Câu chuyện Sây-ba và con ngựa của vua Iran
Sây-ba và con ngựa của vua Iran là truyện cổ tích Iran, ca ngợi tài xét đoán thông minh của một viên quan tài giỏi qua việc quan sát thực tế để xử kiện.
1. Vua Iran quyết định đến xem tài xử kiện của Sây-ba.
Ngày xưa, ở nước Iran [1] có một ông quan có tài xử kiện nổi tiếng tên là Sây-ba. Một hôm, vua Iran nói với các quan trong triều:
– Ta phải đích thân [2] đến tận nơi, thử xem Sây-ba tài giỏi như thế nào?
2. Chính vua Iran cũng có việc phải đến nhờ Sây-ba phân xử
Rồi nhà vua cải trang [3], ăn mặc như một người dân thường, cưỡi ngựa ra khỏi kinh thành [4]. Dọc đương, ông gặp một người đi bộ, mồ hôi nhễ nhại dưới trời nắng chang chang. Nhà vua sốt sắng hỏi:
– Ôi! Ông đi đâu đấy? Con ngựa của tôi thừa sức chở được hai người. Mời ông lên đây đi với tôi cho đỡ mệt!
Người đi đường cảm ơn nhà vua, rồi nhảy ngay lên lưng ngựa, ngồi sau lưng vua. Tới gần một cái chợ, gã đi nhờ liền trở mặt [5] bảo nhà vua xuống ngựa. Vua ngạc nhiên cãi lại:
– Sao lại thế? Con ngựa này là của tôi chứ!
Gã đi nhờ cười nhạt, nói:
– Ai bảo ông thế? Ai làm chứng cho ông? Tài giỏi đến như Sây-ba cũng chẳng xử được ngựa này là của ông đâu!
Vua tức giận, mắng luôn:
– Ôi! Vô ơn bội nghĩa [6] đến thế là cùng! Tôi thương ông đi bộ vất vả, cho ông đi nhờ ngựa, bây giờ ông lại trở mặt, ăn cướp con ngựa của tôi hay sao? Được, ông đã nhắc đến Sây-ba, vậy ông với tôi hãy đến gặp Sây-ba để nhờ ông ta phân xử [7]!
3. Hai vụ kiện đều rắc rối như nhau cả
Hai người dắt nhau đến nhà Sây-ba. Ở đó cũng đang có mấy người ngồi đợi để được phân xử. Lúc ấy đến lượt một người bán dầu và một người mua dầu có chuyện tranh nhau một gói bạc đồng.
Người bán dầu vạch tội:
– Anh này giả vờ đến hỏi tôi mua dầu, nhưng anh ta nhìn thấy gói bạc của tôi liền giật phắt lấy!
Người mua dầu cãi lại:
– Ngài nghe có lọt tai không chứ! Gói tiền kia chính là của tôi. Tôi đến định mua dầu, nhưng vừa đưa tiền ra, anh ta đã nhận vơ gói bạc là của anh ta!
Sây-ba nghe xong, bảo họ:
– Hai ông hãy để gói bạc lại đấy! Sớm mai các ông đến đây, tôi phân xử cho!
Nói rồi, Sây-ba quay sang hai người tranh nhau con ngựa. Nghe xong đầu đuôi câu chuyện, ông nói:
– Sau vườn có cái chuồng ngựa rộng, các ông hãy dắt ngựa vào đó, rồi sáng mai đến, tôi sẽ phân xử.
4. Cả hai vụ kiện đều được Sây-ba xét xử chính xác và công bằng
Sáng hôm sau, vua Iran và gã đi đường đến nhà Sây-ba, đã thấy hai người kia đến trước đang đợi ở đấy. Sây-ba trao gói bạc cho người mua dầu và phạt gã bán dầu hai mươi roi về tội tham lam và gian dối.
Đến chuyện con ngựa, Sây-ba bảo hai người đi theo ông ra chuồng ngựa để nhận ngựa của mình. Tới nơi cả nhà vua lẫn gã đi đường đều trỏ vào con ngựa và nói:
– Đâu chính là con ngựa của tôi!
Thế là Sây-ba vào chuồng dắt ngựa ra, trao vào tay nhà vua và bảo:
– Nó là của ông! Còn anh này, ta phạt bốn mươi roi vì tội vô ơn bội nghĩa, còn nặng hơn cả tội tham lam, chiếm đoạt của người khác.
5. Tài xét đoán của Sây-ba làm cho vua Iran phải khâm phục hết sức
Chờ mọi người ra về hết, nhà vua mới hỏi Sây-ba:
– Tôi phục tài [8] ông lắm! Làm sao ông biết gói bạc đồng là của người mua dầu?
Sây-ba thản nhiên trả lời:
– Tôi đã đổ cả túi bạc và một thau nước ấm, không thấy vàng dầu nổi lên mặt nước. Rõ ràng những đồng tiền ấy chưa hề qua tay anh bán dầu bao giờ, như vậy không phải là tiền của hắn ta!
Vua thích quá, thốt lên [9]:
– Thật là tuyệt!… Thế còn cả hai chúng tôi đều cùng đến nhận con ngựa này, tại sao ông lại biết nó là ngựa của tôi?
Sây-ba nói:
– Hai người đều nhận nó, nhưng qua ánh mắt nó thì nó chỉ nhận có một mình ông thôi!
Vua Iran càng phục tài Sây-ba hết mức và thấy qua chuyến đi này, nhà vua đã học hỏi được ở ông ta khá nhiều điều bổ ích.
Sây-ba và con ngựa của vua Iran – Truyện dân gian Iran
Nguồn: Kể chuyện 2, trang 131, NXB Giáo dục -1982
– TheGioiCoTich.Vn –
Chú giải trong truyện Sây-ba và con ngựa của vua Iran
[1] Iran: tên gọi của một nước ở vùng Tây Á (cạnh vịnh Ba Tư).[2] Đích thân: chính mình làm việc gì.
[3] Cải trang: thay đổi cách ăn mặc cho khác đi để mọi người không nhận ra được mình.
[4] Kinh thành: tức kinh đô (thành phố trung tâm của một nước thời phong kiến, có vua ở).
[5] Trở mặt: đang tử tế với ai đó, quay ra có thái độ xấu với họ một cách bất ngờ.
[6] Vô ơn bội nghĩa: quên ơn và phụ cả tình nghĩa đối với người đã làm ơn cho mình (cũng nói là: vong ân bội nghĩa).
[7] Phân xử: giải quyết một việc tranh chấp quyền lợi hoặc một sự xích mích, cãi cọ nhau.
[8] Phục tài: chịu là tài, là giỏi hơn mình.
[9] Thốt lên: kêu lên một cách đột ngột do không nén được cảm xúc.