Tính nợ [Truyện cổ tích Trung Quốc về lòng tham]

Tính nợ – Truyện cổ tích Trung Quốc

Tính nợ là truyện cổ tích về lòng tham của Trung Quốc ngụ ý phê phán, đả kích bọn giàu có tham lam chuyên đi ức hiếp, bóc lột người lao động nghèo khổ.

1. Anh nông dân bị lão chủ quán và quan tòa ức hiếp

Ngày xưa có một anh nông dân nghèo mua chịu một con gà luộc của một quán hàng.

Ít lâu sau, anh đến quán hàng trả nợ. Lão chỉ quán lấy bàn tính ra, loay hoay tính mãi. Cuối cùng lão chủ quán nói:

– Anh phải trả tôi ba trăm… phải, đúng ba trăm đồng.

Anh nhà nghèo không ngờ một con gà của lão lãi bằng một trăm con gà ở chợ. Anh ngạc nhiên hỏi lại lão chỉ quán. Lão ta nói:

– Lại không đến ngần ấy ư? Anh cứ tính mà xem, nếu anh không ăn con gà ấy của tôi, nó sẽ đẻ được bao nhiêu trứng? Những trứng ấy ấp nở được bao nhiêu con? Gà con ấy lớn lên, lại đẻ được bao nhiêu trứng!…

Lão chủ quán nói một thôi một hồi và bắt anh nông dân phải trả đủ số tiền ấy. Tất nhiên anh nông dân không chịu trả một cách vô lí như thế. Lão chủ quán liền ra tòa kiện.

Quan tòa xử cho lão chủ quán được kiện vì lão ta đút lót cho quan một số tiền. Anh nhà nghèo ra về, lòng buồn rười rượi.

2. Lão chủ quán và quan tòa bị A-phan-ti vạch mặt

Đi được một quãng, anh nhà nghèo gặp A-phan-ti, A-phan-ti là người hào hiệp hay cứu giúp kẻ nghèo, ai cũng biết tiếng. Anh nhà nghèo liền đem chuyện mình kể cho A-phan-ti, mong A-phan-ti giúp đỡ.

Nghĩ một lát, A-phan-ti nói:

– Anh hãy trở lại tòa án nói cho quan tòa biết xử như thế là bất công. Anh cứ đòi ngày mai tòa phải đem việc này xử trước công chúng. Tôi sẽ đến cãi giúp anh.

Anh nông dân trở lại tòa án. Quan tòa đành phải bằng lòng xử lại, nhưng với điều kiện: nếu anh vẫn thua thì sẽ phạt gấp đôi.

Hôm sau, dân chúng kéo đến dự phiên tòa rất đông. Quan tòa hỏi lão chủ quán. Lão ta đứng lên nói hết lí lẽ dài dòng của mình. Quan tòa hỏi đến anh nông dân. Anh đứng im không nói, viện lẽ còn đợi người cãi hộ.

Một lúc sau, A-phan-ti mới đến.

Quan tòa hỏi:

– Tại sao anh đến chậm? Có lẽ anh cho phiên tòa là không cần sao?

A-phan-ti nói:

– Tất nhiên là cũng cần. Nhưng xin quan hãy xét cho, mai tôi đã phải gieo mạ, thế mà hôm nay tôi vẫn chưa rang hết thóc giống. Đó mới thật là việc cần. Tôi phải rang nốt ba đấu thóc, nên mới đến chậm đấy ạ!

Nghe thấy thế, quan tòa mừng lắm, vội quát to:

– Anh điên đấy ạ? Thóc ra chính còn mọc sao được? Thế mà cũng đòi ra tòa cãi hộ ư?

Nói đoạn, quan tòa liền gạt A-phan-ti đi, không cho cãi giúp anh nông dân. Dân chúng hồi hộp lo cho A-phan-ti. Nhưng A-phan-ti vẫn ung dung nói:

– Ông nói đúng! Hạt giống đã rang chín thì không thể đem gieo mạ được. Còn con gà luộc mà anh bạn tôi đã ăn cũng không thể nào đẻ trứng được nữa. Có phải thế, thưa quan tòa và lão chủ quán?

Dân chúng sung sướng reo lên:

– Đúng rồi! Gà đã luộc thì không thể nào đẻ trứng được nữa!

Quan tòa và lão chủ quán trố mắt nhìn nhau. Cuối cùng, quan tòa phải để anh nông dân trả tiền gà cho lão chủ quán theo giá bán ở chợ.

Câu chuyện Tính nợ – Truyện cổ tích Trung Quốc
Nguồn: Kể chuyện 2, trang 85, NXB Giáo dục – 1982

– TheGioiCoTich.Vn –

Tính nợ [Truyện cổ tích Trung Quốc về lòng tham]
Mẹo xử kiện

Chú giải trong truyện cổ tích về lòng tham: Tính nợ

  1. Bàn tính: đồ dùng để tính toán giá tiền hàng của các cửa hiệu ngày xưa.
  2. Tòa: (tòa án) nơi xử kiện.
  3. Kiện: đưa ra tòa án đề nghị xét xử người mà mình cho là đã làm điều gì trái pháp luật đối với mình.
  4. Quan tòa: viên quan làm nhiệm vụ xét xử ở tòa án.
  5. Hào hiệp: thẳng thắng, dũng cảm, hay giúp đỡ người khác trong khó khăn, hoạn nạn.
  6. Bất công: không công bằng, thiên về người này hoặc người khác một cách không thỏa đáng.
  7. Công chúng: đông đảo nhân dân cùng chứng kiến một sự việc.
  8. Đấu: đồ dùng (thường bằng gỗ) để đong thóc gạo.

Câu hỏi cho bé trong truyện Tính nợ [Truyện cổ tích về lòng tham]

Đoạn 1: Anh nông dân bị lão chủ quán và quan tòa ức hiếp.

  1. Lão chủ quán tính nợ với anh nông dân như thế nào?
  2. Anh nông dân có chịu không? Kết quả ra sao?

Đoạn 2: Lão chủ quán và quan tòa bị A-phan-ti vạch mặt.

  1. A-phan-ti bàn với anh nông dân làm gì?
  2. Hôm sau, phiên tòa lúc đầu diễn ra như thế nào?
  3. A-phan-ti đã bẻ gãy lí lẽ gian giảo của quan tòa như thế nào?
  4. Rút cục, quan tòa phải xử ra sao?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *