Mèo dạy hổ [Truyện ngụ ngôn Việt Nam ý nghĩa]

Câu chuyện Mèo dạy hổ

Mèo dạy hổ là truyện ngụ ngôn Việt Nam ý nghĩa cho bé, nhắc nhở chúng ta hãy luôn đề cao tinh thần cảnh giác và châm biếm những kẻ lòng dạ vô ơn bạc nghĩa.

Ngày xưa, hổ không biết cách bắt mồi như mèo. Một hôm, hổ đến gần mèo dỗ dành:

– Bác mèo ơi, tôi là người cùng họ với bác. Tôi và bác giống nhau như hệt. Mình tôi cũng vằn vằn như mình bác. Tôi có râu, bác cũng có râu. Tôi có vuốt sắc, bác cũng có. Tôi có đuôi dài. đuôi bác cũng dài. Thế mà bác lại biết rình mồi, biết nhảy, biết trèo tài hơn tôi. Chỗ họ hàng với nhau, bác dạy cho tôi biết với.

Mèo nghe lời ngọt ngào, thương hổ là chỗ họ hàng, liền nói:

– Nhưng bác đừng ăn thịt tôi cơ.

Hổ vỗ về:

– Ai lại ăn thịt người cùng họ bao giờ? Bác nói dở quá, bác cứ tin ở tôi.

Mèo yên tâm dạy hổ học cách ngồi thu hình rình mồi, cách nhảy bắt mồi, cách vờn, cách mài giữa vuốt.

Hổ học xong lấy làm đắc chí. Đương lúc đói bụng, hổ định vồ mèo ăn thịt. Hổ bảo:

– Mẻo mèo meo!
Ta bắt được mèo
Ta nhai ngấu nghiến!

Mèo vội trèo tót lên cây, bảo hổ:

– Mẻo mèo meo!
Ta có võ trèo
Ta chưa dạy hổ.

Hổ tức quá, gầm nhảy dưới đất, nhưng không làm gì được mèo. Vì thế, bây giờ hổ không biết trèo như mèo.

Câu chuyện Mèo dạy hổ – Truyện ngụ ngôn Việt Nam
Nguồn: Tập đọc lớp 1, tập 1, Sách giáo khoa trường phổ thông, trang 56,
NXB Giáo dục – 1958

Những câu chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Truyện ngụ ngôn là những câu chuyện dân gian, sử dụng các biện pháp ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con người để chỉ đến một vấn đề triết lý, luân lý mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc hoặc lên án về một thực tế, về những tật xấu của con người.

Ngoài câu chuyện Mèo dạy hổ kể trên, Thế giới cổ tích đã sưu tầm và chọn lọc ra những câu chuyện ngụ ngôn hay nhất, mang tính giáo dục sâu sắc không chỉ dành riêng cho các bạn nhỏ, mà còn là những bài học vô cùng ý nghĩa đối với tất cả chúng ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *