Câu chuyện Con voi và người quản tượng già
Con voi và người quản tượng già là câu chuyện cổ tích cảm động, kể về một con voi trung thành, mong đền đáp cho sự chăm sóc và giúp người quản tượng già.
Ngày xưa, vào đời nhà Lê, nhà vua có nuôi một con voi rất khôn, dùng để cưỡi. Voi có ba cái đai bằng vàng đeo chặt ở cổ. Đến thời Lê mạt vận, con voi không chịu ở với ai nữa. Voi bỏ vào núi Truông Đay Thùng. Người quản tượng (giữ voi) có tên là đội Mậu cũng về hưu. Năm 70 tuổi, ông đau yếu nhưng nhà nghèo không tiền mua thuốc, phải lên núi kiếm rễ cây làm thuốc. Đang lúc ông lom khom đào rễ cây, thì con voi chạy đến, nhận ra người giữ mình khi xưa. Voi lấy ngà quấn ngang bụng ông đội Mạậu, cắm ngà xuống đất, chảy nước mắt, tỏ tình thương nhớ.
Lúc đầu, đội Mậu hoảng hồn, không nhận ra voi, sợ voi vật mình chết. Đến khi thấy voi kéo tay mình để vào chỗ đai vàng đã phủ rêu mốc, tỏ ý bảo hãy lấy đi, thì ông mới nhớ ra con vật mình đã chăn giữ thương yêu ngày xưa. Ông nghĩ bụng: Nếu như cạy đai vàng ra, thì cổ voi sẽ đau đớn, sẽ chảy máu, tội nghiệp nó, nên ông xua tay, lắc đầu, tỏ ý từ chối không chịu làm vậy.
Nhưng voi không chịu, cứ lấy tay đội Mậu đặt vào chỗ 3 đai vàng ở cổ. Ông đành cố cạy, nhưng đến tối trời mà vẫn chưa cạy đai ra được. Ông cúi đầu lạy voi xin về, nhưng voi nhất định giữ ông lại. Đến gần canh hai, người quản tượng già vẫn không gỡ được đai vàng ở cổ voi. Ông khóc bảo voi:
– Ông Quận ơi, chân tay tôi già yếu. Mà ở đây núi rừng tối tăm, nguy hiểm cho tôi lắm. Ông thương tôi với.
Con voi chừng như thông cảm, quỳ xuống cho đội Mậu leo lên lưng voi ngồi, rồi đưa ông về.
Khoảng chừng canh tư, thì về tới nhà. Vợ con đội Mậu thấy voi đi vào sân, sợ hãi toan bỏ chạy. Ông lên tiếng trấn an:
– Đừng sợ, ông Quận này thuở trước theo hầu vua, tôi theo giữ ông. Hôm nay ông gặp tôi trên núi, ông thương, đưa về đó mà.
Trong vườn sẵn có mấy sào mía, đội Mậu bảo vợ con chặt hết, đem đãi cho voi ăn. Ông còn mua cả 3 quan tiền rượu mời voi uống nữa. Trời gần sáng, voi tỏ ý muốn đi, lấy vòi đưa hai cha con ông đội đặt lên lưng mình, rồi lại chở họ trở về núi. Đến nơi, thì trời sáng bạch. Voi lại bắt tay đội Mậu đặt vào chỗ có đai vàng, ý bảo phải lấy đai đi.
Ông Mậu bảo con:
– Ông Quận đã cho, cha con mình phải nhận lấy.
Người quản tượng già bèn cùng con trai lấy dao cạy ra được hai đai vàng. Máu chảy ướt đẫm cổ voi. Xót thương cho con vật có tình nghĩa, đội Mậu lạy voi xin thôi. Ông kiếm lá thuốc rịt vết thương cho cầm máu, rồi ông ôm chân voi, khóc từ giã. Đội Mậu đem số vàng voi cho về nhà. Từ đó, gia đình ông có cuộc sống dư giả hơn.
Khi quân Tây Sơn ra Bắc Hà, vua Quang Trung nghe dân chúng kể về con voi đời vua Lê đang ngự ở trên núi Đầu Tượng. Vua bèn sai quan quân vào núi tìm. Nhưng không ai thấy dấu vết của voi đâu nữa.
Truyện con voi và người quản tượng già
– TheGioiCoTich.Vn –
Đôi nét về con voi và người quản tượng già
1. Giới thiệu về loài voi
Voi là loài động vật trên cạn lớn nhất hiện nay. Đặc điểm nổi bật của chúng là có vòi và ngà dài với đôi tai rất lớn. Vòi voi được sử dụng để thở, đưa thức ăn và nước vào miệng và nắm lấy đồ vật. Đôi ngà, tiến hóa từ răng cửa, chức năng làm vũ khí và công cụ để di chuyển chướng ngại vật và đào hố. Hai cái tai lớn duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định và dùng để giao tiếp. Chân to như cây cột giúp tải trọng lượng lớn.
Trong quá khứ, chúng cũng được sử dụng trong chiến tranh. Voi là một biểu tượng rất nổi tiếng và đặc trưng trong nghệ thuật, văn hóa dân gian, tôn giáo, văn học và văn hóa đại chúng của loài người.
Trong văn hóa Việt Nam, voi được nhiều lần nhắc đến qua những câu chuyện, câu thành ngữ, tục ngữ. Ví dụ:
- Mười voi không bằng bát nước xáo: Chỉ những người huênh hoang khoác lác nhưng chẳng có thực chất.
- Tránh voi chẳng xấu mặt nào: Chỉ cách ứng phó, đối nhân xử thế, không chấp nhất.
- Thầy bói xem voi: Câu chuyện dân gian.
- Được voi đòi tiên: Chỉ sự tham lam, đòi hỏi quá đáng.
- Voi giày ngựa xé: Liên tưởng đến một hình phạt tàn khốc.
- Đầu voi đuôi chuột: Chỉ về sự việc làm không đến nơi, đến chốn, mang tính khoa trương.
2. Người quản tượng
Quản tượng là người trông nom và điều khiển một con voi. Nhưng để huấn luyện một con voi không hề đơn giản, thậm chí có khi còn nguy hiểm đến tính mạng.
Ở Việt Nam có Bản Đôn – Đắk Lắk là một nơi có truyền thống thuần dưỡng voi rừng. Voi ở đây còn được sử dụng như một sản phẩm du lịch ăn khách. Ở đây còn có huyền thoại về vua voi và nhiều di tích, kỉ vật về ông còn được lưu giữ.