Ông tướng Gầy [Truyện cổ tích Chăm]

Truyện Ông tướng Gầy

Ông tướng Gầy là truyện cổ tích Chăm, kể về một chàng trai nghèo khổ với sức khỏe phi thường, đã có công giúp nước nên được hưởng hạnh phúc xứng đáng.

1. Gia cảnh của người thợ rừng

Thuở xưa, có một người thợ rừng rất khỏe. Cái rìu [1] cái búa thông thường, anh không cầm vừa tay. Anh phải thuê thợ rèn đánh một lưỡi rìu bằng hai bàn tay xòe để dùng mới vừa sức. Cây gỗ to bằng thân người, anh chỉ đẵn bốn nhát là xong. Nhưng ngôi nhà của anh chỉ là một cái túp lều tranh, vì đẵn được bao nhiêu gỗ anh phải bán rẻ để có tiền mua gạo và thuốc cho vợ ốm.

Khi vợ đẻ đứa con trai đầu lòng thì anh thợ rừng lại bị gỗ đè gãy cả hai tay. Nhà đã túng lại càng thêm túng. Chị vợ lại phải đi mò cua bắt óc để nuôi chồng và con. Chú bé ăn không đủ no nên người gầy còm. Lớn lên, chú bé ngày ngày đi câu ở bờ sông để kiếm thêm.

2. Cơ duyên mang lại may mắn bất ngờ

Một hôm, có một con chim bói cá [2] lao xuống sông bắt được một con cá. Sẵn hòn đá bên cạnh, cu Gầy ném con chim. Con chim bay vù đi để rơi con cá xuống sông.

Sáng hôm sau, cu Gầy lại cầm cần ra chỗ cũ ngồi câu. Vừa ra đến nơi đã thấy ai bày sẵn dưới gốc cây sung một con cá nướng và một rá cơm. Mùi cá nướng, cơm nóng thơm nức mũi. Từ bé đến giờ chưa bữa nào có cơm ngon như thế. Cu Gầy thèm quá, ăn một mạch hết con cá và rá cơm. Ăn xong, chú xuống sông vốc nước lên uống thì nghe tiếng người giữa sông nói lên:

– Cậu đã ăn hết cơm hết cá, vậy là ta trả được ơn.

Chú bé ngơ ngác nhìn ra thì thấy một việc kì lạ: một người có đầu người thân cá nhô lên khỏi mặt nước và nói:

– Ta là thần dưới nước. Hôm qua con ta đi chơi gặp nạn, may được cậu cứu thoát. Nay ta đền ơn. Cậu cứ lên bờ sẽ biết.

Cu Gầy lóp ngóp chạy lên bờ, không may chạm phải gốc sung. Gốc sung vẹo sang một bên. Một sức mạnh kì lạ làm cho cu Gầy khỏe lên vạn lần. Chú béo lên, mắt sáng, tay chân rắn chắc. Gầy vác rìu vào rừng đốn gỗ nuôi cha mẹ. Nhưng cái rìu của ngời cha trở thành bé nhỏ quá. Chú phải thuê rèn cái lưỡi rìu bằng bốn bàn tay xòe. Tuy thân hình đã trở nên vạm vỡ, mọi người vẫn quen gọi là Gầy.

Ông tướng Gầy [Truyện cổ tích Chăm]
Truyện Ông tướng Gầy

3. Công lao của ông tướng Gầy

Năm ấy, nhà vua xây dựng cung điện [3]: khi dựng xong cột kèo, có một cây đòn dông [4] ở trên nóc không làm cách gì đưa lên được. Cây đòn dông dài đến hai mươi sải tay [5], được ghép bằng năm cây gỗ lim. Nghe tin, Gầy đến xin vua ăn một bữa cơm rồi sẽ làm giúp. Vua cho nấu một thùng gạo tẻ, một vạc canh ngon và một con dê luộc. Gầy ngồi ăn từ sáng đến trưa thì hết sách.

Ăn xong, Gầy vác hẳn cây đòn dông, bước lên các bậc đá cao và đặt lên. Cả phường [6] thợ hì hục biết bao ngày vẫn không đặt lên được, thế mà nay chỉ một chốc, Gầy đã làm xong. Vua thưởng cho Gầy ba xe lúa, chín con dê. Gầy đem những phần thưởng ấy về nuôi cha mẹ.

Nhà vua có một cô công chúa rất đẹp. Nhiều vua láng giềng đến hỏi làm vợ nhưng công chúa chưa biết chọn ai. Các nước liền đem quân đến xâm lược, định cướp công chúa về khiến cho vua và các quan văn [7], quan võ [8] trong triều hết sức lo lắng.

Gầy liền lên rừng đẵn một cây gỗ lim to bằng cái nia [9], dài chín sải tay, vác đi đánh giặc. Cây gỗ của Gầy quật xuống một nhát, quân giặc chết có đến nghìn người. Bọn giặc đành phải rút chạy.

Gầy có công lớn, được nhà vua gả công chúa và phong cho làm tướng. Vua các nước tuy không cam lòng, nhưng ai nấy đều sợ uy danh của ông tướng Gầy, chẳng dám gây chiến nữa.

Ông tướng Gầy – Truyện cổ tích Chăm
Nguồn: Kể chuyện 2, trang 97, NXB Giáo dục 1982
– TheGioiCoTich.Vn –

Chú thích trong câu chuyện Ông tướng Gầy

[1] Rìu: thứ búa lưỡi to, dẹt và sắc, dùng để đẽo gỗ, chặt cây.
[2] Bói ca: loài chim mỏ dài, lông màu xanh biếc, thường bay lượn trên mặt nước, thấy cá thì bổ nhào xuống bắt.
[3] Cung điện: nhà cửa sang trọng, nguy nga, đẹp đẽ của vua chúa.
[4] Đòn dông: thanh gỗ bắc ngang trên đầu hàng cột chính giữa nhà, tạo thành đỉnh cao của nóc nhà.
[5] Sải tay: độ dài hai cánh tay dang ngang, từ đầu bàn tay nọ đến đầu bàn tay kia.[] Vạc: chảo lớn và sâu, thường dùng để nấu cơm hoặc canh cho hàng chục ngường ăn.
[6] Phường: tổ chức rộng lớn của những người thợ thủ công cùng nghề trong xã hội phong kiến.
[7] Quan văn: quan lo việc cai trị dân trong xã hội phong kiến.
[8] Quan võ: quan lo việc đánh dẹp giặc giã, bảo vệ đất nước thời xưa.
[9] Nia: đồ đan bằng tre nứa hình tròn, lòng nông, giống như cái mẹt nhưng to hơn, thường dùng để chứa gạo (hoặc chứa cám) ở bên dưới khi sàng (hoặc giần) gạo ở trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *