa nào cũng quyết đòi được nợ mới về. Chúng nó toan đánh cả lính.

Hoàng đế nghe nói không vui, nhưng cũng truyền dọn yến đãi đằng tử tế trước khi gặp họ.

Bốn chàng được mời vào phòng riêng ăn uống nghỉ ngơi trong vài ba ngày. Nhưng họ ăn uống hung quá đến nỗi qua ngày thứ ba, mấy viên quan trông nom về ngự thiện phải vào báo cáo với vua rằng kho thức ăn của hoàng đế vì tiếp đãi bốn người khách lạ đã vơi hết già nửa. Hoàng đế nghe nói giật mình, vội bảo mấy viên đại thần tìm cách ám hại họ đi cho khỏi phiền. Người ta được lệnh mời bốn anh chàng đi thuyền chơi hồ, rồi nhè lúc thuyền ra giữa hồ thì đánh đắm cho chết đuối tất cả.

Quả nhiên bốn anh em không ngờ sa vào mưu trí bị chìm xuống nước. Nhưng giữa lúc nguy cấp thì anh chàng khổng lồ đã nắm lấy chiếc thuyền như một chiếc gầu rồi tát lấy tát để. Chỉ trong một chốc đáy hồ khô cạn, cứu được ba bạn khỏi chết đuối.

Thấy họ sống yên lành, hoàng đế tức giận, vội sai dọn yến khoản đãi, rồi chờ lúc họ no say mới sai mấy đội quân xông vào vây chém. Hôm ấy bốn chàng vô tình cùng nhau chén tạc chén thù không nghi ngờ gì cả. Bỗng nhiên một tiếng hô vang, phục binh xông ra như kiến. Cả bọn toan chạy, nhưng anh chàng thổi khỏe đã ngăn lại mà rằng:

– Các anh cứ ngồi yên, để tôi cho bọn chúng xiêu giạt một phen!

Nói rồi phùng má thổi mấy hơi. Bọn lính chịu không nổi với sức gió, bay văng đi như những cái lá khô. Thế là ở trong này, bốn chàng vẫn cứ ung dung ngồi chén tỳ tỳ cho đến mãn tiệc.

Lần này hoàng đế Trung Quốc lo lắng hết sức. Vua sai triệu các vị Cơ mật đến tính cách đối phó. Nhưng mọi người khuyên vua nên trả quách đi, cho êm chuyện. Vua nói:

– Bảy mươi vạn lạng thì nhiều quá. Các khanh có cách gì bắt chúng giảm bớt được không?

Một viên tâu lên:

– Bệ hạ cứ giả cách bằng lòng trả, nhưng bắt các thần dần, các thuyền bè xe cộ, khắp trong nước không ai được đánh thuê, chở thuê cho chúng nó và bắt chúng nó không được chuyên chở làm nhiều lần. Như thế dù có sức như Hạng Vũ cũng chỉ mang ra được chừng dăm bảy trăm cân là hết nước.

Vua bằng lòng theo cách đó. Đến ngày nhận vàng bạc, người ta thấy một mình anh chàng gánh voi quảy hai sọt lớn vào kho. Chúng không ngờ chỉ một người đó mà thôi, đã thừa sức gánh 70 vạn lạng. Bọn quan coi kho không biết làm thế nào, đành cắm đầu cân lấy cân để, vơi hẳn cả kho vàng bạc.

Được của, bốn anh chàng cúi chào hoàng đế rồi ung dung đi ra khỏi cung. Về nước, họ chia nhau tiêu xài sung sướng trọn đời.

Câu chuyện Bốn anh tài
– Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam –

Câu chuyện Bốn anh tài [Truyện cổ tích Việt Nam]
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

Tìm mua Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi

Nếu muốn, các bạn có thể mua trọn bộ “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi về đọc. Truyện được in ấn trên chất liệu giấy tốt và hình ảnh minh họa vô cùng đẹp mắt.
Mua truyện tại Fahasa Mua truyện tại Tiki Mua truyện tại Shopee

Câu chuyện Bốn anh tài [Truyện cổ tích Việt Nam]
Bốn anh tài

Một số câu chuyện Bốn anh tài của các dân tộc khác

Truyện cổ tích trên có nội dung gần giống với một số câu chuyện cổ tích của các dân tộc khác ở nước ta, trong đó có truyện Bốn anh tài của người Mèo, từng được giới thiệu trong sách “Kể chuyện cho học sinh lớp 2” – Sách dành cho giáo viên (1978), rất quen thuộc với các bạn nhỏ lứa tuổi 8X. Truyện kể về bốn anh em có khả năng đặc biệt, cùng đoàn kết với nhau chống lại tên vua gian ác bóc lột dân lành, qua đó đả kích những kẻ ỷ thế cường quyền, lừa đảo, bóc lột dân lành và thể hiện quan điểm sống cũng như mong muốn của nhân dân: chính nghĩa bao giờ cũng thắng bạo tàn.

Câu chuyện Bốn anh tài [Truyện cổ tích Việt Nam]
Truyện cổ tích Bốn anh tài

Người dân tộc Tày cũng có một dị bản khác rất hay kể về bốn anh em có khả năng đặc biệt. Truyện ca ngợi sức khỏe, tài năng, lòng nhiệt thành làm việc chính nghĩa cũng như tinh thần đoàn kết chiến đấu với yêu tinh của 4 anh em Cẩu Khây. Truyện được đưa vào giảng dạy trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam – 2020.

Câu chuyện Bốn anh tài [Truyện cổ tích Việt Nam]
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới

Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé

Ngoài câu chuyện Bốn anh tài kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.Vn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *