Mị Châu – Trọng Thuỷ [Truyện kể năm 1960]

An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

Mị Châu – Trọng Thủy là bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa việc riêng và việc chung, giữa việc nhà với việc nước, giữa cá nhân với cộng đồng.Truyện cũng giải thích nguyên nhân dẫn đến việc mất nước Âu Lạc trong lịch sử mang đậm màu sắc của những câu chuyện truyền thuyết.

Hình tượng nhân vật và những chi tiết hư cấu trong truyện cho thấy mối quan hệ giữa phần cốt lõi lịch sử với phần tưởng tượng của nhân dân.

Vua Thục đánh [1] đánh chiếm Văn Lang, hợp nhất hai nước, đặt tên là Âu Lạc, lấy hiệu là An Dương Vương, đóng đô, xây thành ở Phong Khê [2]. Nhưng thành ở Phong Khê vừa xây xong thì lại đổ xuống. Xây ba lần, đổ ba lần.

Biết quỷ thần không phù trợ, An Dương Vương kinh hãi lập đàn làm chay mấy tháng liền. Một hôm, bỗng có một cụ già từ phương đông đi lại, báo tin cho Vua biết sẽ có sứ Thanh Giang đến giúp. Quả nhiên, hôm sau, vua thấy một con rùa lớn nổi lên mặt nước. Rùa tự xưng là sứ Thanh Giang và nói với nhà vua rằng [4]:

– Đất Phong Khê vốn có nhiều yêu tinh. Chính bọn yêu tinh quấy nhiễu.

Nhờ có thần Kim Quy giúp đỡ, An Dương Vương trừ được yêu tinh, xây xong thành. Thành cao dài hơn nghìn trượng, hình tròn ốc, vì thế gọi Loa Thành.

Làm tròn sứ mệnh, thần Kim Quy từ giã An Dương Vương ra về. Vu đưa ra cổng thành, tỏ lời cảm tạ, nói:

– Nhờ thần phù trợ, thành đã xây xong; nhưng làm thế nào chống giữ quân địch?

Thần Kim Quy rút một cái móng chân đưa cho vua và bảo dùng làm lẫy nỏ:

– Với lẫy nỏ này, vua sẽ trở thành vô địch.

Nói rồi, xuống sông, biến mất.

Lúc bây giờ, ở Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng làm bá chủ thiên hạ. Y đưa quân sang Âu Lạc, nhưng đánh đến Loa Thành thì lại phải rút quân về.

Ba năm sau, Tần Thủy Hoàng sai tướng là Triệu Đà sang xâm chiếm đất An Dương Vương lần nữa. Quân thủy, bộ đông như kiến.

An Dương Vương ra nghênh chiến. Chiếc nỏ thần bắn ba phát tiêu diệt hàng ngàn vạn quân địch. Triệu Đà biết không thể làm gì nổi, xin giảng hòa, để đặt bày mưu kế sau, hòng hàng phục được An Dương Vương mới thôi. Biết An Dương Dương có một người con gái tên là Mị Châu, Triệu Đà bèn dạm hỏi cho Trọng Thủy là con trai mình.

An Dương Vương muốn giữ mối hòa hảo, cũng bằng lòng và cho Trọng Thủy đến gửi rể trong cung nhà vua.

Trọng Thủy yêu quý vợ, nhưng không quên lời cha dặn dò. Một hôm, nhân ngồi nói chuyện, Trọng Thủy xin Mị Châu đưa cho xem chiếc nỏ thần. Mị Châu vô tình, lấy cho chồng xem. Chàng lừa dịp trộm móng rùa, làm lẫy giả thay vào.

Mị Châu – Trọng Thuỷ [Truyện kể năm 1960]
Truyện Mị Châu – Trọng Thủy

Thế rồi, Trọng Thủy xin phép về nước thăm cha. Lúc chia tay, chàng than thở cùng Mị Châu: “Vạn nhất, chiến tranh xảy ra, ta sẽ làm thế nào tìm nàng?”. Mị Châu nghẹn ngào trả lời:

– Một ngày kia loạn ly, nếu thiếp phải rời xa Loa Thành này, thì thiếp sẽ mang theo cái nêm lông ngỗng ngày trước chàng tặng. Chạy về đâu, thiếp sẽ rút lông rắc suốt dọc đường, chàng có thể theo dấu vết tìm thiếp.

Trọng Thủy về nước, dâng móng rùa cho cha. Triệu Đà tức thì cất quân đánh An Dương Vương.

Nghe tin, An Dương Vương vẫn ung dung ngồi đánh cờ không chút lo âu, yên trí có nỏ thần.

Nhưng lúc giặc kéo đến đông nghịt, đưa nỏ thần ra bắn, thì không có màu nhiệm như trước nữa.

An Dương Vương chỉ kịp nhảy lên ngựa cùng người con gái yêu, bỏ thành chạy về phương Nam.

Vào thành, Trọng Thủy không thấy Mị Châu đâu, nhớ lời dặn ngày trước, cứ theo vết lông ngỗng, đuổi theo tìm người yêu. Còn An Dương Vương thì cứ quất ngựa chạy băng ngàn, nhưng lúc nào nghe tiếng giặc đuổi theo sát gót, Mị Châu ôm chặt lấy cha, nước mắt đầm đìa, thấy mình yếu đuối trược một sự nguy khốn không làm sao tránh khỏi.

An Dương Dương chạy đến núi Mộ Dạ (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) gần bờ biển, nghẽn đường, thì tuyệt vọng gọi thần Kim Quy lên cứu.

Thần Kim Quy bỗng hiện lên mặt nước, bảo:

– Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy, chạy thoát sao được!

An Dương Vương ngoảnh lại. Trong chốc lát, vua hiểu hết cơ sự, rút gươm chém đứa con gái phản bội, rồi nhảy xuống biển, tự tận.

Trọng Thủy đến nơi, thấy thi hài Mị Châu, ôm chầm lấy, khóc than thảm thiết, rồi đưa về an táng ở Loa Thành. Nỗi nhớ thương không hề nguôi. Cuối cùng chàng nhảy xuống giếng sâu, nơi người yêu thường lấy nước tắm.

Vì tình thực mà phải thác oan, máu của Mị Châu chảy hòa cùng nước biển. Loài trai nuốt lấy, sinh ra một thứ ngọc. Ấy là ngọc trai. Những loại ngọc này đem rửa ở nước giếng Loa Thành, nơi Trọng Thủy trẫm mình thì sáng thêm.

Ở Diễn Châu (Nghệ An) có đền thờ An Dương Vương, thường gọi là đền Công. Và Cổ Loa tức Loa Thành ở Đông Anh (Hà Nội) nay là một di tích lịch sử còn được bảo vệ. Trong đền có thờ một hòn đá lớn, phẳng lì, rất đẹp.

Cái giếng người ta nói là chỗ Trọng Thủy trầm mình nay vẫn còn, làm chứng cho một tranh tình sử bi đát xảy ra mấy nghìn năm trước.

Nhà thơ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) có bài thơ vịnh Mị Châu – Trọng Thủy như sau:

Một đôi kẻ Việt người Tần
Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương
Vuốt rùa chàng đổi máy
Lông ngỗng thiếp đưa đường
Thề nguyền phu phụ
Lòng nhi nữ
Việc quân vương
Duyên nọ tình kia dở dở dang!
Nệm gấm vó câu
Trăm năm giọt lệ
Ngọc trai nước giếng
Nghìn thu khói nhang

(1916)

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy
Nguồn: Văn học trích giảng lớp 8 phổ thông, tập I (1960)
Trương Chính kể

Chú thích trong truyện Mị Châu – Trọng Thủy

[1] Vua Thục: nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nước Thục (Ba Thục) bên Trung Quốc ngày trước, mà là một họ độc lập nào ở gần nước Văn Lang. Có một số tài liệu cho rằng An Dương Vương là người Ba Thục, họ Thục tên Phán. Nhân vì tổ phụ ngày trước cầu hôn lấy Mị Nương là con gái Hùng Vương nhưng không được gả nên mang oán. Sau này Thục Phán cử binh đi đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, mới cải tên nước thành Âu Lạc.

[2] Phong Khê: tức huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay.

[3] Thanh Giang: nghĩa đen là “con sông trong”. Đây chỉ con sông thiêng, nơi Rùa Vàng ở.

Thành Cổ Loa – Di tích lịch sử trong truyện Mị Châu – Trọng Thuỷ

Làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội còn giữ được một quần thể di tích lịch sử văn hoá lâu đời gồm đền thờ An Dương Vương, am thờ công chúa Mị Châu và giếng Ngọc (tương truyền đó là nơi Trọng Thuỷ tự vẫn sau cái chết của Mị Châu). Bao quanh cụm đền, am là từng đoạn của vòng thành cổ chạy dài trên cánh đồng – dấu vết còn lại của thành Cổ Loa chín vòng do An Dương Vương xây nên.

Toàn bộ cụm di tích là minh chứng lịch sử cho sự sáng tạo và lưu truyền chuỗi truyền thuyết về sự ra đời và suy vọng của nhà nước Âu Lạc. Trong chuỗi truyền thuyết đó, nổi bật hai lớp truyện chính: một là kể về quá trình An Dương Vương xây thành và chế tạo nỏ thần thành công nhờ sự giúp đỡ của thần Rùa Vàng, hai là kể về nguyên nhân khiến cơ đồ nhà nước Âu Lạc “đắm biển sâu” liên quan đến mối tình Mị Châu – Trọng Thuỷ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *