Hà rầm hà rạc [bài học cho sự tham lam]

[alert style=”success”]

Hà rầm hà rạc

Hà rầm hà rạc là chuyện kể của người Cơ Tu, giáo dục các bạn nhỏ phải biết yêu thương, đùm bọc anh chị em và là bài học quý giá dành cho những kẻ tham lam.

[/alert]

1. A-Lan, người anh tham lam

Hai anh em A-Lan và A-Ly mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Lớn lên người anh A-Lan lấy vợ. Vợ chồng A-Lan muốn giành hết của cải cha mẹ để lại, tìm cớ đuổi A-Ly đi.

Một hôm A-Lan bảo em:

– A-Ly ơi! Mày đã lớn rồi, hãy tự lo liệu mà làm ăn. Tao không nuôi được mày nữa đâu. Tao là anh nên số đồ đạc cha mẹ để lại, vợ chồng tao giữ. Phần mày chỉ được lấy chiếc đòn xóc[1] và cái rựa[2] thôi!

A-Ly đã biết rõ lòng tham của anh và chị dâu. Anh cầm đòn xóc và rựa cùn lặng lẽ ra đi.

(Một thân một mình, A-Ly làm thế nào để sống?)

Hà rầm hà rạc [bài học cho sự tham lam]
Truyện Hà rầm hà rạc

2. A-Ly tự lập, nuôi thân

Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, A-Ly vào rừng. Anh dùng rựa để chặt củi. A-Ly làm thi với mặt trời sáng chói, hôm nào cũng đến lúc mặt trời đứng bóng, anh mới ra về với một gánh nặng. Tuy mệt nhưng anh thấy lòng vui rộn ràng giữa bao tiếng chim rừng ríu rít. Anh gánh củi xuống chợ bán lấy tiền nuôi thân. Tối đến, hôm nào trời quang mây tạnh, A-Ly nằm dưới trăng sao. Còn ngày nào có bão gió rét thổi ào ào, A-Ly chiu vào ngủ trông hốc cây đa ven rừng. Một đêm anh chiêm bao thấy mình sau khi đốn củi bó lại, cưỡi lên bó củi thì tự nhiên bó củi mang anh thẳng xuống chợ. Sáng hôm sau, sau khi đốn củi bó lại, A-Ly thử ngồi lên bó củi, quả nhiên nó mang anh chạy thẳng xuống chợ.

Nhờ chăm chỉ lao động, qua một thời gian, A-Ly dành dụm được một số tiền khá lớn. Không may, một hôm, bán củi về nửa đường, anh bị bọn cướp đón đường lấy sạch, cả chiếc đòn xóc và cái rựa cùn! A-Ly bị chúng đánh cho một trận rất đau. Anh cố lê về gốc đa, nhưng đến giữa rừng mệt quá, trời lại sắp tối, anh đành nằm lại dưới một gốc sung ở ven bờ vực thẳm.

(Khổ thân A-Ly! Liệu anh có tai qua nạn khỏi không?)

3. Bị nạn, A-Ly lại gặp may)

Nửa đêm, anh nghe có tiếng rào rào và tiếng nhiều con vật kêu “ché!ché!” Tiếng ồn mỗi lúc một gần. Đó là lũ khỉ ra gốc sung hái quả.

Lũ khỉ tới gốc sung bắt gặp A-Ly đang nằm. Chúng tưởng là xác người chết, bèn bàn với nhau mang đi chôn. Chúng xúm lại khiêng A-Ly lên và hát:

Hà rầm hà rạc
Chôn hầm bạc
Đừng chôn hầm vàng…

Một con bảo:

– Hầm bạc ở gần gốc sung quá, sợ sẽ bay mùi thối. Chi bằng ta mang xác ra hầm vàng chôn là tốt nhất.

Cả bầy lại hát:

Hà rầm hà rạc
Chôn hầm vàng
Đừng chôn hầm bạc…

A-Ly sợ quá, nằm giả chết để lũ khỉ mang chôn rồi tìm cách thoát thân sau. Đặt A-Ly xuống hầm vàng xong, chúng quay lại gốc sung hái quả.

Đợi lũ khỉ đi xa, Al-Ly mở mắt ra nhìn. Ôi một màu vàng sáng chói cả một góc rừng! Anh vùng dậy, cởi khố, bọc vàng mang về chỗ hốc cây đa.

A-Ly mang vàng xuống chợ bán lấy tiền mua trâu bò về làng làm ăn.

Hà rầm hà rạc [bài học cho sự tham lam]
Hà rầm hà rạc – Bài học cho sự tham lam

4. Ông anh bà chị chết vì quá tham

A-Ly trở nên giàu có. Nghĩ đến tình anh em, anh mời vợ chồng A-Lan về nhà mình chơi. Vợ chồng người anh thách:

– Nếu quả thật chú giàu thì phải “gấm lót đàng, vàng lót ngõ”[3] , vợ chồng tao mới đến.

A-Ly chiều ý vợ chồng anh. Khi vợ chồng A-Lan đến, A-Ly giết một trâu, hai lợn, mười gà mời anh chị ăn và khiêng ra chục hũ rượu mời anh chị uống. A-Ly còn biếu anh chị mấy cục vàng sáng chói. Thấy em nhiều vàng, nhiều của, người anh hỏi. A-Ly bèn kế lại mọi chuyện. Ra về, A-Lan quyết tâm làm theo lời em đã kể.

Tối hôm sau, lão ta quấn vào người năm cái túi thật to, hòng sẽ đựng được nhiều vàng hơn em. Lão đến nằm dưới gốc sung. Như thường lệ, nửa đêm lũ khỉ kéo nhau ra hái sung. Đến gốc sung thấy A-Lan nằm, chúng cho đó là xác chết bèn xúm nhau khiêng đi chôn:

Hà rầm hà rạc
Chôn hầm bạc
Đừng chôn hầm vàng…

Chúng chưa dứt lời, anh chàng A-Lan vì máu tham sợ chúng không chôn mình vào hầm vàng, bèn la lên:

– Đừng! Đừng! Hãy chôn tôi vào hầm vàng ấy!

Nghe tiếng nói, biết người còn sống, lũ khỉ hoảng sợ ném A-Lan xuống vực[4] sâu rồi bỏ chạy. A-Lan va vào đá vỡ đầu, chết.

Người vợ ở nhà ngồi chờ chồng mang vàng về. Nhưng chờ mãi không thấy, mụ liền vào rừng tìm. Cũng từ đấy dân làng chẳng thấy mụ ta quay trở về.

Chuyện kể dân tộc Cơ Tu
Nguồn: Kể chuyện cho học sinh lớp 2 – Sách dành cho giáo viên (1978)

[alert style=”success”]➤ Đừng bỏ lỡ kho tàng truyện cổ các dân tộc Việt Nam TẠI ĐÂY![/alert]

Chú thích trong truyện Hà rầm hà rạc

  1. Đòn xóc: loại đòn gánh nhọn hai đầu, dùng để gánh củi, gánh rơm rạ.
  2. Cái rựa: loại dao dùng để đốn cây, bổ củi.
  3. Gấm lót đàng, vàng lót ngõ: ý nói phải đón tiếp thật to, thật long trọng.
  4. Vực: hố sâu nằm giữa hai thành núi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *