Trương Chi – Mỵ Nương và mối tình tuyệt vọng

Truyện cổ tích Trương Chi – Mỵ Nương

[alert style=”success”]

Trương Chi – Mỵ Nương là chuyện kể về mối tình tuyệt vọng của chàng ngư dân có giọng hát rất hay đem lòng yêu say đắm một nàng tiểu thư đài các. Thế nhưng vì mang dung mạo xấu xí cho nên đã khiến tình yêu của chàng trở thành bi kịch.

Câu chuyện này đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc và điện ảnh.

[/alert]

Ngày xưa lâu lắm, một quan Thừa tướng[1] có người con gái đẹp tên là Mỵ Nương ở cấm cung[2] trong lầu tây. Nàng thường ngồi cạnh cửa sổ thêu thùa, đọc sách, ngâm thơ. Khi nhàn rỗi thì nhìn ra phía sông ngắm cảnh, mơ màng. Nàng thường theo dõi chiếc thuyền nhỏ của một người đánh cá[3] lướt nhẹ trên mặt nước êm lặng. Người đánh cá – anh ta tên là Trương Chi – vừa làm vừa hát. Không tỏ mặt người, nàng chỉ nghe tiếng hát vẳng đưa từ xa lại. Tiếng hát ấy rất hay, nhưng cũng rất buồn như chứa chan một tâm sự gì. Không biết tiếng hát của người đánh cá đã gợi lên trong lòng người thiếu nữ nơi khuê các những ước mơ gì nhưng một hôm, vắng tiếng hát, nàng thấy nhớ. Tiếng hát vẫn vắng, nàng mòn mỏi trông đợi, rồi bắt đầu ốm. Các vị lương y[4] đến bắt mạch cắt thuốc. Thuốc uống vào không chuyển. Sau hỏi dò các thị tỳ mới đoán là nàng ốm tương tư. Các vị lương ý khuyên quan Thừa tướng cho gọi anh lái đò đến.

Trương Chi đến quạt lò, sắc thuốc. Ngồi buồn anh chàng quen thói cũ, cất giọng hát một câu. Mỵ Nương nghe. Thế là bệnh khỏi. Nhưng trông rõ mặt người đánh cá, nàng bỗng thấy như vừa tan giấc mộng đẹp. Từ đó nàng không còn mê tiếng hát của Trương Chi nữa.

Khổ thay, sau buổi gặp gỡ này, Trương Chi lại đâm ra thất tình. Thấy người đẹp thì mê, nhưng biết phận mình hèn kém, anh buồn chán quá, rồi một hôm, sau khi hát một câu cuối cùng trong đời anh:

Kiếp này đã dở dang nhau,
Thì xin kiếp khác duyên sau lại lành.

Anh nhảy xuống sông tự vẫn[5]. Anh chết nhưng hồn anh nhập vào cây bạch đàn. Bạch đàn là một thứ gỗ quý. Có người thợ khéo lấy gỗ bạch đàn tiện thành một bộ chén trà rất đẹp dâng quan Thừa tướng. Mỵ Nương cầm lấy chén rót nước vào thì hình ảnh người đánh cá chèo thuyenf hiện lên, chầm chạm xoay trong lòng chén. Tức thì tiếng hát năm xưa lại văng vẳng bên tai nàng, như nỏ non than khóc mối tình tuyệt vọng. Người con gái lòng chạnh đau. Một giọt nước mắt rớt xuống, chiếc chén bạch đàn vỡ tan[6].

Truyện cổ tích Trương Chi – Mỵ Nương
Nguồn: Văn học trích giảng lớp 8 phổ thông, tập I (1960)
Trương Chính kể

Hiện nay, trong các bài ca Quan họ vẫn thường nhắc đến câu chuyện này:

Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thật hay
Mỵ Nương vốn ở lầu tây
Con quan Thừa tướng ngày ngày cấm cung
Trương Chi vốn ở dưới sông
Chèo đò ngang dọc đêm đông dãi dầu.
Trương Chi mới hát một câu
Gió đưa phảng phất tới lầu Mỵ Nương
Mỵ Nương nghe hát thì thương
Nhưng trông thấy mặt anh chường lại chê
Trương Chi buồn bã ra về
Cắm sào giữa bến hát thề một câu
Kiếp này đã dở dang nhau
Có sang kiếp khác lấy nhau cũng không thành.

Chú thích trong truyện Trương Chi – Mỵ Nương

  1. Thừa tướng: một chức quan lớn trong triều, giúp vua trong việc trị nước (Thừa, chữ Hán, nghĩa là giúp đỡ). Thừa tướng cũng như Tể tưởng, là chức vị trong triều đình Trung Quốc phong kiến. Ngày xưa ở nước ta không có chức quan này. Chuyện Trương Chi có thể được bắt nguồn ở Trung Quốc.
  2. Cấm cung: ngày xưa, con gái nhà quyền quý phải ở luôn trong một căn buồng riêng không được bước chân ra ngoài, gọi là con gái cấm cung. Về sau, tuy không phải ở luôn trong một buồng riêng như thế nữa, nhưng chữ con gái cấm cung vẫn dùng để chỉ người con gái ít đi ra ngoài, không giao thiệp với ai lạ.
  3. Có bản chép: Trương Chi là một anh lái đò.
  4. Lương y: người thầy thuốc giỏi.
  5. Có bản chép: Trương Chi ốm tương tư mà chết.
  6. Trong tình sử Trung Quốc cũng có một chuyện tương tự như vậy, chỉ đoạn sau có hơi khác. Anh chàng ốm rồi chết. Mấy năm sau quật lên, xác đã tan, nhưng quả tim thì rắn lại như một viên ngọc. Có người lấy viên ngọc đó gọt thành chén. Và nước mắt người thiếu nữ cũng làm cho chiếc chén ngọc tan thành nước. Hai câu thơ sau trong truyện Kiều được lấy từ gốc của truyện này:
    Nợ tình chưa giả cho ai
    Khối tình mang xuống thuyền dài chưa tan.

[alert style=”success”]Đừng bỏ lỡ những câu chuyện cổ tích hay nhất

► XEM NGAY TẠI ĐÂY![/alert]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *