Sự tích bãi ông Nam [Truyện truyền thuyết Việt Nam]

Câu chuyện Sự tích bãi ông Nam

Sự tích bãi ông Nam là truyện truyền thuyết Việt Nam, qua đó lý giải cho chúng ta biết vì sao loài cá Ông lại hay giúp đỡ người dân chài mỗi khi gặp nạn.

Đồng thời, câu chuyện còn giải thích về nguồn gốc và tên gọi của địa danh bãi ông Nam ở Cà Mau ngày nay.

1. Đức Bồ tát giúp người dân chài trong nạn bão tố

Ngày ấy, những người dân chài vùng biển Nam trong khi ra khơi làm ăn thường bị nạn bão tố. Mỗi lần bão tố thình lình xảy ra, nếu trên đất liền chỉ đổ cửa đổ nhà thì trên mặt biển khơi có thể chết hàng trăm hàng ngàn mạng người. Không những thế, nó còn chôn vùi xuống đáy biển biết bao nhiêu là chài lưới thuyền mảng, những của cải mồ hôi nước mắt tích góp không phải chỉ một ngày. Vì vậy, những dân chài vùng biển Nam luôn luôn kêu gào oán trời trách đất độc ác phũ phàng, làm cho con mất cha, vợ lìa chồng, táng gia bại sản. Cuối cùng lời kêu gào của họ cũng động đến tòa sen.

Một hôm, đức Bồ tát ngự trên tòa sen nghe tiếng than khóc, bèn cúi nhìn xuống toàn cõi biển Nam. Nhận thấy muôn ngàn sinh linh bỏ mạng đều là những con người nghèo khổ, lương thiện, chất phác, thì động lòng thương, bèn cởi ngay chiếc pháp y mình đang mặc, xé thành từng mảnh ném xuống mặt biển rồi niệm chú cho mỗi mảnh hóa thành một con vật để chúng làm công việc cứu giúp dân chài. Vừa xuất hiện ở Nam hải, những con vật ấy bèn bơi lội khắp nơi, cố gắng làm những việc được giao, nhưng tiếc thay, thân tuy dài nhưng không lớn mấy, không thể chống chọi với những cơn bão tố, chẳng đủ sức che chở cho ghe thuyền, nên cuối cùng kết quả không có bao lăm. Bởi vậy, một hôm chúng họp lại trình lên tòa sen để Bồ tát biết sự bất lực của chúng.

Thấy vậy Bồ tát bèn lại mượn mấy bộ xương voi ném xuống biển, biến vật nhỏ bé trước thành những con vật vừa dài vừa có vóc dáng khổng lồ. Bồ tát dặn:

– Ta đã làm cho thân thể các ngươi đủ sức đương đầu với bão tố. Từ nay ta giao cho các ngươi chuyên giữ phận sự cứu nguy trên vùng Nam hải. Các người hãy cố gắng làm tròn bổn phận. Để giúp đỡ các ngươi, ta sẽ cho một số quân đi theo hầu hạ, đồng thời nhắc nhở các ngươi không được lơ là với công việc.

Nghe lời truyền phán, những con vật mới vui lòng chia nhau bơi đi các nơi làm chức trách của mình. Bọn quân hầu cũng chia nhau đi theo hết lòng giúp rập.

Nhưng rồi Bồ tát vẫn chưa vừa ý. Nhận thấy mấy con vật mới sáng tạo vì quá to xác nên không được hoạt bát nhanh nhẹn, Bồ tát lại ban cho chúng phép thần thông để có thể sớm phát hiện ra tiếng kêu cứu xa hàng nghìn dặm. Đối với bọn quân hầu của chúng, Bồ tát cũng cho một tên dùng mực để chỉ đường vạch lối cho chủ chúng đi được nhanh, một tên thì cầm một ngọn đao luôn luôn hộ vệ tả hữu. Như vậy là Bồ tát đã tạo nên cá voi, cá mực và cá đao.

Nhờ thế, dân chài vùng biển Nam cũng được an ủi đôi phần, từ đó họ gọi cá voi bằng cái tên ông Nam hay cá Ông [1].

2. Sự tích bãi Ông Nam

Bấy giờ ở một cửa biển Nam có một vàm sông [2] quen gọi là vàm Ông Đốc, có một cá Ông làm trấn thủ tại đây. cá Ông làm việc tận tụy, ít khi xa rời vùng mình cai quản. Nhưng một hôm nó có ý muốn được ngao du một chuyến ra khỏi cõi bờ đi ngắm xem cho thỏa thích. Bèn tỏ ý ấy với những kẻ tùy tòng. Cá mực và cá đao đều trả lời:

– Hiện nay chưa phải là mùa giông bão, ngài có đi xa cũng chẳng sao. Chỉ mong ngài phải nhớ trở về sớm, đừng có la cà mà hồi không kịp. Hơn nữa cũng cần phải bảo vệ tấm thân vì ngài đang kỳ thai nghén.

Được lời, cá Ông bèn quyết chí xuất hành cùng với cá mực và cá đao. Lịch trình đã định là sẽ vòng theo mũi biển, cứ như bây giờ gọi là mũi Cà Mau, lần lượt tiến dần về phía Đông bắc đi thăm các vàm khác, ở đó sẽ gặp một số bạn bè và người thân thuộc, cuối cùng lại vòng theo mũi biển trở về chỗ cũ. Nhằm một buổi tối trời, cả đoàn kéo nhau ra đi. Vừa qua khỏi mũi đất, họ tiến vào vàm sông Bồ Đề. Đối với cá Ông, cuộc ngao du trở nên ngày một thú vị khi được gặp lại những người quen thuộc và được thấy những cảnh đẹp ở vùng biển Đông. Cho nên cả đoàn lưu lại nhiều ngày ở vàm sông Bồ Đề để xem cho thỏa thích trước khi rời lên phía Bắc.

Nhưng một đêm nọ, bỗng nhiên khi lạnh làm rởn da mọi người: báo hiệu một con sóng gió hãi hùng sắp nổ ra. Không ngờ bão tố lại xuất hiện bất thường như vậy, cả đoàn hết sức hoảng hốt.

– Trời nổi bão rồi. Chúng ta phải mau mau trở về đi thôi, vì thế nào cũng có người bị nạn.

Tiếng chủ tướng kêu lên. Và nó ra lệnh cho cả đoàn tập hợp đông đủ để chuẩn bị trở về.

Nhưng khi quay về, vì có phép thần nên cá Ông đã biết tin có một chiếc ghe đang vô tình vượt ra khơi thuộc vàm sông Ông Đốc. cá Ông than thở:

– Ôi! vẫn còn có một chiếc ghe vật vờ ngoài vàm. Bây giờ mà trở về vùng ấy nhanh nhất cũng phải mất một ngày. Biết làm sao bây giờ?

Thấy cá đao thỉnh thoảng lại thúc bên hông, cá Ông hết sức lo lắng.

Bây giờ về đường biển thì e không kịp vì phải đi quanh. Chỉ có cách là chúng ta chịu liều đi tắt và vàm sông Bồ Đề, tuy có nguy hiểm nhưng may ra có thể cứu kịp.

Bèn nói sao làm vậy. Cả đoàn lại tiến phát. Nhưng khi lọt vào vàm thì bão đã nổi lên mỗi lúc một mạnh. Hơn nữa, sông Bồ Đề thì nước cạn mà thân của Ông Nam lại quá vĩ đại. Tuy vậy, theo dấu cá mực, nó vẫn cố trườn, có lúc phải trườn trên bãi đầy cây tràm và cây đước xây xát cả mình mẩy. Hồi này nó đang mang thai. Vì phải cố gắng dùng hết sức lực nên cái thai bị sảy. Cá bé ra đời đáng lý có thể sống được, nhưng vì nước cạn nên chẳng mấy chốc thì tắt thở. Tuy lòng đau như cắt và mệt hết sức, Ông Nam vẫn không bịn rịn, vẫn cố xuyên qua dòng nước để về cho kịp vàm sông Ông Đốc, nơi mình có trách nhiệm với dân chài.

Chẳng mấy chốc cả đoàn về được đến nơi. Bão khi ấy đang tung hoành dữ dội hết mức. cá Ông vùng ngay ra khơi, chỉ một nhoáng nó đã đội chiếc ghe sắp bị chìm lên lưng đưa vào bờ. Dọc đường nó còn cứu được năm chiếc khác đang vật vờ trong sóng hiển.

Vì đuối sức nên chuyến ấy Ông Nam bị đau đến mấy tuần. Biết được mọi việc xảy ra, Bồ tát cũng vui lòng xá cho đoàn đệ tử tội tự ý rong chơi mà không bẩm báo.

Từ đó, dân chài vàm sông Bồ Đề lập miếu thờ đứa con vô tội của cá Ông đẻ rơi trong khi làm phận sự.

Hiện nay cái miếu ấy vẫn còn, người ta quen gọi là miếu Ông Nam. Cả cái dòng nước mà Ông vượt qua ngày nay đã bồi thành bãi, người ta cũng gọi là bãi Ông Nam.

Chú thích trong câu chuyện Sự tích bãi ông Nam

  1. Người dân chài ở vùng Côn Lôn cho rằng mỗi lần cá voi đi đâu thì ở phía trước có cặp cá đao rất lớn, kế đó là một cặp cá mực rất to, nhưng là để kiếm mồi cho cá voi. Cá đao phải dùng “gươm” của mình để lùa các loài cá nhỏ vào cái miệng khổng lồ của chủ tướng, còn cá mực thì phun chất mực đen trong nước biển khiến cho các loại cá nhỏ không thấy đường mà đi, phải chạy vào miệng chủ tướng. Khi miệng đã đầy cá, cá Ông bèn ngậm lại, ăn một cách ngon lành, lại còn xịt nước lên cao thành vòi để cảm ơn những kẻ tùy tòng đã giúp cho mình ngon miệng. Còn ở một số vùng khác thì cho rằng cá Ông đi đâu, tiền đội thường có cá mực dẫn đường, lại phun chất mực như để đánh dấu cho chủ tướng biết đường mà đi, còn hai bên sườn thì có cá đao đi hộ vệ.
  2. Vàm sông: tức cửa sông hoặc cửa biển, chỗ sông đổ ra biển.

Câu chuyện Sự tích bãi ông Nam – Truyện truyền thuyết Việt Nam
– TheGioiCoTich.Vn –

Kho tàng truyện truyền thuyết Việt Nam và thế giới

Ngoài câu chuyện Sự tích bãi Ông Nam kể trên, Thế giới cổ tích đã sưu tầm và chọn lọc những truyện truyền thuyết hay nhất, nhằm giúp các bạn nhỏ hiểu hơn về các nhân vật lịch sử hoặc lí giải về nguồn gốc ra đời các phong tục, tập quán, địa danh, v.v… của người Việt Nam và thế giới.

Đừng bỏ lỡ những câu chuyện truyện thuyết hay nhất cùng Thế giới cổ tích!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *