Kéo cày trả nợ – Truyện cổ tích Việt Nam

Câu chuyện “Kéo cày trả nợ”

“Kéo cày trả nợ” là câu tục ngữ ý nói ai đó phải làm lụng cực nhọc để trả nợ. Câu nói này được bắt nguồn từ một truyện cổ tích có từ rất lâu.

Truyện được nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam Nguyễn Văn Ngọc sưu tầm và giới thiệu trong cuốn “Truyện cổ nước Nam” của ông.

Xưa, có một người tên gọi là Chu văn Địch làm ăn vất vả, cửa nhà đói kém, nhưng tính khí hiền lành, ăn ở thật thà, có nhân có đức. Trong hạt, có một nhà giàu thường cho người ấy vay nợ, năm nào cũng vậy, vay vay, trả trả, đã nhiều. Phải một năm mất mùa, người ấy không trả được nợ, mà ông nhà giàu cũng không hỏi đến. Mấy năm sau người ấy chết đi, nợ vẫn còn lại. Nên lúc hấp hối còn trối lại với con rằng:

“Nợ nần chưa trả được ai,
Hồn này thác xuống tuyền đài chưa yên”.

Một đêm, ông nhà giàu kia nằm mơ, nghe có tiếng người đến nói bên tai rằng:

“Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai”.

Sáng ngày dậy, thấy con trâu đẻ ra được con nghé trên lưng có hai chữ “Văn Địch”. Con nghé mỗi ngày một lớn, khôn ngoan, dễ bảo, cày bừa rất khỏe. Người ngoài biết chuyện, ai cũng bảo rằng:

“Người ăn thì còn,
Con ăn thì hết.
Đã đến lúc chết,
Hãy còn nhớ ơn”.

Cách đấy ít năm, hai đứa con Văn Địch khôn lớn lên, làm ăn nhờ trời cũng khá. Một hôm đang cày ngoài đồng, nghe thấy ở thửa ruộng gần đấy có người bảo con trâu rằng: “Văn Địch! Văn Địch! Nhanh chân, mau bước, kẻo đã trưa rồi”.

Hai đứa con nghe thấy tên bố, ngạc nhiên chạy sang bên ruộng hỏi, thì người kia nó rằng: “Con trâu này từ lúc sinh ra, trên lưng có hai chữ Văn Địch, mà có gọi đúng tên nó như thế, thì nó mới chịu làm”.

Lúc về, hai đứa con vội sang nhà ông nhà giàu hỏi chuyện, tỏ ý muốn mua con trâu, thì ông ấy bảo rằng: “Trước, tên Chu văn Địch có vay nợ ta, không trả được, ta cũng không đòi. Có lẽ bởi vậy, mà phải hóa kiếp làm con trâu này để trả nghĩa cho ta. Đã mấy năm nay có làm ăn chịu khó, trong nhà ta đây cũng được thịnh vượng. Nợ trả như thế, ta cho cũng đủ rồi. Vậy nếu hai anh có phải là con, muốn mua chuộc về, thì ta để lại cho. Ta lại trả văn khế cũ đem về mà hóa kiếp cho yên hồn cha”.

Khi hai đứa con chuộc được con trâu về, vừa đem bức văn khế ra hóa, thì nó lăn ra nó chết. Thế là nó đã trả sạch được nợ kiếp trước rồi. Sau hai đứa con làm ăn mỗi ngày một nẩy nở và trở nên giàu sang, ai cũng có bụng yêu, bụng quí.

Thấy truyện này, người ta mới đặt câu “Kéo cày trả nợ” thành câu tục ngữ. Người ta còn phụ thêm một câu hát rằng:

“Ở cho có nghĩa, có nhân,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Đời cha nhân đức, đời con sang giàu”.

Câu chuyện “Kéo cày trả nợ”
Truyện cổ nước Nam – Nguyễn Văn Ngọc

Ý nghĩa câu chuyện “Kéo cày trả nợ” là gì?

Đây là một câu chuyện cổ tích Việt Nam, không chỉ giải thích nguồn gốc của câu tục ngữ “Kéo cày trả nợ,” mà còn mang trong mình những thông điệp ý nghĩa và giá trị sâu sắc về cuộc sống.

Truyện ca ngợi tinh thần đoàn kết và lòng tương thân tương ái, thể hiện rõ truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam chúng ta.

Đồng thời, đây cũng là một bài học sâu sắc về lòng biết ơn và sự đền đáp trong cuộc sống. Chu Văn Địch, sau khi cảm thấy không yên tâm vì chưa thể trả nợ cho người đã động viên và giúp đỡ mình trong những thời kỳ khó khăn, đã tái sinh dưới hình hài của một con trâu để “kéo cày trả nợ”. Hành động này là một minh chứng rõ ràng về trách nhiệm và lòng biết ơn của ông đối với những lẽ phải trong cuộc sống, đặc biệt là việc trả ơn và trả nợ.

Hơn nữa, truyện còn mang đến thông điệp sâu sắc về giá trị của lòng nhân đức, tính thật thà và hiền lành trong cuộc sống. Đây là những phẩm chất quý báu mà Chu Văn Địch đã thể hiện trong câu chuyện, qua đó nhắc nhở hãy sống cho thật tốt để có một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc.

Kéo cày trả nợ – Truyện cổ tích Việt Nam
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới

Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé

Ngoài câu chuyện “Kéo cày trả nợ” kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.vn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *