Kể chuyện Hũ bạc của người cha
Hũ bạc của người cha là truyện cổ tích dân tộc Chăm, mang dáng dấp của một câu chuyện ngụ ngôn, đề cao giá trị của sức lao động chân chính của bản thân.
1. Người con trai được nuông chiều
Ngày xưa, có một ông già làm ăn rất chăm chỉ. Ruộng lúa của ông rất tốt. Làm xong lúa, ông lại lên rừng chặt củi đốt than để đem bán. Mỗi lần bán than, ông lại cất riêng vài hào để dành. Đến khi tuổi già, ông đã để dành được một hũ [1] bạc.
Tuy nhà làm ăn no đủ, có tiền để dành, nhưng lúc nào ông cũng buồn vì cậu con trai chỉ thích chơi bời, lêu lổng [2]. Lúc còn bé, đứa con trai được mẹ nuông chiều, chỉ thích đi thả diều, đánh đáo. Khi lớn lên, anh ta cũng chỉ ở nhà vào lúc hai bữa cơm. Ông già đã khuyên bảo con rất nhiều lần. Mỗi bữa ăn, ông răn con một lần, trước khi đi ngủ, ông lại nhắc nhở thêm một lượt, nhưng anh ta vẫn giữ nguyên tật cũ.
2. Sự dung túng của người mẹ để có được hũ bạc của người cha
Một lần bị ốm, ông liền gọi vợ vào và nói:
– Tôi muốn trước khi nhắm mắt được trông thấy thằng con kiếm nổi bát cơm. Tôi đã để dành được một hũ bạc nhưng không nói cho bà biết. Tôi muốn cho con. Nhưng cho nó bây giờ thì làm hại nó. Bà hãy bảo nó đi làm. Bao giờ nó tự tay kiếm được một ít bạc vụn về đây thì tôi cho nó hũ bạc.
Nghe chồng nói, người vợ ngậm ngùi, nhưng vẫn sợ con trai phải đi làm lụng vất vả. Bà liền dồn số tiền dành dụm được, kín đáo đem cho con trai. Anh kia mang số tiền của mẹ cho, đi chơi vài ngày, khi túi chỉ còn vài hào, anh mới trở về đưa cho bố. Ông lão liền cầm mấy hào bạc vứt xuống ao. Bà vợ tiếc của, tái cả mặt, còn anh con trai thì thản nhiên nhìn đi chỗ khác.
– Tiền này không phải tự tay nó kiếm ra!
Ông lão chỉ nói gọn như vậy, rồi vào giường nằm. Bấy giờ, bà mẹ lại nói với con:
– Cha con sống lâu, hiểu biết nhiều, không thể lừa được. Bây giờ mẹ cho con một ít tiền, con đi kiếm nơi nào làm ăn. Bao giờ làm được tiền hãy về. Cha mẹ đâu có sống đời [3] để nuôi con mãi được.
3. Giá trị của đồng tiền do chính mình làm ra
Người con trai nhận tiền của mẹ cho. Nhưng lần này tiền ít lắm. Anh cầm số tiền ít ỏi đó ra đi, mới có mấy hôm đã hết sạch. Đói bụng, anh phải đi xin cơm ăn. Nhưng thấy anh khỏe mạnh nên không ai cho. Thấy giữa đồng có hai người đang tát nước, anh lần đến. Trông rá cơm hẩm [4] của hai người để trên bờ, anh ngửa tay xin ăn, nhưng hai người tát nước đáp:
– Rá cơm ấy là công tát nước cái đầm [5] này. Tát cạn đầm mới được bằng ấy cơm. Anh có muốn ăn thì vào đây tát với chúng tôi một lúc đã.
Đói quá, anh đành phải tát nước. Lúc đầu, anh ngã xiêu ngã vẹo, sau cũng tát được lưng gầu nước. Đến lúc ăn cơm, anh ta ngồi khóc. Anh đã biết muốn được bát cơm phải tốn bao nhiêu sức lực.
Tát xong đầm nước, anh vào làng tìm việc làm thuê. Một nhà thuê anh xay thóc và giã gạo. Xay hết một thúng thóc và giã trắng bốn cối gạo thì được trả công hai bát gạo. Công làm thì nhiều mà gạo được ít quá, anh chẳng dám ăn cả, mỗi ngày chỉ nấu một bát chia làm hai bữa. Xay giã thuê suốt ba tháng, anh để dành được chín mươi bát gạo. Anh đem gạo bán được một ít tiền mang về đưa cho cha.
Bấy giờ đã sang đông, ông già càng yếu mệt. Một hôm, ông đang ngồi đốt lửa sưởi thì người con đưa tiền về. Tiện tay, ông ném luôn mấy hào bạc vào bếp lửa đang cháy. Anh con trai giật thót [6]. Không kể lửa bỏng, anh cho tay vào bếp, cào than, lấy mấy hào bạc ra. Ông già cười đến chảy nước mắt. Ông nắm tay con:
– Con ơi! Cha sung sướng lắm rồi! Bây giờ cha đã tin con. Tiền đó chính tay con làm ra. Khi nào làm lụng vất vả mệt nhọc, người ta mới biết quý trọng đồng tiền của mình làm.
4. Niềm vui sướng của ông già khi trao hũ bạc cho con
Ông già đưa hũ bạc cho con và bảo:
– Nếu con không chịu làm lụng, dù cha có cho con một trăm hũ bạc thế này cũng không đủ. Nay con đã biết lao động, tiền bạc của con sẽ mãi mãi có thừa. Hũ bạc tiêu không bao giờ hết chính là hai bàn tay con đó.
Truyện Hũ bạc của người cha – Truyện cổ tích Chăm
Nguồn: Kể chuyện 5, trang 32, NXB Giáo dục – 1984
– TheGioiCoTich.Vn –
Chú giải trong câu chuyện
- Hũ: đồ dùng bằng sành, thường để đựng chất lỏng.
- Lêu lổng: (trẻ con) chơi bời la cà hết chỗ này đến chỗ nọ, không chịu học hành hoặc làm lụng gì.
- Sống đời: ý nói sống mãi ở đời.
- Cơm hẩm: cơm nấu bằng gạo đã biến màu, biến chất.
- Đầm: khoảng trũng rộng và sâu, đầy nước ở ngoài đồng.
- Giật thót: ý nói giật mình đột ngột và chỉ trong nháy mắt (cảm thấy như thót tim lại).
Giáo án bài Hũ bạc của người cha
Truyện này được kể lại dựa theo một truyện cổ tích của dân tộc Chăm, mang dáng dấp của một truyện ngụ ngôn khá giản dị nhưng ý nghĩa sâu sắc. Truyện ngụ ý khuyên răn con người ta ở đời, ngay từ tuổi mới lớn lên, phải thực sự lao động để biết quý lao động và biết lấy lao động làm nguồn sinh sống và hạnh phúc cho bản thân mình.
Ngoài ra, câu chuyện Hũ bạc của người cha cũng ngụ ý khuyên nhủ các bậc cha mẹ về cách dạy dỗ con cái theo quan niệm trên.
Câu chuyện này từng được in trong sách Kể chuyện 5, NXB Giáo dục – 1984 với nhan đề “Hũ bạc của ông già đốt than”. Hiện nay được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa Tiếng Việt 3, tập 1. Giáo án bài Hũ bạc của người cha có thể chia làm 4 đoạn, với nội dung cụ thể như sau:
Đoạn 1: Được mẹ nuông chiều, đứa con trai trở nên hư hỏng, ông già khuyên bảo con mãi không được.
Đoạn này mở đầu truyện, giới thiệu nhân vậy và hoàn cảnh với hai hình ảnh tương phản nhau rõ ràng của ông già đốt than và người con. Ông già vừa siêng năng cần cù, lại vừa biết tần tiện lo xa, tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân lao động. Trái lại, người con thì lại siêng ăn biếng làm, quen sống ỷ lại vào bố mẹ, quanh năm suốt tháng chỉ biết chơi bời lêu lổng, không lo nghĩ gì đến tương lai, cha khuyên mãi cũng chỉ như “nước đổ lá khoai”, vẫn chứng nào tật ấy.
Đoạn 2: Được bà mẹ dung túng, người con trai không chịu làm ăn thực sự, định lừa dối để có được hũ bạc của người cha, nhưng sự việc không thành.
Đoạn này bộc lộ sâu sắc mối mẫu thuẫn giữa ông già và bà vợ trong cách dạy dỗ người con trai và cách thương con của hai người. Ông già chỉ lo cho con có một điều duy nhất là làm sao cho hiểu được giá trị thực sự của sức lao động trước khi ông qua đời, chứ không ỷ lại vào tiền bạc của cải cha mẹ để lại cho, có mấy ăn cũng hết.
Trái lại, bà mẹ lại thương con phải làm lụng vất vả nên đã bày cách cho con lừa dối cha để có được hũ bạc. Nhưng cả hai mẹ con chẳng thể nào qua mắt được một người đã cực khổ làm lụng vất vả suốt một đời người mới dành dụm được hũ bạc đó.
Đoạn 3: Qua lao động vất vả, anh con trai đã hiểu giá trị của đồng tiền do chính bàn tay mình làm ra.
Đây là phần chốt của câu chuyện. Người con trai lần đầu đi xin ăn rồi buộc phải làm lụng vất vả cùng với mọi người mới được ăn. Các lần sau, anh ta chủ động đi xin việc làm và cũng phải làm lụng đầu tắt mặt tối mới có cái ăn. Câu chuyện Hũ bạc của ông già đốt than đã làm nổi rõ được giá trị to lớn của đồng tiền, bát gạo từ chính sức mình làm ra. Những hình ảnh sinh động đó đồng thời đã cho ta thấy rõ được sự chuyển biến từng bước trong nhận thức tư tưởng của người con trai về giá trị lao động.
Đoạn 4: Niềm vui sướng của ông già khi trao hũ bạc cho con.
Đoạn này thể hiện niềm sung sướng của người cha khi thấy người con trai lêu lổng của mình đã biết cách kiếm tiền từ chân chính và hiểu được giá trị đích thực của sức lao động.
Thử thách trong truyện Hũ bạc của người cha
- Ông già là người như thế nào? Vì sao làm ăn no đủ mà lúc nào ông cũng buồn phiền?
- Được bà mẹ dung túng, anh con trai đã lừa dối cha như thế nào?
- Cuối cùng, qua lao động vất vả, anh hiểu ra được điều gì và đã làm vui lòng cha ra sao?